Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Nhật Bản – Những người già tôi thấy

Với cái tuổi tròm trèm sáu mươi, tôi đi du lịch Nhật Bản. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu tôi lập tức bị những người già Nhật cuốn hút, cùng với hoa anh đào, chùa chiền và đường cao tốc của họ.
Người già ở Nhật có một vẻ rất đặc biệt, có lẽ khác với người già phần còn lại của thế giới mà tôi đã từng thấy khi đi du lịch, tôi không thể gọi họ là các cụ già. Dù họ già đến hàng “cụ”, tôi chỉ muốn gọi họ là người già, cùng với người trẻ, ngang bằng với người trẻ trong mọi sự trên đường thiên lý tôi thấy họ.
Người già Nhật Bản không béo phì, họ mảnh mai, thẳng thớm và chỉnh tề, dù quét dọn trong nhà vệ sinh công cộng hay đứng bán hàng, hay làm hướng dẫn trong bảo tàng họ đều có một vẻ tận tụy trong bổn phận, một vẻ tận tụy có thâm niên và như chất chứa trong họ niềm lo âu sâu sắc không còn có ích cho ai đó. Tôi nhìn thấy điều này khi đi mua hàng, người bán là một phụ nữ chắc chắn hơn tuổi tôi, mặc dòng người xếp hàng sau lưng tôi, bà vẫn lấy hai hộp thuốc mẫu, bóp ra so sánh cho tôi thấy hai loại khác biệt nhau, ứng với đường kẻ khác màu trên hai hộp thuốc.
ellevn-nhat-ban-4
Hay khi vào Bảo tàng động đất ở Kobe, người đàn ông hướng dẫn trong phòng trưng bày áng chừng cũng phải bảy mươi, với thứ tiếng Anh rất khó nghe, ông cố gắng diễn đạt cho tôi thấy cái thảm họa động đất tương tự thế nào với chiến tranh ở Việt Nam, ông làm tôi muốn khóc khi nói “chị sẽ cảm nhận rõ hơn vì chị đã qua chiến tranh“.
Có lần, chúng tôi đến nghỉ ở khách sạn Kai tại Hakone, nơi có đầy đủ những gì gọi là “Nhật”: phòng trải tatami nằm đệm, vách ngăn chia ô vuông bằng giấy, cửa lùa… và đặc biệt là có tắm onsen. Và như toàn thể khách du lịch Việt Nam đang đi lại rầm rập thưởng thức cái không gian bé bỏng tinh tế của khách sạn, tôi cũng bươn bả đi tắm onsen. Đang ngâm mình trong bể hơi nước mờ ảo trong một bóng âm tôi tối rất được ngợi ca ở đây, tôi bất chợt thấy một cặp chân đầy vết bầm tím lập lờ trên mặt nước.
Chủ của cặp chân là một người tôi nghĩ có dễ đã đến 100 tuổi, bà ngồi rất thẳng chỗ nước thấp, thả hai chân dập dềnh, hai cẳng chân với lớp da thõng xuống bởi hai bụng chân hầu như không còn dính líu gì đến khúc xương ống, và da thịt cả người bà đều thõng xuống như thế: hai bầu ngực có lẽ đã một thời xuân sắc, giờ trượt dài trên những dẻ sườn, bụng tay bùng nhùng nơi cổ tay để da trên hai bả vai căng mỏng, nhô xương.
Bà ngồi im lìm chừng năm phút rồi đứng dậy, bước loạng choạng lên khỏi bể nước, không vịn vào bất cứ bờ vai, bàn tay đưa ra nào, đi rất chậm sang hồ nguội và lẫn vào làn hơi nước nghi ngút cùng những tấm thân tươi tốt . Cặp chân đầy vết bầm tím của bà làm tôi ám ảnh, những vết bầm ắt hẳn do va quẹt, do vấp ngã. Bà không vịn ai, không muốn ai dắt, đỡ… khi bà vẫn còn đứng vững, và bà đi du lịch, tắm onsen một mình.
Những người già ở Nhật làm tôi thấy sợ, thâm niên tận tụy còn lâu mới bằng họ mà tôi đã muốn ngã uỵch vào sự tự mãn, đã săm soi kẻ nào không mau mắn chìa tay đỡ tôi, tôi đồ rằng cái làm nên khác biệt thật sự giản dị lắm, họ luôn luôn, luôn luôn giữ bổn phận của mình, bất kể có hay không một bổn phận đối với họ. Với từng bổn phận cá nhân như thế, cả xã hội sẽ ăn khớp với nhau và có lẽ thế mà ta có sự kỳ diệu mang tên Nhật Bản.
ELLE.VN

Không có nhận xét nào: