KTĐT - Ấn Độ có rất nhiều nghịch lý và không ở đâu trên đất nước này những nghịch lý ấy bộc lộ rõ nét nhất như ở Mumbai.
Sự tương
phản giữa giàu và nghèo, giữa sang trọng và tồi tàn, giữa phát triển và
chậm phát triển, giữa hiện đại và lạc hậu ở thành phố này hiển hiện trực
diện trong diện mạo đô thị, trong cuộc sống và mưu sinh thường nhật của
người dân.
Ở Mumbai có
điểm giặt đồ bằng tay lớn nhất thế giới. Khu đó có tên gọi là Dhobi
Ghat. Nơi đây có hơn 5.000 người đàn ông làm việc 14 giờ mỗi ngày và 7
ngày trong tuần. Họ đảm nhận công việc giặt gần như tất cả đồ dùng cần
giặt của TP, từ các khách sạn và nhà hàng, từ các cửa hiệu và các gia
đình. Thêm vài ngàn người phụ nữ nữa làm công việc là, gấp và giao lại
đồ đã được giặt. Điều đáng chú ý họ giặt đồ bằng tay, là đồ bằng những
chiếc bàn là cổ xưa lấy cái nóng từ than. Ở đây đã có điện công nghiệp
và dân dụng, nhưng việc giặt vẫn thủ công. Những nơi phơi khô bằng điện
chỉ vận hành trong thời gian mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9. Cứ như thế ở
đây đã từ rất lâu rồi và Mumbai đã trở thành công xưởng giặt tay lớn
nhất thế giới.
Ở Dhobi Ghat
có 826 bể giặt xi măng, mỗi bể rộng 2m, dài 2m. Cách giặt ở đây thô sơ
như thời chưa có máy giặt. Đồ được ngâm vào nước xà phòng. Những người
đàn ông dùng gậy đập đồ giặt cho khô hết nước rồi nhúng vào bể nước khác
và lặp lại quy trình cho tới khi sạch. Công giặt một tấm ga trải giường
là 4 cent, một áo gối là 2 cent. Đồ giặt xong được phơi khô ở ngay tại
chỗ nên khu vực này trở thành biển quần áo, khăn ga đủ các loại kích cỡ
và màu sắc.
Mumbai thu
hút người lao động từ các vùng nông thôn và rất phát triển. Chỉ có điều
nó càng phát triển bao nhiêu thì những tương phản trên bộc lộ lại càng
rõ nét bấy nhiêu.
Bắc Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét