Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Đi tour văn hóa ở Luang Prabang

(iHay) Nghe đến Luang Prabang của nước bạn Lào, đa số người Việt hình dung nó giống vùng cao nguyên, trung du Bắc bộ Việt Nam. Thế nhưng, thành phố ven sông này lại mang hình ảnh cổ điển, đầy màu sắc văn hóa và tôn giáo.


Dù là điểm đến khá thu hút khách du lịch ở Lào, nhưng điều đặc biệt là cố đô này không bị đời sống du lịch xâm lấn quá nhiều như Hội An, Bangkok hay Venice - những thành phố ven sông có tiếng. Con người nơi đây sống hiền hòa và dường như tách biệt khỏi những ảnh hưởng mang đến từ du khách các nước.
Luang Prabang có địa thế rất lý tưởng khi nằm ngay khúc nối giữa sông Khan với dòng Mekong. Khu trung tâm nằm trên dải đất chồi ra sông được bao bọc bởi hai con sông từ hai phía, nên dù có đi từ phố trên xuống phố dưới bạn vẫn luôn bắt gặp con nước đỏ nặng phù sa.
 
 
 
 
 
Đường phố thanh bình xanh mát ở Luang Prabang
Các bến sông không quá tấp nập, đò gỗ vẫn là phương tiện chủ yếu và hình ảnh ngư dân quăng lưới trên sông đã trở thành thân thuộc.
Chính giữa khu trung tâm lại có ngọn núi thấp Phousi, trên có đặt ngọn tháp linh thiêng (trước đây được đúc bằng vàng), mà người ta tin là nơi rồng trú ngụ. Từ trên đỉnh ngọn núi này bạn có thể quan sát toàn thành phố và nhất là có thể ngắm hoàng hôn đỏ rực với mặt trời chìm xuống bên kia dòng Mekong. 
 

Khung cảnh ven thác Kouangsi

Thực ra không nhất thiết là phải leo nên đỉnh Phou Si mới có thể nhìn thấy hoàng hôn vì kiến trúc ở thành phố này toàn nhà thấp khoảng 1-2 tầng. Các ngôi nhà thiết kế đặc trưng kiểu Lào, sử dụng nhiều chất liệu gỗ với các phòng đặt bốn hướng. Các ngôi nhà được xây dựng mới cũng tôn trọng triệt để kiến trúc truyền thống nên các dãy phố ngăn nắp và mang dáng vẻ điển hình. Các nhà hàng và quán xá cũng được thiết kế đồng điệu trong không gian nhỏ nhắn với ánh đèn lung linh. Mặc dù là thành phố du lịch nhưng đồ ăn ở Luang Prabang không đắt hơn các địa phương khác. Các món nướng của Lào khá phong phú và dễ ăn. Ngoài ra người dân nơi đây cũng có một số món khá giống đồ ăn Việt như bánh căn, bánh canh, bánh đúc, bún riêu...
Nếu bụng dạ bạn không cho phép thì nên chọn nhà hàng để bảo đảm vệ sinh vì giá cả không chênh lệch nhiều và phục vụ cả đồ ăn Âu. Tất nhiên, chuyến phiêu lưu dạ dày để tận hưởng hương vị nguyên bản tại các khu chợ cóc địa phương vẫn là điều khách du lịch hào hứng lựa chọn.

 Bún riêu


Chè Lào


Một điều không thể bỏ qua khi thăm mảnh đất này là chiêm nghiệm đời sống tôn giáo. Mặc dù diện tích không lớn nhưng số lượng chùa ở Luang Prabang không hề khiêm tốn. Ngôi chùa cổ nhất, giữ kiến trúc truyền thống đặc biệt là Wat Xieng Thong, được xây vào cuối thế kỷ 16. Với mái xéo trải rộng và thấp, khi nhìn từ xa có cảm giác khác biệt hoàn toàn với Phật giáo Tiểu thừa phổ biến của dân tộc Khmer.
Ngoài Wat Xieng Thong, du khách có thể đến thăm rất nhiều chùa cổ khác là Wat Aham, Wat Visounnarath, Wat Tham Phousi hay một số chùa nổi bật khác nằm bên kia sông Mekong như Wat Chompet, Wat Xieng Hune, Wat Long Khoune.
 



Hình ảnh một số ngôi chùa và không khí tu tập của nhà sư tuổi thiếu niên
Riêng đối với người Việt, Chùa Phật Tích (Wat Phabath) cũng là một điểm đáng thăm thú. Mặc dù ngôi chùa được xây mới với kiến trúc lai tạp và thiếu thẩm mỹ nhưng lại ở vị trí vô cùng đắc địa, sát bờ sông Mekong nhìn về hướng Tây. Vì thế sẽ thật tuyệt vời để chiêm ngưỡng sinh hoạt trên dòng Mekong lúc chiều tà nơi đây.
Ngoài ra, Luang Prabang còn vài chục ngôi chùa lớn nhỏ khác rải rác khắp thành thị, cứ đi khoảng hai dãy phố là thấy một, hai ngôi chùa, thậm chí có 2 ngôi chùa sát cạnh không có vách ngăn như Wat Pra Maha That và Wat Ho Xieng. Đương nhiên, với nhiều chùa như vậy bạn sẽ bắt gặp rất rất nhiều nhà sư bộ hành trên phố, đa phần là những nhà sư tuổi thiếu niên. Những ngôi chùa ở đây giữ chức năng như trường dạy học (vì các trường học ở đây không nhiều) và các nhà sư trẻ vào đây sẽ được nhà chùa nuôi ăn học không tốn tiền.
Khi trưởng thành, chỉ có một số nhà sư sẽ tiếp tục tu hành, còn lại sẽ hoàn tục. Bạn có thể tham gia vào đời sống tôn giáo nơi này bằng cách mua đồ dành cho lễ khất thực (Alms giving) được diễn ra vào sáng sớm khoảng 5 giờ 30 phút (mùa hè) hoặc 6 giờ 30 phút (mùa đông) tại ngay khu chợ trung tâm.
Bên cạnh đó, ở các ngôi chùa khu trung tâm, các tăng sư trẻ đều nói được chút ít tiếng Anh nên bạn có thể trò chuyện về đời sống và những mơ ước bình dị của họ mãi mà không chán.
Có nhiều cách di chuyển đến Luang Prabang, tùy thuộc vào ngân sách cho chuyến đi. Vé máy bay hai chiều (Hàng không Lào) cũng chỉ khoảng hơn 200 USD. Tuy nhiên, bạn nên đi bằng đường bộ (từ Hà Nội hoặc Vinh) để ghé Xieng Khouang trước khi trải nghiệm Luang Prabang.
Ở Xieng Khouang bạn có thể thăm Cánh đồng chum, một di sản văn hóa và lịch sử nổi tiếng mà sự tồn tại của nó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Nếu xe của bạn xuất phát từ Hà Nội lúc 18 giờ 30 phút thì thông thường bạn sẽ đến Xieng Khouang khoảng 12 giờ trưa hôm sau.
Thị trấn Phonsavan của Xieng Khouang rất nhỏ bé nên bạn có thể thuê xe để đi thăm Cánh đồng chum ngay buổi chiều và bắt xe khách địa phương đi Luang Prabang khởi hành 8 giờ 30 sáng tiếp theo (tất cả các nhà khách, khách sạn đều có dịch vụ tour và vé xe).
Ph

Luang Prabang dưới gót giày phượt thủ

(iHay) Có thể vì ấn tượng từ một Huế cổ kính, hoặc cũng có thể do tôi luôn tưởng tượng 'cố đô' là kinh thành hoa lệ đang chìm trong giấc ngủ ngàn năm, nên Luang Prabang cho tôi cảm giác thân quen, dù trước đó tôi chưa từng một lần đặt chân đến Lào.



Cố đô nhìn từ núi Phou Si
 
Những mái ngói đỏ nhấp nhô cuộn mình theo dòng Mekong mỗi lúc một gần khi máy bay chuẩn bị hạ cánh. Luang Prabang đón tôi trong không gian tràn nắng ươm màu mật ong.
Được UNESCO công nhận là di sản thế giới (1995) nhưng Luang Prabang không lớn như tôi hình dung. Gần như mọi hoạt động giao thương đều tập trung ở hai trục đường chính song song: Khem Khong và Sakkaline dài không quá 1,5km. Nhưng nếu đi để cảm nhận từng góc phố con hẻm thì đây là những con đường vô tận.

Đường Sakkaline
 
Đường Khem Khong
 
Tọa lạc đầu đường Sakkaline, đền Xiêng Thông do vua Setthathirat xây dựng năm 1560 sừng sững trong khuôn viên rộng lớn rợp bóng cây.
Khu chính điện cổ kính với kiến trúc đặc thù của Luang Prabang. Mái nhọn cao vút, chia làm ba tầng uốn cong thoai thoải, nội thất ngôi đền như một bảo tàng nghệ thuật với những bích họa khảm sứ mô tả các điển tích Phật giáo cùng hàng trăm tượng Phật lớn nhỏ.

Cổng vào đền Xiêng Thông 
 

 Đền thờ và chánh điện đền Xiêng Thông
 

Hoa văn chạm trổ đền Xiêng Thông
 
 Trống trong chánh điện
 
Bích họa chạm gốm sứ đền Xiêng Thông
Nối tiếp cung đường là một chuỗi những đền đài: Wat Mai Suwannaphumaham, Wat Sene Souk Haram, Wat Nong Sikhounmuang… Càng về sau càng nhiều những công trình mang nét giao thoa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại. Tiêu biểu là Cung điện Hoàng gia (Royal Palace), nay là Bảo tàng quốc gia, được xây dựng năm 1904 là sự hòa hợp giữa hai trường phái kiến trúc Lào – Pháp.

Đền Sene Souk Haram

Bảo tàng quốc gia (Cung điện Hoàng gia cũ)

 Đền Phon Phau

Chi tiết kiến trúc của Luang Prabang
 
Mãn nhãn với những di tích đền đài, chỉ vài bước chân qua con hẻm nhỏ tôi đã đến đường Khem Khong. Uốn lượn theo dòng Mê Kông lộng gió, con đường ngập bóng cây lại mang dáng vẻ đâu đó ở Châu Âu, với những ngôi nhà mái chữ A, cửa lá sách, gọn gàng ngăn nắp.

Kiến trúc phong cách Pháp – Việt trên đường Khem Khong
Trong giai đoạn 1893 - 1907, khi thực dân Pháp nắm quyền kiểm soát hành chính ở các nước Đông Dương, trong quá trình xây dựng khu nhà hành chính, kỹ thuật và nguyên vật liệu châu Âu đã được du nhập vào. Tuy nhiên để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, họ chọn phong cách kiến trúc đã được áp dụng thành công ở Việt Nam. Nhiều thợ xây dựng người Việt đã đến và định cư tại Luang Prabang trong thời kỳ này.

 Hoàng hôn Luang Prabang
 
Chiều dần buông nhưng vẫn còn đủ thời gian cho tôi lên đỉnh Phou Si, những bậc tam cấp nhỏ bé quanh co dẫn tôi lên, lên mãi… rồi mở ra một không gian bàng bạc. Ở đó, từ bao giờ hàng trăm người đủ mọi quốc tịch ngồi san sát nhau chỉ với mong muốn được một lần chiêm ngưỡng hoàng hôn cố đô.
Lý Hoàng Longượt thủ Trần Anh Dũng

Luang Prabang thoáng bóng cà sa

Với tôi, không gì có thể ấn tượng hơn khi tận mắt chứng kiến một đoàn hơn 20 nhà sư khoác chiếc áo cam rực sáng đi trên phố, hình ảnh trước nay vốn chỉ thấy trên tivi.
5h30 sáng, chiếc xe khách dừng lại tại điểm đỗ cách thành phố Luang Prabang, cố đố của Lào khoảng 3 km. Trời mới tờ mờ sáng và không khí se se lạnh. Vài chiếc xe tuk tuk đến đón khách đưa về khách sạn. Mặt trời vui vẻ vượt ra khỏi đỉnh núi phía xa báo hiệu một ngày nắng.
Trong lúc đang hí hoáy chụp ảnh với mặt trời thì ánh mắt tôi bất ngờ gặp bên kia đường, trên vỉa hè sạch sẽ, một dãy dài nhà sư đi khất thực vào buổi sớm. Khoảng hơn 20 nhà sư khoác trên mình chiếc áo cam rực sáng như một dòng sông màu cam trên đường phố.
morning-alms-in-luang-prabang-laos-3.jpg
Luang Prabang từng là kinh đô của các vương triều Lào kéo dài hơn 200 năm, bắt đầu từ thời vua Fa Ngum năm 1353. 
Dù đã có những nghiên cứu trước về địa danh nơi mình sẽ đến, ai nấy vẫn ngớ người choáng ngợp trước hình ảnh đang ở ngay trước mắt. Một đoàn tăng lữ đang bước chậm rãi trên đôi chân trần, người này nối theo sau người kia, người lớn tuổi đi trước, nhỏ tuổi đi sau. Họ bước qua những chiếu nghỉ của người dân sùng đạo trong thành phố đang chờ đợi, trên vai khoác những chiếc bình bát bằng bạc được bọc bằng đồ mây tre đan bên ngoài. Nghi thức khất thực mỗi sáng đã tồn tại bao đời nay.
Nhóm chúng tôi lúc đầu còn ngồi nguyên trên xe chụp hình. Sau đó, mọi người đồng loạt nhảy xuống xe, lặng lẽ đi bên cạnh các nhà sư, không dám gây huyên náo hay làm phiền. Ngay đến chụp ảnh cũng cố gắng để tiếng máy không làm kinh động đến không gian yên tĩnh ấy. Không ồn ào, không chuyện trò, chỉ có tiếng tà áo sột soạt theo mỗi bước chân và tiếng Nam mô a di đà phât của các phật tử.
375390-307861209232467-4004777-2037-5411
Khất thực buổi sáng trong thành phố.
Các chõ xôi và mì tôm buổi sớm vơi dần, người ta lại mang ra những chõ xôi mới. Mỗi người một nắm xôi nhỏ. Một vài du khách nước ngoài thay vì chụp ảnh cũng đã ngồi xuống với người dân bản địa. Bố thí cho các nhà sư dường như là nghĩa vụ thiêng liêng và là niềm tự hào của người dân thành phố này.
Trong tiếng Lào, Luang Prabang mang nghĩa Phật vàng lớn, là nơi tôn nghiêm và vẫn còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa Phật giáo nhất trong cả nước. Cố đô của nước bạn Lào là điểm du lịch hấp dẫn bởi đủ cả văn hóa, tôn giáo và kiến trúc. Có đến 40 ngôi chùa tập trung rải rác trong thành phố và số lượng tăng lữ cũng chiếm hàng đầu cả nước.
Kể từ khi được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1995, lượng khách du lịch đổ về đây đã khiến thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì những nét yên bình vốn có. Một trong những hệ lụy là việc khách ầm ĩ vào mỗi sáng khi có đoàn tăng lữ đi qua.
DSC-3362-JPG.jpg
Luang Prabang vẫn là trung tâm Phật giáo quan trọng của Lào với rất nhiều quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hoá Phật giáo Nam truyền.
Hòa nhập vào cuộc sống, lũ chúng tôi buổi sớm hôm sau không còn đứng chụp ảnh nữa. 5h30 sáng, mỗi đứa chia một ngả mang theo những chõ xôi nhỏ cùng ngồi với người dân trong các ngõ nhỏ, chờ đợi những dòng áo màu cam đi qua. Một cách để thể hiện lòng tôn kính của mình với thành phố.
Bài và ảnh: Lam Linh

Thân thương Luang Prabang


(iHay) Đặt chân đến Luang Prabang (Lào) khi trời sắp tắt nắng, tôi gật đầu với lời quảng cáo thuê nhà nghỉ từ một người không quen biết gặp ở bến xe để nhanh chóng nghỉ ngơi và đi thăm thú cố đô này..


Một góc Luang Prabang
Đi dọc qua những con đường dốc, tôi cứ nghĩ tôi đang ở Hội An, vì cảm giác Luang Prabang mà mang lại vô cùng thân thuộc và dễ chịu. Cũng khu phố bên dòng sông, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, những quán nước, nhà hàng nho nhỏ khắp nơi cho khách du lịch, những cửa hiệu, hàng quán bán đồ lưu niệm… tràn ngập.
Và hơn hết là không khí bình yên pha chút hoài cổ, man mác buồn, nhưng lại thích hợp với những người trầm lắng, sống nội tâm.

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm
 
Nhà nghỉ nằm đối diện với ngôi đền cổ Visoun nổi tiếng. Chiều muộn, đền đã vắng bớt khách. Chỉ còn vài khách du lịch đang cố nán lại chụp ảnh. Một vài sư trẻ của phái Nam tông đang quét lá trong sân. Không khí u tịch nhưng yên bình hiếm có!

Các sư trẻ đang quét sân trong đền cổ Visoun
 
Buổi tối, tôi hòa lẫn với những du khách khác trong buổi chợ đêm dành riêng cho khách du lịch. Chợ không lớn, nhưng hàng hóa đa dạng và đầy rẫy sắc màu. Tiếng nói cười, hỏi giá, trả giá… vui tươi rộn rã từ đầu đến cuối chợ.

Một góc chợ đêm Luang Prabang
 
Nhưng nếu nhắc đến Luang Prabang, tôi sẽ không nhớ đến buổi chợ đêm đầy sắc màu và tiếng cười đó. Chợ đêm thì ở bất cứ địa danh du lịch nổi tiếng nào cũng có thể tìm được. Luang Prabang để lại trong tôi đó là cảm giác bình yên và thân thương như đang trên chính quê hương mình.
Tôi sẽ nhớ món bánh crepe nhân sôcôla ngon tuyệt đã được ăn trong một quán nhỏ ven đường đi chợ.

Món bánh crepe nhân sô cô la ngon tuyệt mà tôi từng được ăn trong đời
 
Tôi sẽ nhớ buổi sớm tinh mơ với không khí trong lành ở cố đô. Mọi sinh hoạt bình dị của người dân diễn ra bình thường, cứ như thể đây không phải là thành phố du lịch nổi tiếng ở Lào. Tôi sẽ nhớ dòng sông Nam Khan lung linh dưới ánh mặt trời. Cảnh vật quá đỗi gần gũi và thanh bình.
 
Một góc cố đô vào buổi sớm mai

Dòng Nam Khan lung linh dưới ánh mặt trời

 Những bàn ghế nhỏ xinh trong một nhà nghỉ tại Luang
Và tôi cũng sẽ nhớ những ngôi nhà nghỉ nhỏ xinh của nơi này. Nhớ những con người bình dị với câu chào cửa miệng “sabaidee” và nụ cười thường trực trên môi…
Phượt ký của Bình An

Không có nhận xét nào: