Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Phải lòng Toronto Island

Với giá vé hai chiều 7 đô Canada (khoảng 150.000  VND), du khách có thể có được một ngày thanh bình với khung cảnh thơ mộng trên đảo.

 

Đây là quần đảo hình chữ V dài khoảng 6 km với nhiều đảo nhỏ và bãi tắm ở hướng Nam, nơi đây có con đường đi bộ hoặc xe đạp có thể đi suốt chiều dài quần đảo. Với những người chỉ ở Toronto vài ngày, thời khắc đứng trên phà là một thời điểm đẹp nhất để có được cảm nhận trọn vẹn hơn về Toronto.
 

Những chiếc du thuyền nhỏ là phương tiện chính di chuyển của cư dân trên đảo
Đứng trên phà có thể nhìn rõ tháp truyền hình CN Tower với chiều cao 553.3m, từng được mệnh danh là công trình cao nhất thế giới trong 34 năm từ 1976 đến 2010, trước khi các công trình khác cao hơn hoàn thành (Buji Khalifa – Dubai 2010; Canton Tower – Guangzhou 2010; Tokyo Skytree, Tokyo 2012). Từ trên phà cũng có thể quan sát được những tòa nhà trên con phố tài chính Bay Street, nơi tập trung các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn nhất Canada và Bắc Mỹ.
Cách Bay Street một đoạn ngắn là trung tâm giải trí dọc đường Adelaide đoạn giữa Spadina và đại lộ University. Vào những lúc trời chưa tắt nắng thì khu này lại khá vắng vẻ nhưng khi nắng tắt, cả thành phố đổ về nơi này. Hàng loạt quán bar, sàn nhảy, quán ăn nhấp nháy đèn. Nhìn chung những loại hình giải trí này ở Toronto lành mạnh và rất ít tệ nạn nên được giới văn phòng và sinh viên thường xuyên lui tới. Có thể nói họ xem nơi đây như một phần giao tiếp và quan hệ xã hội.
Cách trung tâm giải trí vài con phố là trung tâm thời trang. Những cửa hiệu thời trang dọc đường Queen lúc nào cũng rất mời gọi. Tôi, như nhiều khách bộ hành, rất thích con đường này vì vừa có thể chậm rãi thả bước nhìn dòng người vừa được đi shopping qua cửa kính (window shopping, một loại hình shopping ưa chuộng của giới sinh viên vừa tha hồ ngắm đồ đẹp vừa không mất tiền).
Đảo nối đảo
Phà cặp bến ở đảo sau khoảng 20 phút. Tôi bám theo con đường nhỏ, hướng về phía Đông Bắc của đảo, phía tay trái nếu nhìn từ bến phà. Quần đảo Toronto là một hệ thống các đảo nhỏ hơn sat sát nhau, nhiều đảo chỉ cách nhau qua một con nước vài chục mét. Dòng nước xen giữa các hòn đảo nhỏ là nơi lý tưởng để chèo thuyền đi khám phá đảo. Theo hướng Đông Bắc, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là khu công viên của đảo. Ở đây có nhiều chiếc bàn gỗ sồi đặt dưới tán những cây cổ thụ lớn hai người ôm mới hết. Nhiều gia đình kéo đến đây picnic, một số nhóm lửa nướng thịt còn số khác chơi đùa, chạy nhảy ở bãi cỏ hoặc ra mặt hồ thả chân trần trên cát và nghịch nước.
Dọc theo con đường nhỏ chúng tôi qua cầu đến một khu nông trại cũ trên đảo, được cải tạo thành một sở thú nhỏ. Bọn trẻ con rất thích vào đây chạm tận tay chú ngựa, con lừa. Vào để nhìn và đuổi gà, ngắm công xòe đuôi rực rỡ. Không có những sở thú thế này thì trẻ em chắc sẽ không thể hình dung được con gà con dê như thế nào vì ở siêu thị, gà cũng đã được làm sạch sẽ trước khi bán cho người tiêu dùng. Ở ngay giữa đảo là các nông trại cổ, rất cổ. Hàng rào bằng gỗ đã mục nát dưới thời tiết nhiều năm nhưng vẫn được bảo quản để giữ nét nông thôn, cổ kính. Khu vực này mang dáng vẻ của một nông trang cổ thời khai phá Châu Mỹ.
 

Thái độ thân thiện chào đón khi bất ngờ gặp lần đầu không phải là chuyện ít xảy ra ở Toronto. Tuy nhiên, việc đa số cư dân đảo Algonquin đều rất thân thiện với khách lạ đã gây ấn tượng rất tốt với chúng tôi.

Phượt thủ Quỳnh Nguyễn

Không có cầu để sang hòn đảo bên cạnh, chúng tôi phải vòng về đường chính rồi mới ghé thăm được đảo kế tiếp. Cây cầu gỗ nối từ đường chính với đảo trông cũ kỹ nhưng vẫn chắc chắn. Từ ngoài nhìn vào, đảo thật hoang vu, không có đường xá và không có cả dấu vết của công trình xây dựng. Trước cầu treo tấm bảng chỉ vỏn vẹn “Đảo Rắn”. Tôi và cậu em tặc lưỡi xuýt xoa nửa muốn vào nửa không. Đến khi chúng tôi quyết định đi tiếp sang đảo khác và đi được một đoạn thì chợt thấy một nhóm học sinh rất nhỏ độ 6-8 tuổi vén tán lá cây đi ra từ Đảo Rắn. Thế mới biết những người tự cho là đã đi nhiều và liều mình đi cả chốn rừng núi hoang dã vẫn cần gan dạ hơn ở đây.
Qua đảo Rắn, chúng tôi đến một hòn đảo với những căn nhà nhỏ thấp thoáng dưới bóng cây. Những căn nhà ở đây đặc biệt nhỏ so với kích thước nhà thường thấy ở Toronto. Tôi đến nhà nhiều người bạn và thấy ở Toronto không phổ biến loại nhà hình ống cao tầng như Việt Nam. Nhà ở đây thường thấy kích thước vuông vức hơn. Đất rộng, người thưa, và chính sách quy hoạch làm nhà thường chỉ có tầng hầm, trệt, và một tầng trên. Trừ những căn nhà rất xưa, những căn nhà mới xây khoảng 10 năm gần đây thường khá rộng rãi, ước chừng rộng tối thiểu 8-10m, dài 10-15m và thường có khoảng không gian lớn cho vườn. Tuy nhiên ở đảo Toronto thì nhà lại chỉ nhỏ khoảng 6x8m, dù vẫn dành nhiều khoảng không xanh cho vườn cây cảnh và thảm cỏ.
 
Cầu gỗ nối từ đường chính tới đảo
Bức tranh thiên nhiên trữ tình
Chiếc cầu gỗ sồi lớn dẫn đến đảo Algonquin. Nằm giữa Vịnh Georgian và Sông Ottawa ở trung tâm Ontario, Canada. Được xây dựng từ năm 1893 với diện tích khoảng 7.653 km2. Nơi đây trải dài trên 200km là rừng hoang sơ với những cây thông cổ thụ. Những dòng sông, hồ, suối len lỏi trong rừng với những dãy núi đẹp như tranh soi mình xuống dòng nước trong xanh, phẳng lặng.
Với hơn 2.400 hồ và 1.200 km đường sông suối, trong đó có hồ Canoe và các sông, suối Petawawa, Nipissing, Amable du Fond, Madawaska, Tim, công viên là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ở đây có thể thấy những khu rừng với các cây gỗ quý như linh sam, vân sam trắng, vân sam đỏ, vân sam đen, thông đỏ, thông trắng, tùng trắng, dương, sồi, sồi gai, sồi đỏ.
Gỗ sồi rất phổ biến ở Toronto, từ những băng ghế trong công viên, tường rào quanh nhà, ván lót sàn nhà cho đến công trình xây dựng. Vân gỗ đẹp, gỗ sồi cứng cáp và thường không cần sơn kỹ mà chỉ cần một lớp sơn keo bảo vệ trong suốt để có thể che chắn ảnh hưởng của thời tiết trong khi vẫn nhìn thấy vân gỗ.
 
Đường nhỏ dần khu nông trại cũ trên đảo
Tôi đứng giữa cầu, đón làn gió mát rượi thổi qua, mắt ngắm những chiếc thuyền buồm  trắng (loại du thuyền nhỏ) đậu san sát hai bên bờ nước. Đâu đó trên những cây cầu cảng, nhiều gia đình tụ tập trên thuyền ăn uống nói chuyện rôm rả. Phía xa xa có cặp nam nữ chèo chiếc thuyền con màu đỏ vừa đủ hai chỗ ngồi. Cuộc sống có vẻ trôi qua nhẹ nhàng và chậm chạp đối với cư dân trên đảo.
Tiếp bước vào sâu trong đảo Algonquin là lối đi dài hun hút dưới hai hàng cây. Càng vào sâu trong đảo như càng rời xa Toronto hoa thị nhộn nhịp. Những căn nhà nhỏ với kiến trúc lạ mắt, cổ xưa mang đủ phong cách từ Âu đến Á. Hầu hết cư dân trên đảo Algonquin mà chúng tôi gặp đều lớn tuổi, ở độ tuổi về hưu.
Họ ăn mặc không cầu kì và tự mình chăm chút từng góc vườn, khóm hoa. Mỗi khi thấy có khách lữ hành đi qua họ lịch sự mỉm cười và chào, chúng tôi cũng thường xuyên mỉm cười và chào đáp lễ. Thái độ thân thiện chào đón khi bất ngờ gặp lần đầu không phải là chuyện ít xảy ra ở Toronto. Tuy nhiên, việc đa số cư dân đảo Algonquin đều rất thân thiện với khách lạ đã gây ấn tượng rất tốt với chúng tôi. Sẽ rất tuyệt vời nếu sống ở một nơi mọi người đều chan hòa vui vẻ như ở đây.
Rẽ cây thấy nhà
Mặc dù mải mê ngắm nghía những khu vườn đầy hoa cỏ lạ, tôi vẫn có chút quan sát về những người tôi gặp dọc đường. Hầu hết họ là người da trắng, tôi chỉ gặp đúng một người da màu và một bà cụ người Á đạp xe trong hàng chục người chúng tôi gặp ở đây. Điều này khá lạ ở một thành phố đa văn hóa như Toronto vì ngay bên kia trung tâm thành phố, tỉ lệ người Á và gốc Á chiếm đến hơn 30%. Người da màu không nhiều như người Á nhưng cũng dễ dàng bắt gặp tại mọi nơi, không như trên đảo này.
 


Nhà ở Toronto Islands được phủ xanh bởi cây và hoa 
Sau một vài phút ngồi trên băng ghế cũ bên mặt hồ thả hồn theo sóng nước, chúng tôi tiếp tục khám phá xung quanh đảo Algonquin. Xe đạp là phương tiện duy nhất được phép lưu thông ở đây, trừ một xe cứu hỏa và cấp cứu. Những mảnh vườn nhỏ được chăm sóc cẩn thận nhưng vẫn giữ nét tự nhiên và hoang sơ. Hoa dại tím mọc đầy hàng rào, hoa tulip nở rộ đủ màu sắc. Tulip là loại hoa được trồng nhiều, bên cạnh những loại cây cảnh hiếm thấy ở bất cứ nơi nào khác ở Toronto. Nói về làm vườn, nhiều người Toronto coi đó như một thú vui giải trí.
Sau khi mùa đông đi qua, chỉ những cây thân gỗ, bắt rễ sâu mới có thể đâm chồi nảy lộc. Những cây thân cỏ đều chết và mục nát lá vàng sậm rơi rớt trên mặt đất. Đầu hè là thời điểm tốt nhất để lao động và thiết kế lại khu vườn của mình. Nhiều người yêu thích làm vườn thậm chí khoác cho khu vườn một kiểu áo mới mỗi năm khi thời tiết đủ ấm để hoa lá có thể vươn lên.
Rời đảo Algonquin, chúng tôi tiếp bước về khu tận cùng phía đông Bắc của quần đảo Toronto – đảo Ward. Nơi đây cũng có vài chục căn nhà, kích thước nhỏ như ở đảo Algonquin. Cũng tại đây có bến phà đi ngược về trung tâm Toronto thường được cư dân trên đảo sử dụng. Theo dòng lịch sử thì cộng đồng đầu tiên sống trên đảo Toronto từ những thập niên đầu thể kỷ 19. Micheal O’Connor là một trong những người tiên phong khi mở một khách sạn vào năm 1833. Nhiều sự kiện thể thao, nhạc hội, giao lưu đã được thường xuyên tổ chức trên đảo từ thời đó. Cư dân Toronto đến đảo cả trong mùa đông để câu cá, chèo thuyền và trượt băng. Cộng đồng đầu tiên sống trên đảo bắt đầu từ đảo Ward  vào những năm 1880 rải rác trong những chiếc lều tạm bợ.
Đến năm 1913 chính quyền địa phương đã phải tổ chức quy hoạch đảo khi lượng người đến đảo tăng đáng kể. Đảo Algonquin trước đây chỉ là một bãi cát chắn sóng, và dần được cộng đồng cư dân ra sức vun lấp. 31 căn nhà tranh được xây tại đảo năm 1938 đánh dấu sự hình thành đảo cộng đồng dân cư Algonquin. Vào thời đó đảo Algonquin không gây được ấn tượng gì cho khách du lịch. Trải qua hơn 70 năm đến thời điểm này, đảo đã hoàn toàn biến hình thành một khu cư dân yên bình và thơ mộng.  Hiện nay trên khắp quần đảo Toronto có 262 ngôi nhà, những hoạt động mua bán các ngôi nhà này được sự kiểm soát gắt gao của chính phủ.
Sau hơn bốn giờ đi bộ trên đảo, chúng tôi không muốn quay về bằng phà từ đảo Ward và đánh một vòng qua mặt ngoài quần đảo Toronto để đi về hướng ngược lại đảo trung tâm. Ở phía này của đảo, nhìn hồ Ontario rộng bát ngát. Bên kia hồ là nước Mỹ, nhưng thật sự khó có thể quan sát được vì mặt hồ rất rộng.
Hồ Ontario thuộc Ngũ Hồ, một trong hệ thống các hồ nước ngọt lớn nhất Bắc Mỹ. Riêng hồ Ontario có diện tích 64,000 km2, ước chừng gần 20% diện tích cả nước Việt Nam. Đây cũng là một phần biên giới tự nhiên giữa Canada và Mỹ. Con đường hướng về đảo trung tâm từ phía này, đại lộ Bờ Hồ, được xếp bởi những thanh gỗ sồi vuông to chắc chắn. Đây có lẽ là một con đường gỗ rất khó thấy được ở những nơi khác. Các thanh gỗ nằm ngang, sat sát nhau chạy suốt từ đảo Ward đến khu bãi cát ở đảo trung tâm. Tôi và cậu em lại thả bước hơn một giờ trên con đường gỗ dài 2 km dưới gió lộng của mặt hồ lúc trời đã về chiều, gió đã lạnh hơn rất nhiều.
Một trong các hoạt động chính của du khách khi đến đảo là vui chơi ở khu bãi cát thuộc đảo trung tâm. Mùa hè nắng ấm, nhiều người ra đây bơi, căng lưới chơi bóng chuyền trên cát. Đa số đến đảo lần đầu thường theo dòng người từ bến phà ra thẳng bãi cát này. Đây đó quanh đảo Toronto khách du lịch cũng hay chơi ném dĩa.
Có cả một hệ thống sân và lỗ để chơi ném dĩa nhựa như chơi gôn. Lúc chúng tôi đi gần Đảo Rắn, có nhóm độ mười bạn đang cùng chơi ném dĩa lỗ, thi thoảng lại gặp các nhóm nhỏ hơn. Mỗi lỗ cách nhau vài chục đến hơn 100m. Xuất phát điểm là một khu đất phẳng độ 2 m2, thường được đổ bê tông. Sau hai ba lượt ném sẽ đến được “lỗ”. “Lỗ” có cấu trúc giống một chiếc rổ kim loại treo trên một thanh đứng cao độ 1m, có các dây xích tua để dỡ dĩa. Chơi trò này sẽ phải đi bộ rất nhiều, vì các tuyến đường ném bố trí khắp nơi từ đảo trung tâm đến đảo Ward. Phải mất một hoặc hai ngày để chơi hết các lỗ trên đảo nếu bạn còn trẻ và dai sức.
Đạp xe cũng là loại hình ưa thích trên đảo Toronto. Khách du lịch có thể mang theo xe đạp qua phà, hoặc thuê xe đạp đôi, xe đạp bốn chỗ ngay trên đảo. Tuy nhiên giá thuê xe đạp trên đảo khá đắt, tùy loại xe có thể mất vài chục đô Canada cho một giờ thuê, gần bằng giá một chiếc xe đạp rẻ tiền ở Canada, dù giá sẽ rẻ hơn cho các giờ tiếp theo. Tuy nhiên, nếu đi cùng gia đình hoặc bạn bè, khoảng bốn người thì thuê một chiếc xe đạp bốn chỗ là một cách tốt để khám khá đảo trong một ngày. Khi đạp xe, thỉnh thoảng có thể bạn sẽ bắt gặp vài đôi bạn cả nam và nữ khỏa thân đạp xe quanh đảo, dù không phổ biến.
Chúng tôi kết thúc một ngày khám phá đảo sau 7 giờ tản bộ trên đảo dù vẫn còn một phần để khám phá. Điều đọng lại khi lên phà rời đảo là hình ảnh những ngôi nhà xinh xắn với cuộc sống nhẹ nhàng của những người dân đảo. Xét về giá trị của những căn nhà trên đảo, cư dân ở đây thuộc loại khá giàu có, đa số thuộc câu lạc bộ du thuyền hoàng gia Toronto và có một chiếc thuyền buồm nhỏ neo dưới cầu tàu trước nhà. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây không hề có đặc điểm của một cuộc sống vương giả. Họ sống trong những căn nhà nhỏ, cổ kính, họ lao động nhẹ nhàng trên khu vườn của mình, thưởng thức thiên nhiên và luôn mỉm cười với những người khách lữ hành đi ngang nhà. Tôi thấy ở đây một cái gì rất khác với tầng lớp giàu có mới nổi thích chơi trội mà báo chí thường đưa tin ở Việt Nam gần đây.
Hè Toronto, tháng 6.2012
Bài: Quỳnh Nguyễn
Ảnh: Liêm NT
Từ khóa

Không có nhận xét nào: