Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Angkor Borei - Cổ tích giữa biển nước

Không nổi tiếng như Angkor Thom, Angkor Wat, Angkor Borei (tỉnh Takeo, Campuchia) quyến rũ khách phương xa bằng nét duyên thầm của riêng mình.
Rạng sáng, chiếc ca-nô rền máy đưa chúng tôi “lạc” vào một biển nước ngọt mênh mông, chẳng biết đâu là sông rạch, đâu là ruộng đồng. Nước tràn ngập khắp nơi, chỉ thấy nhà “cao cẳng” và những thân cây đứng bơ vơ giữa trời. Vòng vèo mấy bận, chúng tôi thấy một “hòn đảo” xanh um, tài công bảo núi Tháp (Phnom Da). Theo bậc cấp xi măng bờ kè đá xanh, chúng tôi lên bờ. Chân núi Tháp khá rộng với một vài miếu, chùa, cùng hàng quán ẩn mình trong bóng mát nhiều loại cây ăn trái. Quanh sườn núi Tháp (thật ra là đồi đá) có khá nhiều hang động. Có hai lần cầu thang hàng trăm bậc lên đỉnh núi. Đầu cầu thang nào cũng có hai tượng đầu rắn thần Naga 5 đầu phùng mang như đón chào. Mình rắn uốn lượn hai bên đường lên. Lối lên không dốc mấy, nhưng vượt qua khoảng 60m đường lên núi cũng mệt đứ đừ. Cái mệt ấy tan biến ngay khi trước mặt chúng tôi một tòa tháp sừng sững uy nghi giữa những tàn phượng, bình linh, me... xanh mướt lá phủ trùm. Tháp hình chữ nhật, mỗi bề khoảng 12m, cao chừng 18m, nền đá xanh, thân đá ong, chót tháp là gạch nung đỏ. Tháp được xây dựng thời kỳ Angkor thế kỷ 11, triều vua Rudavarman, nhằm tôn thờ thần Shiva. Tháp kiến trúc theo phong cách Ấn giáo và Phật giáo tiểu thừa Khmer. Ngoài cửa chính, ba mặt tháp có ba cửa “mù”. Tất cả các cửa trang trí nhiều hoa văn, phù điêu tinh xảo, bị hư hại khá nhiều. Bên trong tháp ngoài yoni chính còn có 5 yoni lớn nhỏ khác cùng một số phế tích bằng sa thạch nằm rải rác.

Quanh chân tháp bên ngoài có nhiều bộ bàn ghế đá mài để khách ngồi thư giãn, ngắm cảnh. Xa hơn, quanh rìa đỉnh núi có nhiều tảng đá to cao, hình dáng khá đẹp, có tảng được bao phủ bởi rễ cây rừng rắn rỏi, như bức tranh sống. Hàng ngày, núi Tháp đón khá nhiều khách thập phương và du lịch địa phương đến cúng viếng. Mùa nước nổi, đi bằng vỏ lãi composite Việt Nam sản xuất sẽ thưởng ngoạn phong cảnh ngoạn mục “đại dương” nước ngọt vô cùng thơ mộng. Mùa nắng, chỉ với 100.000 đồng khứ hồi bao nguyên chuyến, lắc lư xe ngựa với tiếng nhạc ngựa leng keng là một thú vị khó quên. Đó cũng là lúc từ dưới đường xa nhìn núi Tháp như ngọn đuốc đỏ rực màu hoa phượng.
Thị trấn Angkor Borei (Lò Gò) cách núi Tháp khoảng chục cây số. Thị trấn có Bảo tàng Angkor Borei xây dựng vào năm 2008, kiến trúc theo phong cách Khmer. Khuôn viên rộng 1ha với nhiều bãi cỏ xanh mướt, đặt rải rác nhiều tượng thần Bà La Môn. Trong bảo tàng trưng bày rất nhiều cổ vật với nhiều kích cỡ, thể hiện nền phong phú văn hóa thời kỳ đồ đá mới, thời kỳ Phù Nam (thế kỷ thứ 4, thứ 5) và thời kỳ Angkor (thế kỷ thứ 9 - thế kỷ thứ 15). Trong đó, có chiếc tủ kính đựng nhiều xương người chết cách nay 2.500 năm, lấy được khi đào sâu 4m; tượng thần 1.400 năm, được tân trang; tượng linga đá đen cao ngang ngực, láng bóng, sờ mát lạnh lòng tay; tượng Phật 4 tay tìm thấy cách Angkor Borei 5km; tượng tê giác tìm thấy ngày 3-8-2000 dưới chân cầu Lò Gò; tượng Phật 2 mặt tìm thấy ngày 14-5-2012; cùng một số phù điêu lấy từ đền núi Tháp.
Angkor Borei được thành lập vào thế kỷ thứ 5. Thế kỷ thứ 8 là kinh đô tráng lệ của vua Vyadhapura (có thể là vua Cùi, theo dân gian). Liên quan truyền thuyết vị vua này, hiện nay, tại chùa Kompong Luong nằm cạnh bờ sông Lò Gò, có mộ vua Cùi. Đáng tiếc mộ không được phép cho người tham quan vì khi mở cửa mộ sẽ bị trời đánh, người dân cho biết như vậy. Chùa còn có nơi thờ công chúa con vua Cùi. Chùa Kompong Luong khá lớn, đang xây dựng khá nhiều hạng mục. Là thị trấn quận lỵ, nhưng Angkor Borei nhỏ với các con đường đất đỏ, xe ngựa lọc cọc chở hàng. Xe du lịch của dân khá nhiều. Dân ở đây sử dụng điện lưới kéo từ Việt Nam. Bến tàu cạnh Bảo tàng Angkor Borei được gọi “chợ cá nổi”, là nơi ghe tàu đến bán cá. Nơi đây có quán giải khát, nước dừa, đặc biệt nước đá bào với sương sáo, sữa đặc có đường, xịt sirô thơm mùi dầu chuối khiến khách Việt bồi hồi nhớ tuổi học trò.
Nhà người bạn Campuchia của chúng tôi sát bên chợ Angkor Borei lụp xụp bán một số món ăn dân dã Campuchia. Hàng công nghiệp Việt Nam chiếm số lớn. Có người bán dạo vé số Việt Nam. Tại nhà bạn, chúng tôi được thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn: tôm càng, thịt bò, khô dê (mua từ biên giới Thái Lan) nướng. Vị ngọt ngon của các món ăn càng thêm sảng khoái với những ly bia ABC đen màu thuốc Bắc, thơm mùi Coca, đắng hậu ngọt. Bóc bỏ vỏ, cắn miếng thịt tôm ngọt lịm chân răng, húp miếng nước canh chua tôm thơm mùi trái cần thăng. Tráng miệng miếng bánh bò thốt nốt vàng rộm, ngọt thơm; miếng bánh bột gạo nước cốt dừa ngọt béo cảm nghe Angkor Borei - như sống lại cùng với những di vật trưng bày trong bảo tàng.

 PHÙ SA LỘC (BHG)
 

Không có nhận xét nào: