SGTT.VN - Cái xứ thu nhập bình quân đầu người khoảng 50.000 USD/năm mà vẫn có đến 28 ngôi làng nổi ven sông, nhà sàn vách gỗ đơn sơ ở khu Kampong Ayer, kề đó là thánh đường Hồi giáo Omar Ali Saifuddien, mái phủ vàng ròng lóng lánh, chi phí xây dựng đến 5 triệu USD (giá trị năm 1958)… Xứ nhà giàu Brunei còn có những điều bình dị, mà chắc sẽ hơi lạ trong suy nghĩ của nhiều người.
Ngay cả chợ phiên ngày thứ sáu bên bến sông giữa lòng thủ đô Bandar Seri Begawan y hệt chợ quê miền sông nước Nam bộ. Đến Brunei, thật ngạc nhiên với những chuyện nêu trên, tôi tiếp tục ngỡ ngàng với nhiều điều khác.
Thời thơ ấu nhà vua trong nhà sàn
Gọi Brunei là xứ “nhà giàu mới” có phần đúng, phần sai. Đúng là từ sau khi dầu mỏ được phát hiện những năm cuối thập niên 20 thế kỷ trước, từ đảo nhỏ ngư nghiệp là chính, Brunei đã phát triển thành một trong những quốc gia có GDP bình quân đầu người đứng đầu thế giới; gấp khoảng 40 lần Việt Nam. Phần sai là Brunei trước đó đã có một giai đoạn phát triển rực rỡ, vào thế kỷ 15 – 16. Được sử Arập, Trung Hoa ghi lại, vương quốc Brunei, lúc ấy gọi là Vijayapura – Vinh quang, được thành lập vào thế kỷ 7 bởi hậu duệ hoàng tộc của Vương quốc Phù Nam. Đến Thời kỳ Hoàng kim (Brunei’s Golden Age) ở thế kỷ 15, dưới thời quốc vương tài ba Sultan Bolkiah, Brunei phát triển mạnh mẽ, bao gồm cả vùng rộng lớn Sabah, Sarawak (Malaysia bây giờ), quần đảo Sulu (nay thuộc Philippines) và nhiều hòn đảo phía bắc đảo lớn Borneo…
Buổi sáng đó, than phiền với cậu Ý balô ở cùng lữ quán: việc cung điện hoàng gia lộng lẫy Brunei chỉ mở cửa ba ngày trong năm cho khách tham quan mà mình đến không đúng dịp. Tommy cười cười: “Mấy cái thứ lấp lánh đó ông đi chỗ khác, nhất là mấy nhà thờ lớn ở đây cũng thấy đầy mà! Hay ông tạt qua Istana Darussalam thử xem sao. Dù gì đây cũng từng là cung điện, vì vua Brunei hiện thời sinh ra ở đó mà, lại miễn phí”. Nghe vậy, tôi vội vã hỏi đường rồi vọt sớm. Không thể lạc vì tên con đường là Jalan Istana Darussalam đúng như Tommy ghi, cuối đường là dòng sông. Chẳng có cung điện lộng lẫy nào cả! Chỉ một toà nhà trong mảnh sân vài trăm mét vuông, cách với xóm nhỏ bằng rào B40 đơn sơ là sáng sủa nhất.
Vậy toà nhà ra dáng nhất trong xóm đó, kiểu nhà sàn truyền thống Malay, mái lợp gỗ nâu, sơn xanh nhạt pha vàng, có anh lính bồng súng gác kia là cung Istana Darussalam sao? Cung điện ngày trước của vị vua hiện đang ngự trong cung điện mới với hơn 1.788 phòng, chi phí xây dựng lên đến 350 triệu đôla là đây sao? Chặn ngay cậu sinh viên Erick đang chuẩn bị bước vào xe hơi để đến giảng đường, tôi mới biết mình không lầm. “Ừa, chính nó đó. Toà nhà này hồi đó làm sao giờ được trùng tu giữ gìn giống như cũ. Quốc vương hiện nay của chúng tôi ra đời vào năm 1946, lúc đó Brunei dù đã có dầu nhưng vẫn còn khó khăn vì vừa qua chiến tranh và vẫn chưa tách ra độc lập. Đó là lý do ông muốn giữ nguyên hiện trạng của Istana Darussalam, nơi ông sinh ra và sống những năm đầu đời. Như để nhắc nhở về thời gian khổ đó, như ông từng nói”. Cảm ơn Erick!
Lăng vị vua tên tuổi nhất Brunei
Rời Istana Darussalam, lang thang phố phường thủ đô Bandar Seri Begawan tôi lại choáng mắt với những mái bằng vàng lấp lánh của những nhà thờ, toà nhà hành chính to lớn, viện bảo tàng lộng lẫy… Mãi đến chiều hôm sau ghé Kota Batau Mausoleum thì hết loáng mắt, chuyển sang ngỡ ngàng và thần phục khi đến viếng Kota Batu Mausoleum, sẽ khó hiểu cho sự giản dị lạ thường ở đây.
Kota Batu Mausoleum – Lăng Kota Batu, là nơi an nghỉ của vị quốc vương vĩ đại nhất Brunei từ trước đến giờ Bolkiah và các vị vua sau đó nữa. Nằm trong khu khảo cổ Kota Batu, kinh thành cổ, mới được phát hiện, khai quật từ 1953, lăng mộ của vị vua vĩ đại nhất Brunei cũng chỉ mới được xây dựng lại vào những năm cuối thế kỷ trước. Lúc Brunei đã trở nên giàu có, thịnh vượng nhưng lăng Kota Batu, chỉ giống như một toà tiểu đình hóng gió của các nhà giàu có quyền quý. Chỉ là một kiến trúc nhỏ mái vòm Hồi giáo truyền thống, rộng chừng vài mươi mét vuông. Chiếc quan tài đá xưa, có phần rạn nứt nằm giữa, không sơn son thếp vàng, không cành vàng lá ngọc trang trí… Đơn sơ đến… trống vắng vì không tường vách, nhưng cổ kính, thanh thoát nhờ vào kiến trúc đá xám vài trăm năm tuổi nằm rải rác dưới những hàng sứ trắng bên thảm cỏ xanh êm đềm. Không bảo vệ, không cửa ra che chắn.
Đã chiều muộn, không còn xe buýt, tôi bèn đi bộ về phố. Thời gian nhiều, lại nghĩ lan man. Nhớ những đền đài chùa miếu cung điện cũ được “trùng tu” rực rỡ son phấn; những lăng mộ, nhà thờ gia tộc… của những người giàu có ngày càng lộng lẫy, đồ sộ mà báo chí quê nhà nhiều lần đề cập, trái ngược với sự đơn sơ nơi lăng tẩm của vị vua vĩ đại nhất đất nước giàu có hàng đầu thế giới. Sự bình dị, đơn sơ đã không còn được yêu quý ở quê mình?
bài và ảnh: Trần Thái Hoãn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét