Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Thông Tin Du Lịch Istanbul

Istanbul là thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với số dân 15 triệu người. Đây là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên hai lục địa Á và Âu, trải dài hai bên bờ eo biển Bosphore, chia cách châu Âu và châu Á. Istanbul là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và là thủ phủ của tỉnh Istanbul. Thành phố này nằm bên eo biển Bosphorus, có cảng tự nhiên gọi là Sừng Vàng. Istanbul từng là kinh đô của 3 đế quốc khác nhau là Đế quốc La Mã (330-395), Đế quốc Byzantine (395-1453) và Đế quốc Ottoman (1453-1923).
Istanbul có nhiều nhà thờ, đền thờ hồi giáo và nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn. Istanbul ngày nay còn có các đại siêu thị, tàu điện ngầm, nhà chọc trời. Đặc biệt Khu phố lịch sử của Istanbul đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Istanbul nổi tiếng khắp thế giới với hơn 2.600 năm lịch sử, với nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, nhiều thánh đường Hồi giáo và cung điện nguy nga rực rỡ, với một sinh hoạt đô thị sôi nổi và phong phú, thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới đến đây mỗi năm.
Thời điểm thích hợp nhất để đến Istanbul du lịch là vào mùa xuân và mùa thu, khoảng từ tháng 4 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10 hằng năm. Khi ấy thời tiết khá mát mẻ và dễ chịu nên bạn có thể thoải mái đi lại mà không lo bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Suốt từ tháng 7 đến tháng 8 trời khá nóng và ẩm ướt. Nhiều người dân ở đó thường đi nghỉ mát ở những vùng phía tây hoặc bãi biển trong những tháng này. Mùa đông thì có gió và tuyết nhiều nên trời rất lạnh. Nếu bạn đến đây vào tháng 10 thì cần lưu ý, bởi đó là tháng Ramanda của những ai theo đạo Hồi. Chính vì vậy mà giờ giấc sinh hoạt bị thay đổi. Đặc biệt là trong trong 5 ngày lễ Kurban Bayramı của đạo Hồi (từ 27/11 đến 01/12), toàn bộ ngân hàng và máy ATM đều ngưng hoạt động. Nếu bạn đến đây trong dịp này thì hãy lưu ý nhé.
Các chuyến bay quốc tế đầu hạ cánh ở sân bay Istanbul, nằm cách trung tâm thành phố 20 km về hướng Tây. TừViệt Nam, du khách có thể đi chuyến bay của Vietnam Airlines, quá cảnh sang sân bay Singapore rồi bay trực tiếp đến Istanbul. Tổng cộng bạn sẽ mất khoảng 17 – 24 tiếng mới tới nơi.
Từ sân bay Istanbul bạn có thể đón taxi, hay xe buýt để đi vào trung tâm thành phố. Việc đi lại ở Istanbul hơi bất tiện một chút. Bản đồ lộ trình của các phương tiện công cộng không có phát sẵn như ở những nước khác, và bạn phải chuyển sang nhiều tuyến xe mới có thể đến được nơi mình cần đến.
Nếu bạn không đủ kiên nhẫn thì có thể đi taxi vốn có rất nhiều ở khu vực trung tâm, tuy nhiên chi phí không được rẻ cho lắm. Nếu như bạn đi xe buýt, xe điện ngầm hay xe điện chạy trên phố thì bạn đều cần tới thẻ đi lại. Đó là chiếc thẻ nhỏ bằng kim loại ma bạn có thể mua ở bất kỳ quầy vé, trạm xe buýt, xe điệm ngầm…Tất cả đều sử dụng một loại thẻ nên khá thuận tiện cho du khách. Và tất cả phương tiện trên đều đồng giá cho dù bạn đi xa hay gần. 
 Ở Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ năm 2005, đơn vị tiền tệ được sử dụng chính thức ở đây là đồng Lira. Mặc dù vậy nếu bạn mang theo đồng đô la Mỹ và đồng Euro vẫn được chấp nhận, đặc biệt là ở thành phố du lịch như Istanbul. Chính vì vậy mà ở thành phố này sử dụng đến 3 loại tiền trên, thế nhưng đồng đô la Mỹ vẫn là phổ biến nhất.
Ở những cửa hàng mua sắm lớn, hay ở các trung tâm thương mại, nhà hàng, hay thậm chí là taxi…bạn vẫn có thể thanh toán bằng đô Mỹ. Tuy nhiên nếu đi lại bằng xe buýt, xe điện hay đi ăn uống ở ngoài thì bạn nên đổi sẵn ít đồng Lira để thuận tiện trong việc thanh toán. Để đổi tiền, du khách có thể đổi tại khách sạn mình ở hay ngay tại sân bay khi mới vừa đến. Để có được tỉ giá hoán đổi tốt nhất, bạn nên chịu khó đến thẳng ngân hàng. Vào ngày chủ nhật thì hầu hết các điểm đổi tiền ở Istanbul đều không có làm việc, lúc đó thì bạn có thể đổi ở những điểm đổi tiền tư nhân có rất nhiều ở trên đường phố
Đến Istanbul, du khách sẽ nhận thấy thành phố này là điểm du lịch tuyệt vời của phương Tây mà nét độc đáo thực sự được tạo ra từ sự dung hòa văn hóa giữa Châu Âu và Châu Á. Điều này thể hiện rõ nét ở những công trình kiến trúc, văn hóa của Istanbul.

Hầu hết những ai đến với Istanbul, nơi đặt chân đầu tiên của họ đều là Sultanahmet. Bán đảo này còn được biết đến với cái tên Sarayburnu, nằm ở bên ngoài của Bosphorus, Golden Horn và vùng biển Marmara. Với một bề dày lịch sử, nó giống như một thỏi nam châm tự nhiên thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Quận Sultanahmet chính là “trái tim” của khu vực lịch sử Istanbul cổ xưa, nơi mà vào thế kỉ thứ 19, du khách vẫn gọi nơi đây với cái tên Stamboul quen thuộc.
Đảo Sultanahmet
Đảo Sultanahmet

Ở quận Sultanahmet, du khách có thể ghé tham quan cung điện Topkapi – vốn là nơi ở của các vị vua triều đại Ottoman trong suốt 400 năm. Đứng đầu cung điện là vị hoàng đế, bên trong có hằng trăm phòng ốc rộng rãi và trang trí rất bắt mắt, phục vụ cho vị vua này có đến hằng trăm cô vợ lẽ, trẻ em và những người hầu đủ mọi sắc tộc. Đây là điểm đến mà du khách thường ghé ngay khi vừa đặt chân đến Istanbul, nơi đây mở cửa phục vụ du khách tham quan từ 9h sáng, và ngưng phục vụ vào ngày thứ 3 hằng tuần. Trong Topkapi có khá nhiều ngọc, kim cương (ấn tượng nhất là quả kim cương nặng 86 cara to gần bằng quả trứng)... minh chứng cho sự giàu có và hùng mạnh của đế chế Ottoman.
Cung điện Topkapi
Cung điện Topkapi

Sẽ rất thiếu sót nếu như đến Istanbul mà không thăm các di tích lịch sử của thành phố này. Istanbul có thể nói là điển hình của sự tương phản và pha trộn của các nền văn hoá. Ở đây có thể thấy mọi thứ, sự nghèo đói, sự sang trọng, sự rực rỡ và cả những cái xấu. Thành phố này có đến 2700 năm lịch sử, di tích còn lại thời này phải kể đến nhà thờ Thiên chúa giáo lớn Aya Sofya xây năm 548. Đến năm 1453 sau khi bị đế chế Ottoman chinh phục nhà thờ này đã bị chuyển thành nhà thờ hồi giáo. Trên tường nhà thờ vẫn còn những dấu tích của cả 2 tôn giáo lớn này.
nhà thờ Thiên chúa giáo lớn Aya Sofya
Nhà thờ Thiên chúa giáo lớn Aya Sofya

Di tích thứ 2 là nhà thờ hồi giáo từ TK 17 Blue Mosque. Có rất nhiều nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul, gần như cứ 200m lại thấy một nhà thờ lớn. Blue mosque là nhà thờ hồi giáo duy nhất ở TNK có 6 cột. Nhà thờ này mở cửa cho khách tham quan ngoài giờ cầu nguyện. Muốn được vào thì phải cởi bỏ giầy và phụ nữ thì phải trùm khăn lên đầu.
Nhà thờ hồi giáo Blue Mosque
Nhà thờ hồi giáo Blue Mosque

Ngoài ra bạn có thể đến khu Eminonu nằm ngay bên phải của bến cảng Golden Horn. Eminonu là nơi trạm cuối cùng của đường ray xe điện. Nhìn chung nơi đây thực sự náo nhiệt với rất nhiều hoạt động diễn ra suốt cả ngày, những người bán hàng trên phố họ bán nhiều thứ mà thậm chí bạn còn không bao giờ hiểu được bạn muốn mua cái gì.
Khu Eminonu
Khu Eminonu

Còn khu vực Beyoglu hay còn gọi là Taksim mới thực sự là một bản nhạc giao hưởng của các nước phương Tây và áng thơ trữ tình của phương Đông. Beyoglu là nhịp đập dữ dội của Istalbul vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Khu vực này luôn tấp nập và nhộn nhịp người qua lại, bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống nơi đây luôn dâng trào và hoạt động liên tục không hề ngừng nghỉ.
Khu vực Beyoglu
Khu vực Beyoglu

Istiklal Caddesi - mở đường cho những con phố lớn không ngừng di chuyển với một vùng dân cư đa sắc màu của Istalbul – nơi đây là trung tâm của Thủ đô, trong đó là một mê cung những con ngõ chật hẹp uốn lượn, đầy ắp những quán cà phê vui nhộn, những quán bar có hồn, những nhà hàng xuyên lục địa, những rạp chiếu phim lịch sử, những nhà hát nổi tiếng, và các cửa hàng thời trang sang trọng, tất cả đều có trong chỉ dẫn xung quanh nơi đây.
Istiklal Caddesi
Istiklal Caddesi

Quảng trường Taksim, nét đặc trưng đầy ấn tượng từ Monument tới Republic, và con đường tới cuộc sống ngoài trời của người Bôhem của Beyoglu. Quảng trường Taksim còn là nơi đầu mối của tất cả các tuyến giao thông trong thành phố, từ đó có thể bắt xe bus, tram hoặc subway đi đến khu phố cổ (old Istanbul), ra biển Đen, đến các khu mua sắm, ... và đi các vùng khác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quảng trường Taksim
Quảng trường Taksim

Khu vực Tunnel ngày trước vốn là nơi tập trung của người Bôhem. Nơi này trước đây được biết đến như một điểm đen của thành phố với những khu phố hoang vu, tối tăm và những toà nhà bị bỏ hoang đến rợn tóc gáy. Tuy nhiên khu vực này đã trải qua một cuộc phát triển to lớn trong vài năm gần đây. Những quán cà phê nhỏ, những nơi gặp gỡ âm nhạc sống, những nhà hàng và những quán bar ngoài trời giờ đây cùng tồn tại một cách yên bình với những phòng trưng bày nghệ thuật, những cửa hàng sách cổ và những cửa hàng băng đĩa.

Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên 2 châu lục. Phần châu Á và châu Âu được ngăn cách bởi biên giới tự nhiên - sông Bosphorus - dài 32km nối biển Đen với biển Marmara. Ngay sát bờ châu Âu là pháo đài European, một pháo đài lớn bằng đá được xây trong vỏn vẹn có 4 tháng từ năm 1453 bởi Mehmet the Conqueror để cắt đứt đường tiếp viện của Constantinople khi đánh chiếm Istanbul. Pháo đài này gần như còn nguyên vẹn. Muốn đi đến đây có thể bắt xe bus số 43T từ quảng trường Taksim hoặc đi phà.
Pháo đài European
Pháo đài European

Ngoài ra, nếu du khách muốn đi mua sắm thì có thế đến khu thương xá Grand Bazar rộng 200.000 mét vuông. Bạn có thể tìm mua mọi thứ thượng vàng hạ cám: vật dụng bằng thủy tinh, đồ mỹ nghệ, tiểu thủ công bằng bạc, các tấm thảm đắt tiền của vùng Tiểu Á... Để tìm lại giây phút thư giãn sau mấy giờ liền đi shopping ở khu GrandBazar, bạn hãy đến khu nhà cổ bằng gỗ được xây dựng trong khoảng từ thế kỷ 17 đến 19. Mỗi ngôi nhà cổ đều có bao lơn nhô ra ngoài với đường nét điêu khắc tinh vi sắc sảo. Sau biết bao năm tháng thăng trầm, khu nhà cổ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, cống hiến cho đời những tác phẩm kiến trúc độc đáo.
Khu thương xá Grand Bazar
Khu thương xá Grand Bazar

Đến Istanbul, bạn không thể bỏ lỡ cơ hội đidu ngoạn trên sông Bosphore. Thuyền khởi hành từ cầu tàu Galata. Nếu đi vào buổi sáng sớm, du khách sẽ tận hưởng không khí trong lành mát mẻ trong cảnh huyên náo của khu chợ nổi trên sông. Du ngoạn vào buổi chiều tà, khách sẽ có dịp ngắm cảnh hoàng hôn rực đỏ ánh thái dương đang khuất dần xuống lòng đại dương. Hai bên bờ sông hiện lên nhiều công trình kiến trúc tuyệt mỹ như : điện Dolmabahce, lâu đài cổ Rumeli Hisar, Anadolu Hisar, khu biệt thự cao cấp Bebek... như những hạt kim cương lấp lánh trang điểm và làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Đó đây vài chiếc thuyền với cánh buồm nhiều màu sắc nhẹ lướt trên sông tạo nên khung cảnh thanh bình yên ả.
Khung cảnh bình yên
Khung cảnh bình yên trên sông Bosphore

Buổi tối đến khu ngoại ô thành phố Istanbul, du khách sẽ được các nhà hàng phục vụ nhiều món thủy hải sản thơm ngon, sau đó vào các hộp đêm khiêu vũ, uống rượu hoặc xem các vũ nữ xinh đẹp biểu diễn nghệ thuật múa bụng... trong tiếng nhạc trầm bổng, du dương đến bất tận.
Ẩm thực
Kebap
Một trong những món ăn Thổ Nhĩ Kì được biết đến nhiều nhất có lẽ là Kebab (thịt nướng). Mình là một tín đồ của các món nướng nên tất nhiên không thể bỏ qua :-) Kebap ở Istanbul có nhiều loại. Trước kia khi còn ở nhà mình chỉ biết đến Doner Kebab, với hình ảnh quen thuộc là một xiên thịt tươm mỡ bóng loáng xoay tròn trong lò nướng. Rồi mỗi khi có khách, người bán hàng sẽ dùng một con dao thật sắc, lạng từng miếng thịt mỏng từ xiên thịt nóng hổi thơm phức kia, dồn vào “bụng” của một chiếc bánh mì, kèm theo các loại cà rốt, cải bắp, xà lách bào mỏng, thêm sốt theo yêu cầu của khách hàng nữa. Đến Istanbul rồi, mình mới biết ngoài Doner Kebab, còn có nhiều loại Kebab khác tùy theo cách thức chế biến và cách thưởng thức: Shish kebab là các xiên thịt nhỏ gồm nhiều miếng thịt xen lẫn với rau hay củ quả, Adanakebab là các xiên dài được bao quanh bởi thịt bằm nhuyễn, và Steam kebab được nấu trong nồi đất với nhiều loại gia vị kèm theo như hành, tỏi, thyme…
Một cừa hàng Donor Kebab ở Istanbul: người phục vụ đang cắt thịt để làm bánh mì cho khách
rồi “nhồi” thịt lẫn rau chật căng bụng chiếc bánh mì
Donor Kebab có ở khắp nơi tại Istanbul. Cứ vài trăm mét lại thấy một cửa hàng, loại to và lịch sự cũng có mà tủ kính nhỏ ven đường như ở Hà Nội cũng có. Giá không đắt lắm, tầm 2-3EUR cho một chiếc pita đầy ú ụ thịt và rau. Mình cũng mua ăn thử Donor Kebab thịt cừu, để xem Kebab “xịn” của Istanbul có khác nhiều so với Kebab bán ngoài ga Antwerp không. Nhưng thật lòng mà nói thì Donor Kebab ở đây chẳng ngon tí nào. Món thịt không có gì đặc biệt và bánh mì thì hơi dai nữa.
Nhưng sau đó, mình đã được bù lại bằng một bữa Kebab đích thực tại cửa hàng được Trip Advisor đánh giá là số 1 Istanbul về Kebab. Thực đơn của cửa hàng chỉ toàn các món nướng, từ thịt cừu, thịt bò và thịt gà (vì tôn giáo chính là Đạo Hồi nên thịt lợn vắng bóng trong hầu hết các thực đơn của nhà hàng ở đây). Ngày hôm đó đi chơi cả ngày mệt nhoài nên mình tự chiêu đãi bản thân bằng một đĩa Shish Kebab tổng hợp của nhà hàng. Thịt được dọn cùng với bánh mì truyền thống của Thổ Nhĩ Kì, với đủ các loại thịt được ướp gia vị khác nhau. Ngon nhất có lẽ là thịt cừu, mềm, hoàn toàn không bị khô và cực kì ngọt, mùi gây thường có ở thịt cừu cũng hầu như biến mất. Thịt gà cũng rất ngon nhưng có lẽ vì vốn trung thành với thịt gà ướp kiểu VN nên mình không hào hứng nhiều như với món thịt cừu. Bữa ăn nhìn chung là tuyệt, chỉ mỗi tội hơi nhiều …. Cholesterol. Nhưng thôi thì cả năm chỉ đi có một lần, nên cứ ăn trước đã rồi về nhà tính sau vậy :”>
Đĩa Shish kebab tổng hợp mà mình gọi – ăn xong no không thở
Ăn cơm kiểu Thổ Nhĩ Kì
Istanbul có rất rất nhiều quán ăn, với đủ các phong cách khác nhau, từ đồ ăn truyền thống cho đến đồ Âu và cả đồ Á. Ngày đầu tiên đến nơi, nhờ lễ tân khách sạn giới thiệu mà mình tìm đến được một cửa hàng bán đồ ăn Thổ kiểu truyền thống. Nhà hàng rất lịch sự và chẳng hiểu sao, khi bước vào mình có cảm giác khá ấm áp. Có lẽ vì các nhân viên ở đây ai cũng cực kì thân thiện và nhiệt tình. Nhà hàng có thể gọi theo thực đơn, nhưng cũng có một quầy riêng để các loại thức ăn đã chuẩn bị sẵn cho khách lựa chọn. Vì không nắm được nhiều về các món ăn của Thổ nên mình chọn phương án gọi cơm theo suất. Dĩa cơm có một phần cơm hoặc ngũ cốc, một phần rau và một phần thịt. Khách có thể tùy ý chọn lựa loại mình thích. Kiểu này thì chẳng cần phải có tí “kiến thức” nào về đồ ăn của Thổ cả, chỉ cần nhìn xem “trông có ngon” và “ăn có dễ” không là được.
Bên trong nhà hàng
Quầy đồ ăn tự chọn
Mình chọn cơm trắng với món thịt cừu hầm và ít rau củ nửa hầm nửa xào. Ăn cơm của Thổ rất dễ chịu, vì hạt mềm và hơi dính chứ không giống cơm gạo kiểu người Tây Âu thích, thường hạt khô rời và hơi cứng nữa. Còn món thịt cừu thì phải nói là tuyệt ngon. Chẳng biết người ta làm thế nào mà thịt mềm ơi là mềm, nhưng lại không bã. Phần nước sốt trộn với thật nhiều ớt rồi trộn với cơm – cay chảy nước mắt nhưng thấy sao mà “đã”!
Nhà hàng này ngoài tủ đồ ăn chính còn có cả 1 tủ đồ tráng miệng. Và nhìn món nào cũng hấp dẫn kinh khủng. Nên mặc dù hôm ấy ăn hết dĩa cơm đã no lặc lè rồi nhưng mình vẫn “cố” thêm một món Pudding chanh, được giới thiệu là món đặc biệt của nhà hàng. Pudding ngon, nhưng điều sung sướng nhất là được khuyến mại thêm Semolina (là một loại ngũ cốc rât phổ biến ở khu vực Trung Đông) để ăn kèm. Semolina hơi âm ấm, ngọt và thơm mùi quế, ăn với pudding chanh chua chua ngậy béo, hợp đáo để.
Các món tráng miệng trong tủ
Pudding chanh
IMG_0394
Với những ai thích thịt cừu thì Istanbul quả là thiên đường. Ở trong bất kì nhà hàng nào cũng đều có các món với thịt cừu, hầm, rán, nướng… với đủ loại gia vị khác nhau. Thịt cừu là loại đồ ăn bổ dưỡng nhưng không dễ chế biến nên thường ngày mình không mấy khi làm. Cho nên đã đến đây rồi, nhất định phải tranh thủ. Ngoài món cơm với thịt cừu hầm, và Kebab thịt cừu, một trong những món thịt cừu mình rất thích khác là Kofte: Thịt cừu băm trộn với các loại gia vị, viên lại rồi nướng chín (chẳng hiểu sao cứ liên tưởng đến món chả băm của Việt Nam), dùng cùng sauce sữa chua béo đặc ngậy.
Bạn đồng nghiệp bên cạnh thì thử món Pizza thịt cừu kiểu Thổ Nhĩ Kì
Bữa tối cuối cùng ở Istanbul, vì tự cảm thấy rất áy náy với vòng eo do những bữa trước đó, bữa nào cũng ăn đến no lặc lè các thể loại thịt với bánh ngọt, nên mình chọn món cá nướng từ một nhà hàng ven đường. Không khí buổi tối mùa hè ở Istanbul rất tuyệt, bầu không khí trong lành và thoáng đãng, gió mát từ biển thổi vào. Đường phố cũng vãn người và xe hơn nên không có cảm giác dồn dập, hối hả như ban ngày nữa. Cá tươi thịt dai và thơm ngọt, chẳng cần thêm gia vị gì, chỉ cần ít chanh tươi với muối tiêu là đã rất đủ rồi.
Tráng miệng với Baklava và trà táo (tiếp tục được khuyến mại)


Điểm hút khách ở thành phố liên lục địa Istanbul

Từ trung tâm Istanbul, bạn có thể đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện, xe buýt hoặc xe taxi màu vàng... để khám phá thành phố nằm giữa hai lục địa Á và Âu.
Điểm hút khách ở thành phố liên lục địa Istanbul 
ảnh minh họa

Dưới đây là những điểm tham quan tại Istanbul, nơi còn được gọi là ’Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2010’, mà bạn nên ghé qua:
1. Bảo tàng Hagia Sophia
Tiền thân của bảo tàng này là thánh đường Hagia Sophia, được xây dựng từ năm 537 cho tới năm 537. Nơi đây từng là nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất thế giới trong gần 1000 năm. Năm 1453, Constantinople bị đế quốc Ottoman chiếm. Hoàng đế Mehmed II lệnh biến tòa nhà thành một nhà thờ Hồi giáo. Các dấu tích của nhà thờ Công giáo như: chuông khánh, bàn thờ, tượng Đức Mẹ, tường tranh bị gỡ bỏ.... thay vào đó là các kiến trúc Hồi giáo.
Tòa nhà này trở thành nơi thờ phụng của Hồi giáo cho đến năm 1935, khi nó được chuyển thành một viện bảo tàng. Ngày nay, Hagia Sophia là lưu giữ các hình ảnh về tôn giáo, văn hóa, lịch sử... Chỉ phải mất khoảng 15 USD cho một lần tham quan, du khách sẽ được tận mắt nhìn ngắm vẻ uy nghi, lộng lẫy của ngôi thánh đường nổi tiếng này.
2. Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed
Đối diện bảo tàng Hagia Sophia, phía bên kia công viên là Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed (còn gọi là Blue Mosque). Nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 17 và là nơi thờ phượng, cầu nguyện của người dân hàng ngày.
Thánh đường Sultan Ahmet được xây dựng đan xen giữa kiến ​​trúc của tính năng Byzantine và Hồi giáo bao gồm một mái vòm chính, một loạt tám mái vòm tầng và sáu tòa tháp với các tấm cửa kính đầy màu sắc. Khi bạn đến tham quan ở đây, ngoài các quy định khắt khe của tháng đường, điều quan trọng nhất là nhớ canh thời gian để không bị trùng với 5 buổi cầu nguyện hằng ngày.
3. Chợ Grand Bazaar
Đây là điểm tham quan mà không có du khách nào muốn bỏ qua khi đến Istanbul. Được đưa vào sử dụng từ thế kỷ 15 (1461), Grand Bazzar là một trong những ngôi chợ lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới. Đặt chân đến đây, bạn sẽ nhận thấy hương thơm của cà phê, quế, nghệ tây hay đinh hương... từ các quầy gia vị độc đáo. Ngoài ra, khu chợ này còn bán quần áo, đồ da, các loại thảm, trang sức, bánh kẹo, hoa quà... Điều thú vị là bạn có thể dễ dàng nếm thử sản phẩm trong các gian hàng bởi các ông chủ rất nhiệt tình và vui tính.
4. Cung điện Topkapi
Được xây dựng từ thế kỷ 15 và từng là nơi ở của các Sultan trong gần 400 năm vào thời kỳ thịnh vượng nhất của đế chế Ottoman (1465-1856). Vào đầu thế kỷ 20, cung điện này được biến thành một bảo tàng cho đến ngày nay.
Bước vào tham quan bảo tàng này, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi quy mô của cung điện rộng lớn này với các góc nhìn cự đẹp hướng ra biển Marmara và những cây cầu trải dài trên eo biển Bosphorus. Bên cạnh đó bạn có có dịp chứng kiến tận mắt những vũ khí của các Sultan, các bộ sưu tập đồng hồ hay trang sức quý từ thời Ottoman....
5. Hầm chứa nước Basilica Cistern
Nằm cách Hagia Sophia chỉ vài trăm mét nên không ngạc nhiên khi Basilica Cistern là một điểm đến thu hút rất đông du khách đến tham quan. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 6, đây là một công trình ngầm dưới lòng đất và cung cấp nước cho toàn bộ cư dân ở thủ đô Istanbul. Đến đây, bạn sẽ ngạc nhiên và choáng ngợp trước kiến trúc độc đáo với 336 chiếc cột trụ được bao quanh bởi nước và đặc biệt là cây cột có gương mặt Medusa lộn ngược (không ai biết lý do tại sao) được đặt ở cuối con đường.
* Một vài lưu ý:
- Các bảo tàng chủ yếu là đóng cửa vào thứ hai nên bạn chỉ nên cô gắng ghé thăm quan vào những ngày cuối tuần.
- Nếu muốn mua quà lưu niệm chất lượng tốt nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ là đồ gốm và thảm. Các vật dụng bằng da cũng là một lựa chọn tốt dành cho bạn.
- Bạn nhớ cởi bỏ giày, dép trước khi bước vào nhà thờ Hồi giáo. Áo phải có tay và quần dài qua gối.
- Nếu bạn muốn mua đồ cổ, hãy nhớ rằng những đồ cổ có niên đại trên 100 năm đều không thể mang ra khỏi đất nước này.


Theo: Ngoisao.net

Istanbul, thành phố mộng tưởng giữa Thổ Nhĩ Kỳ

Đăng Bởi  - 
Istanbul, Tho Nhi Ky

Cổ kính, bí ẩn nhưng đầy ắp những tham vọng lớn lao, đó là những ấn tượng đầu tiên của tôi và Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi nối liền giữa Âu và Á này cho bạn nhiều bất ngờ, và cũng cho bạn rất nhiều mộng tưởng.

Tôi từng hứa với Gokcen, cô bạn người Thổ Nhĩ Kỳ cùng lớp là sẽ có ngày tôi tới đây thăm cô. Tuy nhiên, mãi tới 2 năm sau ngày tốt nghiệp, tôi mới có thể thực hiện lời hứa đó. Đặt lịch nghỉ, vé máy bay, tôi đến Istanbul để gặp cô bạn thân của mình. Cái duyên của Istanbul và tôi là như vậy. Và không hiểu do Gokcen hay tại Istanbul, tôi lại có nhiều suy tưởng đến vậy.
Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-1
 
Taksim, chai Rosé giữa tháng lễ
Nơi đầu tiên tôi ghé khi tới đây là Taksim, trung tâm văn hóa giải trí của thành phố. Giữa không gian đặc quánh bởi tôn giáo, chính trị, Taksim bình thản, thư thái như Paris giữa lòng Istanbul. Hệ thống quầy bar, quán cà phê, sàn nhảy, những nghệ sĩ ngồi trò chuyện bên ly cà phê, điếu thuốc, những quý cô ăn vận thời trang ra vào các cửa hàng, những chàng trai trẻ hào hứng nói về các ý tưởng mới: quảng cáo, thể thao, ứng dụng đồ họa…
 

Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-2
 Taksim là nơi tập trung của khách du lịch, của những người tìm kiếm một món đồ lưu niệm từ thành phố cổ kính này. Tuy nhiên, đây cũng là điểm đến của những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi đầy hoài bão. Điều ấy khiến Taksim trở thành một bức chân dung thu nhỏ của thành phố Istanbul đầy những mặt trái ngược và bí ẩn.
Taksim giới thiệu hệ thống cửa hàng toàn cầu hiện đại hóa bán Kebab (món ăn truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ). Khách hàng chọn món, dựng ghép món ăn tự chọn qua một app, trên iPad. Taksim biến mô hình tàu điện cổ của Istanbul (một trong những hệ thống tàu điện cổ nhất châu Âu) thành các món đồ lưu niệm, thành nghệ thuật.

Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-3
Kebab là món truyền thống ở Thổ Nhĩ Kỳ 

Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-4
 
Taksim cho thế giới hình ảnh của một Istanbul thịnh vượng, trẻ trung và toàn cầu, mặc cho ngoài kia tiếng nguyện cầu vẫn rì rầm. Mới năm ngoái thôi, hàng vạn người giận dữ trước chính phủ. Họ chọn Taksim để tụ họp và lên tiếng bởi với họ, Taksim là thánh địa của sự đổi mới.
Tôi và Gokcen đi dọc Taksim, qua những tiệm cà phê nhỏ, vuốt ve những chú mèo lang thang trên phố, mua một chai rượu Rosé để dành cho bữa tối trên ban công đúng kiểu Paris, nơi đầu tiên chúng tôi đi du lịch cùng nhau, Gokcen nhắc tôi nhớ. Cô bạn thân vẫn không quên gói chai rượu thật kỹ, cho vào túi và nháy mắt với tôi: “Đang tháng lễ Ramadan mà, chúng ta không nên làm ai tức giận”. Chúng tôi cười lớn, hòa mình vào dòng người ở Taksim, nơi người bán hàng không nheo mày khi bán một chai Rosé cho hai cô gái trẻ giữa tháng lễ Ramadan linh thiêng.
Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-5
 
Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-6
 
Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-7
Ai đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn mang về một tấm thảm với hoa văn đầy mê hoặc. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng những người bán thảm ở đây có rất nhiều “bí kíp” để có thêm một chút tiền từ bạn. Vì thế, hãy hỏi giá của một tấm thảm ở ít nhất 3 cửa hàng khác nhau rồi mới nên quyết định chọn mua. 
Cầu Galata – Giữa hai bờ Âu – Á
Một ngày hai lần, tôi đi qua cầu Galata. Thế mà không hiểu sao tôi vẫn cứ thấy rưng rưng. Lần đầu tiên tôi thấy hai lục địa Á, Âu gần nhau đến vậy.
“Một bước chân thôi, tớ đã về đến nhà, châu Á của tớ!” lần này, không kìm nổi, tôi reo lên thật lớn. Tôi túm lấy váy, nhảy một bước thật dài để ghi lại khoảnh khắc tôi có thể… đi bộ về châu Á của tôi. Gokcen ngỡ ngàng rồi bật cười không dứt.
Sở hữu một ví trí chiến lược – kết nối hai bờ Á – Âu, nằm dọc theo con đường tơ lụa huyền thoại, nắm giữ đường biển duy nhất nối Biển Đen và Địa Trung Hải, Istanbul luôn là một đô thị thịnh vượng, hùng mạnh trong suốt chiều dài lịch sử. Cùng lúc, thành phố mang cả những bản sắc văn hóa, sự thăng hoa và nỗi trầm tư của hai lục địa. Những lề thói tôn giáo điển hình của một quốc gia châu Á, sự nổi loạn của tính cáchchâu Âu. Istanbul là đứa con lai, cũng vì mang được đường nét của cha và mẹ nên đẹp và khó hiểu với những người chỉ thuộc về một lục địa.
Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-8
 
Tôi mỉm cười khi thấy Gokcen và bạn trai trao nhau nụ hôn trên cầu Galata. Chàng sống ở bờ Á, nàng sống ở bờ Âu. Giả như hai lục địa cũng là những người trẻ tuổi đang yêu như họ thì Istanbul là nụ hôn của mối tình đầu: đẹp và nhiều mộng tưởng…
Mộng tưởng Istanbul
Và cả tôi cũng đã gặp ở Istanbul nhiều mộng tưởng. Những người Constantine xây dựng Hagia Sophia với mộng tưởng sẽ xây dựng một giáo đường Orthordox trường tồn ở đây. Rồi 700 năm sau, Hagia Sophia được đổi thành giáo đường Kitô giáo. Và cũng chỉ 200 năm sau khi đế chế Ottoman nắm quyền, Hagia Sophia biến thành nhà nguyện Hồi giáo (mosque) trong gần năm thế kỷ.

Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-9
 
Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-10
 
Những dòng người di dân mới từ Libia, Iran, Iraq đến Istanbul với mộng tưởng tìm đến cuộc sống hòa bình và thịnh vượng hơn thì phần lớn vẫn lang thang trên phố, bủa vây lấy các xe ô tô dừng đèn đỏ để xin tiền và làm đông cứng thêm thành phố đã gánh hơn 14 triệu dân.
Chính quyền thành phố tham vọng mở rộng Istanbul sang bờ Âu, xâu dựng sân bay thứ 3 cho thành phố và sân vận động hùng vĩ cho cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Olympic 2020. Tham vọng này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân, những người mệt mỏi nhìn thành phố của mình mất đi từng mảng xanh, từng công viên biến thành trung tâm mua sắm, nhà cao tầng. Họ không cần sự hiện đại đó.
Còn cô bạn thân của tôi, trở về nước với bằng thạc sĩ báo chí, có vị trí trong một tập đoàn báo chí toàn cầu, Gokcen kỳ vọng tạo sự thay đổi cho thành phố cô đang sống. Đó chắc không phải mộng tưởng nhưng là một ước mơ đầy thử thách.
“Ước mơ thực ra có thể rất xấu, khi nó day dứt mình hàng ngày: khi mình vội vã đến tòa soạn buổi sáng, trở về nhà mệt mỏi giữa đêm mà vẫn cảm giác mình chẳng làm được gì cho thành phố tốt hơn”, Gokcen kể. Chính những ngày cô đeo mặt nạ chống hơi cay, ghi lại cuộc biểu tình ở Taksim năm 2013 (khi người dân phản đối chính quyền phá công viên, xây trung tâm mua sắm) là những ngày cô có thể chạm gần đến ước mơ, hay mộng tưởng của mình nhất.
Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-11
Trong cuộc chạy đua không ngừng để hòa nhập với thế giới hiện đại, Thổ Nhĩ Kỳ đã hy sinh khá nhiều các mảng xanh, các khu phố cổ. Những cải cách đó khiến nhiều người dân đất nước này nổi giận và tổ chức những cuộc biểu tình gay gắt. Từ Istanbul, biểu tình đã lan ra khắp Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành một trong các vấn đề tâm điểm của thời sự năm 2013-2014. 
Đứng trước hàng ngàn năm lịch sử của Istanbul, tôi vẫn thấy thành phố này trẻ trung, dồn dập và có phần bồng bột. Những người cũ ra đi, những người mới đến vẫn kỳ vọng như cách đế quốc Ottoman kỳ vọng biến Istanbul thành đô thị quốc tế lớn nhất thế giới. Thành phố mang theo kỳ vọng ấy đến bây giờ, như cô bạn thân tôi kỳ vọng thay đổi thế giới, như cơn mưa rào kỳ vọng tắm mát cái nóng đặc quánh nơi đây…
Tôi hít hà lần cuối mùi mưa ở xứ nhiệt đới, điều tôi nhớ da diết từ khi xa Việt Nam. Tôi biết mình sẽ nhớ Istanbul. Với tất cả những mâu thuẫn, thăng hoa và mộng tưởng, Istanbul sẽ mạnh mẽ, thú vị và quyến rũ
Những điều tuyệt vời mà Istanbul tặng tôi
Quán cà phê The House

Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-12
 
Đây là những không gian kiến trúc, nội thất tuyệt đẹp theo phong cách cổ điển Pháp với đường viền kim loại và mảng tường gương. The House có nhiều địa điểm, nhưng đẹp nhất có thể kể tới The House Corner: Tevikiye Caddesi, số 146 Tevikiye stanbul The House Ortakoy (nằm trên bờ Bosphorus, nhìn ra biển): Salhane Sokak số 1 Ortaköy İstanbul.
www.thehousecafe.com/
Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Istanbul Modern

Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-13

Viện bảo tàng rộng 8.000m2 bên bờ Bosphorus, nhìn ra biển, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật phản ánh đời sống nghệ thuật sôi động, hiện đại của Istanbul. Địa chỉ: Meclis-i Mebusan Cad. Liman letmeleri Sahası Antrepo 4, 34433, Karaköy – Istanbul. Tiện đây, bạn có thể đi dạo trong khu Karaköy, ngắm các tiệm đồ phụ kiện, đồ họa nhỏ, xinh xắn.
www.istanbulmodern.org/en
Nhà hàng Mama Shelter
Istanbul, thanh pho cua nhung mong tuong-hinh-anh-14
 
Nhà hàng nằm trên sân thượng của một tòa nhà cạnh phố đi bộ mua sắm sầm uất, Beyolu. Mama Shelter không chỉ có những không gian ấm cúng, sang trọng mà còn phục vụ những món hải sản, kebab đặc trưng của Istanbul theo phong cách cao cấp (Gourmet). Đừng quên đặt bàn trước vì nhà hàng luôn đông khách. Địa chỉ: 50-54 stiklal Caddesi, Istanbul.
www.mamashelter.com/en/istanbul/
Nhà hàng Antiochia
Với ước ao thử Kebab Thổ Nhĩ Kỳ thực sự, tôi được giới thiệu đến Antiochia, nhà hàng giới thiệu những món ăn làm từ thịt đúng như cách người Thổ Nhĩ Kỳ làm tại nhà, giữa không gian nhà hàng sang trọng. Địa chỉ: Asmalı Mescit Mh., Minare Sk No:21, 34000 stanbul.
www.antiochiaconcept.com/
Nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ Kilic Ali Pasa Hamam
Một dịp tuyệt vời để trải nghiệm ba điều: dịch vụ tắm và chăm sóc sắc đẹp kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, tham quan một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp xây dựng từ năm 1580 và hưởng thụ một không gian sang trọng (như một khách sạn năm sao) Đừng quên đặt trước trên trang web www.kilicalipasahamami.com/ Địa chỉ: Số 1 34425 Tophane, Karakoy, Istanbul.
Kim Ngân/Elle VN


Không có nhận xét nào: