Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Đi bazaar ở Istanbul

PN - Vốn không đam mê mua sắm, nhưng mỗi khi đi du lịch, tôi vẫn luôn dành thời gian dạo quanh các khu chợ địa phương. Đối với tôi, chợ không chỉ là địa điểm lý tưởng để tìm hiểu các sản vật, nghề thủ công truyền thống mà còn là nơi thể hiện văn hóa bản địa một cách sinh động, gần gũi nhất.
Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), từ hàng thế kỷ trước, đã là cầu nối giao thương giữa châu Âu và vùng Trung Đông. Đây cũng là thành phố duy nhất trên thế giới nằm giữa hai châu lục, đánh dấu điểm giao nhau giữa châu Âu và châu Á. Vì vậy các khu chợ truyền thống càng trở thành một nét đặc trưng quan trọng, lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử cũng như văn hóa của thủ đô có từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên này.
Một góc xanh mát của Zincirli Han trong lòng Grand Bazaar
Cũng giống như các nước khu vực Trung Đông, chợ ở Istanbul được gọi là bazaar, và bazaar nổi tiếng nhất chắc chắn là Grand Bazaar (Chợ Lớn). Nằm ngay trong khu vực phố cổ Istanbul, Grand Bazaar được xây dựng từ năm 1455, sau khi đế quốc Ottoman chinh phục thành Constantinople. Với sự lớn mạnh của đế chế Ottoman, Grand Bazaar khởi thủy chỉ là một khu chợ bán vải vóc, nhưng đến đầu thế kỷ XVII đã trở thành trung tâm giao thương chính của vùng Địa Trung Hải. Không chỉ là chợ, Grand Bazaar đã phát triển thành một khu buôn bán sầm uất với các nhà trọ và dịch vụ đi kèm phục vụ các đoàn lữ hành, các thương gia lưu trú.
Tổng số các cửa hàng trong Grand Bazaar lúc ấy đã lên tới khoảng 3.000 cửa hàng trong chợ và 300 cửa hàng nằm ngay tại các han tức là các khu nhà được thiết kế gồm những dãy nhà hai, ba tầng bao quanh một sân trong. Han là nơi chứa hàng hóa và cũng là nhà trọ của các thương gia, lữ khách. Để lên kế hoạch tham quan Grand Bazaar, chúng tôi đã mất không ít thời gian tìm hiểu thông tin vì bazaar này như một ma trận thu nhỏ với hơn 60 đường nội bộ đan xen chằng chịt.
Các quầy hàng hương liệu, gia vị, kẹo lokum quyến rũ
Lộ trình tham quan của chúng tôi bắt đầu từ cổng Bayezit, đi qua các khu phố buôn bán sầm uất và đông đúc. Theo truyền thống Hồi giáo, tất cả người bán hàng đều là nam giới và mỗi loại hàng hóa được tập trung bán trong khu vực riêng. Bên cạnh các quầy hàng là những quán cà phê, nhà hàng nơi du khách có thể ngồi nhâm nhi chén trà đường truyền thống của người Thổ và ngắm dòng người qua lại. Trên đường khám phá bazaar, chúng tôi không quên ghé qua các han cổ hàng trăm tuổi như Astarci Han, Zincirli Han, Cuhaci Han, ngắm kiến trúc đặc trưng, tận hưởng chút khoảng xanh và không gian yên tĩnh giữa bazaar náo nhiệt.
Nếu như Grand Bazaar lôi cuốn chúng tôi bởi màu sắc rực rỡ của các cửa hàng thảm, gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ, thì Spice Bazaar (chợ gia vị) lại khiến chúng tôi choáng ngợp bởi các loại gia vị phong phú của vùng Trung Đông. Được thành lập từ thế kỷ XVII, Spice Bazaar là thiên đường gia vị cho các bà nội trợ với hàng trăm loại gia vị, hương liệu, trái cây sấy khô và kẹo lokum mà chúng tôi không thể nhớ hết tên gọi.
Nhắc tới ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ không thể không nhắc tới lokum, loại kẹo dẻo truyền thống được gọi là Turkey Delight, nghĩa là món ăn khoái khẩu của người Thổ. Lokum được làm từ đường và bột mì, sau đó hòa với chanh, nước hoa hồng, quế và bạc hà, nhân có khi là các loại hạt đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân... Lạc bước trong Spice Bazaar, đắm mình trong màu sắc và hương vị ngọt ngào của lokum, ấn tượng về Istanbul trong tôi càng trở nên sâu đậm và quyến rũ hơn bao giờ hết.
 Hạnh Liên

48 giờ ở Istanbul

Istanbul, thành phố lớn bậc nhất đất nước Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đặc biệt bởi nằm bên hai bờ Âu - Á mà còn là miền đất giao thoa của văn hóa, tôn giáo, ẩm thực… Nhưng nếu chỉ có 2 ngày, dưới đây là gợi ý đáng giá cho bạn.
Ngày 1: Tín ngưỡng và lịch sử
Bắt đầu một ngày mới tại Sultanahmet. Có nhiều phương tiện công cộng để đến khu vực giàu tính lịch sử bậc nhất Istanbul này trong đó có xe điện với trạm dừng cùng tên Sultanahmet. Các điểm tham quan không thể bỏ lỡ dưới đây chỉ cách nhau vài chục mét.
thanh-duong-JPG-8584-1379651559.jpg
Thánh đường màu xanh với ngọn tháp (minaret) đặc trưng.
Thánh đường Blue Mosque: Vào cửa miễn phí, giờ mở cửa 9h-21h. Bạn nên mặc quần dài quá đầu gối và áo trùm vai. Thánh đường nổi bật với 6 ngọn tháp bên ngoài và trang trí bên trong bằng hàng nghìn mảnh gốm hoa văn với màu xanh chủ đạo. Toàn bộ không gian sân và lòng thánh đường có thể chứa 10.000 người cùng lúc. Thánh đường tạm đóng cửa vào giờ cầu nguyện.
bich-hoa-JPG-9890-1379651559.jpg
Bích họa Đức Mẹ và Thiên Chúa cùng tồn tại với những dòng chữ Ảrập trong Hồi giáo.
Hagia Sophia (Aya Sofya): Vé vào cửa 25 TL (khoảng 280.000 đồng). Giờ mở cửa từ 9h - 18h. Có niên đại từ thế kỷ 6 do hoàng đế La Mã Justinian I cho xây dựng, Hagia Sophia là công trình nhà thờ lớn bậc nhất thế giới lúc bấy giờ với đường kính mái vòm 30 m. Rất nhiều những bích họa vẽ hình Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thiên thần được thể hiện tinh xảo trên trần nhà thờ. Sau khi rơi vào tay đế chế Ottoman ở thế kỷ 15, Hagia Sophia được biến đổi thành thánh đường Hồi Giáo cho đến năm 1935 thì trở thành bảo tàng. Ấn tượng nhất ở Hagia Sophia là những hình ảnh của Thiên Chúa giáo song hành những dòng chữ Ảrập của Hồi giáocho thấy sự giao thoa mạnh mẽ không chỉ về văn hóa mà còn tín ngưỡng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
be-nuoc-ngam-JPG-9105-1379651559.jpg
Bể nước ngầm với hàng cột đá ngàn năm tuổi.
Bể nước ngầm (Basilica Cistern): Vé vào cửa 10 TL ( khoảng 120.000 đồng). Giờ mở cửa 9h-18h. Do hoàng đế Justinian xây dựng từ năm 532 để làm nơi chứa nước cho cả thành phố, bể nước ngầm sâu khoảng 10 m dưới lòng đất có diện tích gần 10.000m2 với 336 cột đá cẩm thạch cao 9 m xếp thành 12 hàng đều đặn. Ngoài không khí mát lạnh, bể nước ngầm còn thu hút bởi những cây cột theo phong cách Ionic hay Corinthian, trong đó ấn tượng nhất là hai cây cột có tượng đầu nữ quỷ Medusa (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp với mái tóc là những con rắn và bất cứ ai nhìn vào mắt mụ sẽ hóa đá).
Cung điện Topkapi (Topkapi Palace): Vé vào cửa 25TL (khoảng 280.000 đồng). Giờ mở cửa 9h-17h. Đóng vai trò quan trọng là cung điện của đế chế Ottoman trong 4 thế kỷ, tọa lạc trên một khu vực rộng lớn với nhiều công trình nằm trải dài trên 3 khoảng sân, Topkapi hiện lưu giữ nhiều báu vật của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ như vương miện, bảo kiếm, các đồ trang trí và quà tặng từ những quốc gia khác.
Quảng trường Hippodrome nằm ngay trước cổng thánh đường màu xanh, từng là trung tâm sinh hoạt xã hội của đế chế La Mã rồi Byzantine Constantinople và cũng là nơi cuối cùng bạn nên đến trong buổi chiều. Trời mát, bạn có thể lang thang trên con đường lát đá từng là trường đua chiến xa.
cua-hang-luu-niem-JPG-4740-1379651559.jp
Một gian hàng lưu niệm ở quảng trường Hippodrome.
Dọc quảng trường Hippodrome có nhiều quầy bán hàng lưu niệm, giầy dép truyền thống, trang sức giá cả phải chăng. Bạn nên dành ít nhất nửa tiếng tại con đường này.
Có rất nhiều điểm để bạn lựa chọn trải nghiệm Turkish Night, nhưng thích hợp nhất là chương trình 4 tiếng gồm bữa tối với các màn nhảy múa truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong đó là show múa bụng với giá trung bình 60 - 100 TL (khoảng 700.000 - 1.200.000 đồng).

Sáng: Lang thang qua những ngôi chợ
Chợ gia vị (Spice market): Đúng như tên gọi của mình, ngôi chợ có từ những năm 1660 bày bán tất cả loại gia vị khô như tiêu, hồi, quế, ớt, bộ nghệ… Ngoài ra chợ còn bán các loại hạt giống và cây, các loại lá và hoa khô để tắm, đồ ăn như trái cây sấy, phô-mai, bơ, yogurt tươi, dầu ô-liu… Trạm tàu điện gần nhất là Eminonu và chợ mở cửa từ 8h đến 18h.
cho-gia-vi-JPG_1379651477.jpg
Gian hàng đầy màu sắc ở chợ gia vị.
Chợ lớn (Grand Bazaar): Nếu từng xem bộ phim mới nhất về điệp viên 007 James Bond – Sky Fall, bạn sẽ nhớ cảnh mở đầu khi diễn viên Daniel Craig lái xe máy băng băng trên những mái ngói. Dưới đó là 4.000 gian hàng của Grand Bazaar, nơi mà bạn có thể tìm thấy gần như tất cả những gì mình thích từ thảm, đồ da, đèn chùm, chén uống trà, kẹo bánh… Trạm tàu điện gần nhất Universite hoặc Beyazit.
grand-bazaar-JPG_1379651488.jpg
Chợ Lớn.
Chiều: hai bờ Âu Á.
Lên tàu từ bến cảng khu vực Eminonu để dành 2 tiếng thong dong ngắm nhìn hai bờ Âu Á. Tàu sẽ đi ngang cây cầu Bosphorus nổi tiếng nối liền hai bờ lục địa châu Âu và châu Á, sau đó tiếp tục hành trình đến cây cầu thứ hai và quay về. Giá vé 20 TL (khoảng 240.000 đồng), khởi hành cách nhau một tiếng trong khoảng 10h đến 16h.
cau-noi-2-bo-A-Au-JPG_1379651497.jpg
Cây cầu Bosphorus nối liền hai lục địa Á - Âu.
Trải nghiệm tắm Thổ tại Cemberlintas, nhà tắm truyền thống (Hamam) hơn 500 năm tuổi do kiến trúc sư nổi tiếng Sinan thiết kế và xây dựng năm 1584. Bạn sẽ được những người thợ lành nghề kỳ cọ bằng tấm găng tay vải bố sau đó phủ đầy lên người lớp bọt xà bông thơm trong nhà tắm bằng đá cẩm thạch ấm áp. Giá 80 TL (khoảng 960.000 đồng). Trạm tàu điện gần nhất Cemberlintas.
Bữa tối lãng mạn dưới chân cầu Galata (gần chợ gia vị) với các món cá và tôm chỉ khoảng 300.000 đồng cho một người và bạn đừng quên thưởng thức ly bia Thổ Nhĩ Kỳ hiệu Efes trong làn gió mát và cảnh đẹp từ hai bờ lục địa.
Đêm thỏa thuê vui chơi tại khu Taksim với các quán café, bar và vũ trường. Bạn nên cẩn thận với lời mời chào từ các tay môi giới. Nên đi theo nhóm, gọi đồ uống và chắc chắn với tiếp viên là mình đã gọi những gì. Trạm tàu điện hoặc tàu điện ngầm  gần nhất là Taksim.
Taskim-ve-dem-JPG_1379651515.jpg
Đêm Taksim sôi động và đông đúc.
di-bo-ben-bo-bien-JPG_1379651526.jpg
Mọi người thường nghỉ ngơi hay đi dạo bên bờ biển Marmara ở Istanbul.
biet-thu-huong-bien-JPG_1379651541.jpg
Khu biệt thự hướng biển thuộc phần đất châu Âu của Istanbul.
goc-thanh-pho-Istanbul-JPG_1379651554.jp
Một góc thành phố với tháp Galata nổi lên phía chân trời.
Kinh nghiệm.
Ăn: Kebap cừu là món phổ biến bán ở khắp mọi nơi, giá chỉ 50.000 - 70.000 đồng.
Mua: Mắt quỷ (Devil eye) là một loại bùa của người Thổ Nhĩ Kỳ rất phổ biến và được treo ở rất nhiều nơi như trên xe, trong nhà, thậm chí lát nền; giá từ 20.000 đến 50.000 đồng. Bình shisha, thảm, đèn chùm, Turkish delight (kẹo bánh kiểu Thổ) có thể mua tại chợ gia vị và chợ lớn, càng đi vào trong chợ giá sẽ càng rẻ và nhất định phải mạnh miệng trả giá (nên bắt đầu từ 1/3 giá mà người bán nêu ra).
Ngủ: Nếu thích ở trung tâm, bạn phải chịu khó sử dụng loại phòng tập thể (Dormitory: 6 - 8 giường/ phòng) với giá khoảng 20 Euro/ đêm/ người tại khu vực Taksim hay Sultanahmet. Tripadvisor hay Lonelyplanet là hai địa chỉ đáng tin cậy để tìm phòng.
Đi lại: Để tiết kiệm và trải nghiệm cuộc sống gần gũi nhất, bạn nên đi bộ. Nếu nghỉ tại khu trung tâm, chỉ cần đi theo đường tàu điện trên mặt đất sẽ không sợ bị lạc và hai bên đường là rất nhiều cửa hàng, quán ăn.
Istanbul có hệ thống tàu điện và tàu điệm ngầm rất tiện lợi giá chỉ 1,5 TL (khoảng 20.000 đồng) mỗi lần đi và có ghi chú bằng tiếng Anh. Người Thổ tại Istanbul khá thông thạo tiếng Anh.

Bài và ảnh: Hoài Nam

Không có nhận xét nào: