Chiến tranh, động đất, sóng thần, hỏa hoạn..., không gì có thể làm xao động cõi niết bàn. Cả 8 thế kỷ đã trôi qua, Motsuji (Nhật Bản) vẫn là chốn bình yên của những bậc chân tu, vẫn cứ là vùng đất đầy thi vị với những kẻ phàm trần đầy ham muốn khám phá.
Nhân tạo kiểu Nhật
Nhiều người gọi Motsuji là chùa hoa. Cơ man nào là hoa khoe sắc hầu như quanh năm ở ngôi chùa được xây dựng cách đây hơn 1.100 năm này.
Hoa mơ Nhật nhuộm hồng khuôn viên rộng lớn cứ mỗi độ cuối đông, đầu xuân - chỉ mới là món khai vị nhẹ nhàng cho bữa tiệc hoa anh đào quyến rũ nao lòng đến ngay sau đó. Hè về, đỗ quyên nở rộ rực rỡ, kiêu hãnh đọ dáng cùng hoa chuông tím mơ màng, hoa sen hồng tươi tắn, hoa bụi bé xíu trải dài khắp nơi.
Cuối tháng 6 đầu tháng 7, người ta còn tổ chức lễ hội hoa iris ở Motsuji. Có lúc cả 30.000 hoa iris thuộc 300 chủng khác nhau cùng rộ nở như một tấm thảm tím biêng biếc khổng lồ. Đi lễ chùa vào thời điểm này, người ta cũng rộn rã phơi phới. Chỉ có mùa thu chẳng thấy bóng hoa.
Thật ra thì với các phật tử ngoan đạo, đi chùa thời điểm nào trong năm cũng đều giúp họ hướng thiện hơn. Còn với những kẻ “tà ma ngoại đạo” lòng dạ còn đầy máu sân si của cõi tục, mùa thu ở chùa Motsuji mới mê hoặc đến quên cả lối ra.
Motsuji được hình thành từ năm 850, phát triển rực rỡ, có lúc gồm cả 40 đại sảnh và tháp, 500 nhà sư tu hành. Nhưng nhiều trận hỏa hoạn khác nhau đã thiêu rụi ngôi chùa, các tòa nhà hiện nay là đều được xây dựng lại trong thế kỷ 20. Chỉ có một thứ duy nhất là còn nguyên vẹn qua bao phen nổi giận của bà hỏa, qua cả chiến tranh tàn bạo, thiên tai khốc liệt: vườn niết bàn, được tạo ra cách đây 8 thế kỷ. Đó là một trong những khu vườn hiếm hoi được tạo dựng theo đúng công thức cổ xưa để tái hiện lại cõi niết bàn của Đức Phật còn tồn tại nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Trung tâm của khu vườn thuộc về cõi cực lạc là một cái ao nhân tạo, với bờ đá nhân tạo và một ốc đảo bằng đá nhân tạo nằm ở giữa. Một rãnh nước nhân tạo nối liền mạch nước trên núi chảy quanh co xuống ao. Liền kề cái ao, một ngọn đồi nhân tạo cao chừng 4 m được dựng lên.
Thế đấy, cõi niết bàn ở Motsuji toàn là đồ giả do tay con người tạo ra! Vậy mà 800 năm rồi, cứ mỗi lần con người ta nhìn xuống mặt ao phẳng lặng trong vắt như gói cả bầu trời, cõi lòng bỗng chùng xuống, thanh thản lạ thường! Vậy mà 800 năm rồi, mỗi lần nhẹ nhàng tản bộ quanh cái ao rộng lớn giữa khung cảnh thanh bình tĩnh lặng, những lo toan tính toán tan biến dần theo từng bước chân. Vậy mà 800 năm rồi, mỗi lần đưa mắt nhìn lên tầng tầng lớp lớp cây cối trên ngọn đồi xanh tươi, thấy cuộc đời thêm phần tươi tắn.
Nhưng mỗi độ thu về, khi những cành cây cổ thụ khẳng khiu soi bóng xuống mặt ao, khi tầng tầng lớp lớp cây cối xanh tươi bỗng nhuộm vàng, nhuộm đỏ, niết bàn nhân tạo mới trở nên kỳ ảo như ở cõi... niết bàn được mô tả trong kinh Phật. Không dễ để tả bằng lời, chỉ biết cái cõi niết bàn đó cứ lung linh, huyền ảo giữa những thảm vàng, thảm đỏ, thảm xanh, khiến du khách quên cả lối quay về cõi tục.
Quên cả vàng lá
Sau khi tìm được lối ra khỏi Motsuji, chỉ cần vài phút, bạn đã có mặt ở Chusonji, vốn được tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản giới thiệu là một trong những ngôi chùa Phật giáo quan trọng nhất trên xứ sở mặt trời mọc. Ai đến chùa Motsuji cũng muốn vào được Konjikido, khu đại sảnh toàn vàng là vàng. Đó là một trong 2 công trình thách thức thời gian vẫn tồn tại đến tận ngày nay (Chusonji được xây dựng từ năm 850).
Đại sảnh được làm từ gỗ, bọc vàng lá óng ánh toàn bộ, trang trí thêm với ngọc trai tinh xảo. Những bức tượng vàng chạm trổ tinh vi, những bức tường vàng láng bóng, những cột đình vàng to đùng..., thế giới của Đức Phật được mô tả cực kỳ lộng lẫy.
Nhưng với những ai không quen với thế giới vàng, đường dẫn đến Konjikido mới quyến rũ hơn. Đó là một con dốc cao chạy dọc theo cánh rừng với những cây tùng được trồng từ 3-4 thế kỷ trước, xen lẫn với nhiều loại cây lớn khác nhau. Vẫn cứ là mùa thu! Con dốc vàng rực, càng lấp lánh mỗi khi có ánh nắng lọt qua, nhưng tuyệt nhiên không hề chói mắt như vàng lá trong đại sảnh. Nó có tên hẳn hoi: Tsukimizaka, có nghĩa dốc ngắm trăng.
Tôi đến Chusonji lúc gần trưa, lại không phải ngày rằm để có cơ hội ngắm trăng. Nhưng đi giữa rừng cây lao xao vàng rực ở trên cao, phóng mắt nhìn xuống thảm lá xanh, lá vàng, lá đỏ chen lẫn nhau ở bên dưới giữa mùa thu Nhật đã là mãn nhãn cho một buổi đi chùa quên cả cầu kinh...
Chùa Chusonji và Motsuji là 2 cái tên trong danh sách gồm 5 ngôi chùa, vườn, di chỉ khảo cổ và núi ở Hiraizumi đã đưa cái tên này vào danh sách di sản thế giới của UNESCO. Hiraizumi là một thị trấn nằm ở khu vực Tohuku của Nhật bị sóng thần, động đất tàn phá nặng nề hồi năm 2011.
Bạn chỉ mất chừng 2 giờ rưỡi đồng hồ đi tàu cao tốc từ Tokyo đến Hiraizumi.
|
Bài, ảnh: Kiều Oanh
(từ Nhật)
(từ Nhật)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét