Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Lạc vào xứ sở truyện tranh


TO - Sau một chuyến đi dài vất vả, việc đầu tiên "sếp" tôi làm không phải là ngủ, ăn uống, mà ngồi thư giãn trên ghế sofa, đọc Doremon và cười hinh hích. Ông lật từng trang, say mê không khác gì một đứa trẻ 9, 10 tuổi.
Vâng, ông ấy là người Nhật và tôi biết rằng mình đã bắt đầu lạc vào xứ sở truyện tranh thú vị nhất trên thế giới.
Quầy truyện tranh như thế này có mặt tại mọi cửa hàng tạp hóa ở Nhật - Ảnh: Đ.B.Châu
Đọc báo bằng… truyện tranh
6g sáng, khi vừa đẩy cửa bước vào một cửa hàng nhỏ (convenient shop) mua thức ăn sáng, tôi đã thấy có vài ba sinh viên, công chức đứng ở quầy truyện tranh, mắt dán vào những cuốn truyện mới ra lò có bìa hết sức… tươi mát (thực tế chỉ có bìa truyện như thế để câu khách, nội dung bên trong cũng không có gì là vượt quá giới hạn). Ở thành phố, cứ trung bình 200m là có một cửa hàng dạng này, ngoài ra còn có các cửa hiệu cho thuê truyện tranh nhộn nhịp khách ra vào, từ cậu bé 5, 6 tuổi đến cụ già 70, 80 tuổi.
Trong nhà sách tương tự, quá nửa diện tích phủ ngập truyện tranh, đủ các thể loại, bất kể năm tháng, nếu bạn hỏi mua một cuốn truyện cách đây 10, 20 năm, chắc chắn vẫn có! Lên tàu điện ngầm cũng vậy, bạn sẽ rất dễ dàng nhận thấy 10 người thì đã có khoảng 5 người đang say sưa với cuốn truyện tranh trên tay, 5 người còn lại dán mắt vào điện thoại hoặc Ipad, hầu hết cũng là đọc ebook truyện tranh.
Truyện tranh ở đây phổ biến đến mức có hẳn một loại tạp chí chỉ vỏn vẹn 4 trang là bìa của một cuốn truyện tranh, trong đó cập nhật ngắn gọn các thông tin trong tuần. Nagasaki Aoki (sinh viên, đại học Tohoku) cho biết: “Tôi nghĩ đây là loại tạp chí được người Nhật đọc nhiều nhất vì ngắn gọn, sẵn tiện đọc truyện tranh thì họ đọc luôn mấy tin tức này!”
Một kệ sách, truyện tranh được làm từ vài ba miếng ván và gạch trong nhà ở vùng nông thôn Kami, tỉnh Miyagi - Ảnh: Đ.B.Châu
Trên mọi nẻo đường
Có lẽ hiếm có đất nước nào mà bất kỳ khách sạn, nhà nghỉ, nhà dân nào, bất kể cực kỳ sang trọng hay vô cùng tồi tàn, cũng đều có sự hiện diện của truyện tranh. Lần đó, chúng tôi đến Ishinomaki, một thành phố bị hủy hoại gần như hoàn toàn bởi thảm họa sóng thần 11-3-2011. Thậm chí đến khách sạn cũng rất khó tìm nên mọi người phải ở trong một nhà nghỉ rất nghèo nàn, tám người một phòng, đến nước nóng cũng không có.
Ấy vậy mà trong căn phòng bé tẹo ấy, một tủ sách có khoảng 500-700 cuốn truyện tranh được bọc bìa nhựa cẩn thận, sắp xếp ngăn nắp vẫn chễm chệ “ngự trị” và rõ ràng là những người bạn Nhật của tôi cực kỳ phấn khích, đọc ngấu nghiến, say sưa quên cả ăn tối. Chưa kể ở đây vẫn tiếp tục duy trì được chuỗi cà phê - truyện tranh (coffee comic) dập dìu khách ra vào đến tận 5g sáng, bất kể những mất mát vẫn đang đè nặng lên cuộc sống.
Lần khác, chúng tôi đến Kami, một vùng nông thôn cách khá xa trung tâm thành phố Sendai (tỉnh Miyagi) và tất nhiên, hoàn toàn không có Internet nhưng truyện tranh thì cả một kệ đầy. Cái cảm giác ngồi trong một căn nhà thơm thơm mùi gỗ đúng kiểu Nhật, kéo cửa ra là hương thơm của lúa, của cỏ ùa vào, lật giở từng trang truyện tranh sinh động, hài hước thật sự là một thứ niềm vui ngọt ngào, quá ngọt ngào…
Rất nhiều truyện tranh trong một khách sạn mini tại làng Tenei, Fukushima - Ảnh: Đ.B.Châu
Quầy truyện tranh tại khách sạn 5 sao Kanji Saito, Minami Sanriku, tỉnh Miyagi - Ảnh: Đ.B.Châu
Và hơn thế nữa
Không chỉ “sống” trên trang giấy, truyện tranh đã bước ra đời và hòa vào cả từng hơi thở của người dân Nhật Bản. Điển hình nhất, mỗi thành phố, tỉnh tại Nhật đều có một linh vật (mascot) được vẽ theo kiểu truyện tranh rất đáng yêu, thể hiện sống động tính cách, con người và đặc trưng của vùng đất đó.
Nhờ vậy, rất nhiều đồ lưu niệm, từ huy hiệu, cài áo, thú nhồi bông, quần áo của địa phương cũng “ăn theo” linh vật, buôn bán rất nhộn nhịp, từ chú bạch tuộc tròn trịa của vùng Minami Sanriku đến cô bé Samurai hồng hào cá tính của vùng Aizuwakamatsu (tỉnh Fukushima)…
Ngoài ra, tại các trung tâm thành phố lớn, không chỉ ở khu vực danh tiếng Harajuku (Tokyo), không hề khó khăn để bạn nhận ra sự náo nhiệt và niềm tự hào của những cô gái chàng trai trong trang phục cosplay hệt trong truyện tranh. Kiểu thời trang này được cả xã hội Nhật chấp nhận, chẳng ai phàn nàn, nhăn mặt nhíu mày với nó cả.
Không những vậy, ngay cả các ứng dụng trên điện thoại của Nhật như trò chơi, từ điển cũng được “truyện tranh hóa” một cách triệt để. Việc một người Nhật trung niên đang buồn bã, lầm lũi bước lên tàu điện ngầm, nhưng rồi chỉ trong tích tắc, mở điện thoại lên, anh lại vui vẻ hẳn lên là hết sức bình thường. Lý do rất đơn giản: anh ta đang chơi vài ứng dụng liên quan đến các nhân vật trong One Piece hoặc Naruto!
Ngắn gọn, ở Nhật, truyện tranh không phải là sở thích, đó là tình yêu…
Không bao giờ chết
Tại sao truyện tranh ở Nhật lại có một sức sống mãnh liệt đến thế? Đó là câu hỏi mà bất kì ai cũng phải bật lên trước một nền công nghiệp giải trí quá mạnh mẽ tại xứ sở này.
Eiki Matsuzaka, sếp tôi, vốn là một fan truyện tranh hơn 30 năm nay cho biết: “Tôi nghĩ lý do đầu tiên là chữ viết của Nhật khá phức tạp, phải tốn rất nhiều công sức để học nên để dễ tiếp cận mọi thứ, tư duy người Nhật thường xuất phát từ hình ảnh và truyện tranh là một sự kết hợp hiệu quả. Ngoài ra, truyện tranh Nhật không chỉ dành cho thiếu nhi mà rất đa dạng, với nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau, gần như ai cũng có thể tìm được một dạng truyện tranh phù hợp với mình, dù đã đi làm công sở hay về hưu, ở nhà làm nội trợ… Thêm nữa, Nhật là một quốc gia rất tự do về truyện tranh, bất kì nội dung gì cũng được cho phép, miễn là nó tìm được độc giả của mình".
Một lực lượng động đảo các họa sĩ và trường học chuyên đào tạo về vẽ, viết truyện tranh, cũng như hệ thống phát hành phủ khắp từ thành thị đến tận các vùng nông thôn, vùng cao hẻo lánh ở đảo quốc này cũng là nhân tố quyết định sự phổ biến đặc biệt của truyện tranh tại đây.
ĐOÀN BẢO CHÂU

Không có nhận xét nào: