Dường như những gì người Tana Toraja (Indonesia) làm đều là sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc sống khác sẽ bắt đầu khi kết thúc kiếp hiện sinh.
Nghi lễ quan trọng nhất của cộng đồng người Tana Toraja, đảo Sulawesi, được coi như bữa đại tiệc táng. Theo lẽ thường, mỗi một người trong cộng đồng ở Rantepao chết đi được tổ chức đám ma 2 lần. Đám ma lần đầu được thực hiện ngay sau khi chết. Đám ma lần thứ hai thường được tổ chức vào dịp tháng 8 khi mùa khô bắt đầu. Đám ma lần thứ hai của người Tana Toraja được coi là tục lệ đắt đỏ nhất, một đại tiệc táng và được xếp vào một trong 10 tục lệ táng người kỳ lạ nhất trên thế giới.
Đoàn rước trong đám tang ở Tana Toraja.
|
Người Rantepao tin rằng, cái chết không phải là một sự kiện đột ngột và bất ngờ, cái chết là ngưỡng quan trọng để bước sang thế giới Puya - thế giới của linh hồn. Trong thời gian chờ đợi đến lễ tang thứ hai, cơ thể của người quá cố được bọc trong nhiều lớp vải và đặt trong ngôi nhà cộng đồng truyền thống của làng.
Đám ma lần thứ hai là một sự kiện mang tính nghi thức thiêng liêng, kéo dài trong nhiều ngày, thường có sự tham dự của hàng trăm, hàng nghìn người và cực kỳ tốn kém tùy thuộc vào vị thế và tầm quan trọng của người quá cố. Sau khi gia đình của người quá cố hoàn tất việc chuẩn bị các vật hiến tế cho nghi lễ, khi đó cuộc hành trình tới Puya của người quá cố mới bắt đầu.
Ngôi nhà cộng đồng của làng, nơi tổ chức các nghi lễ an táng cho người quá cố bao giờ cũng cao nhất và được trang trí nổi bật nhất. Nghi lễ chính của đại tiệc táng là giết mổ trâu nước. Bên con đường ven bờ suối chảy qua làng, thanh niên trai tráng đang tập trung giết mổ những con trâu nước trong khi các đoàn rước của các dòng họ với những vật hiến tế có giá trị dành cho người chết lần lượt đi qua khu vực lễ đài.
Giết trâu chuẩn bị đám tang.
|
Đỉnh điểm của lễ an táng là khi cả vài chục con trâu, con lợn được đem ra giết mổ cùng một lúc. Người ta cắm những ống tre dài và nhọn vào yết hầu con vật cho máu chảy ra thành suối ở khu vực hành lễ. Một hình ảnh tôi khó có thể quên. Người Rantepao tin rằng người chết sẽ cần rất nhiều những con trâu để làm cho cuộc hành trình của mình đến với Puya nhanh hơn.
Trong một cái lán dựng tạm gần đó, người làng gõ trống chơi đàn, từng nhóm người trong trang phục truyền thống rước những con vật hiến tế bắt đầu nhảy múa, hát ca. Những người khách tham quan như chúng tôi cũng được khuyến khích nhập vào đám rước. Mọi người đến dự lễ tang thường mang theo những vật hiến tế và cũng được chia phần thịt từ con vật mới bị giết khi ra về.
Những cặp sừng trâu thường được trân trọng treo dọc theo cột trụ phía trước cửa nhà. Gia đình nào có càng nhiều sừng trâu sau đại tiệc táng càng chứng tỏ sự thịnh vượng và vị thế của gia đình đó với cộng đồng.
Sau nghi lễ chính và đại tiệc táng ở làng, đám rước quan tài người chết tiến lên núi. Từng đoàn người đi sau quan tài và miệng luôn lầm rầm khấn niệm. Nơi chôn cất người chết là một khuôn mộ được đục sẵn vào trong vách đá. Người làng hò reo nhảy múa với ý nghĩa xua đuổi tà ma, vừa để cổ vũ cho những người đưa quan tài người chết vào sâu trong vách núi.
Có 4 cách an táng theo tục lệ của người Toraja. Cách thứ nhất là đưa quan tài vào trong một cái hang hoặc hốc đá tự nhiên trên vách núi. Ngay trong làng Londa, rất dễ quan sát thấy những hang đá đủ lớn để chứa hài cốt của cả một gia đình.
Táng trong vách đá.
|
Cách thứ hai là táng theo hình thức mộ treo. Quan tài người chết được đưa lên những vách đá hiểm trở, đặt vào gờ đá tự nhiên hoặc trước đó người thân của người quá cố đã đục sẵn những lỗ sâu vào trong đá, gài vào đó những thân cây gỗ lớn làm giá đỡ cho quan tài. Kiểu táng này tôi bắt gặp phổ biến nhất ở làng Pala Tokke.
Cách thứ ba là mai táng trong một khuân mộ bằng đá được chạm khắc, đục đẽo sâu vào trong vách đá. Trong đó, có chứa bất kỳ tài sản mà người quá cố sẽ cần ở thế giới bên kia. Hình thức mai táng này có thể thấy chủ yếu ở làng Lemo và Kete Kesu. Việc đục vách đá càng sâu trong rừng và trên những vách đá treo leo thường rất tốn kém, phải mất một vài tháng để hoàn thành.
Nếu người chết là những đứa trẻ, quan tài có thể được treo bởi sợi dây thừng vào một vách đá hoặc người ta khoét một cái cây đủ lớn để đưa thi hài của những đứa trẻ vào trong đó. Kiểu mai táng này rất dễ tìm thấy ở làng Kambira. Người ta cũng thường chạm khắc một tượng gỗ mô phỏng gương mặt và hình hài của người quá cố gọi là tau tau, được đặt trước khuân mộ và hướng mặt ra ngoài với ý nghĩa dõi theo, bảo vệ cho vùng đất gia tộc mình.
Thông qua những nghi thức an táng, cấu trúc xã hội ở Rantepao cũng được phân chia thành các tầng lớp hạ lưu, trung lưu và thượng lưu rất rõ rệt. Sự phân hóa này không chỉ thể hiện vị thế giữa các gia đình trong một làng, mà còn là giữa các làng trong một cộng đồng người ở Toraja. Tuy nhiên, cái giá để có được vị thế trong cộng đồng đôi khi quá sức với một số hộ gia đình ở đây. Ngoài việc lo cho lễ đại tiệc táng tốn kém, người chết được mang theo rất nhiều của cải có giá trị của gia đình cùng chôn sau lễ tang lần thứ hai.
Những con thuyền trong… rừng thẳm
Bất kỳ ai lần đầu tiên đến Toraja sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước kiểu kiến trúc nhà ở độc đáo nơi đây. Những ngôi nhà mang dáng dấp hình thuyền đầy tạo hình. Từng căn nhà Tongkonan xếp thành hàng dài thẳng tắp, tựa những con thuyền neo đậu trong bến thanh bình saumột mùa ra khơi. Sự hiện diện của những ngôi nhà Tongkonan như tôn thêm vẻ đẹp vốn đã kỳ bí của không gian văn hóa nơi đây.
Chúng tôi được người lái xe nhiệt tình đưa đến hầu hết các ngôi làng còn nguyên vẹn kiến trúc nhà Tongkonan truyền thống. Đầu tiên chúng tôi đến thăm làng Te’ke Te’ su’ nép mình dưới chân núi. Hẳn là khi ai đã một lần chiêm ngưỡng những ngôi nhà Tongkonan ở làng này sẽ không khỏi băn khoăn vì sao giữa vùng rừng xanh núi thẳm nơi đây lại hiện diện hình bóng những con thuyền.
Nhà dáng thuyền ở Tana Toraja.
|
Câu chuyện của những người Toraja được xâu chuỗi và kể lại rằng: Từ nghìn năm trước tổ tiên họ từng sống ở lưu vực sông Mekong thuộc Đông Dương. Do những biến động của địa lý và xã hội, cả cộng đồng Toraja thuở ấy đã giong buồm vượt biển đi tìm vùng đất mới. Họ đã đến được vùng đất mà ngày nay gọi là Makassar, thủ phủ của tỉnh Sulawesi. Tuy nhiên, khi ấy người bản địa đã không chấp nhận và xua đuổi họ. Cả bộ tộc đưa đoàn thuyền ngược sông Sadan đi về phía núi, họ đi mãi cho đến khi những dòng thác lớn ngăn họ lại và họ quyết định chọn nơi đó làm quê hương thứ hai.
Kể từ đó, những mái nhà Tongkonan hình con thuyền vượt đại dương được dựng lên và luôn hướng về hướng bắc như để con cháu họ không quên rằng, cha ông họ đã từ phương bắc vượt biển đi qua đại dương xa xôi để đến được mảnh đất lành nơi đây.
Nhà có không gian 3 tầng.
|
Người Toraja cho rằng, 3 tầng không gian trong mỗi Tongkonan tượng trưng cho ba tầng vũ trụ: thiên giới - dương gian - địa ngục. Cũng vì thế mà tổng thể một ngôi nhà Tongkonan luôn được chia ra ba phần: phía trên cùng là nơi linh thiêng dành cho tổ tiên, ở giữa là không gian sống của gia đình và bên dưới sàn nhà là nơi dành cho gia súc.
Người ta còn cho rằng Tongkonan là một vũ trụ thu nhỏ, là nơi gặp gỡ của quá khứ - hiện tại - tương lai và là nơi hội tụ của “khí” từ tứ phương Đông - Tây - Nam - Bắc. Có ba loại nhà Tongkanan. Từ hình dáng và kiến trúc ngôi nhà có thể dễ dàng nhận thấy cấu trúc xã hội ở Toraja cũng được phân chia thành các tầng lớp hạ lưu, trung lưu và thượng lưu rất rõ rệt:
Tongkonan layuk thường được dành cho những gia đình có vị thế trong cộng đồng hay các vị trưởng tộc chịu trách nhiệm cúng tế cho cả dòng tộc; Tongkonan pekamberan thường thuộc về những gia đình khá giả trung lưu; và Tongkonan batu là của lớp người bình dân.
Tongkonan có quan hệ mật thiết với tín ngưỡng và nghi thức an táng ở Tana Toraja. Sự phân biệt về kiến trúc ngôi nhà thể hiện kiểu mai táng người quá cố sống trong những căn nhà đó.
Mai táng trong hang.
|
Những gia đình nghèo, yếu thế hơn trong cộng đồng sống trong những căn Tongkonan Batu lựa chọn cách mai táng trong hang bởi nó ít tốn kém nhất. Những người dân tầng lớp trung lưu sở hữu nhà Tongkonan Pekamberan thường chọn cách an táng bằng hình thức mộ treo. Nững người tầng lớp thượng lưu, có vị thế trong cộng đồng sở hữu kiểu nhà Tongkonan layuk thường được táng trong những khuân mộ trên cao trong các vách đá hiểm trở để bảo toàn tài sản của người quá cố khỏi bị ăn trộm.
Trên hết, văn hóa về cuộc sống sau cái chết nơi đây như “vỗ về” những người đang sống về một thế giới bằng an, vĩnh hằng của Puya. Ở thế giới đó người Tana Toraja mới thực sự sống.
Kiến trúc nhà độc đáo ở Tana Toraja, đảo Sulawesi, Indonesia.
|
Chợ ở Tana Toraja.
|
Thiếu nữ Tana Toraja.
|
Dòng người tham gia đám tang ở Tana Toraja.
|
Đầu trâu tại nhà truyền thống ở Tana Toraja.
|
Du khách nước ngoài nghỉ chân dưới ngôi nhà.
|
Ngôi nhà mang dáng dấp chiếc thuyền.
|
Theo VnTravellive
SGTT.VN - Như nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh xem cuộc đời này là nơi ở trọ, người Tana Toraja cũng vậy. Họ xem cuộc sống này là cõi tạm, để chuẩn bị cho ngày sang thế giới bên kia. Nên với họ, không có nghi lễ nào, dù là cưới xin lại quan trọng bằng Tomate – nghi lễ lớn nhất cuộc đời mỗi người Tana Toraja.
Đám rước bắt đầu, thanh niên chuẩn bị gánh quan tài cùng nhà mồ mô phỏng như ngôi nhà của người Tana Toraja.
|
Được cho là một trong mười nghi thức tang lễ kỳ lạ nhất trên thế giới, đám ma của người Tana Toraja ở đảo lớn Sulawesi, Indonesia là một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của du khách. Đúng ra, Tomate là đám ma lần thứ hai. Sau khi qua đời, gia đình làm lễ tang đơn giản, dùng những loại cây lá rừng ướp xác người thân để không phân rữa hôi thối, bọc gói lại và để ở chái nhà tongkonan (như nhà rông ở Tây Nguyên). Sau khi chuẩn bị, nhiều tháng, có khi nhiều năm để có đủ chi phí, đủ thời gian cho con cháu họ hàng từ xa xôi về tham dự… gia đình mới tổ chức tang lễ chính thức – Tomate. Tomate xong, theo nguyện vọng của người quá cố cũng như điều kiện gia đình, hài cốt sẽ được an táng vào mộ đá, mộ hang động hay mộ treo. Hành trình trên cõi tạm của họ cũng chấm dứt từ đó.
Cần nhiều trâu để về cõi puya
Đến đây giữa tháng 9, tôi rất háo hức khi biết sắp có Tomate ở làng Ke’te Kesu. Không chỉ vì được dự lễ mà Ke’te Kesu nổi tiếng là làng xưa, giữ được nhiều truyền thống, tập tục cũ. Hơn thế, tang lễ này của vị chức sắc trong làng nên chắc sẽ rất đình đám. Vui vẻ, Alex, cậu hướng dẫn viên tự do gặp ở khách sạn Wisma Maria I, cho biết: “Tối thiểu cho Tomate là tám con trâu. Người nghèo nhất cũng phải vậy. Tang lễ ở làng Ke’te Kesu ngày mai không to như cái tháng rồi em tham dự, có đến 72 con trâu tế lễ, nhưng cũng có đến 24 chú trâu, là lớn rồi!” Tôi nghe mà chóng mặt. Hôm trước ghé phiên chợ trâu ở đây, tôi biết giá một chú trâu trưởng thành đã gần trăm triệu đồng, trâu bạch tạng có thể đến 200 triệu. Làm lụng, dành dụm cả đời cho một ngày là vậy! Đối với người Toraja, chết không phải là hết mà là ngưỡng để bước đến cõi puya – thiên đàng. Trong đó, việc hiến tế các chú trâu là rất quan trọng. Vì trâu sẽ là phương tiện cho người quá cố cỡi đến cõi puya. Nhiều sẽ đi nhanh, nên nghi lễ Tomate cần nhiều trâu và là ngày vui, rất vui, không phải ngày buồn!
Sáng hôm sau tôi đến Ke’te Kesu thật sớm, từng đoàn người, xe đổ vào đường làng giờ rực lên những băng vải đỏ trang trí quanh những căn nhà và hơn trăm căn lều vừa mới được dựng để có chỗ cho khách về dự.
Đội “trống” đặc biệt ở làng Ke’te Kesu đang khoan nhặt... gõ.
|
Một vị mục sư phát biểu khai mạc. Đây cũng là điều lạ và hay. Người dân ở đây vẫn giữ và dung hoà được tín ngưỡng, tập tục xưa bên cạnh tôn giáo mới. Xong, sân làng nhộn nhịp hẳn lên với màn trình diễn của các chú trâu. Chỉ một chú kém may mắn đầu tiên đưa đến góc làng. Nhát dao điêu luyện, vung lên phạt ngang cổ, rồi một ống nứa được luồn ngay vào để hứng tiết. Mỗi ngày Tomate, một hoặc hai chú trâu sẽ bị hiến tế, tuỳ theo số lượng khách. Những chú trâu còn lại sẽ lìa đời vào ngày cuối cùng. Tiếp theo trâu là những chú heo cũng được xẻ thịt… Trâu gia chủ phải lo, heo là quà đi viếng đám của người quen, thân. Thịt trâu, thịt heo được chế biến cho những bữa… tiệc, cũng như được chia phần, làm quà cho những người đến viếng mang về.
Ngày hội đích thực của Tomate
Trưa, chương trình nhảy múa truyền thống bắt đầu. Lạ ở chỗ, tham gia nhảy múa toàn là nam, nhưng đội “trống” là các cô, các dì. Lạ hơn, “trống” chính là các cối giã gạo, “dùi” là chày giã gạo mộc mạc. Gõ thành thục những “điệu trống” thật khoan nhặt. Quan tài đặt trong nhà mồ mới trang trí rực rỡ, vòng tròn nhảy múa dang rộng ra, ôm nó vào giữa. Rồi cuộc rước lễ để người quá cố đi chào xóm làng lần cuối. Băng lụa đỏ dài che cả đoàn người tít tắp, nhấp nhô cờ phướn. Đám rước chập choẽ chiêng, trống kèn, cả người, cả trâu… cùng các thanh niên gánh chiếc nhà mồ đi lòng vòng thôn xóm. Khi đoàn diễu hành quay trở lại đặt quan tài trong một căn lều mới thì thời gian đã hơn một tiếng. Và rồi mọi người háo hức chờ đợi buổi chọi trâu – một thú tiêu khiển không thể thiếu của Tomate.
Những ngày Tomate cứ thế kéo dài. Mỗi ngày hội hè, hết các anh các chú nhảy rồi đến lượt các cô gái xinh đẹp múa. Rồi mục ca hát với những giọng ca trẻ – già cùng vui so tài. Chọi trâu là tiêu khiển, chọi gà là bắt buộc của Tomate... vui vẻ, sôi động. Tất cả làm cho Tomate dậy lên không khí hội hè.
Chia tay Tana Toraja, miền đất lạ với những căn nhà đẹp, những ngôi mộ huyền bí, những nghi lễ lạ lùng, chia tay những ngày sống trong miền cổ tích và lưu giữ trong ký ức một lễ tang đầy ắp tiếng cười để hiểu hơn, thanh thản hơn những ngày trong “cõi tạm”...
bài và ảnh: Trần Thái Hoãn
Sulawesi là điểm du lịch mới vì biển đảo đẹp, nhiều miền đất phong tục lạ. Tana Toraja hầu như là điểm phải đến khi du khách đến quần đảo này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét