Tương cà chua còn gọi là ketchup có nguồn gốc từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, còn pasta lại không do người Italy sáng tạo như bạn vẫn tưởng.
1. Bánh cookie may mắn
Bánh may mắn thường được dùng như một món tráng miệng trong các nhà hàng Trung Quốc tại Mỹ và một số nước khác, nhưng lại không có ở Trung Quốc. Xuất xứ chính xác của bánh may mắn không rõ ràng, mặc dù nhóm người nhập cư tại California tuyên bố đã phổ biến rộng rãi món ăn này trong những năm đầu thế kỷ 20, dựa trên công thức một loại bánh quy giòn truyền thống của Nhật Bản. Bánh may mắn được tổng kết là “có xuất xứ từ Nhật Bản, phổ biến ở Trung Quốc, nhưng cuối cùng lại được tiêu thụ ở Mỹ”.
2. Tương cà
Ngày nay, ketchup được coi là một phần không thể thiếu trong các bữa ăn ở châu Âu và Mỹ. Tuy vậy, ít ai biết rằng ketchup được sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong tiếng Trung Quốc (tiếng vùng Hạ Môn, Phúc Kiến), ke-tchup có nghĩa như nước sốt làm từ cá hoặc ốc. Trong khi đó, người Malaysia cũng có từ kicap để chỉ nước mắm. Người dân ở những vùng này còn làm cả thức ăn từ hoa quả ngâm, dầm với dấm. Những thương nhân người Anh và người Hà Lan trong quá trình trao đổi hàng hóa đã mang ke-tchup trở về châu Âu và sau đó tên này được Âu hóa để trở thành ketchup.
Năm 1792, ketchup làm từ cà chua đã lần đầu tiên được nhắc tới chính thức trong cuốn sách "The new art of Cookery" của Richard Brigg. Tới cuối thế kỷ 19, khoảng năm 1888 Công ty Heinz bắt đầu sản xuất đại trà ketchup làm từ cà chua và trở nên nổi tiếng toàn thế giới cho tới tận ngày nay.
3. Bánh rán churros
Churros, đôi khi được gọi là bánh rán Tây Ban Nha, là một loại thức ăn vặt dạng bánh ngọt chiên, gần giống với bánh choux. Món bánh này không chỉ xuất hiện nhiều ở đất nước bò tót mà còn phổ biến ở nhiều quốc gia như Pháp, Philippines, Bồ Đào Nha, khu vực Mỹ Latinh (bao gồm cả đảo Caribe nói tiếng Tây Ban Nha) và Mỹ. Thế nhưng nguồn gốc xuất xứ chính xác của churros vẫn là một dấu hỏi lớn. Có giả thuyết cho rằng, sự xuất hiện của món bánh rán này bắt nguồn từ những người chăn cừu ở Tây Ban Nha. Từ xa xưa, do điều kiện chăn thả động vật hầu như ở vùng núi cao, không thể lúc nào cũng có sẵn bánh mì tươi nên một loại bánh bột chiên, cực kỳ đơn giản và dễ làm đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu của người dân nơi đây.
Đi qua mỗi đất nước khác nhau, churros được biến đổi để phù hợp hơn với khẩu vị và sở thích của người dân ở nơi đó song không ai có thể phủ nhận được sức hấp dẫn của món bánh nguyên bản. Từng que bánh vàng ươm với lớp vỏ ngoài giòn xốp, thơm hương quế; bên trong dai mềm, phảng phất chút hương bơ béo ngậy chấm cùng sốt chocolate sánh mịn quả thật là ngon không thể chối từ.
4. Bánh táo
Bánh táo là một món tráng miệng rất nổi tiếng của Mỹ, bởi thế người ta mới có câu: "Khi nói đến bánh táo là nói đến người Mỹ". Tuy nhiên, trên thực tế, món ăn này lại không có xuất xứ từ Mỹ. Chiếc bánh táo được sáng tạo dựa trên công thức của bánh bí ngô trong sách dạy nấu ăn của người Anh xuất bản năm 1675. Và lần đầu tiên được nhắc đến trong một tài liệu lịch sử của nhà thơ người Anh, Robert Greene.
5. Bánh sừng bò
Bánh sừng bò còn được gọi là bánh con cua hay bánh croa-xăng (tiếng Pháp viết là croissant) là một dạng bánh ăn sáng làm từ pâte feuilletée (bột xốp), được sản xuất từ bột mì, men, bơ, sữa, và muối. Rất nổi tiếng ở Pháp, nhưng loại bánh này không do người Pháp tạo ra mà nó được làm đầu tiên ở Áo. Hình dạng của nó được hình thành hoàn toàn ngẫu nhiên. Loại bánh ngọt thông dụng này xuất hiện đầu tiên vào năm 1683.
Ban đầu bánh có tên là Kipfel (trăng lưỡi liềm) rồi đổi thành Croissant (bánh sừng bò) vào năm 1770 khi công chúa 15 tuổi người Áo là Marie Antoinette kết hôn với vị thái tử Pháp tức vua Louis XVI sau này. Những người thợ làm bánh ở Paris đã làm bánh Kipfel để tỏ lòng tôn kính công chúa và người Pháp rất mê món bánh này. Việc cái tên bánh sừng bò được nhiều người biết đến hơn là do hình dạng của bánh giống như một cặp sừng bò.
6. Pasta
Nhắc đến ẩm thực Italy không thể không nhắc đến món pasta, một vài người mặc định và cho rằng pasta có nguồn gốc từ Italy nhưng thực chất pasta không phải là phát minh của người Italy. Thời Trung Cổ, theo các câu chuyện truyền miệng thì vào năm 1292 Marco Polo là người đầu tiên mang mỳ sợi từ Trung Quốc về tới Italy theo con đường tơ lụa. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu lại cho thấy người Ảrập mới là người du nhập pasta vào Italy. Người Ảrập học được cách làm pasta từ Trung Quốc nhưng thời đó người Trung Quốc làm mì sợi từ hạt kê. Người Ảrập không có kê nên làm từ lúa mì. Vì thế pasta của họ khác mì sợi Trung Quốc, các thủy thủ Ảrập rất hay ăn pasta vì pasta khô có thể tích trữ được lâu khi đi biển. Đến khoảng thế kỷ IX, người Ảrập tràn vào đảo Sicily và chính thức đem theo món pasta.
Theo Ngôi sao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét