Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Chợ đồ cũ – nét văn hoá ở London


SGTT.VN - Đến London lần đầu không bạn bè, người thân, tôi tự lang thang tìm hiểu và khám phá thành phố mới mẻ, hấp dẫn này. Đầu tiên vào Google tìm “Những điều cần biết khi ở London”. Đập vào mắt tôi ngay lập tức bài báo trên tờ Time Out London: London’s best car-boot sales – các chợ đồ cũ được đánh giá tốt nhất ở London.
Có thể bày hàng hoá bên xe hơi, trên xe tải hay bày ra nền sân.
Từng lang thang mòn gót ở chợ Hàng Da cũ, khu Đông Tác, Lương Định Của, cũng đã đi chợ đồ cũ (marche brocante) ở Paris, tôi không ngờ cũng có thể tìm thấy những nơi như thế ở đây, London sương mù!
Chợ phiên cuối tuần
Gọi “car-boot” vì “chợ” này đặc biệt ở chỗ không phải là nơi được xây dựng kiên cố hay ổn định. Nó chỉ thường diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tại một sân bóng hay sân sau trường đại học. Người bán tập trung đồ đạc và chở bằng ôtô đến, đậu ngay trong sân và treo đồ cạnh ôtô hoặc tự chuẩn bị bàn ghế, khăn trải, bày đồ ra. Người bán có thể phải trả tiền cho đơn vị tổ chức hội chợ, tuỳ tính chuyên nghiệp và quy mô (dao động từ 10 – 15 bảng). Cũng tuỳ quy mô chợ mà người mua sẽ phải trả tiền vé vào cửa. Tại một trong những hội chợ đồ cũ lớn nhất ở Battersea Park phía Nam London, giá vé vào cửa từ 3 bảng (từ 11 – 12 giờ), 1 bảng (từ 12 – 13 giờ) và 50 xu (sau 13 giờ 30).
Hàng hoá nhiều khi chỉ là những đồ dùng thường nhật.
Tờ Time Out London giới thiệu 11 khu chợ cả to lẫn nhỏ, chợ đầu tiên tôi đến mang tính địa phương hơn, diễn ra ở một sân bóng nhỏ, 9 giờ sáng tới nơi đã thấy có khoảng 20 xe đậu trong sân, xe nọ cách xe kia một quãng. Người bán thường đi cả gia đình, nhà nào nhiều đồ sẽ có một người tập trung bán, một người thu tiền và một người trông đồ, nhưng thường chỉ có hai vợ chồng. Phần lớn họ là các gia đình người Trung Đông hoặc châu Phi sinh sống tại Anh từ hai thế hệ trở lên và đã ổn định tại đây. Những lần họp chợ họ thường gom tất cả đồ đạc trong nhà, thậm chí của nhà hàng xóm mang đến bán. Trời mùa đông sáng muộn, khoảng 9 giờ 30 người mua mới bắt đầu kéo nhau vào. Rất dễ phân biệt những người có kinh nghiệm đi chợ đồ cũ vì họ mang sẵn các túi du lịch hoặc balô để đựng đồ. Tiếng nhạc phát ra từ loa của gia đình bán đồ điện tử, tiếng người mua trả giá, tiếng các gia đình trò chuyện với nhau… xì xào nhưng không ồn ã. Hàng hoá đủ các loại như khung ảnh, bát dĩa, ấm chén, quần áo trẻ con, sách truyện…
Chợ đồ cũ lớn nhất London
Tôi có thêm nhiều dịp đi qua những chợ đồ cũ khác, nhưng ấn tượng nhất là chợ Battersea diễn ra ngày chủ nhật, được mệnh danh là chợ đồ cũ lớn nhất London. Diện tích bằng cả một sân bóng lớn và tổ chức trật tự. Người bán chở đồ đến bằng xe ôtô hoặc xe tải, đều phải đặt chỗ trước đó một vài tuần và giá thuê chỗ từ 25 – 30 bảng tuỳ diện tích lớn nhỏ. Những người bán tự do thì không cần đặt chỗ trước nhưng phải xếp hàng từ 10 giờ sáng. Số lượng người được vào tuỳ thuộc vào chỗ trống trong chợ, ai muốn chắc chắn thì phải xếp hàng từ rất sớm. Tôi đến lúc 1 giờ 30 chiều đã thấy hàng hoá trong chợ vơi đi nhiều. Và, chợ lớn cũng đồng nghĩa với việc có nhiều hàng hoá có giá trị bày bán hoặc đồ dùng trong nhà như tivi, bàn ghế, tủ gỗ…
Đi dạo chợ cũ cũng là một thú vui, xem thấy đủ thứ hàng, nhiều khi đến lạ lẫm.
Sau một vài lần đi chợ đồ cũ, tôi mua được vài món đồ khá ưng ý: những chiếc ly và dĩa sứ xinh xắn, đồng hồ cổ chạy bằng dây cót… Cứ nghĩ đến bao nhiêu thế hệ đã dùng những đồ đạc này, giờ đến lượt mình, tôi cảm như mình chạm được vào thời gian. Chiếc bàn bằng gỗ sồi mà tôi thấy, trên mặt bàn hằn nhiều vết khứa, có cả nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ con làm tôi nghĩ đến cảnh một gia đình quây quần trong bữa tối, bà mẹ gọt hoa quả mà để lại vết dao cứa lên mặt bàn và đứa trẻ đang tuổi tập viết vẽ lên bất cứ nơi đâu nó thấy… Hay như chiếc ấm sứ sứt quai kia, người bán có khi không ngờ lại có người mua nó. Những đồ vật chứa đựng trong nó một câu chuyện, thậm chí một lịch sử, nhiều khi tiền bạc không mua nổi!
Có người cho rằng mua đồ “second-hand” làm giảm đi giá trị bản thân, tôi thì nghĩ rằng vấn đề không nằm ở chỗ bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là bạn thực sự đang “sống” ở nơi bạn sống, với tất cả mọi phương tiện, cách tiếp cận mà bạn có thể có. Chợ đồ cũ chỉ là một phần rất nhỏ trong cái nôi văn hoá rộng lớn ở London, nhưng nó đã thêm vào danh sách các lý do khiến tôi thấy gắn bó hơn với nơi này.
bài và ảnh: Hồng Phương

Không có nhận xét nào: