Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Ký ức đau thương của hoang đảo trong 'Skyfall'

Đảo hoang ấn tượng xuất hiện trong bộ phim về điệp viên 007 có cả một lịch sử đầy đau thương.

Trở nên nổi tiếng từ sau khi xuất hiện trong Skyfall, Hashima là một trong những địa điểm lạ lùng nhất mà bạn được khám phá – và trên thực tế rất ít người có được may mắn bước chân tới đây.


Hòn đảo lạ lùng tách biệt này nằm cách bờ biển Nagasaki 17 km về phía Tây và bắt đầu được mở cửa cho du khách tới tham quan vào 4 năm trước. Thế nhưng, số lượng du khách được tới đây du lịch cực kỳ hạn chế.


Nổi tiếng từ sau bộ phim mới nhất của James Bond: Skyfall, Hashima được biết đến là một hòn đảo ma với những tòa nhà bê tông hoang tàn

Những tòa nhà ở đây đã quá cũ kỹ, chính vì thế du khách phải đi men theo lối đi nhỏ định sẵn vòng quanh một góc của hòn đảo. Chỉ với sự cho phép của hội đồng thành phố Nagasaki, du khách mới có thể bước lên “Cầu thang tới địa ngục” để có thể ngắm toàn cảnh thành phố đổ nát này từ đỉnh của ngôi đền gió.

Nhìn từ trên cao, nơi đây giống như đã trải qua một sự tàn phá dữ dội. Nhiều thập niên chống chọi với lốc xoáy và nước biển ăn mòn đã phá hủy hòn đảo toàn cao ốc bê tông này. Những móng nhà vốn được chôn sâu dưới đất nhằm chống đỡ khối kiến trúc khổng lồ nay bị mài mòn, lộ ra trơ trọi. Những thanh gỗ, từng dùng để ghép thành ban công, bị gió thổi nằm chỏng chơ trên mặt đất.

Tất nhiên, những cảnh tượng hoang tàn như thế không hề xa lạ với người hâm mộ James Bond, bởi chúng đều được phản ánh chân thực trong bộ phim mới nhất Skyfall. Khoảng sân của tòa nhà mang số hiệu 65 là nơi Bond's girl Sévérine từng bị trói trong phim.



Hòn đảo này từng rất nổi tiếng vì than đá. Khu mỏ đầu tiên được xây dựng trên đảo vào năm 1887. Ba năm sau, các kỹ sư của tập đoàn Mitsubishi khổng lồ đã mua lại Hashima và biến nó thành khu hầm mỏ hoạt động hiệu quả với hàng loạt gia đình công nhân đến sống trong những ngôi nhà bê tông đầu tiên trên thế giới.

Hòn đảo ngày càng được mở rộng khi nhu cầu than đá của nước Nhật tăng cao – một rừng các khu căn hộ mọc lên cùng với tốc độ khai hoang nhanh đến chóng mặt.



Cho dù ngày nay cỏ dại và cây cối đã bắt đầu bám rễ trên những ban công và mái nhà vô chủ, trẻ con sinh ra ở đây lúc bấy giờ chỉ nhìn thấy độc một màu xám. “Không có một bụi cây, bông hoa nào, chúng tôi thậm chí còn không biết mùa hoa anh đào nở là gì”, Hideo Kaji, một cư dân sinh ở Hashima năm 1932 kể lại. “Chúng tôi đoán mùa bằng cách nghe tiếng gió hoặc nhìn vào màu sắc của đại dương và bầu trời”.

Tuổi thơ của Kaji chính là giai đoạn lịch sử đen tối của Hashima. Cũng giống như rất nhiều những đế chế công nghiệp khác ở Nhật Bản, Hashima là điểm đến của hàng trăm lao động cưỡng ép từ Triều Tiên. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, các tù nhân Trung Quốc cũng bị mang đến đây. Đối với họ, Hashima là hòn đảo của tuyệt vọng.

Trong bảo tàng hòa bình ở Nagasaki, những dòng cảm nghĩ của lao động Triều Tiên được giám đốc bảo tàng Yasunori Takazane gắn lên tường. Ông nói: “Điểm chung trong câu chuyện của lao động Triều Tiên và Trung Quốc mà tôi được nghe là cơn đói khủng khiếp. Những bữa ăn ở đó rất thiếu thốn và khi họ không thể làm việc nổi, họ sẽ bị tra tấn dã man”.

Bạn thân của Kaji ở trường học là một đứa trẻ Triều Tiên. Ông nói rằng không thấy nhiều lắm sự phân biệt đối với người Triều Tiên trong trường học, nhưng cha mẹ ông có lần kể rằng những công nhân Triều Tiên bị đánh đập rất dã man.

“Bố và mẹ tôi nói họ cảm thấy rất có lỗi, nhưng điều đó là không thể tránh khỏi, bởi vì bấy giờ là thời chiến”. Ông cũng nhớ từng rất ghét trẻ con Trung Quốc bởi vì chúng “bị nhốt ở phía Nam của hòn đảo, nơi chúng tôi từng chơi bóng chày. Chúng tôi đã rất buồn vì bị mất chỗ chơi, nhưng sau chiến tranh, tôi hiểu rằng chúng bị buộc phải ở đó”.




Kaji rời khỏi hòn đảo vào năm 1974 khi khu hầm mỏ đóng cửa, thời điểm mà dầu hỏa bắt đầu thay thế than đá – nguồn nhiên liệu chính của Nhật Bản. Mitsubishi rút khỏi hòn đảo, những công nhân bắt đầu trở lại đất liền để tìm việc, và kể từ đó Hashima bị bỏ hoang. “Đó là một cuộc cách mạng năng lượng và chúng tôi đều biết rằng thời đại của than đá không còn nữa”, ông Kaji nói. “Nếu như tôi có thể mô tả Hashima bằng một từ, đó chỉ có thể là buồn. Cho dù tôi vẫn luôn biết rằng sống trên hòn đảo đó là một giai đoạn trong cuộc đời”.


Nhật Bản muốn UNESCO công nhận Hashima là di sản văn hóa, nhưng Nam Triều Tiên phản đối vì nơi đây từng áp bức rất nhiều người lao động cưỡng ép đến từ Triều Tiên trong thời kỳ chiến tranh

Tomoji Kobata chỉ sống trên đảo Hashima trong một năm 1961, nhưng ông biết tất cả những con đường lên xuống hòn đảo. Cho dù đã 70 tuổi, ông vẫn có thể tìm thấy lối đi dẫn qua đống đổ nát, chỉ ra những nơi quen thuộc ngày xưa – bể nước, nơi luôn đục ngầu bởi những người thợ mỏ mặc nguyên quần áo và nhảy vào sau một ngày dài làm việc; những lỗ nhỏ trên các bức tường kiên cố nơi cặp đôi yêu nhau cùng ngắm mặt trời mọc và lặn.

Đây chính là giai đoạn khi Hashima đông đúc nhất thế giới: 5.259 người sống trong 16 hecta vào năm 1959. “Nó khiến tôi nghĩ đến Hong Kong. Giờ ăn là thời điểm rất ồn ào. Những người vợ sẽ mượn nhau gia vị và trao đổi thức ăn. Không ai cần phải khóa cửa”.

Kobata hiện nay làm việc cho công ty hướng dẫn Gunkanjima, một trong những công ty khởi xướng du lịch trên hòn đảo này. Ông nói ông sẽ kể cho du khách về câu chuyện của lao động cưỡng ép trên đảo và các khía cạnh khác của cuộc sống trên đảo.

Takazane nói Nhật Bản cần phải nhìn nhận chuyện này một cách thẳng thắn. “Auschwitz (trại tập trung lớn nhất dưới thời Đức quốc xã) được công nhận là di sản văn hóa, vì thế mà người ta nhớ đến nó như một tội ác lịch sử, và Hashima cũng thế. Một vài người có vẻ như không muốn nhớ tới giai đoạn đen tối đó, và coi đó như một sự đóng góp vào nền công nghiệp Nhật. Đó là sự phản bội lịch sử”.
Theo Trí Thức Trẻ
Thành phố ma giữa đại dương
Theo Spiegel online

“Đảo tầu chiến” bồng bềnh giữa biển cả
Từng có mật độ dân số cao nhất thế giới nhưng giờ đây Hashima, hòn đảo tý hon giữa đại dương của Nhật Bản, lại trở thành hoang đảo không một bóng người. Các thợ mỏ Nhật Bản khai thác than đá trong hầm lò dưới đáy biển đã giã từ mảnh đất này cách đây 35 năm. Ngày nay, Hashima trở thành thiên đường của các nhà nhiếp ảnh.
Người Nhật gọi hòn đảo này một cách thành kính là “đảo-tầu chiến” bởi nó thực sự giống một tầu chiến cổ lỗ trôi nổi bồng bềnh giữa đại dương. Hòn đảo hầu như không có cây cối mà là một khối bê tông sắt thép khổng lồ với tường chắn bao bọc để ngăn sóng lớn, nhất là lúc có giông bão. 

Trong nhiều thập niên, Hashima là minh chứng cho sự chiến đấu kiên cường của con người chống lại thiên tai và không gian chật chội vì chỉ có diện tích khoảng 7,2 ha (150m x 480m). Trữ lượng than khổng lồ ở đây trong nhiều thập kỷ đã thu hút hàng nghìn thợ mỏ và làm cho đảo trở thành nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. 
Ngày nay hòn đảo trở nên cô độc, không một bóng người - trên đảo chỉ còn lại mấy chú mèo hoang. Từ biểu tượng của sự tiến bộ, hòn đảo trở thành biểu tượng cho quá khứ ngắn ngủi: trong các căn hộ vẫn còn bàn ăn với bát đĩa cốc chén, những chai lọ phủ đầy bụi và những cái tủ lạnh hoen gỉ. Từ một Hashima ồn ào, náo nhiệt được công nghiệp hoá cao độ nay nơi này trở thành một hòn đảo ma âm u và trở thành một nhân chứng thầm lặng của lịch sử kỷ nguyên công nghiệp Nhật Bản. 

Một thành phổ kiểu mẫu của Nhật Bản 


Than đá chất lượng cao là chiếc chìa khóa cho sự phát triển có một không hai của hòn đảo hoang vắng này. Ngay từ thế kỷ 19, người ta đã khai thác than đá trên đảo Takashima, láng giềng của Hashima, để làm chất đốt sản xuất muối. Với sự hỗ trợ của các kỹ sư Scotland vào năm 1869 đã hình thành những mỏ than đá đầu tiên, thời đó than đá nằm sâu 45 mét dưới đáy biển.

Nhu cầu về than đá tăng vọt nên năm 1980, Mitsubishi Nhật Bản đã mua đảo Hashima với giá 100.000 Yen. Hãng đã thiết lập một tuyến truyền tải than hiện đại dài khoảng 200 mét. Từng chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp vận tải biển, Mitsubishi quyết định xây dựng hòn đảo vốn rất khắc nghiệt với đời sống con người thành một thành phố kiểu mẫu – và nó đã trở thành một bản sao thu nhỏ của xã hội Nhật Bản. 

Để ngăn những cơn sóng dữ, hãng đã xây dựng một bức tường bê tông kiên cố bao quanh toàn bộ hòn đảo. Số lượng thợ mỏ ra đảo ngày càng nhiều, sản lượng than đá khai thác hàng năm tăng nhanh - năm 1916 là 150.000 tấn, 1941 đã vọt lên 400.000 tấn. Biểu tượng cho một xã hội trọng tôn ti trật tự, viên quản lý mỏ là người duy nhất có một căn nhà riêng tọa lạc trên mũi hòn đảo trong khi tất cả những người thợ mỏ bình thường đều ở trong những căn phòng chật chội chỉ khoảng 10 mét vuông và đều sử dụng nhà vệ sinh chung. Những tòa nhà bê tông mặt tiền mầu xám là bộ mặt của đảo - vào thời điểm đó, những khu chung cư nhiều tầng được coi là biểu tượng kiến trúc trong tương lai. Tòa nhà bê tông cốt thép cao nhất Nhật Bản được xây dựng năm 1916 ngay trên đảo Hashima với chín tầng.

Không phải ai cũng tình nguyện đến đảo. “Khi trông thấy Hashima, tôi không còn một tia hy vọng nào", ông Suh Jung-Woo kể lại trong một cuộc phỏng vấn. Ông thợ mỏ người Triều Tiên nhanh chóng phát hiện ra rằng, khó có thể trốn chạy khỏi hòn đảo này. Ông là một trong số hàng trăm lao động cưỡng bức đưa từ Trung Quốc và Triều Tiên tới trong Chiến tranh thế giới thứ hai để khai thác than đá. "Công việc ở đây hết sức nặng nhọc. Không khí trong hầm lò ngột ngạt, khó thở, trần và tường được xây bằng đá luôn có nguy cơ bị vỡ lở và sập. Hồi đó, tôi luôn nghĩ mình sẽ không bao giờ sống sót ra khỏi nơi này”. 

Thực tế là rất nhiều lao động cưỡng bức đã chết vì điều kiện lao động vô cùng khắc nghiệt, hay vì kiệt sức và tai nạn. “Tháng nào cũng có từ bốn đến năm lao động bị chết”, ông Jung-Woo kể. Tất nhiên không phải chỉ có lao động cưỡng bức bị chết. Ông Brian Burke-Gaffney, là tác giả đồng thời là giáo sư tại đại học Nagasaki, đã viết về Hashima và ước tính đến cuối cuộc chiến tranh thế giới II, có khoảng 1.300 lao động bị chết trên đảo. Một số người vì quá tuyệt vọng đã tìm cách bơi vào đất liền và thất bại.

Ngược lại, ông Doutoku Sakamoto lại luôn thấy nhớ hòn đảo này. Ông lớn lên ở đây trong một thời kỳ hoàn toàn khác: sau chiến tranh thế giới II, đảo Hashima trải qua một thời kỳ hoàng kim, Công nhân làm được hưởng nhiều ưu đãi và có mức lương khá cao, có thể nói mức sống tại đảo cao hơn mọi nơi khác ở Nhật Bản, từ đó người ta thu hút được khá nhiều lao động đến làm việc. “Với chúng tôi, mọi cái đều tuyệt vời”, ông Sakamoto kể trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình. “Tất cả chúng tôi ai cũng có tivi, tủ lạnh và máy giặt, dù đó là thời điểm những năm 1960”. 

Trừ nghĩa địa, ở đây không thiếu cái gì: trường phổ thông cơ sở, sân chơi, rạp chiếu phim, bệnh viện, tiệm cắt tóc, quán nhậu, nhà hàng - thậm chí còn có cả chùa thờ Phật... Nếu trong những thập niên đầu, người ta phải chở nước ngọt bằng tầu thủy ra đảo thì từ năm 1957 đã có ống dẫn nước dài hàng km từ đất liền ra đảo. Do xây dựng dày đặc nên trên đảo không có đất trống, dân đảo phải trồng cây và rau xanh trên mái nhà để phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Trên đảo hầu như không có chỗ cho cuộc sống riêng tư. Như trong một thí nghiệm ngoài trời nhỏ tí xíu, cách đây nhiều thập niên, người Nhật trên đảo Hashima đã phải đứng trước những vấn nạn mà ngày nay cả nước Nhật đang phải đối mặt: đó là sự thiếu không gian của một xã hội có trình độ phát triển cao. Mọi vị trí trên đảo đều có thể tới chỉ trong vòng ít phút, tất cả các tòa nhà được kết nối bởi một mê cung hành lang hẹp và cầu thang. Vì thiếu mặt bằng nên nhà trẻ và bể bơi phải thiết kế trên mái tòa nhà chung cư - cách những cái đu quay chỉ vài mét là một cái chợ, họp một lần trong tuần.

Vào thời kỳ cao điểm, trên đảo có 5.259 người sinh sống. Trên mỗi ha có đến 835 người, cao gấp gần sáu lần so với Tokyo hiện nay. Ông Doutoku Sakamoto không cảm thấy phiền toái vì điều này - ngược lại, ông kể với đài truyền hình Đức ZDF trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Đây là một cộng đồng thật sự, mỗi người vì mọi người, ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người hàng xóm của mình, những điều từ lâu đã bị lãng quên ở nước Nhật ngày nay."

Chính vì sự lãng quên này mà ông luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài. Tận dụng sự chú ý của các phương tiện truyền thông, ông đã tìm mọi cách chống lại sự lãng quên của thời gian để có thể đưa Hashima vào danh sách di sản văn hoá thế giới của Unesco -không phải chỉ vì yếu tố kiến trúc mà vì hòn đảo chính là đài tưởng niệm chống lại sự khai thác thiên nhiên một chiều thái quá. Sự giàu có một thời của hòn đảo đã trở thành định mệnh của nó: việc khai thác than tại đây trở nên quá tốn kém, nhu cầu về than giảm, nền công nghiệp hiện đại của Nhật Bản đột ngột chuyển sang sử dụng dầu mỏ. Sau khi khai thác được trên 16 triệu tấn than, Mitsubishi tuyên bố đóng cửa hầm mỏ vào tháng giêng năm 1974. 

Vì những công nhân đầu tiên đăng ký làm việc trên đất liền cho Mitsubishi tại Nagasaki đều được đảm bảo sẽ có việc làm nên rất nhiều thợ mỏ đã nhanh chóng rời đảo. Từ tháng 4-1974, trên đảo Hashima đã không còn một ai. Trong nhiều thập niên, “đảo tầu chiến” như đã ngủ yên, Hashima trở thành cấm địa do nguy cơ sập đổ. Chỉ có một số nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp được lên đảo để thu thập tư liệu về những lối đi như mê cung, về sự suy tàn của ngành công nghiệp khai thác than đầy tự hào một thời của Nhật Bản.
Giờ đây sau hơn một phần tư thế kỷ, Nhật Bản lại muốn kiếm tiền từ Hashima thông qua phát triển du lịch. Để được tham quan một phần của đảo, người ta phải trả khoảng 30 Euro. Ông Doutoku Sakamoto hy vọng, những di tích hoang phế tại đây sẽ kích thích trí tò mò của du khách. Riêng với ông, Hashima tượng trưng cho sự hữu hạn của tài nguyên. “Tương lai của chúng ta ở đâu?”, ông nêu câu hỏi. “Tôi sẽ rất vui khi con người nhìn vào Hashima và nêu câu hỏi này với chính mình”. 

Xuân Hoài dịch

Không có nhận xét nào: