Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Chu du Tây Tạng trên con đường Trà - Mã cổ



Đó là một con đường mòn trải dài, dần đi vào lãng quên và chỉ còn tồn tại trong suy tưởng của nhiều người dân bản địa...
Sâu trong những dãy núi ở Tứ Xuyên, con đường mòn huyền thoại vận chuyển trà bằng ngựa liên thông Trung Quốc với Tây Tạng tới nay đã hàng nghìn năm tuổi. Đây cũng là con đường thông thương buôn bán cổ nhất nhì châu Á.


Vân Nam được xem là cái nôi trà của thế giới, do vậy, trà từ Vân Nam đã được đưa sang Tây Tạng rất nhiều. Những cung đường vận chuyển trà hoạt động rất tấp nập và được ghi nhận khá rõ vào triều nhà Tống. Theo Hán - Tạng sử thi, từ xa xưa, quý tộc Tây Tạng đã biết và yêu thích sử dụng các loại ly, chén uống trà khác nhau. Có lẽ cũng vì lí do ấy mà con đường cổ này ra đời.


Con đường cổ dài 4.000km, có nhiều nhánh đường khác nhau, tuy nhiên có hai nhánh chính tồn tại lâu nhất với khoảng 1.200 năm lịch sử. Đích đến của chúng đều là các vùng đất thuộc Tây Tạng, nơi có nhu cầu về trà rất lớn.

Triều đình phong kiến Trung Quốc thời Tống đã bắt đầu trao đổi buôn bán với người Tây Tạng qua con đường này. Họ đổi trà lấy những đoàn ngựa chiến để phục vụ chiến tranh ở đồng bằng. Cái tên “Trà - Mã” chính thức xuất hiện từ đây.

"Trà - Mã cổ đạo" nối liền những tu viện cao nhất thế giới ở Tứ Xuyên, đồng thời cũng là địa điểm phân phối trà cho toàn khu vực. Hơn 7.700 tu sĩ ở đây ngày nào cũng uống trà hai lần - một nguồn cầu về trà vô cùng lớn.

Thời kì thịnh vượng nhất của con đường này diễn ra dưới triều Minh (1369 - 1644). Trà quan trọng tới nỗi nhà Minh có thể dùng nó gây sức ép lên tộc người Tây Tạng. Sử cũ chép rằng: trung bình có hơn 15 triệu kg trà từ Vân Nam được đổi lấy 20.000 chiến mã mỗi năm.

Tới đời nhà Thanh, năm 1735, việc mua ngựa chiến ngừng lại nhưng một lượng lớn trà vẫn được đưa vào Tây Tạng để đổi lấy những mặt hàng khác như da, nhu yếu phẩm…

Con đường này đã in mòn dấu những bước chân ngựa. Những đoàn vận chuyển trà tới đây được gọi là các đoàn “mabang” (lữ hành). Họ bao gồm những mã phu thông thạo rừng núi và đường đi nước bước nơi này, dẫn đường cho những chuyến hàng được suôn sẻ.

Phần lớn những người khuân vác trà là nam, song nữ giới cũng tham gia vào công việc này. Thông thường, 1kg trà sẽ đổi được 1kg gạo và ai mang càng nhiều thì càng tốt. 

Con đường “Trà - Mã cổ đạo” dài, ngoằn ngoèo luôn là thách thức cho bất kì ai. Mưa, tuyết và bão xảy đến bất ngờ, sẵn sàng cướp đi mạng sống của con người. Nhiều mã phu và thương nhân đã nằm lại nơi này và ngày nay, ta vẫn có thể bắt gặp những nấm mộ dọc đường đi.

“Bảy bước lên, nghỉ một lần/ Tám bước xuống, nghỉ một lần. Mười một bước bằng, nghỉ một lần/ Bạn thật ngu ngốc nếu không nghỉ chân” - đây là những câu hát quen thuộc được cất lên bởi các mã phu truyền thống khi đi trên "Trà - Mã cổ đạo".

Lễ hội Horse Nagqu được người Tây Tạng tổ chức nhằm thể hiện sự tự hào của mình về con đường cổ và giống ngựa chiến quê hương. Qua hàng ngàn năm, những con ngựa tốt nhất được gọi là các Nangchen. Chúng là giống nhỏ người nhưng cứng cáp, thiện chiến, thích nghi tốt với tình trạng thiếu oxy trên cao và là dòng ngựa mơ ước thời xưa khi đổi trà của người Trung Quốc.

Theo thời gian, giờ đây “Trà - Mã cổ đạo” không còn vị thế độc tôn của mình nữa. Con đường cổ thật sự giờ chỉ còn là dấu tích. Chính quyền đã san bằng, ủi nhiều đoạn đường cho ô tô tải và các phương tiện khác lưu thông buôn bán.

Con đường giờ đây trở nên bị quên lãng và chỉ tồn tại trong suy tưởng của những người dân bản địa già nua, có những đoạn đường cổ giờ đã vĩnh viễn biến mất.

Không có nhận xét nào: