Là một quần đảo nằm ở phía tây của biển Thái Bình Dương, thiên đường du lịch Palau hiện nay còn ít được người Việt Nam biết đến.
Là một quần đảo nằm ở phía tây của biển Thái Bình Dương, thiên đường du lịch Palau hiện nay còn ít được người Việt Nam biết đến.
Chúng tôi may mắn được tới đảo vào cuối tháng 4-2014 để tham gia một tour lặn biển. Sau khi tới Manila, Philippines, cả nhóm phải bay tiếp gần ba giờ nữa mới đến nơi. Hằng tuần chỉ có hai chuyến bay từ Manila tới Palau, chủ yếu là dành cho khách du lịch.
Nơi bình yên nhất thế giới
Tới sân bay, chúng tôi đi bộ vào phòng làm thủ tục hải quan. Khách du lịch tất cả các nước trên thế giới đến Palau đều được miễn visa trong vòng 30 ngày. Palau là đất nước dành cho du lịch và người bản xứ cũng rất biết tận dụng những ưu đãi của thiên nhiên để làm kinh tế. Khách sạn ở Palau không rẻ, những motel nhỏ giá phòng vào khoảng 80 USD, còn khách sạn bốn hoặc năm sao giá phòng trong khoảng từ 250 đến 300 USD/đêm.
Người Palau theo chế độ mẫu hệ. Hầu hết đều thân thiện, cởi mở và đều có khả năng nói tiếng Anh tốt. Dân số đảo vào khoảng hơn 20 nghìn, ngoài ra có khá nhiều người nước ngoài kinh doanh ở đây như người Philippines, người Hoa và Nhật Bản. Đa số nhân công trong ngành dịch vụ là người Philippines. Một điều khá thú vị là chúng tôi thấy có khá nhiều đàn ông Palau ăn trầu nhưng cách ăn không giống ở Việt Nam. Người Palau không têm trầu mà bọc quả cau với lá trầu, thêm một chút nước vôi rồi cho thẳng vào miệng nhai.
Được coi là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới, du khách có thể thoải mái đi bộ buổi đêm trên đảo mà không sợ gặp vấn đề gì. Koror, thành phố lớn nhất của Palau hầu như không có nhà cao tầng và chỉ có một con đường chính. Mọi hoạt động kinh doanh của Koror chủ yếu tập trung trên con đường này. Ăn uống ở đây khá đắt đỏ, một bữa sáng có thể sẽ tốn từ 10-20 USD, còn bữa tối ở nhà hàng thì cũng tốn khoảng 20 USD/người (Palau sử dụng USD như là đồng tiền chính thức).
Đường phố Palau tràn ngập xe hơi. Du khách chỉ cần có bằng lái xe bằng tiếng Anh là có thể thuê được một chiếc xe hơi ngon lành với giá 25 USD/ngày. Ở Palau không có đèn giao thông nhưng mọi người đều tự giác tuân thủ luật. Thậm chí các xe không hề bấm còi hay tìm cách vượt nhau, mọi người cứ từ từ chạy kể cả khi xe phía trước chạy khá chậm. Cuộc sống ở Palau thanh bình và chậm rãi như tính cách của người dân.
Chuyện lạ ở hồ Sứa
Đến Palau, du khách không thể bỏ qua điểm tham quan nổi tiếng độc đáo là hồ Sứa (Jellyfish Lake). Có diện tích vào khoảng 6 hécta, hồ Sứa là một trong 70 hồ nước mặn nằm trên đảo Eil Malk, một trong số khoảng 300 đảo đá thuộc khu vực mang tên Rock Islands.
Hồ được kết nối với đại dương qua những kẽ nứt và hang ngầm trong núi đá vôi. Những hang ngầm này dẫn nước thủy triều vào và ra khỏi hồ. Tuy nhiên người ta tính toán rằng chỉ có khoảng 2,5% lượng nước của hồ là được trao đổi với đại dương qua dòng chảy của thủy triều. Chính sự biệt lập của hồ so với đại dương đã khiến cho môi trường sống trong hồ khác biệt nhiều so với các hồ nước mặn khác gần đó, do đó tác động tới sự đa dạng của các loài sinh vật sống trong hồ.
Loài sứa cũng như các sinh vật khác trong hồ đã tiến hóa khác biệt nhiều so với những họ hàng của chúng. Sống trong một môi trường khép kín với thức ăn là loại tảo sinh sản nhanh và không phải đối mặt với các kẻ thù tự nhiên, số lượng sứa ở đây đã phát triển tới số hàng triệu con. Có hai loài sứa sống trong hồ là sứa vàng (golden jellyfish) và sứa mặt trăng (moon jellyfish).
Mặc dù cả hai loài sứa này đều có những tế bào châm chích nhưng nói chung chúng không đủ mạnh để có thể gây tổn thương cho người, vì vậy việc bơi lội trong hồ là an toàn. Vào ban ngày, đàn sứa di chuyển từ đầu hồ này tới đầu hồ kia theo đường di chuyển của mặt trời. Đến khi chiều muộn, chúng lại quay xuống tầng đáy của hồ nghỉ ngơi.
Để đến được hồ Sứa, từ bến tàu du khách sẽ phải băng qua một con dốc khá dài. Đúng vào lúc phải dừng lại để thở thì hồ Sứa xanh thẫm cũng hiện ra trước mặt mọi người. Để quan sát sứa trong hồ, du khách chỉ được phép bơi lội, lặn với ống thở và mặt nạ. Ai nấy đều có cảm giác kỳ lạ khi bơi lội và tiếp xúc với vô số sứa xung quanh: Tuy khá nhột nhưng cũng rất thích thú.
Những phong cảnh chỉ có ở Palau
Nổi tiếng không kém gì hồ Sứa là khu vực đảo đá mang tên Rock Islands – quần thể khoảng 300 đảo đá vôi hay những rạn san hô trồi lên khỏi mặt nước. Mỗi đảo đá này có diện tích trung bình khoảng 47 cây số vuông và có độ cao hơn 200 mét so với mực nước biển, nhìn từ xa trông như những chiếc dù khổng lồ.
Được UNESCO xếp hạng di sản thế giới, các đảo ở đây phần lớn không có người sinh sống nhưng vẫn nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp, những hồ nước xanh trong. Nhiều đảo có hình dáng như chiếc nấm với phần đáy bị thủy triều bào mòn. Các đảo đá cùng với những rạn san hô xung quanh chúng tạo nên điểm du lịch quyến rũ bậc nhất ở Palau.
Phương tiện tốt nhất để khám phá các đảo đá và các bãi biển ở đây là canô, tuy nhiên nếu có nhiều thời gian thì chèo thuyền kayak cũng rất tuyệt. Ngoài ra, ai dư giả hơn thì có thể thuê trực thăng trong vòng nửa tiếng hoặc một tiếng để quan sát toàn bộ Rock Islands từ trên cao.
Palau rất hấp dẫn với dân lặn biển. Đoàn chúng tôi có năm ngày lặn tại Palau với trung tâm lặn Fish’n Fins, trung tâm lặn lâu đời nhất ở đây. Chi phí cho một ngày lặn là 130 USD/người/cho hai lần lặn, bao gồm xe đón, tàu lặn, hướng dẫn lặn và ăn trưa, còn thiết bị lặn cá nhân chúng tôi mang từ Việt Nam sang. Trung bình một ngày tại Fish’s Fins có khoảng trên dưới 70 người đi lặn, ngày cao điểm có thể có trên 100 người, con số đáng mơước cho bất cứ trung tâm lặn nào trên thế giới.
Fish’s Fins sử dụng các tàu cao tốc có sức chứa khoảng 12 người khách. Những người hướng dẫn lặn tại Fish’n Fins đa số là người bản xứ nên họ rất am hiểu về dòng chảy, các điểm lặn cũng như sinh vật biển ở đây. Ở Palau có nhiều điểm lặn nổi tiếng thế giới như Blue Corner, German Chanel, Ulong Chanel, New Drop Off… Đến đấy, chúng tôi được quan sát những con cá mập săn mồi to lớn, cá đuối khổng lồ và vô số các loài cá khác cũng như các rạn san hô tuyệt đẹp. Chúng tôi cũng có dịp lặn xem xác con tàu Teshi Maru, một tàu hàng của Nhật bị đánh chìm trong thế chiến II.
Thời tiết Palau mùa này khá đẹp, mặc dù độẩm cao và đôi khi có mưa, nhưng biển êm và nước rất xanh trong. Điều thú vị khi lặn ở Palau là giữa hai lần lặn trong ngày chúng tôi thường được ghé vào các hòn đảo nằm rải rác ở đây để nghỉ trưa. Những hòn đảo với cây cối xanh tươi, những bãi cát trắng muốt trải dài và hoàn toàn yên tĩnh quả là thiên đường cho người yêu thiên nhiên.
Palau thuộc châu Đại Dương
Palau, tên đầy đủ là Cộng hòa Palau, là đảo quốc ở Tây Thái Bình Dương, cách Phillippines hơn 800 km về phía đông nam. Diện tích nước này là hơn 450 km2, dân số khoảng 22.000, theo Worldometers. Thủ đô của Palau là Ngerulmud.
Bản đồ Palau. Ảnh: Pinterest
|
Palau là một trong 14 quốc gia độc lập ở châu Đại Dương, thường xuyên được liệt kê trong danh sách quốc gia nhỏ bé nhiều người không biết tới. Tuy nhiên, theo Palau Dive Adventures, đảo quốc này vẫn thu hút lượng khách du lịch mỗi năm (năm 2016 là gần 137.000 lượt).
Quốc gia này phát triển kinh tế dựa trên du lịch, nông nghiệp, đánh bắt cá và viện trợ nước ngoài.
Quốc kỳ Palau có biểu tượng mặt trăng
Quốc kỳ của Cộng hòa Palau có nền màu xanh da trời và một hình tròn màu vàng nằm hơi lệch về phía cán cờ. Theo Cổng thông tin PalauGov, hình tròn vàng là biểu tượng mặt trăng.
Quốc kỳ Palau. Ảnh: Shutterstock
|
Theo Britannica, mặt trăng có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Palau. Theo truyền thống, trăng tròn được coi là thời điểm tốt nhất để đánh bắt cá, trồng trọt và làm các hoạt động khác. Nó được coi là biểu tượng mang lại cho người dân địa phương cảm giác ấm áp, bình yên, tình yêu và sự đoàn kết. Nền màu xanh da trời được cho là biểu tượng của Thái Bình Dương.
Thiết kế cờ của Palau tương tự cờ của Bangladesh nhưng khác về màu sắc và ý nghĩa biểu tượng.
Palau có khu bảo tồn cá mập đầu tiên trên thế giới
Palau có trách nhiệm với môi trường và người dân thực sự quan tâm đến việc bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên, sự cân bằng của đại dương vì văn hóa và sinh kế của họ liên hệ mật thiết với biển. Điều đó đòi hỏi nước này phải thực hiện những chính sách lớn để bảo tồn nhiều loài sinh vật biển. Vì thế trong khi mọi người săn bắt cá mập hay coi là loài nguy hiểm thì Palau lại nhận ra chúng phải được bảo vệ.
Một chú cá mập báo trong khu bảo tồn của Palau. Ảnh: Palau Dive Adventures
|
Năm 2009, khu bảo tồn cá mập đầu tiên nằm trải rộng hơn 600.000 km2 được thành lập trên đảo quốc Palau để bảo vệ những con cá mập đầu búa, cá mập báo, cá mập trắng đại dương và hơn 130 loài khác có nguy cơ tuyệt chủng ở Thái Bình Dương. Theo World Atlas, mọi hoạt động đánh bắt cá mập cho mục đích thương mại đều bị cấm ở Palau và vùng biển nước này.
Trước đó, hoạt động đánh bắt cá mập phát triển nhanh chóng vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, nhằm đáp ứng các nhu cầu về thực phẩm tăng cao, vây cá mập để chế biến món sơn hào hải vị tượng trưng cho sự thịnh vượng và giàu có.
Quần đảo đá là di sản thế giới duy nhất của Palau
Quần đảo đá (Rock Islands) của Palau được UNESCO công nhận là di sản thế giới hỗn hợp vào năm 2012.
Quần đảo đá nổi tiếng ở Palau. Ảnh: Lonely Planet
|
Theo UNESCO, quần đảo này gồm 445 hòn đảo đá vôi không có người ở, được hình thành sau những đợt phun trào núi lửa. Nhìn từ trên cao, nhiều hòn đảo có hình giống những cây nấm trong đầm phá màu xanh ngọc lam, được bao bọc quanh bởi các rạn san hô.
Nước biển bị ngăn bởi đảo tạo thành rất nhiều hồ nước mặn, biến quần đảo đá ở Palau trở thành nơi có nhiều hồ nước mặn hơn bất cứ đâu.
Quần đảo đá có sự đa dạng sinh học lớn với hơn 385 loài san hô, ít nhất 13 loài cá mập cùng nhiều loài sinh vật biển khác. Đặc biệt, ở đây có hồ sứa nổi tiếng với hàng trăm nghìn con, trong đó có những loài đã có trong hồ từ 12.000 năm trước. Du khách có thể thoải mái bơi lội hay lặn ngắm sứa ở đây bởi chúng không đủ độc tố để gây hại.
Sứa vàng là loài chủ yếu trong hồ và chúng không có độc tố. Ảnh: Slate
|
Dù hiện không có người sinh sống, quần đảo đá từng là nơi cư trú của dân chài. Những gì còn sót lại của các ngôi làng bằng đá, khu chôn cất và những nét chạm khắc nghệ thuật trên đá là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của các tổ chức cộng đồng trên đảo khoảng ba thiên niên kỷ trước.
Palau là quốc gia đầu tiên cấm kem chống nắng
Đầu tháng 11/2018, Tổng thống Palau Tommy Remengesau thông qua đạo luật cấm sử dụng các loại kem chống nắng chứa hóa chất độc hại với san hô và sinh vật biển. Theo đó, những sản phẩm có thành phần nằm trong danh mục 10 chất bị cấm của Chính phủ sẽ không được lưu hành và sử dụng kể từ năm 2020.
Ssan hô ở vùng biển Palau. Ảnh: Coral Reef Research Foundation
|
Theo BBC, đạo luật nêu rõ sẽ áp dụng mức phạt 1.000 USD cho các thương nhân và nhà bán lẻ trong nước cố tình nhập khẩu và buôn bán các sản phẩm bị cấm, đồng thời tịch thu tất cả kem chống nắng từ du khách nước ngoài khi họ đặt chân tới Palau. Nhiều chuyên gia cho rằng quy định cấm là cần thiết vì bãi biển ở nhiều nước phải đóng cửa do sự biến mất của các rạn san hô.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết kem chống nắng hiện nay chứa hóa chất độc hại với sinh vật biển. Hàng năm, ước tính 14.000 tấn kem chống nắng bị rửa trôi xuống các vùng biển có san hô. Những hóa chất được sử dụng để hấp thụ tia UV như benzophenone, oxybenzone và octinoxate không chỉ gây hại trực tiếp lên san hô mà còn làm tổn thương các loại vi tảo sinh sống trên đó, khiến các rạn san hô dễ bị tẩy trắng.
Dương Tâm - Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét