(iHay) Dinar là đơn vị tiền tệ của Vương quốc Kuwait, một quốc gia giàu có ở vùng Vịnh. Đồng dinar, viết tắt là KWD còn người dân vẫn quen gọi là KD. KD là đồng tiền đắt giá nhất thế giới hiện nay, cao gấp khoảng 3,5 lần đồng USD.
Nhiều nước trong thế giới hồi giáo từ Trung Đông tới châu Phi sử dụng đồng dinar làm đơn vị tiền tệ của mình như: Tunisia, Libya, Jordan, Iraq, Algeria, Bahrain. Trong số này, đồng dinar của Bahrain (BHD) cũng có giá trị tương đối lớn, cao hơn 2,5 lần so với đồng USD.
Các loại tiền giấy dinar được trưng bày trong bảo tàng Đồng 1/4 dinar |
Điều thú vị khi lần đầu tiên cầm những đồng KD (giấy) trên tay là đơn vị nhỏ nhất của nó không phải là 1KD mà là 1/2 KD và cả ¼ KD; mệnh giá lớn nhất của nó là đồng 20 KD. Ngoài tiền giấy, tiền xu cũng được sử dụng phổ biến. Mệnh giá tiền xu gồm 5 loại là đồng 100 fils (1.000 fils mới bằng 1KD), 50, 20, 10 và 5 fils.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ đồng KD có giá trị cao như vậy hoàn toàn là nhờ dựa vào xuất khẩu dầu mỏ. Trong nhiều năm qua, đồng KD của họ không bị mất giá mà luôn có xu hướng tăng giá nhờ lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn và thặng dư thương mại từ xuất khẩu dầu mỏ mỗi năm từ 40 - 50 tỉ USD.
Tài xế và là hướng vấn viên của chúng tôi là một người đàn ông đứng tuổi người Jordan. Lao động nước ngoài nhập cư như ông ở Kuwait rất nhiều, chiếm tới 2/3 dân số của đất nước này.
Tháp Kuwait, khối cầu trên cùng của tháp cao 187 m, có một khu vực quan sát quay vòng và một nhà hàng sang trọng với thang máy tốc độ cao phục vụ cho du khách Tháp Giải phóng - đại diện cho cuộc giải phóng và hồi sinh Kuwait. Đây là một trong những tháp viễn thông cao nhất thế giới, cao 372 mét |
Người bạn đồng hành của chúng tôi xin phép vắng mặt vài phút để vào nhà thờ cầu nguyện vì lúc này đã hơn 4 giờ chiều. “Theo quy định của đạo Hồi, mỗi ngày có đến 5 lần cầu nguyện và dân số Kuwait phần lớn theo đạo Hồi nên nhà thờ được xây dựng ở khắp nơi để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đến cầu nguyện”, ông nói.
Trong chợ truyền thống của Kuwait nói riêng và các nước theo đạo Hồi nói chung chúng ta sẽ thấy người bán hàng toàn là đàn ông. Đó cũng là điều khác biệt lớn nhất so với Việt Nam. Điểm khác biệt thứ hai là ở những món hàng đặc sản, cụ thể ở đây là trái chà là - có đủ loại tươi được bán với nhiều mức giá khác nhau. Những người bán hàng cũng rất vui vẻ nhiệt tình chào mời khách nhất là đối với những vị khách ngoại quốc.
Họ đưa cho chúng tôi nếm thử đủ các loại hàng mình có. Khi tôi đưa máy ảnh lên chụp thì có người còn vui vẻ tạo dáng. Đó là những bất ngờ thú vị mà tôi nhận được, nó hoàn toàn trái ngược với những gì tôi từng nghĩ trước đó. Đáp lại sự nhiệt tình của những người bán hàng mỗi người trong đoàn chúng tôi đều mua một hai ký chà là để mang về làm quà. Một kg chà là khô có giá từ 1 - 4KD tùy loại, tương đương từ 75.000 - 300.000 đồng, xem ra cũng không quá đắt với một món đặc sản.
Một người Việt Nam sống nhiều năm ở Kuwait nói với chúng tôi: "Nếu muốn, các bạn nên mua sắm hàng hóa ở đây một cách thoải mái đi. Dù đồng tiền của họ có giá trị rất cao song hàng hóa ở đây khá rẻ vì hầu hết là hàng nhập khẩu chỉ chịu mức thuế từ 0 - 5%. Ngoài giá rẻ thì chất lượng hàng hóa ở đây cũng rất tốt, vì tiêu chuẩn để hàng hóa nhập khẩu vào đây khá cao nên các bạn có thể yên tâm".
Nhà thờ của người Hồi giáo lớn nhất (Grand Mosque) ở trung tâm thành phố Kuwait Một góc thành phố Kuwait Trái chà là, một loại đặc sản của Kuwait |
Phượt thủ Chí Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét