Bạn đọc Thúy Nguyễn chia sẻ cảm nhận về con người và cuộc sống tại đất nước nghìn đảo đã mang đến cho cô nhiều trải nghiệm thú vị.
Mặc dù tôi bắt đầu đến Philippines cách đây 3 năm và năm nào cũng đến, nhưng không thể nói tôi biết nằm lòng về đất nước này. Tình cờ, hôm nay là quốc khánh của nhà trai (12/6), tôi hứng chí viết đôi dòng về mảnh đất đầy sự đối lập chan chát này, tặng riêng cho cậu em trai yêu quý luôn thích thú tìm tòi cái mới.
Con người được xem là "đặc sản" quan trọng nhất của Philippines. Có câu nói rằng, người ta có thể lôi một người Philippines ra khỏi đất nước Philippines, nhưng không thể lôi đất nước Philippines ra khỏi con người Philippines. Câu nói đó ngụ ý, người Philippines vô cùng yêu nước, dù ở bất kỳ đâu họ cũng luôn đau đáu về quê hương.
Cô dâu Việt bên chú rể người Philippines. |
Đôi lúc tôi tự hỏi, không hiểu họ yêu nước và tự hào vì cái gì mà mãnh liệt đến thế vì đa phần người dân rất nghèo, có cuộc sống chật vật trên đất nước của mình. Người Philippines đi lao động khắp nơi trên thế giới vì giỏi tiếng Anh và có nhiều kỹ năng sống, hàng năm, lượng kiều hối đổ về khá lớn. Người Việt Nam cũng yêu nước, nhưng tôi lại thấy không đậm đặc bằng và tình yêu đó chỉ trở nên rõ nét khi đất nước có biến.
Tuy nhiên, điều khiến con người ở đây được tôi gọi là "đặc sản" là bởi họ nổi tiếng vì sự tử tế, chan hòa, hiếu khách và tôn trọng người khác. Người ta thường dễ dàng, hiền lành, tử tế khi mức sống được đảm bảo ở mức cao, không phải lo lắng mưu sinh, không phải bon chen để tồn tại. Ở Philippines, dù khắc nghiệt bão giông, dù nghèo đói, bươn chải, họ vẫn vô cùng tử tế, dễ chịu và chân thành. Điều đó làm tôi cảm thấy khâm phục.
Người dân Philippines trong lễ hội. |
Người Philippines thể hiện sự tôn trọng người khác từ những hành động rất nhỏ. Ví dụ, họ luôn tắm trước khi ra đường để không làm người khác khó chịu vì mùi mồ hôi trên cơ thể. Ở bất kỳ đâu, họ luôn xếp hàng một cách ngay ngắn. Nếu bạn đến một bến xe buýt, bạn có thể thấy lúc nhúc rất nhiều người, nhưng lại gần hóa ra họ đang xếp hàng, vì không có đủ chỗ, họ xếp kiểu zic zắc san sát nhau. Bạn sẽ phải tự tìm đâu là cuối hàng để đứng vào đó, có khi chờ lên xe cũng mất đến 3-4 tiếng đồng hồ. Điều đặc biệt, họ không ồn ào, không kêu ca, mặc nhiên coi đó là chuyện bình thường. Sự kiên nhẫn của họ thật đáng nể.
Trên những phương tiện công cộng, tuyệt nhiên không có chuyện trêu ghẹo, cợt nhả thường thấy trên những chuyến xe khách ở Việt Nam, giữa phụ xe với hành khách, hoặc giữa hành khách với nhau. Họ tôn trọng nhau bằng cách dùng kính ngữ "po" (đọc là pộ) và luôn lịch thiệp, nhã nhặn. Họ sẵn lòng giúp đỡ nhau khi cần, với vẻ mặt tươi cười dễ chịu.
Ở chung cư nơi tôi ở, luôn có bảo vệ mặc đồng phục áo trắng bó sát, quần đen, mũ như cảnh sát, súng ống, còng tay nai nịt quanh thắt lưng, nhưng luôn tươi cười chào: "Good morning madam", "Good afternoon sir" và mở cửa mỗi khi có người đi qua. Những bảo vệ như thế này có mặt ở tất cả cửa ra vào siêu thị, trung tâm mua sắm để kiểm tra túi xách, thậm chí, họ sờ nắn người khách hàng (trai sờ nắn trai, gái sờ gái) mỗi khi khách bước vào để đảm bảo an ninh. Sau đó họ sẽ lịch sự nói cảm ơn, còn người bị sờ nắn kiểm tra vui vẻ giang tay, mở túi cho khám thoải mái.
Phố xá Philippines dưới góc nhìn độc giả. |
Người Philippines đặc biệt coi trọng giá trị gia đình. Gia đình ở đây có nghĩa là gia đình lớn, nhiều thế hệ, với bố mẹ, con cái, cháu chắt, họ hàng. Họ yêu quý và trân trọng nhau, không có sự phân biệt đối xử, không bới móc, soi mói, phân tích, mổ xẻ như người Việt. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu tuyệt nhiên không có sự xung khắc. Thậm chí, mẹ chồng đối tốt với con dâu hơn cả con trai, với một sự biết ơn âm thầm vì cô ấy đã chia sẻ cuộc sống với con trai họ.
Mẹ chồng tôi là một phụ nữ điển hình như thế. Bà làm việc chăm chỉ để chăm lo cho gia đình, con cái, cháu chắt không phải động tay vào việc nhà. Bà luôn quan tâm xem tôi thích món gì để nấu, luôn sợ tôi mệt dù sáng nào tôi cũng đẫy giấc đến khi mặt trời rọi nóng cả mặt không chịu nổi nữa mới bò dậy. Bà luôn dành cho tôi những nụ cười và cử chỉ ấm áp, kể cả những lúc tôi cáu kỉnh giận dỗi với con trai bà. Tôi không phải cố gắng bất kỳ điều gì khi ở nhà bà. Biết tôi ghét rửa bát, bà không bao giờ để tôi động tay vào. Tôi thích nấu ăn nên chỉ xung phong vào bếp. Tuy nhiên, cả tuần ăn đồ Việt, cuối tuần về nhà bà lại thích ăn đồ bản xứ nên cũng không lăn vào bếp là mấy. Đôi lúc, tôi thấy cũng... quê độ vì vừa không nấu ăn, vừa không rửa bát. Con dâu như thế này ở Việt Nam chắc chắn bị lót lá dắt tay ra khỏi cổng từ đời thuở nào.
Người Philippines không chỉ... yêu nhau, mà còn rất yêu đời và yêu ca hát. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp một em bé, hay một người đàn ông đang vui vẻ hát theo một bài hát phát trên xe. Họ thuộc rất nhiều bài hát. Mỗi khu dân cư đều lấy tên một vị thánh, đến ngày sinh của thánh đó, mỗi nhà trong khu dân cư đều bày biện tiệc tùng, buffet, mời khách rôm rả như không khí Tết ở Việt Nam. Vì thế, lễ hội (fiesta) diễn ra quanh năm, dịp này hầu như nhà nào cũng có dàn karaoke, hát hò. Bạn cứ đến khu nào có đường phố treo đầy tua rua xanh đỏ lấp lánh là nơi đó đang có fiesta. Không hiểu sao, cuộc sống khốn khó mà họ vẫn yêu đời đến vậy.
Người Philippines cũng vừa chăm chỉ, vừa lười biếng. Trong công việc, họ luôn làm hết sức vì mức độ cạnh tranh rất cao. Dân Philippines tiếng Anh giỏi, vì giáo dục hoàn toàn bằng tiếng Anh và các môn học đều rất nặng nhưng vô cùng thực tế. Trẻ nhỏ học về cơ thể con người và thế giới gần gũi xung quanh, lớn chút chúng học photoshop và các loại khác. Trẻ con đi học từ 5 tuổi và lao vào học kiến thức, không nắn nót rèn chữ như ở Việt Nam là bạn nào thích viết kiểu gì tùy thích, miễn là... đọc được. Ông xã tôi thấy trẻ con Việt Nam viết chữ đẹp tăm tắp như chữ in tỏ ra ngưỡng mộ.
Quay trở lại việc chăm và lười, trong công việc là thế, nhưng bình thường dân ở đây rất lững lờ. Họ có kiểu không đi đâu mà vội, không có gì phải cố, đến đâu hay đến đấy, ưu tiên sự hưởng thụ. Ít khi thấy người ta vội vàng, tất tả, ai cũng đủng đỉnh như tỷ phú thời gian. Tôi nghĩ, nếu họ chủ động chăm chỉ một chút, có lẽ cái nghèo không đeo bám họ đến thế.
Ở Philippines cũng có sự phân hóa giàu nghèo vô cùng rõ rệt. Ngay trung tâm hiện đại nhất là Makati, chỗ này đẹp long lanh như ở châu Âu, nhưng cách đó vài bước đã sập sệ nhếch nhác như khu ổ chuột ở Ấn Độ, người nghèo chiếm đa số.
Dân Philippines rất đông vì không hạn chế đẻ, thậm chí cấm phá thai. Trai gái yêu nhau quá trớn, trẻ con ra đời "tằng tằng" nên bố mẹ đơn thân rất phổ biến. Anh chàng thợ ảnh độc quyền của chúng tôi sinh năm 1983 nhưng đã có 3 con, trong đó là 2 con gái sinh đôi 6 tuổi với 1 cô bạn gái cũ, 1 con gái 7 tuổi với 1 cô người yêu rất trước đó mà anh còn chưa gặp bao giờ. Tuy nhiên, họ coi đấy là chuyện bình thường, các cô gái kia cũng không bị đánh giá về phẩm chất đạo đức, chỉ tiếc là đến giờ họ vẫn chưa lấy được chồng.
Luật hôn nhân của Philippines không cho phép ly dị, trừ khi 1 trong 2 bên có bằng chứng về bệnh tâm thần. Các đôi lấy nhau rồi chán nhau chỉ có nước ly thân.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét