Bạn nghĩ gì khi đến nước Nhật? Có lẽ người Việt Nam nào cũng có rất nhiều điều để chia sẻ khi đã một lần ghé thăm nơi đây. Và ELLE dành bài viết này cho những chia sẻ ấy, để chúng ta cùng nhìn vào một đất nước ở đỉnh cao và nghĩ về chính mình.
Tôi có mặt tại Nhật khi Hakamada Iwao, người bị kết án tử hình và trở thành người tử tù có thời gian chờ chết lâu nhất thế giới – 48 năm, được tuyên bố vô tội. Sự vụ chấn động này xuất hiện không chỉ trên các kênh truyền hình của Nhật, mà còn hàng loạt tờ báo lớn trên khắp thế giới đưa lại, một lần nữa làm dấy lên những chỉ trích về cách điều tra, xét xử và đối đãi với tù nhân của Nhật Bản.
Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của cơ quan hành pháp Nhật Bản chỉ là một tấm gương phản chiếu lại sự khắc nghiệt trong cuộc sống đời thường tại Nhật. Sự khắt khe ấy trong quá trình hiện đại hóa tạo ra nước Nhật ở hai mặt. Một mặt đẩy họ vào những khủng hoảng, mặt khác đưa họ trở thành đỉnh cao của thế giới.
Sự thay đổi của phong cách sống
Trong những năm gần đây, tỉ lệ trẻ em bị bạo hành hoặc bỏ mặc đang tăng cao tại Nhật. Những nhà nghiên cứu cho rằng đó là vì tính cộng đồng của người Nhật ngày càng đi xuống. Đã có thời đất nước Đông Á này có một lối sống tình làng nghĩa xóm gần gũi, nhưng quá trình đô thị hóa đã làm phai nhạt đi lối sống ấy. Sự cô độc, áp lực sống khiến người lớn trở nên lạnh lùng, ít tình cảm dành cho trẻ em hơn. Trong đầu năm 2014, hàng loạt vụ việc hành hạ trẻ em cả ở nhà riêng và nơi công cộng đã diễn ra, và các nhà nghiên cứu cho rằng đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng.
Cuộc sống hiện đại căng thẳng khiến cho người Nhật ngày càng muốn sống thu mình lại. Ngày càng có nhiều người Nhật chọn sống độc thân, không còn quan tâm đến tình dục hoặc đánh mất nhu cầu tình dục. Thậm chí nam giới ở đây còn hình thành nên một phong cách sống gọi là “Những người đàn ông ăn cỏ” (Herbivore Men). Họ làm ra ít tiền, tiêu ít tiền, không quan tâm tới việc thể hiện bản lĩnh nam nhi, và cũng chẳng cần có sex.
Tôi gặp người bạn, một “salaryman” điển hình tại đây. Anh cho biết mức lương cơ bản khi mới bắt đầu đi làm của người Nhật vào khoảng 2.000 USD, tuy nhiên, họ sẽ có thu nhập cao và cơ hội thăng tiến hơn nếu làm thêm giờ. Chính vì thế, hầu hết người Nhật muốn làm việc thêm giờ và hy sinh thời gian cá nhân cho công việc, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ.
Sau nhiều thập kỷ chứng minh năng lực, phụ nữ Nhật đã thoát khỏi định kiến cố hữu là nữ giới chỉ nên cưới chồng và ở nhà làm nội trợ. Hơn thế nữa, vì người Nhật không bao giờ làm cái gì nửa vời, cho nên nhiều phụ nữ quyết định chọn sự độc lập tuyệt đối, họ không muốn lấy chồng, sinh con nữa. Lúc 9, 10 giờ đêm trên các sân ga lớn, bạn vẫn có thể thấy không ít phụ nữ ăn vận sang trọng, tay xách túi hàng hiệu vội vàng bước qua các cửa soát vé. Vào quán bar, bạn sẽ thấy nhiều phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc nghiêm chỉnh đi cùng nhau. Họ uống rượu với bạn bè, cười đùa thỏa thích, và không có vẻ gì là phải tìm kiếm một người đàn ông trong quán bar đó cả.
Cả sự thu mình lại của đàn ông và sự tự do của phụ nữ đẩy nước Nhật vào một thử thách mới: ngày càng ít người kết hôn và tỉ lệ sinh ngày càng giảm. Một người bạn của tôi lập gia đình tại Nhật chia sẻ rằng một số nhà trẻ ở đây đã phải đóng cửa vì không có đủ trẻ em đi học. Chính phủ Nhật Bản thậm chí còn phải cảnh báo rằng với tình hình này, người Nhật có thể sẽ tuyệt chủng.
Và những điều luôn ở lại
Thế nhưng, những thông tin không ngăn cản khách du lịch trên thế giới kéo đến nơi đây. So với các quốc gia khác, Nhật không phải là một đất nước đông du khách vì giá cả ở đây thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, trải nghiệm du lịch tại Nhật luôn cho bạn thấy câu nói “tiền nào của nấy” không bao giờ sai. Nước Nhật thay đổi chóng mặt trong lối sống cá nhân, hôn nhân như vậy, nhưng lại là một trong những quốc gia có ý thức bảo tồn văn hóa, tự nhiên mạnh mẽ nhất.
Các ngôi đền, khu vườn cổ của Nhật về cơ bản vẫn giữ được những gì đã có từ hàng trăm năm trước. Kể cả khi ban quản lý đưa đèn điện vào trong các khu vực này, thay cho những cây đèn đá cổ truyền, khách du lịch vẫn không dễ gì nhận ra sự “hiện đại hóa” đó. Thậm chí những cái cây cổ thụ cũng được mặc áo trong mùa Đông để đảm bảo chúng tiếp tục tồn tại với thời gian. Sự trân trọng của người Nhật đối với di sản của họ chắc chắn sẽ khiến cho du khách Việt Nam cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về những di tích đã bị “trùng tu” tại quê nhà.
Và cho đến giờ, dù sự hiện đại hóa đẩy các cá nhân xa khỏi nhau, người Nhật vẫn không quên nói những lời mang tính chất lễ nghi. Tất cả những câu chào đón, cảm ơn, xin lỗi không bao giờ bị coi nhẹ. Sự cung kính trong tư thế nói chuyện với mọi người đã trở thành đặc trưng trong tác phong của Nhật chưa bao giờ hay đổi.
Một điều quan trọng khác là kể cả khi cuộc sống vật chất đã hết sức phồn thịnh, đất nước này có vẻ như không bao giờ ngủ quên trên vinh quang của mình. Bất cứ sản phẩm nào tại Nhật cũng đạt tới một tiêu chuẩn cao, và vẫn sẽ được hoàn thiện hơn mỗi ngày. Trách nhiệm với công việc của mình đẩy người Nhật đến mức độ hy sinh bản thân, nhưng đồng thời đó cũng là điều khiến cho xã hội của họ không bao giờ chịu vừa lòng với những gì đã có. Câu nói “thế là được rồi” có lẽ không tồn tại trong tâm trí họ.
Lợi ích từ tinh thần Nhật Bản đó chắc chắn sẽ có lợi cho du khách. Xứ sở mặt trời mọc là một trong những đất nước tiên phong trong việc phát triển du lịch bền vững. Cùng lúc, họ đẩy những dịch vụ lên đến mức cao nhất, mặt khác, họ cố giữ mọi điều được bảo toàn nhất. Và có vẻ như mọi cá nhân ở đây đều coi đó là một phần trách nhiệm của mình. Bạn đừng ngạc nhiên khi một người Nhật mãn nguyện cảm ơn khi bạn khen một vùng đất ở đầu kia đất nước của họ. Họ cảm thấy họ là một thành tố của cả dân tộc mình.
Điều có vẻ mâu thuẫn là tất cả những nỗ lực hoàn thiện cá nhân cũng như duy trì hình ảnh của một đất nước hoàn hảo này thật tuyệt vời, nhưng cũng là một phần nguyên nhân khiến người Nhật mệt mỏi và không bao giờ quên được áp lực đè lên vai mình. Câu hỏi lý thú nhất ở đây có lẽ là: Tại sao họ lại chọn việc lựa chọn sự cô độc cho bản thân, chứ nhất định không rời bỏ trách nhiệm? Có lẽ chúng ta sẽ tìm câu trả lời cho điều này trong một dịp khác.
Các khái niệm mới của nước Nhật hiện đại
Hikikomori: Những người không bao giờ hoặc hiếm khi rời khỏi căn phòng của mình. Họ cách li khỏi cộng đồng, người thân, chỉ giao tiếp qua internet và sinh hoạt trong phòng. Hàng triệu thanh niên Nhật chọn lối sống này vì không tìm được việc làm.
Herbivore men: Người đàn ông hoặc vì không biết cách tiếp cận phụ nữ, hoặc vì không có kỳ vọng cao trong mối quan hệ với phụ nữ nên dần dần tránh xa khỏi các mối quan hệ yêu đương, đánh mất nhu cầu tình dục. Đây được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc tỉ lệ sinh tại Nhật ngày càng giảm.
Oyaji: Khái niệm chỉ những phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành, thành công trong sự nghiệp và sống tự do, không ràng buộc với ai. Họ lấy “vui” là mục tiêu của các hoạt động. Họ cũng có đủ tiền để trả cho các dịch vụ giải trí cao cấp, đắt đỏ.
Yankii: Những thanh niên không muốn rời khỏi quê nhà và gắn bó với phong tục, thói quen sống tại đó, không thích thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét