Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Ký sự Malaysia

Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi đặt chân xuống sân bay Kualalum­pur là sự tò mò pha chút e ngại dù đã biết trước Malaysia là quốc gia Hồi giáo tương đối cởi mở và yên bình. Dấu hiệu đầu tiên có thể nhận ra mình đã đặt chân đến đất nước Hồi giáo chính là các nữ nhân viên ở sân bay với chiếc khăn choàng truyền thống đủ màu sắc sặc sỡ trên đầu, làn da bánh mật, mắt bồ câu đen tròn, môi đỏ thắm, hàng mi dài cong vút, vẻ mặt tươi cười, thân thiện, chẳng giống chút nào với những chiếc áo choàng đen phủ kín gót, khăn choàng che kín mặt thường thấy trên truyền hình trong các chương trình thời sự nóng liên quan đến người Hồi giáo.
Malaysia là quốc gia đa dân tộc và tôn giáo, trong đó người Malaysia theo đạo Hồi chiếm tới 58% dân số, người Malaysia gốc Hoa theo đạo Phật khoảng 26%, người Malaysia gốc Ấn Độ theo đạo Hindu 7%, còn lại là người gốc châu Âu theo đạo Thiên chúa và các dân tộc khác, tôn giáo khác. Sự giao thoa những sắc màu dân tộc và tôn giáo đó được thể hiện rất cụ thể và sinh động trên những dấu tích còn lưu lại trong thành phố cảng Malacca qua bao biến đổi thăng trầm và sự bào mòn của thời gian.
SẮC MÀU VĂN HÓA Ở MALACCA

Malacca, mà theo cách gọi của người Malay là Melaka, nằm trên eo biển cùng tên, cách thủ đô Kuala Lumpur 150km về phía nam, chính thức được thành lập vào năm 1402 khi hoàng tử Parameswara của vương quốc Srivijaya trên đảo Sumatra phải bỏ chạy đến đây lánh nạn vì thất bại trong cuộc chiến với vương quốc Majapahit ở đảo Java. Khi mới hình thành, Malacca chỉ có người Malay và người Hoa sinh sống, sau này có thêm người Ấn Độ và người Arập. Đạo Hồi cũng xuất hiện từ đây và sau đó lan ra khắp bán đảo Malay. Các thương nhân châu Âu đầu tiên đặt chân lên Malacca là người Bồ Đào Nha, và họ biến nó thành thuộc địa của mình vào năm 1511. Đến năm 1641 người Hà Lan liên minh với Vương quốc Hồi giáo Johor giành được quyền kiểm soát eo biển chiến lược này. Nhưng đến năm 1786, người Anh đã đến đây giành quyền thống trị từ tay người Hà Lan, sau đó họ đã thôn tính luôn cả Malacca vào năm 1824. Sự thống trị của vương quốc Anh kéo dài hơn một thế kỷ, đến năm 1957 thì người Anh phải trao trả độc lập cho Malaysia. Nhờ nằm ở vị trí thuận lợi trên con đường hàng hải giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Malacca từng là trung tâm thương mại và hải cảng sầm uất vang bóng một thời. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Malacca còn nổi tiếng là vùng biển xảy ra nhiều vụ cướp biển và khủng bố nhất thế giới.
Với dòng sông Malacca thơ mộng vắt ngang qua, Malacca được chia thành hai phần đông-tây với hai nền văn hóa Âu - Á khác nhau. Ở khu đông, du khách vẫn còn được nhìn thấy những ngôi nhà gỗ, tòa lâu đài, biệt thự mang phong cách châu Âu được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Đáng lưu ý nhất là nhà thờ Christ Church do người Hà Lan xây dựng từ năm 1753 được sơn một màu đỏ sậm rất đặc trưng, nhà thờ Thánh Paul được người Bồ Đào Nha xây dựng vào năm 1521 nay chỉ còn lại những bức tường đá rêu phong, tòa thị chính sơn trắng uy nghi, trầm mặc, pháo đài cổ Famosa, rồi cối xay nước, cối xay gió mang đậm dấu ấn văn hóa và kiến trúc Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Mỏi chân, bạn có thể lên những chiếc xe xích lô được trang trí hoa giấy đủ màu sắc sặc sỡ, hay xuống những con thuyền du lịch mang hình dạng cổ xưa bồng bênh trên dòng sông Malacca yên ả. Thơ thẩn trong các phố cổ ở khu đông, tôi có cảm giác như đang đứng trên khu phố cổ Arbat ở trung tâm Moskva vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Qua cầu, bước sang khu phía tây của thành phố, tôi có cảm giác như bước sang một thế giới khác hẳn, với những đền chùa, miếu mạo, giáo đường của Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo vì đây là nơi sinh sống của người Malay, người Hoa, người Ấn Độ và Arập… Ngôi đền Khổng giáo Cheng Hood của người Hoa tấp nập khách thập phương đến cúng bái khói nhang nghi ngút. Còn chốn thờ tự cổ xưa nhất của các tín đồ Hồi giáo ở Malacca là giáo đường Masjid Kampung Keling.
 Đi trong những con phố cổ của người Hoa, bạn có cảm giác như lạc vào khu Chợ Lớn ngày xưa với các cửa hàng buôn bán nhộn nhịp, từ quần áo, vải vóc, cho đến đồ trang sức và hàng tiêu dùng, đồ lưu niệm…Các khu nhà của người Malay, người Ấn hay Arập đều có những nét kiến trúc văn hóa độc đáo riêng. Cổ kính và thơ mộng như Hội An của Việt Nam, nhưng thương cảng Hội An chỉ còn lại trong ký ức của người đời, còn Malacca vẫn là một cảng biển đang hoạt động, đồng thời là một điểm du lịch hấp dẫn du khách. Malacca được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” vào năm 2008.

THÁNH ĐƯỜNG HUYỀN BÍ

Ở một đất nước Hồi giáo như Malaysia, các thánh đường luôn chiếm một vị trí quan trọng và được xây cất khá hoành tráng, vừa là chốn linh thiêng của các tín đồ, đồng thời là điểm tham quan rất hấp dẫn đối với du khách. Lớn nhất, đẹp nhất và cũng hiện đại nhất là thánh đường Putra Mosque nằm bên bờ hồ nhân tạo Putra Lake ở Putrajaya - thủ đô hành chính mới của Malaysia, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 30km về phía nam.
Vị trí thuận tiện nhất có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí của thánh đường là từ cây cầu dây văng Wawasan dài hơn 200m, được tạo dáng như chiếc thuyền buồm bồng bềnh vắt ngang sông Putra. Thánh đường Putra Mosque, còn được gọi là thánh đường Màu Hồng (Pink Mosque), được xây bằng đá hoa cương có mái vòm hình củ hành màu hồng với hoa văn trắng cao 75m và ngọn tháp năm tầng cao 116m nổi bật trên nền trời xanh ngọc bích, lung linh soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng lăn tăn trông như một bức tranh thủy mặc, gợi ta nhớ đến những câu chuyện cổ phương Đông đầy mê hoặc. Thánh đường được hoàn thành vào năm 1999 với kinh phí trên 80 triệu USD.
Các tín đồ là nhân viên của giáo đường trong bộ trang phục hai màu đỏ - đen rất ấn tượng, với thái độ niềm nở, hiếu khách, tạo cho người đến tham quan những ấn tượng tốt đẹp. Tuy nhiên, các quy định giáo luật vẫn được tuân thủ chặt chẽ: khách vào tham quan điện thờ phải để giày dép bên ngoài, riêng các nữ du khách còn phải mặc thêm chiếc áo choàng có mũ trùm đầu của giáo đường. Thơ thẩn trong khuôn viên điện thờ mát lạnh mặc dù bên ngoài trời nắng nóng gay gắt, tôi rất ngạc nhiên khi không nhìn thấy một bức tranh hay bức tượng nào của thánh Allah hay nhà tiên tri Muhammad như trong các nhà thờ Thiên Chúa hay các đền đài Phật giáo mà tôi đã có dịp viếng thăm. Bên quảng trường trước nhà thờ, ngay cạnh thánh đường là tòa nhà Chính phủ cũng hoành tráng và đồ sộ không kém, nhưng theo một phong cách kiến trúc khác, chỉ có một điểm chung là mái vòm hình củ hành ở chính giữa.
Vài ngày “cưỡi ngựa xem hoa”, chúng tôi còn được ghé thăm một số điểm di tích lịch sử và danh thắng khác, như thánh địa Batu của người Malaysia gốc Ấn Độ, chùa Thiên Hậu của người Malaysia gốc Hoa, cung điện hoàng gia, quảng trường Độc Lập, tòa tháp đôi Petronas… Có một điều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, là tất cả các điểm di tích lịch sử, văn hóa của mọi thành phần dân tộc và tôn giáo khác nhau đã và đang tồn tại trên bán đảo này đều được trân trọng giữ gìn và bảo tồn, phát huy rất hiệu quả. Có thể chính vì vậy mà đất nước Hồi giáo Malaysia được sống trong hòa bình và thịnh vượng.

ĐÀO MINH HIỆP (PYO)

Không có nhận xét nào: