Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

"Hành hương về xứ sở mặt trời mọc"

Nhật Bản lâu nay trong mắt thế giới là đất nước có nền công nghiệp phát triển, là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Nhật Bản gần đây được tạp chí Newsweek của Mỹ đánh giá là 1 trong 10 đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới (năm 2010). Có một Nhật Bản khác cũng khá thú vị nếu bạn muốn khám phá bộ mặt thâm trầm của xứ Phù Tang, đó là xứ sở của chùa chiền, của truyền thống Phật giáo thấm đẫm.
Những cổ tự nổi tiếng ở cố đô huyền thoại

Người ta thường nói, muốn hiểu nước Nhật hiện đại hãy đến Tokyo và để hiểu về một Nhật Bản truyền thống phải tìm về Kyoto - cố đô hơn 1.000 năm tuổi, điểm đến hàng đầu của du lịch Nhật Bản.
Nằm trên đảo Honshu - đảo lớn nhất Nhật Bản, Kyoto có đến 14 ngôi đền, chùa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong đó Kiyomizu (nghĩa là dòng nước thanh khiết – thanh thủy) là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Xây dựng năm 778 trên đồi Otawa thờ Phật Quan Âm nghìn tay, tuyệt tác kiến trúc phương Đông này chủ yếu làm bằng gỗ với 139 cột lớn, thanh thoát mà vững chãi. Sau chùa có thác nước chảy xuống theo đường dẫn thành 3 dòng, tượng trưng cho những khát vọng của con người - đó là tình yêu, sức khỏe và tiền bạc. Du khách đến đây xếp hàng trang nghiêm, cầm gáo hứng dòng nước thiêng từ vách đá, vừa uống vừa thành kính khấn nguyện.
Sau Kiyomizu phải kể đến Sanjusangendo, còn gọi là Rengeo-in, ngôi chùa nổi tiếng với 1.001 tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, xây dựng năm 1164. Janjusangendo - nghĩa là 33 gian - với hàng trăm cột, mỗi cột dài 125m, được xem là tòa nhà bằng gỗ dài nhất thế giới. Nhìn bề ngoài mộc mạc, dân dã nhưng bên trong có lắm thứ bất ngờ. Chùa có 1.001 tượng Phật, kích thước như người thật, bằng gỗ bách, sơn son, thếp và dát vàng. Tương truyền mỗi tượng có thể cứu rỗi được 1.000 chúng sinh.
Đền Yasaka cũng là một địa chỉ tín ngưỡng nổi bật của Kyoto mà bạn nên đến. Ấn tượng với những lớp đèn lồng Nhật Bản treo dày đặc dưới mái đền, đây là nơi diễn ra các lễ hội đón giao thừa và năm mới, lễ hội hoa anh đào. Yasaka là đền thờ Thần đạo Shinto, xây dựng năm 650, nơi thường tổ chức đám cưới theo nghi thức truyền thống Nhật Bản. Đền nằm ngay khu phố Gion - nơi diễn ra một trong những lễ hội lớn nhất Nhật Bản: lễ hội Gion hay Hamo vào tháng 7, có từ năm 869. Đó là những cuộc rước bàn thờ lưu động để xua đuổi dịch bệnh.
Đến Kyoto, tôi thích lang thang dọc những con phố dài và hẹp với những ngôi nhà cổ đặc trưng để nhìn thiên hạ lãng du. Để được ngắm những geisha như bước ra từ trong cổ tích hoặc nhâm nhi chút trà đạo và suy ngẫm chuyện đời.
Thiếu nữ Nhật Bản trong trang phục truyền thống
Chùa Horyuji - cái nôi của Phật giáo Nhật Bản

Quần thể kiến trúc Phật giáo khu vực chùa Horyuji bao gồm 48 vật thể và kiến trúc thuộc chùa Horyuji và chùa Hokiji ở thị trấn Ikaruga, tỉnh Nara. Một vài trong số đó có từ thế kỷ 7 hay thế kỷ 8. Địa điểm này là nơi Phật giáo được truyền vào Nhật Bản. Quần thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Horyuji là một ngôi chùa Phật giáo lớn phức tạp nằm ở thị trấn Ikaruga, huyện Nara thuộc vùng Kansai của Nhật Bản. Horyuji thực sự là một bước ngoặt trong lịch sử Nhật Bản, là ngôi chùa xưa nhất Nhật Bản còn tồn tại và cũng là tập hợp kiến trúc bằng gỗ xưa nhất thế giới. Vào cuối đời thái tử Shotoku, trong chùa có đến 800 nam và 500 nữ tu sĩ. Chùa được xây dựng năm 607, theo những dòng khắc trên lưng vầng hào quang tượng Phật Dược sư Yakushi Nyorai đặt trong kim điện Kondo.
Học sinh Nhật Bản tham quan chùa Horyuji
Ngôi chùa Horyuji bị bị cháy do sét đánh vào một tối mùa xuân năm 670. Lập tức một ngôi khác được xây thay thế tại phía bắc chỗ cũ và hoàn thành vào năm 711. Dần dần nhiều miếu điện được thêm vào và trong thời đại Nara (710-794), dưới sự giám hộ của triều đình, chùa được kê vào bảng "bảy chùa miền Nam" hay "mười chùa lớn". Đến 1868, đầu thời Phục hưng Minh Trị, Horyuji cùng những chùa Phật khác ở Nhật Bản lại bị điêu đứng sau khi Phật giáo và đạo Shinto chia rẽ. Qua năm 1872, khi làm thống kê những tài nguyên văn hóa, chính phủ Nhật Bản mới nhận thức sự quan trọng của bộ sưu tập quý giá ở Horyuji. Năm 1878, chính phủ đem về Hoàng cung 300 bảo vật và chi 10.000 yen để sửa chữa chùa. Mặc dù vậy, Horyuji luôn được biết tiếng khắp thế giới là một kho tàng văn hóa Phật giáo. Mãi đến năm 1930, chùa mới được trùng tu hoàn toàn, như ta thấy bây giờ.
Ngày nay, đi tham quan Horyuji, du khách được mời xem hai nhóm kiến trúc: Sai-in phía tây, To-in kèm với Kita muro-in và Yume Dono phía đông. Hai cơ sở quan trọng nhất của Sai-in là kim điện Kondo, đặc trưng phong cách Asuka và tháp năm tầng Goju-no-to nằm sát phía tây Kondo. Điện thuyết pháp Dai Kodo, phong cách Fujiwara (857-1160), chỉ được dời từ Kyoto về năm 990 để thay thế điện thứ nhất bị cháy năm 925. Qua thế kỷ 12, điện Shoryo-in thờ Shotoku cũng mới được xây. Để vào chùa, khách phải bước qua Chu Mon với hai ông hộ pháp Nio xưa nhất Nhật Bản (711), bằng gỗ quét đất, hiện còn vài vết sơn đỏ và đen, biểu hiện ánh sáng và bóng tối.
Điện Kondo được trang trí rất tinh vi, chất lượng nghệ thuật đạt mức tối cao. Đáng tiếc là hỏa hoạn năm 1949 đã làm hư hại nhiều tòa nhà và nhất là các tranh vẽ được xem là những kiệt tác nghệ thuật Nhật Bản thực hiện vào khoảng năm 710, cùng thời với những công trình ở Trung Á như Ajanta. Bây giờ còn lại vài mẫu ở viện bảo tàng và những ảnh chụp trước 1949 trình bày bốn thiên cung Amida (A Di Đà), Miroku (Phật Vị Lai), Shaka (Phật Thích Ca), Yakushi (Phật Dược Sư). Phía trong Kondo, khách còn được chiêm ngưỡng, bên cạnh bộ ba Shaka của nhà điêu khắc Tori, bức tượng Đức Phật Dược Sư cùng tác giả thực hiện năm 607, bốn hộ thế thiên vương Shintenno của bốn cõi Trời bằng gỗ, sơn màu bị phai nhạt nhiều.
Chùa Horyuji, với tượng Kudara Kannon và nhiều kiệt tác khác, là một kho tàng của nhân loại và may mắn tên chùa được gắn liền với tên thái tử Shotoku, một người uyên bác đủ mọi mặt, một Phật tử đã đóng góp nhiều trong việc phát triển đạo Phật cho xứ Phù Tang.
Chiêm bái Đại Phật tại Kamakura

Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa, cách Tokyo khoảng 50km về hướng tây nam, được coi là kinh đô của Nhật Bản trong một thời kỳ lịch sử. Đến Kamakura, không du khách nào muốn bỏ qua bức tượng Phật khổng lồ được gọi là Đại Phật (Daibutsu). Đây là tượng Ðức Phật Amida Buddha bằng đồng tọa lạc trong khuôn viên của chùa Kotokhuin.
Bức tượng Phật khổng lồ được gọi là Đại Phật (Daibutsu)
Bức tượng Phật khổng lồ này cao 13,35m và nặng 121 tấn, được hai nhà điêu khắc Ono Goroemon và Tanji Hisatomo đúc vào năm 1252 theo đề xuất của bà Inadano Tsubone và linh mục Joko, người không chỉ đề xướng ý tưởng làm bức tượng Phật có kích thước lớn cùng ngôi đền bao xung quanh mà còn quyên góp tiền để xây dựng. Vào năm 1292 ngôi tượng Phật Kamakura nguyên thủy được thờ tại khuôn viên ngôi chùa Kotokhuin, ngôi chùa sau đó đã bị sóng thần cuốn đi vào năm 1498. Pho tượng Phật bằng đồng là vật duy nhất còn sót lại sau cơn sóng thần thời đó và nó đã tồn tại đến ngày hôm nay.
Tượng Kamakura được điêu khắc rất tinh vi với nón đội đầu nghiêm chỉnh, cân đối, kể cả những đường xếp trên áo cà sa và thân thể cũng được điêu khắc đều đặn, rõ ràng. Với cặp mắt khép hờ, Đức Phật thể hiện sâu trong thiền định, hoặc giả đang chiêm nghiệm sâu xa trong niềm an lạc, thanh thản. Tượng Phật Kamakura có một khuôn mặt truyền cảm, với cặp mắt khép hờ như truyền đạt sự thanh thản, sự bình an và sự thông thái vượt hẳn trên sự phiền não của thế gian. Thi sĩ Rudyard Kipling đã đưa pho tượng Kamakura vào những vần thơ trứ danh của ông, “từ bỏ sự kiêu hãnh, từ bỏ sự khinh miệt, không tín điều không tăng sĩ, ai có thể cảm nhận được tâm hồn của phương Đông về Đức Phật tại Kamakura.”
Thạc sỹ NGUYỄN TRUNG TOÀN

Không có nhận xét nào: