(iHay) Preah Vihear, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, ngay sát biên giới Campuchia và Thái Lan, là điểm nóng xung đột biên giới giữa 2 nước. Bên này là tỉnh Preah Vihear, bên kia là Sisaket. Lần thứ 5, tôi vừa đến thăm Preah Vihear, ngôi đền vẫn kiêu hãnh, bình yên đón đợi du khách. Toàn khách nội địa, khá đông; khách nước ngoài, mỗi tháng chỉ vài trăm người.
Du lịch Campuchia hiện nay dễ như... đi chợ, chỉ khác là phải có passport nhưng khó nhất là hướng dẫn viên. Phải am tường lịch sử ASEAN và đi hết các tuyến điểm Campuchia mới có thể tự tin thuyết minh cho khách. Preah Vihear nằm trên chỏm núi Pey Tadi, ở độ cao 525 m, thuộc dãy Dangrek (còn gọi là núi Đòn Gánh hay Mang Cột, đỉnh cao nhất 725 m) được xây dựng vào thế kỷ 9. Suốt gần 300 năm, trải qua 4 đời vua là Yasovarman I (889 - 910), Suryavarman I (1002 - 1050), Jayavarman VI (1080 - 1109), Suryvarman II (1113 - 1150), Preah Vihear là phức hợp với nhiều nét tương đồng các ngôi đền trong quần thể Angkor. Đền xây theo trục bắc - nam, dốc ngược chừng 120 m; dài 800 m, rộng 250 m. Nhìn từ trên máy bay, phức hợp mang dáng dấp thần Shiva khổng lồ, tương ứng với 5 phần chân, thắt lưng, vai, cổ và đầu. Nhiều người cho rằng Preah Vihear là bản nháp tinh xảo của quần thể Angkor với 5 đền thờ tiêu biểu: Bantia Srey, Bakheng, Koker, Bouphon, Angkor Wat.
Ảnh: T.L |
Preah Vihear, tên đầy đủ là Prasat (thần thánh) - Preah (đền thờ) - Vihear (lưu lại) thờ thần Shiva, gọi là Sikharesvara, nghĩa là “Ngọn núi của những thánh thần vĩ đại”. Người Thái gọi là Prasat Phra Viharn, cũng với nghĩa tương tự. Vào thế kỷ 9, khi người Campuchia khởi công xây đền thì đế chế Khmer đang làm bá chủ Asean. Khi đế chế Khmer suy sụp, các vương triều Khmer nhiều lần phải cắt đất cho láng giềng để đổi lấy sự bảo hộ. Ngày 9.11.1953, người Khmer giành được độc lập từ tay người Pháp. Cùng lúc, tỉnh Preah Vihear được Thái Lan trao trả cho Campuchia. Năm 1959, người Thái chiếm lại. Đến 1962, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên Hiệp Quốc buộc người người Thái giữ đúng hiện trạng trước 1959.
Khi Thái Lan đã là cường quốc du lịch ở Asean thì Campuchia vẫn còn nội chiến liên miên. Từ Sisaket, có đường thoai thoải lên Preah Vihear, còn từ Campuchia thì dốc đứng, chỉ có lối mòn đi bộ. Tất cả khách đến Preah Vihear đều qua ngõ Thái Lan. Khách ăn, ngủ, vui chơi, mua sắm ở Sisaket. Vào Campuchia viếng đền được miễn visa nhưng phải đi qua vườn quốc gia Khao Phra Viharn. Tiền bán vé Preah Vihear được chia đôi cho mỗi nước. Ngày 7.8.2008, UNESCO công nhận Preah Vihear là Di sản thế giới của người Khmer. Người Thái phản đối, xung đột nổ ra, lính Thái tràn qua chiếm đền, lính Campuchia không kịp trở tay. Khi người Khmer phản công, giao tranh dữ dội. Cuối cùng người Thái rút về bên kia biên giới. Đền Preah Vihear tràn ngập quân đội Khmer. Xung đột vẫn âm ỉ, thỉnh thoảng có giao tranh nhưng ở các vùng phụ cận.
Tôi đưa các hướng dẫn viên lên Preah Vihear vào cuối tháng 9.2009, khi giao tranh hai bên vừa lắng xuống. Nhờ sự giới thiệu của Bộ Du lịch và sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh tiền phương, chúng tôi đến Preah Vihear trong e dè, dù rằng được đảm bảo an toàn. Mang theo trà và cà phê Tâm Châu, một ít bánh kẹo, thuốc lá, chúng tôi vừa tham quan, vừa ủy lạo lính Campuchia. Đi theo lối mòn dọc biên giới, hai bên là bảng báo nguy hiểm. Cách đó chừng vài chục mét là lính Thái đồn trú. Chúng tôi ngồi uống nước tại “bàn hòa giải”, nơi hai phe ngưng chiến để giải quyết hậu sự. Dọc các công sự là những lô cốt ngụy trang với B40, B41, cao xạ 12 li, trung liên RPD, đại liên M60... chĩa thẳng xuống. Chợ bán hàng lưu niệm cháy tan hoang. Đường bậc thang từ Thái dẫn lên đền bị bít bởi kẽm gai. Ghé vào nhà Hữu Nghị, mỗi bên có 5 người trực, chúng tôi thăm hỏi và tặng quà cho hai bên với lời chúc “Chiến tranh đừng bao giờ xảy ra”. Mọi người vui vẻ trò chuyện và cũng mong ước như vậy.
Lần đầu đi Preah Vihear, đường toàn bụi đỏ lầy lội. Thị xã Tbeng Mienchay, thủ phủ của Preah Vihear chưa có khách sạn, chỉ có các guest house bé tí với vài phòng có nước nóng. Bây giờ đã có khách sạn 2 sao hoàn chỉnh, đường trải nhựa láng o như đường băng sân bay. Xe lao vun vút giữa rừng nguyên sinh, nhiều đoạn cỏ lau đẹp sững sờ. Thỉnh thoảng mới có vài khu dân cư, còn đa phần là doanh trại lính. Từ Việt Nam, đi Preah Vihear tiện nhất là theo ngõ Xa Mát, ăn trưa ở Kampong Cham. Qua Kampong Thom chừng 20 km, tới ngã ba chạy thẳng (rẽ trái là đi Siem Reap). Có thể ghé Sambor Preikuk, kinh đô người Khmer từ thế kỷ 7 - 8 rồi nghỉ đêm ở Tbeng Mienchay, cách Kampong Thom 153 km. Từ thị xã đến chân núi 117 km, chuyển xe 2 cầu để lên đền. Dọc đường và quanh đền luôn có các dòng chữ “Preah Vihear là của người Khmer”. “Chúng ta tự hào là người Khmer”... trên pano, bảng hiệu bằng cả tiếng Khmer và tiếng Anh. Nhớ mang theo ít bánh kẹo, trà cà phê, thuốc lá làm quà. Cảnh sát du lịch, các sĩ quan đặc công đều có thể làm nhiệm vụ thay thế nếu hướng dẫn viên du lịch tuyến điểm kẹt khách. Chúng tôi thường đi từ dưới lên, dạo vòng quanh vành đai, vào nhà Hữu nghị, cổng đền, mượn các loại súng để chụp ảnh kỷ niệm... Sau đó lần lượt tham quan từ đền 5 lên đền 1. Khi xuống có thể nhờ xe ôm. Lên Preah Vihear, thích nhất là đứng trên đỉnh Pey Tadi, nhìn xuống Campuchia bạt ngàn trù phú, cứ ngỡ như mình đang bay. Trên núi có quán cơm nước dã ngoại khá ngon.
Lửa Việt là công ty đầu tiên và duy nhất hiện nay có tour đi Preah Vihear. Khách lớn tuổi nhất là bà Trương Thị Bé, sinh năm 1936, đi vào dịp 30.4 vừa rồi. Đoàn khách thứ 5 đang chuẩn bị đến Preah Vihear vào cuối tháng 12, kết hợp tham quan Along Veng, thủ phủ của Khmer Đỏ, nơi có mộ Pol Pot hoang tàn, có nhà Ta Mok - tư lệnh Khmer Đỏ... ngay sát cửa khẩu Choam. Tôi đã sang tận thị xã Sisaket, hậu cứ của Khmer Đỏ. Cùng nhau khám phá núi Kulen và dòng sông ngàn Linga rồi về Siem Reap đón năm mới dương lịch, rất thú vị. Xin mời mọi người cùng tham gia, tôi sẽ làm hướng dẫn viên. Riêng bạn đọc Thanh Niên tuần san đi tour này, ngoài các phần quà của công ty, còn được tác giả tặng nửa năm báo khuyến mãi! Một điều thú vị nữa, Preah Vihear là tỉnh có nhiều đền cổ nhất của Campuchia: 245 đền, nằm rải rác khắp tỉnh cùng nhiều cảnh quan kỳ thú, đi cả tuần lễ cũng chưa khám phá hết.
Nguyễn Văn Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét