Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

“Cuộc sống màu hồng” nhìn từ nước Nhật

Từ Osaka, Kyoto đến Tokyo, hành trình của chúng tôi đi giữa những trung tâm văn hóa của nước Nhật, để thấy được sự đa dạng muôn màu của họ, và đồng thời cũng thấy được tạo ra một nước Nhật hoàn hảo mà chúng ta vẫn thấy qua phim ảnh, không phải là chuyện dễ dàng.
Trước khi có cơ hội được đặt chân tới, tôi cũng như bao người khác – đều biết đến nước Nhật qua những bộ phim, bài hát, ẩm thực… Năm 2013, tôi có dịp tới thành phố Tokyo công tác và sau đó đã trải nghiệm hai ngày “một mình lạc lối ở Tokyo” đúng nghĩa. Khi trở về, vì ấn tượng quá mạnh mẽ nên tôi quyết định dành hẳn một chuyến đi lớn trong năm để nhìn thấy rõ hơn những điều mình muốn thấy.
ellevn-nhat-ban-3
Không bao giờ ngừng tươi trẻ
Trái lại với những con số thống kê về số lượng người già tại Nhật, sau 2 chuyến tàu từ sân bay Kansai vào trong thành phố, ấn tượng đầu tiên của tôi về Osaka là sự tươi trẻ. Thành phố lớn thứ ba của nước Nhật dường như có nhiều người già hơn người trẻ nhưng một ông lão độ khoảng gần 80 mà vẫn đi giày thể thao màu neon chóe lọe là điều rất bình thường.
Ở Osaka, khi đi tới những tụ điểm mua sắm hay các khu phố đi bộ đông đúc, bạn sẽ được chiêm ngưỡng phong cách thời trang tự do và đầy phóng khoáng của con người nơi đây – phong cách mà nếu diện ở Việt Nam thì sẽ bị người đi đường “soi” và chỉ trỏ với vô số lời bình gay gắt… Người Nhật rất tôn trọng sự riêng tư và cá tính riêng của mỗi người nên dù có mặc gì ra đường đi chăng nữa, bạn sẽ không bao giờ có cảm giác là bao nhiêu cặp mắt đang đổ dồn về phía mình bởi nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy còn có những người “quái” hơn mình.
Những người bạn đồng hành của tôi lần đầu tiên tới Nhật, họ thực sự bị bất ngờ với văn hóa onsen. Nếu muốn biết nước Nhật tôn trọng sự riêng tư thế nào, có lẽ văn hóa tắm công cộng là minh chứng rõ rệt nhất. Vào đây, tất cả đều phải “lột truồng” nhưng chẳng ai cảm thấy ngại ngùng hay xấu hổ. Người Nhật quan niệm rằng đi tắm mà mặc đồ lót là không vệ sinh và không đạt chất lượng môi trường tự nhiên.
Cũng tại Osaka, chúng tôi đã rất ấn tượng với nhiều thanh niên từ tỉnh xa lên làm việc ở thành phố này. Giá đất ở Nhật đắt nhất thế giới là điều ai cũng biết và để thuê được một căn hộ riêng tại một thành phố lớn không phải là điều đơn giản. Rất nhiều người trẻ đã phải ở trong những Capsule ngày qua ngày, sáng sáng đều chui ra khỏi “ổ nhộng” đó và diện đồng phục công sở chỉnh tề, ngay ngắn, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Giữa một thành phố phồn hoa, đông đúc; họ chẳng có lấy một không gian riêng cho bản thân.
Đồ chơi sex, đĩa phim cấp ba được bày bán khắp nơi và các nhà thổ cũng được hoạt động công khai. Hãy hình dung thế này, một cặp vợ chồng trẻ làm việc ở hai quận khác nhau cách xa trung tâm thành phố. Hàng ngày, họ rời khỏi nhà lúc 8h trong bộ đồ công sở và trở về nhà lúc 11h đêm, đôi khi người này về thì người kia đã đi ngủ. Chính vì vậy, ngành công nghiệp tình dục được khuyến khích ở Nhật để kích thích sự cân bằng và phát triển dân số, khi những con người hiện đại luôn bị công việc cuốn đi và bỏ quên những “nhu cầu” thiết yếu của bản năng.
Sự cầu kỳ luôn là mục tiêu sống
Trái lại với sự tối giản đến tội nghiệp trong lối sống của các thanh niên hiện đại, những vùng đất đậm tính truyền thống tại Nhật vẫn duy trì một tinh thần Nhật xưa. Người Nhật coi cái đẹp tinh tế là tiêu chuẩn mỹ học của mình. Ở từng góc phố nhỏ, từng cái ban công bé xíu cũng đều được trang trí tinh tế. Chúng tôi ở tại một nhà nghỉ điển hình của người Nhật ở gần ga Kyoto. Thiếu không gian sống, nhưng con người nơi đây luôn biết cách tận dụng tất cả những gì mình có. Đôi khi ở một góc “chết” trong phòng, một lọ hoa đơn giản hay một chiếc đèn bàn làm từ giấy, có thêm một hình origami cũng đã đủ tạo nên sự ấm cúng.
Tới Kyoto trong dịp lễ, bạn sẽ thấy nhiều bộ kimono hơn trên đường phố. Nhìn cách phụ nữ Nhật di chuyển khi diện trang phục truyền thống này, ai cũng sẽ phải khâm phục người Nhật về khoản cầu kỳ: Bao nhiêu lớp áo, mặc thế nào, vạt áo trái hay phải cho lên trước, tóc để ra sao… Tôi cũng có một đêm được trải nghiệm trong nhà ryokan truyền thống, thưởng thức bữa tối và bữa sáng đặc trưng của người Nhật. Nhìn cách bài trí, bày biện món ăn và cả sự phức tạp ở tục trà đạo, bạn sẽ thấy rằng việc phụ nữ Nhật ở nhà làm nội trợ cũng là cả một nghệ thuật. Mỗi món ăn có một cách bài trí riêng, đặt ở một loại bát – đĩa riêng và một cách ăn riêng.
Tôi sẽ không nói thêm về vẻ đẹp của mỗi ngôi đền hay chùa chiền ở Kyoto trong mùa hoa anh đào bởi chẳng câu chữ hay bức ảnh nào có thể diễn tả được. Chỉ có điều tới Kyoto, tôi mới lờ mờ hình dung ra tại sao cứ đến mỗi mùa hoa anh đào, ở Nhật lại có nhiều người muốn tự tử tới vậy. Tháng Tư luôn là cao điểm của công việc, của học hành. Trong khi cảnh sắc tự nhiên đẹp đến vậy, người Nhật lại ngộp thở trong những bộn bề cuộc sống. Rất nhiều thanh niên Nhật đi làm quần quật nhưng mãi không đủ tiền mua nhà, cưới vợ cưới chồng. Vậy cuộc sống ở một nơi “tiên cảnh” có giá trị gì nữa? Chính vì thế mà nhiều người vẫn nói, Nhật Bản là một đất nước mà người sống trong đó luôn muốn đi khỏi còn những người tứ xứ lại cứ muốn tới đây để tận hưởng cái đẹp, cái tinh tế.
Dòng chảy không ngừng nghỉ
Rời khỏi Kyoto, đến Tokyo, ngay từ khi bước xuống ga tàu điện ngầm, ấn tượng mà ai cũng sẽ nhận thấy là… người, trong những bộ đồ công sở màu đen. Vì quá thiếu không gian nên ở Tokyo, việc đi bộ và di chuyển dưới lòng đất là điều rất bình thường. Có những người cả tuần còn không nhìn ánh sáng mặt trời bởi họ đi làm bằng tàu điện ngầm, ga tàu lại có đường đi dưới lòng đất thẳng lên các tòa nhà…
Ở Tokyo, tới 10 giờ, 10 rưỡi đêm mới thấy dân công sở bắt đầu xách túi rời cơ quan để đi ăn tối và về nhà. Gương mặt họ luôn có sự mệt mỏi, chán chường. Vào những buổi tối thứ Sáu, ga tàu điện bỗng dưng trở nên nhộn nhịp, náo nhiệt hẳn lên bởi hôm sau là cuối tuần; người Nhật sẽ được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc căng thẳng. Tới sáng thứ Hai, họ lại bắt đầu guồng quay không ngừng nghỉ của cuộc sống.
Dù đông người đến vậy nhưng Tokyo luôn là một nơi an toàn, bạn sẽ không bao giờ lo bị móc túi hay cướp giật tại đây. Bạn cũng sẽ không bao giờ có cảm giác cô đơn bởi khi quay ra nhìn xung quanh thì thấy ai cũng như mình. Hoặc cũng có thể, khi ai cũng cô đơn, bạn sẽ cảm thấy nỗi cô đơn của mình thật… bé nhỏ. Tôi thích cái cảm giác hòa mình vào dòng người ở giao lộ đông đúc nhất thế giới – Shibuya. Đặc biệt là vào những ngày trời mưa, hàng nghìn chiếc ô trong suốt nối tiếp nhau biến nơi đây thành một bức tranh lãng mạn về nơi đô thị.
Tôi đã dành một ngày để trở lại khu Ebisu – một trong những điểm đến tôi ấn tượng nhất ở Tokyo trong chuyến đi đầu tiên. Nơi đây có quán ăn “tự kỷ” yêu thích của tôi. Mỗi người vào trong đó là ngồi “úp mặt vào tường” để ăn, không ai nhìn ai. Nhìn từ cửa sổ quán ăn ấy nhìn ra, tôi càng thấy chẳng phải góc nào ở Nhật cũng màu hồng. Đặc biệt là ở những nơi cảnh sắc càng đẹp, văn hóa càng tinh tế thì cuộc sống lại càng khắc nghiệt, đến mức khó mà tin nổi. Tuy nhiên, chính những sắc màu đối lập ở con người, văn hóa, thiên nhiên đã làm nên sức quyến rũ cho nước Nhật, đủ để khiến những ai từng đặt chân tới đều muốn quay lại thêm nhiều lần nữa.
ELLE.VN

Không có nhận xét nào: