Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Ấn Độ - "Xứ sở diệu kỳ" hay "Một đi không trở lại"?

Ấn Độ đến với tôi bắt đầu từ những cú sốc sau khi cuốc bộ hàng chục cây số ở Varanasi, tận mắt nhìn thấy chủ nghĩa khổ hạnh của những tín đồ cuồng đạo, cảm giác như quay trở lại quá khứ hàng trăm năm trước.
Nhưng Ấn Độ với tôi cũng là niềm kinh ngạc khi ngắm nhìn từ xa hay đến gần để sờ lên từng viên đá cẩm thạch của ngôi đền lộng lẫy Taj Mahal và những di sản kiến trúc kỳ vĩ khác của Hindu giáo hay Hồi giáo. Chưa hết, tôi còn chứng kiến tận mắt hai mặt giàu sang và thống khổ ở thủ đô New Delhi ở một khoảng cách rất gần. Và cuối cùng là ngỡ ngàng như đến một xứ sở cổ tích khi đặt chân lên thành phố vàng Jaisalmer ở phía Tây Bắc Ấn, cách biên giới Pakistan chỉ vài chục cây số, cưỡi lạc đà vượt sa mạc Thar và ngủ giữa bầu trời ngàn sao như những người lữ hành kỳ dị…
1. Câu slogan của du lịch Ấn Độ rất ngắn gọn: “Incredible India” (Xứ sở kỳ diệu) trong khi một người bạn của tôi thì chơi chữ “India” thành “I Never Do It Again” (Một đi không trở lại). Tôi thì thấy cả hai đều không sai, quan trọng là những trải nghiệm của bạn ở đâu và như thế nào trên đất Ấn. Ở đất nước này, điều gì cũng có thể xảy ra hay nói như một nhà văn: thiên đường và địa ngục đôi khi ở một khoảng cách rất gần! 
Khi đặt chân đến Ấn Độ hơn một thế kỷ trước, vào năm 1896, nhà văn người Mỹ Mark Twain cũng đặt cho nó hàng chục danh hiệu: “Xứ sở của dịch hạch, xứ sở của nghèo đói, xứ sở của những ảo giác khủng khiếp, xứ sở của những ngọn núi ngất trời...” và ông viết rằng: “Mỗi khi bạn nghĩ là mình đã tìm hiểu hết những nét tính cách lạ lùng của nước này và muốn đặt cho nó một danh hiệu nào đó thì lại sớm phát hiện ra những tính cách mới và bạn thấy cần phải đặt những danh hiệu mới”. Cuối cùng ông thấy tốt nhất là vứt bỏ mọi danh hiệu và gọi Ấn Độ là “Xứ sở của những điều kỳ diệu”. Vào những năm 50 của thế kỷ 20, nhà báo, nhà du ký kiệt xuất người Ba Lan Ryszard Kapuscinski cũng đến Ấn Độ, đất nước đầu tiên ông đặt chân đến ở bên ngoài biên giới đất nước mình và gọi đó là “Chuyến đi của định mệnh”. Trong tác phẩm xuất sắc “Du hành cùng Herodotus”, sau những trải nghiệm kỳ lạ ở Ấn Độ, ông cũng viết rằng: “Đừng kết luận bất cứ điều gì ở đất nước này, bởi ngay từ khi bạn vừa đưa ra một câu kết luận thì bạn đã kịp nhận ra rằng đó là một nhận định sai lầm”.
Không chỉ có Mark Twain và Ryszard Kapuscinski, tôi còn tham khảo rất nhiều cuốn sách khác sau chuyến đi viết về Ấn Độ mà trước đó hầu như tôi không để ý tới, dù nó nằm phủ bụi trên giá sách từ lâu. Cuốn sách cho tôi nhiều kiến thức và cảm hứng nhất là “Lịch sử Văn minh Ấn Độ” của sử gia nổi tiếng người Mỹ Will Durrant viết vào những năm 30 của thế kỷ trước hay những trang viết trong cuốn du ký “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” của một nhà văn người Mỹ khác là Paul Theroux với chuyến trải nghiệm bằng tàu hỏa khắp Ấn Độ vào những năm 70 của ông… Tôi phải gật đầu lia lịa hay ngưỡng mộ với những trang viết đầy kiến thức hay những nhận định đến bây giờ vẫn còn mới mẻ của các bậc tiền nhân. Nhưng thôi, nếu phải trích dẫn thì (chắc) tôi phải trích dẫn hàng trăm trang in. Cuối cùng tôi chọn cách loại bỏ chúng hết khỏi đầu và bắt đầu bằng những trải nghiệm của chính mình…
2. Chuyến bay từ Kathmandu đến Varanasi, chỉ mất khoảng 45 phút bay với cái giá khá đắt 170 USD, đổi lại chúng tôi đỡ phải ngồi trên chuyến xe chạy qua biên giới với cung đường nghe nói là khủng khiếp và mất tới 18 tiếng. Thủ tục lên máy bay phải qua ba lần khám xét, thậm chí ngay tại cửa vào máy bay còn bị khám một lần nữa, khiến tôi nghĩ mình sắp sang một xứ sở trật tự và an ninh nghiêm ngặt lắm. Sân bay Varanasi nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ và khá văn minh càng khiến tôi đinh ninh sắp vào một thành phố đạo yên bình và đẹp đẽ. Mọi tưởng tượng đều dễ bị sai lầm, đặc biệt là ở Ấn Độ.
Cú sốc đầu tiên của tôi ở Varanasi là khi chuyến taxi đi khoảng 1 tiếng thì dừng lại vì không đi được nữa, khi tiến đến gần trung tâm. Những con đường bị bủa vây bởi người là người, các phương tiện vận tải thô sơ như xe kéo, tuk tuk, xích lô và đặc biệt là những chú bò, trâu, ngựa, dê… đi lại đủng đỉnh trên phố. Mọi thứ hỗn độn, inh ỏi và náo loạn như ở một xứ sở vô chính phủ (Xin lỗi, tôi lại định nghĩa rồi!). Chúng tôi phải chuyển qua một chuyến tuk tuk (ở Ấn gọi là Rickshaw), đi len lỏi giữa hàng người đông đặc và trông mặt ai cũng khắc khổ, nghèo đói để về khách sạn. Bác tài xế phải gồng cả hai tay để chiếc xe không lao vào những chiếc đi ngược chiều hay thậm chí là cùng chiều. Càng vào trung tâm, cảnh hỗn loạn càng trầm trọng và tiếng ồn của các phương tiện giao thông cùng tiếng còi xe càng đinh tai nhức óc. Và mùi, bốc lên đến ngạt thở. Mùi của những bãi phân bò đang rữa dày đặc trên đường, mùi bốc lên từ cống lộ thiên, mùi của một toilet công cộng bên đường, mùi cà ri của những quán ăn uống tạm bợ và tất nhiên là cả mùi người.
Tôi sốc thực sự khi nhìn thấy một người đàn ông trần truồng, gày gò, người sơn phết đủ màu đi lại như chốn không người hay một chú khỉ chết được đặt trên một manh chiếu, đặt cùng mấy loại đồ cúng, hương khói bốc nghi ngút. Tất cả đều diễn ra trên đường. Thoát được con đường chính, đi vào ngõ nhỏ dẫn vào khách sạn cũng đầy… phân, chỉ cần không để ý là… dính đạn ngay. Tay kéo va li, tay bịt mũi bởi những cơn nôn khan chực trào lên cuống họng. Ba ngày ở Varanasi, tôi đều ở trong tình trạng nôn khan bởi mùi hôi và cảm giác lợm giọng khi nhìn thấy những bãi phân bò, dê, ngựa nằm rãi rác trên tất cả mọi con đường ở Varanasi mà không có bất cứ ai dọn dẹp.
Cảm giác đầu tiên của tôi lúc đó là chỉ muốn đào thoát ngay lập tức khỏi thành phố này, nhưng để thực hiện điều đó ở Varanasi cũng không hề đơn giản, bởi chúng tôi còn chưa có vé tàu. Đang mùa lễ hội lớn nhất của các tín đồ Hindu nên lượng người đổ về Varanasi càng đông gấp bội. Khi bắt chuyến xe tuk tuk để ra ga đặt vé tàu cho 2 ngày sau, chúng tôi cũng phải len người vào đám đông khổng lồ đang nằm ngồi vật vờ và thậm chí họ nấu nướng, vệ sinh ngay tại ga. Will Durrant viết nhà ga ở Ấn Độ như cái làng của họ, nơi họ nằm, ngồi, ăn uống, đi vệ sinh... quả không sai.

Dù được chế độ ưu tiên cho du khách nước ngoài, chúng tôi cũng phải đăng ký danh sách chờ bởi đã hết vé. Tưởng tượng phải sống ở thành phố này trong vài ngày tiếp theo khiến tôi phải rùng mình sởn gai ốc. Nhưng anh bạn người Anh đi cùng thì phớt tỉnh Ăng lê, lạnh lùng rảo bước ra khỏi nhà ga và trả giá một chiếc tuk tuk để quay lại về khách sạn.
Sau bữa tối khá ngon ở một nhà hàng Ấn khá sạch sẽ, cách biệt hoàn toàn với thế giới hỗn loạn bên ngoài, tôi lấy lại chút bình tâm. Thôi, không đào thoát được thì phải chọn cách đối mặt với nó vậy!  Và đối mặt rồi, tôi mới phát hiện ra những điều kỳ lạ ở thành phố thiêng tồn tại hơn 5000 năm tuổi mà có đến trải nghiệm mới cảm nhận những điều Mark Twain từng viết: “Varanasi lâu đời hơn cả lịch sử, cổ xưa hơn cả truyền thống, xa xưa hơn cả những huyền thoại và có thể nói là nó già gấp đôi tất cả những thứ đó cộng lại”.
3. Từ trước đến nay, tôi luôn nghĩ Ấn Độ là đất Phật điều đó không sai, bởi đạo Phật từng phát triển rực rỡ và có sức ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ trước Công nguyên và sau đó truyền sang các nước châu Á khác. Nhưng sau đó, đạo Phật mất dần vị trí tại Ấn Độ và nhường chỗ cho đạo Hindu. Ngày nay, những người theo đạo Phật chỉ chiếm 0,8% dân số, trong khi Hindu giáo (hay còn gọi là Ấn giáo) chiếm tới 80% dân số của đất nước có gần 1,3 tỷ người.
Varanasi là một trong những cái nôi của Hindu giáo và là thành phố thiêng nhất của tín đồ đạo đa thần này. Với lịch sử tồn tại hơn 5000 năm, Varanasi là một thành phố cổ nhất có người sinh sống và được so sánh với những thành phố thiêng khác như Jerusalem của Thiên chúa giáo hay Mecca của Hồi giáo. Người Ấn coi Varanasi là quê hương của thần Shiva, một trong 3 vị thần lớn quyền năng và linh thiêng nhất của Hindu giáo. Con sông Hằng chảy qua Varanasi vì thế là nơi để những tín đồ đến đây để cầu nguyện, cúng tế, tắm rửa, giặt giũ lẫn… thiêu xác. Tất cả những sinh hoạt đó đều diễn ra dọc theo các Ghat (bến sông) của Varanasi từ bao đời nay, qua bao thế kỷ đến nay vẫn không có gì thay đổi. Với họ, được tắm gội trên dòng sông mẹ này là được gột rửa các tội lỗi trần gian, còn được thiêu xác và thả tro xuống dòng sông Hằng là sớm được tái sinh ở một kiếp khác. Tôi không biết đã bao triệu triệu người đốt xác bên dòng sông Hằng và thả tro xuống dòng sông nặng mùi tử khí này. Chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đã thấy ớn lạnh.
Buổi tối, chúng tôi đi dọc bờ sông khoảng 3km, qua những ghat chính và chứng kiến những cảnh sinh hoạt lạ kỳ của những tín đồ Hindu giáo. Dọc theo bờ sông Hằng ở Varanasi có 84 ghat, là nơi diễn ra các sinh hoạt của hàng triệu tín đồ ở đây. Các ghat đều xây dựng từ rất lâu nhưng đều rất kiên cố với lối kiến trúc độc đáo xen lẫn với những đền thờ Hindu lâu đời. Hàng ngàn người tụ tập ở Dasawamedh - ghat lớn nhất để làm lễ cầu nguyện thần Shiva, một nghi lễ tôn giáo hầu như diễn ra mỗi ngày.
Băng qua một ghat khác thì thấy nghi lễ đốt xác đang diễn ra ở Manikarnika (còn gọi là burning ghat) với hàng chục xác người quấn vải liệm trắng đặt trên những chiếc cáng tre đơn giản chờ đến giờ đốt xác. Cách đó không xa, hàng chục đống củi lớn đang cháy, bên dưới là những xác người đang phân hủy dần dưới sức nóng của lửa, đến gần có thể nghe mùi của tóc và thịt cháy bốc mùi. Những người thân của người đã khuất tụ tập bên cạnh đang thả những vòng hoa cúc được đan kết lại hay nến trôi theo dòng sông để cầu cho vong linh của người chết sớm siêu thoát.  Với những cư dân ở đây, chuyện đó bình thường đến nổi họ tắm gội và giặt giũ ở gần chỗ đốt xác không xa là bao. Thậm chí những chú bò, được xem là những vị thần trong Hindu giáo cũng bình thản ăn những vòng hoa cúng cạnh chỗ đốt xác. Chưa bao giờ và chưa ở đâu, tôi thấy sự sống và cái chết gần như không có ranh giới như vậy!
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy từ 5 giờ sáng để thực hiện chuyến boat trip đón bình minh trên sông Hằng, được xem là những khoảnh khắc có một không hai ở Varanasi. Con thuyền chở chúng tôi trôi đi trong ánh sáng mờ ảo của những ánh điện dọc các ghat của bờ sông.
Và khi ánh bình minh hửng sáng, đã thấy hàng trăm người tắm và cầu nguyện ngay dưới bến sông, bên cạnh là rác và xác hoa cúng tan rữa  trôi từ đêm qua. Thuyền chèo đến burning ghat thì thấy tro đốt xác của hàng chục xác người chết tối qua bắt đầu được đẩy xuống sông. Hàng trăm con chim đen bay rợp trời, cả khúc sông ám mùi tử khí. Người lái thuyền vừa chèo vừa kể, ai sống tốt, không phạm tội lỗi trần gian thì xác đốt nhanh, ai là người xấu thì đốt rất lâu. Xác trẻ em, phụ nữ mang thai, thầy cúng không đốt mà để chìm xuống đáy sông… Tôi nghe nói, hình như con sông Hằng tự thanh lọc mình, dòng nước cuốn trôi theo vi khuẩn gây bệnh hay rác rến và trả lại cho nó sự linh thiêng và an toàn. Có lẽ vì thế mà bao đời nay, hàng triệu tín đồ khắp đất nước Ấn cứ đổ về đây để được nhúng mình xuống dòng sông mong được rửa tội.
Khoảng 7 giờ, mặt trời lên cao dần và nhuộm đỏ ối cả một khúc sông. Cảnh mờ mịt lúc thuyền đi nhường cho thứ ánh sáng kỳ ảo khi thuyền quay về ghat cũ. Ở cả hai bờ sông, tiếng người cầu nguyện vẫn vang rền. Mặc cho cái lạnh tê tái, họ vục đầu xuống sông rồi trồi lên, hai tay dâng về phía bình mình để cầu nguyện với vẻ thành kính…
Trở lại ghat chính, chúng tôi lại đi bộ dọc theo bờ sông một lần nữa, để cảm nhận đời sống thường ngày của những cư dân nơi đây. Có lẽ sau khi đã chứng kiến những điều kì dị xảy ra liên tiếp trong hai ngày, tôi bắt đầu quen dần và thầm lý giải cho sự tồn tại của nó cả ngàn năm nay. Đó cũng là dịp để tôi quan sát kỹ hơn một đời sống khác của Varanasi, nhìn thấy sự lôi cuốn, hấp dẫn trong nhịp sống đời thường của một thành phố thiêng “lâu đời hơn cả lịch sử”. Với rất nhiều du khách phương Tây, Varanasi là một nơi phải đến nếu muốn hiểu Ấn Độ.
Ở dọc bến sông, người ta giặt giũ rồi phơi những dải lụa màu trông rất đẹp mắt. Đi qua một ghat sông thì thấy một ban nhạc toàn người phương Tây nhưng trong trang phục Ấn điển hình đang chơi nhạc, nhảy múa theo kiểu truyền thống với rất đông du khách bao quanh. Họ chơi vì ngẫu hứng và đam mê chứ không phải xin tiền như những nhóm nhạc khác trình diễn ngoài đường như ở các nước châu Âu. Một lớp học yoga diễn ra ngay trên sân thượng của quán cà phê, có view nhìn toàn cảnh con sông Hằng. Đi len lỏi trong những hẻm nhỏ, chúng tôi tình cờ tìm thấy một quán blue lasi (một thứ đồ uống kiểu như yaourt trộn với trái cây) nổi tiếng đã tồn tại 3 đời và được giới thiệu trong cuốn Lonely Planet. Ngồi thưởng thức món đồ uống này, lâu lâu lại thấy người ta khiêng xác chết đi vụt qua để xuống burning ghat. Mọi thứ diễn ra bình thường đến mức chẳng ai ngạc nhiên...
4. Chiều hôm sau, chúng tôi rời khỏi Varanasi ly kỳ như đoạn kết của một bộ phim hình sự. Check-out khách sạn mà chưa đến giờ ra tàu nên chúng tôi tranh thủ đi thăm một đền thờ Hồi giáo, để khám phá thêm đời sống của một tôn giáo khác trong thành phố thiêng của Hindu giáo này. Cùng sống trong một thành phố, nhưng cuộc sống của tín đồ hai tôn giáo này khác hẳn nhau. Nếu những chú bò đi lại ung dung, rúc mõm vào những đống rác để kiếm thức ăn và được coi như những vị thần trong khu dân cư của người Hindu thì trong một cái chợ người Hồi sặc sỡ sắc màu, thịt bò, thịt dê treo bán lủng lẳng. Lạc trong phiên chợ của người Hồi nên đến được ngôi đền thờ của họ thì đến giờ ra ga.
Chúng tôi đành quay về thì phải chen chân trong một biển người đang xếp hàng dài để vào một đền thờ nào đó. Đang trong những ngày lễ hội Kumbh Mela, một lễ hội linh thiêng của người Hindu giáo ba năm diễn ra một lần và mỗi lần kéo dài đến 3 tháng, nên hàng triệu tín đồ đổ về Varanasi gây nên cảnh quá tải. Cả thành phố cấm xe nên chúng tôi phải lết bộ vài cây số mới kiếm được một chiếc tuk tuk. Dọc đường ra ga vẫn chưa hết sốc khi thấy hai cái xác người nằm co quắp bên đường. Hầu như không ai quan tâm, đoàn người vẫn rùng rùng tiến về phía trước.
Càng gần đến ga tàu thì càng đông nghẹt người và không có lối cho xe đi. Chúng tôi đành xuống đi bộ, chen chân để vào ga. Cảm giác sợ hãi bắt đầu dâng lên khi nghĩ tới cảnh không có vé hoặc trễ tàu. May vào đến nơi thì tàu chưa đến. Tôi mua một tờ báo địa phương và đập vào mắt bài viết ngay trang 1 nói về vụ dẫm đạp khiến 36 người chết và hàng chục người bị thương ở nhà ga Alamabad mới xảy ra hôm qua, cũng là một thành phố thiêng của người Hindu, cách Varanasi không xa là bao. Ơn trời là mọi chuyện an toàn dù trải qua một đêm mất ngủ trên chuyến tàu đông nghẹt người. Sáng hôm sau đến Agra, thành phố có vẻ bình yên và sạch sẽ hơn.
Chúng tôi ghé thăm pháo đài Agra rất kỳ vĩ nằm gần nhà ga rồi chọn một quán cà phê có sân thượng nhìn ra Taj Mahal. Ngôi đền màu trắng hiện ra lộng lẫy, như một nhân chứng của tình yêu vĩnh cửu, dù phải đưa tầm mắt vượt qua những căn nhà xấu xí của những người dân ở gần đó. Những cú sốc hãi hùng ở Varanasi tạm dừng lại để nhường chỗ cho cảm giác khác, với những trải nghiệm về một “Incredible India” của những ngày sắp tới…
Text: Lê Hồng Lâm - Photo: Phương Huỳnh

Ấn Độ - "Đi là chết một ít..." .

Những ngày trên đất Ấn, tôi phải thấm thía câu nói trong cuốn “Những cuộc du hành” của Paul Morand: “Đi là chết một ít, nhưng ở lại là vỡ tan thành trăm mảnh!” Có lẽ, Morand viết câu này sau chuyến trở về từ Ấn Độ, hoặc tôi cứ áp đặt vậy! Bởi, khi đã mở hết tất cả các giác quan để đón nhận những niềm kinh ngạc trên mọi nẻo đường đất Ấn, tôi thấy đồng cảm sâu sắc với câu cảm thán này…


Taj Mahal - ngôi đền của tình yêu - một kiệt tác kiến trúc của Ấn Độ, tồn tại gần 5 thế kỷ 
1. Điều gây ấn tượng mạnh nhất ở Ấn Độ với tôi là… người, tất nhiên là ở khía cạnh không lấy gì làm tích cực. Chưa ở đâu và chưa bao giờ, cảm giác ngộp thở do người và mùi người gây ra lại dễ gây sốc như ở Ấn. Trung Quốc mới là đất nước có dân số đông dân nhất thế giới: hơn 1,3 tỷ người. Ấn Độ… chỉ đứng thứ nhì, theo sát đằng sau với gần 1,3 tỷ người trong cuộc thống kê mới nhất. Có điều diện tích Trung Quốc gấp 3 lần Ấn Độ. Tôi đã từng ngộp thở khi phải xếp hàng ở Thượng Hải để đi thăm một di sản văn hóa, lạc trong một đám đông cả ngàn người ở Thâm Quyến trong một hội chợ. Đến Ấn Độ, hãy nhân chúng lên 3 lần để hiểu được cảm giác của tôi. 
Tôi lập tức phải tìm hiểu nguyên do tại sao đất nước này lại sinh đẻ vô tội vạ như vậy. Trong cuốn “Lịch sử Văn minh Ấn Độ”, nhà sử học Will Durant cho biết, vào những năm 1930, dân số Ấn mới khoảng 300 triệu người, chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới ở thời điểm đó. Khoảng 20 năm sau, vào thập niên 50, khi nhà báo Ba Lan Ryszard Kapuscinski đặt chân đến Ấn, dân số vào khoảng 500 triệu người (thông tin trong cuốn “Du hành cùng Herodotus”). Và năm 2013, dân số Ấn đạt con số 1,283 tỷ người, theo wikipedia. Như vậy, trung bình, cứ một thập niên, dân số Ấn tăng thêm 100 triệu người. Khủng khiếp! 
 
Hình ảnh quen thuộc trên những đường phố ở Ấn Độ
Mahatma Gandhi, nhân vật chính trị kiệt xuất, vị cha già của dân tộc lãnh đạo đất nước Ấn Độ chống lại sự xâm lược của thực dân Anh, giành lại độc lập cho đất nước với chủ thuyết bất bạo động nổi tiếng. Từ một vị luật sư tài giỏi và sống sung túc ở Nam Phi, khi trở về Ấn, ông quyết định chọn lối sống khổ hạnh và diệt dục từ năm 35 tuổi. Có vẻ như Gandhi đã truyền được chủ thuyết bất bạo động và chủ nghĩa khổ hạnh cho người Ấn, nhưng ông không truyền được… cảm hứng cho họ về chủ nghĩa diệt dục. Ở cái xứ sở nóng lạnh bất thường này, không hiểu sao dân số lại sản sinh và tăng một cách chóng mặt đến vậy? Tự hỏi vậy rồi chợt nhớ, đây là xứ sở đã sản sinh ra bộ kinh Kama Sutra từ thế kỷ 12!
 
Trong cuốn tiểu thuyết “The White Tiger” đoạt giải Man Booker của A. Adiga, nhà văn người Ấn này ví von những người đồng hương của mình với những chú gà và sống trong những cái chuồng gà. Quả là những ví von tài hoa, khi bạn nhìn thấy hàng ngàn, hàng vạn người ken đặc trên đường phố ở Varanasi, chen chúc vật lộn trên hàng trăm chuyến tàu tỏa đi khắp đất nước hay trong khu phố cổ ở Old Delhi. Trong một số tạp chí dành cho đàn ông mà tôi mua trên đất Ấn, có một bài phóng sự độc quyền của một phóng viên kể về một gia đình lớn nhất thế giới ở một tỉnh miền núi phía Bắc Ấn. Trong cái gia đình khổng lồ đó, một người đàn ông có đến 39 người vợ, 81 người con và 161 người cháu. Họ sống quây quần và tạo thành một cái cộng đồng, một cái làng của riêng họ và ngày càng sinh sôi nảy nở!
 
Không chỉ đối mặt với tình trạng tăng dân số không cách gì phanh lại được, Ấn Độ còn nổi tiếng là một đất nước bao dung, sẵn sàng đón nhận hàng triệu người tị nạn mỗi năm trốn chạy từ khắp mọi cuộc xung đột trên thế giới, từ Tây Tạng, Iran, Iraq, Afghanistan, châu Phi, Bangladesh… Một nhà văn đã kết luận rằng: “Với người ngoài là vậy, với người cùng một nước, dù có thể nóng nảy, thiếu kiên nhẫn trong xử sự hàng ngày nhưng nhìn chung, người Ấn Độ giỏi chịu đựng và khoan dung lẫn nhau. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất để họ sống sót cùng nhau, nếu không tất cả sẽ phát điên và chết”.
2. Ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal - một trong những kỳ quan của thế giới có lẽ cũng xuất phát từ chuyện sinh đẻ.. không có kế hoạch của vua chúa người Ấn xưa. Ngôi lăng mộ bằng đá cẩm thạch tráng lệ và tuyệt đẹp này được vị vua Hồi giáo Shah Jahan ra lệnh xây dựng để tưởng nhớ người vợ yêu dấu của ông, người qua đời sau khi sinh đứa con… thứ 14 của họ. Tôi thử đặt một giả thiết vu vơ: nếu hoàng hậu không phải đẻ nhiều như thế, không phải băng huyết mà chết thì liệu có tồn tại một kiệt tác kiến trúc tồn tại hơn 5 thế kỷ như thế không?! Một lần nữa, tôi phải nhắc lại đây chỉ là một giả thiết vu vơ mà thôi, bởi nếu giả thiết mà đúng thì đã không có lịch sử!
 
Điểm nhìn Taj Mahal từ sân thượng của một quán cà phê gần đó
Sau một đêm chen chúc với đám đông người Hindu trên tàu từ Varanasi, Agra đón chúng tôi trong ánh bình minh. Thành phố có di sản được Unesco công nhận là Di sản thế giới gần như sớm nhất (1983) có vẻ yên bình và trật tự hơn hẳn Varanasi, ít nhất là không còn thấy những chú bò đi lại nằm ngồi như những vị thần và hồn thiên thả chất thải đầy đường phố. 
Chúng tôi gửi hành lý ở ga tàu để đi thăm Agra fort, một pháo đài kỳ vĩ nằm sát ngay ga tàu, một trong 2 di sản nổi bật nhất ở thành phố này và được Unesco công nhận là Di sản thế giới. Đây cũng là pháo đài nhốt vua Jahan sau khi xây dựng xong ngôi đền Taj Mahal chỉ khoảng vài năm. Và người lật đổ ngôi vua và bắt nhốt ông trong pháo đài Agra không ai khác mà là vị hoàng tử cả con vua. Nghe nói, những năm cuối đời, vua Jahan thường nhìn về ngôi đền Taj Mahal cách đó chỉ 2 cây số để tưởng nhớ người vợ và những năm tháng trị vì của mình - một trong những triều đại phát triển hưng thịnh nhất và để lại nhiều di sản văn hóa nhất cho Ấn Độ. Chúng tôi cũng thử nhìn ngắm Taj Mahal từ Arga fort nhưng phải một hồi lâu, khi ánh mặt trời lên cao xua tan đám sương mù, ngôi đền màu trắng mới hiện ra mờ ảo. 
Điểm nhìn ngắm Taj Mahal thú vị nhất có lẽ là từ các quán cà phê trên sân thượng của các khách sạn, nhà hàng gần đó, với tầm nhìn chỉ khoảng 500m. Từ vị trí trên cao, nhấm nháp một li capuccino và bình thản ngồi ngắm ngôi đền màu trắng, giờ đây hiện ra càng lúc càng gần hơn, tất nhiên phải đưa tầm mắt qua những dãy nhà xây cất lộn xộn và xấu xí. Một sự tương phản không gì thú vị hơn, giống như để bước vào một khu rừng tuyệt đẹp, bạn phải vượt qua một chặng đường lầy lội và dơ bẩn. Ở Ấn, đôi khi thật khó lý giải, những di sản của tiền nhân được xây cất từ 5, 7 thậm chí chục thế kỷ to lớn, kỳ vĩ bao nhiêu thì những công trình nhà cửa của con người thời nay lại tầm thường và xấu xí bấy nhiêu. Ai đó nói rằng, “con người càng sống càng bé lại”, không phải là không có lý!
 
Một người đàn ông theo đạo Hồi đang quỳ lạy trong Jama Masjid - thánh đường Hồi giáo lớn nhất ở Ấn 
Sau khi nhìn ngắm từ trên cao, chúng tôi mua vé để vào bên trong. Càng tiến đến gần,vẻ đẹp của nó càng quyến rũ, bởi kiến trúc tuyệt đẹp của nó và cả cái bóng lung linh soi xuống mặt nước. Ngôi đền được xây dựng vào năm 1632 và hoàn thành vào năm 1648, 16 năm hoàn thành với hàng triệu nhân công để có được một tuyệt tác kiến trúc, một minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu qua gần 5 thế kỷ vẫn không phai mờ. 
Trước ngôi đền này, Will Durant phải thốt lên rằng: “Lăng Taj Mahal không phải là kiến trúc vĩ đại nhất, nhưng phải thừa nhận là đẹp nhất thế giới. Khi đứng xa xa một chút để không thấy các chi tiết thì ngôi đền có vẻ đẹp hơn là đồ sộ; có lại gần rồi mới thấy sự hoàn hảo của nghệ thuật đáng kể hơn kích thước của đền. Sống ở cái thời hăm hở, vội vàng này, thấy chỉ trong một hai năm cất xong được những ngôi nhà vĩ đại cao cả trăm tầng, chúng ta nên nhớ rằng hai mươi hai ngàn người đã phải làm trong hai mươi năm mới xây xong được cái lăng kích thước tương đối nhỏ đó, nhớ như vậy rồi mới thấy được nghệ thuật và kỹ nghệ khác nhau ra sao. Để hoài bão rồi thực hiện một công trình kiến trúc như Taj Mahal, có lẽ cần một nghị lực, một chí cương quyết cao hơn nghị lực và chí cương quyết của nhà chinh phục lớn nhất thế giới nữa. Thời gian nếu có trí khôn thì nên tàn phá hết những cái khác đi rồi hãy tàn phá Taj Mahal, để cho người cuối cùng còn sống sót được niềm an ủi này là trước khi nhắm mắt được thấy chứng tích lòng cao thượng của loài người”.
Trước những dòng này của Will Durant, tôi phải buông bút bởi những cảm thán dễ sa vào sáo ngữ và thậm chí thừa mứa tính từ của mình. 
 
Pháo đài kì vĩ Agra Fort 
Buổi chiều muộn, trước khi rời Agra để về Dehli, chúng tôi đi bộ ra bờ sông và nhìn Taj Mahal từ phía sau. Đây cũng là một trong những điểm ngắm Taj Mahal đẹp nhất, bởi vào lúc hoàng hôn, ngôi đền cẩm thạch màu trắng này lại soi bóng mình xuống dòng sông. Trong sử sách còn viết rằng, đương thời, sau khi xây xong Taj Mahal, nhà vua còn dự định xây dựng một ngôi đền màu đen bên kia sông để đối lập với ngôi đền trắng, nhưng dự định chưa thành thì ông bị con trai phế ngôi và cuối cùng chết cô đơn trong pháo đài Arga những năm cuối đời…
 
Taj Mahal nhìn từ bờ sông lúc hoàng hôn 
3. Chuyến tàu chạy từ Arga về Delhi có lẽ là loại tàu tốt nhất, có lẽ để phục vụ cho du khách nước ngoài hơn là người dân trong nước. Một năm, riêng Taj Mahal đã đón hơn 3 triệu lượt du khách quốc tế đến thăm, mang lại một nguồn thu đáng kể cho du lịch của Ấn Độ. Chặng đường khoảng 2 giờ đi tàu từ Delhi về Arga và ngược lại vì thế mà được đầu tư không kém gì những chuyến tàu tôi từng đi ở châu Âu. 
Delhi, thủ đô và một trong những trọng điểm kinh tế của Ấn cũng giống như phần lớn các thành phố khác trên đất nước tỷ dân này: luôn luôn trong tình trạng đối cực. Ở khu New Delhi, chủ yếu do thực dân Anh xây dựng khi xâm chiếm đất nước này dành cho dân nhà giàu: những đại lộ rợp bóng cây xanh, nơi dường như chỉ dành cho những chiếc xe đời mới nhất. Các khu shopping mall, khách sạn, nhà hàng hiện đại và sang trọng không kém gì các nước châu Âu. Các tạp chí thời trang hàng hiệu thành công nhất như Vogue, GQ, Bazzar, Elle... phiên bản Ấn sang trọng và phù phiếm không kém gì các quốc gia khác. 
 
India Gate - đài tưởng niệm quốc gia nằm ở khu New Delhi 
Nhưng chỉ cách đó khoảng vài cây số, khu Old Delhi hiện lên với những góc nhìn đối cực khó tưởng tượng.  Nổi bật nhất ở khu Old Delhi là thánh đường Hồi giáo Jama Masjid (được xây từ thế kỷ 16, cùng thời với Taj Mahal) lớn nhất ở Ấn với sức chứa hơn 25.000 tín đồ đến cầu nguyện hay Pháo đài đỏ (Red Fort) rộng lớn - những di sản đặc sắc của người Hồi. Nhưng chỉ cần rời khỏi hai di sản này vài bước chân, đập vào mắt tôi là một thế giới bần cùng của những thân phận cu li và người nghèo bán sức lao động trên đường phố. Những phu xe mặt mày khắc khổ đang thồ hàng ì ạch lên dốc, đám xe rickshaw chạy bát nháo không theo một trật tự nào, những ngõ ngách bé xíu ken đặc người và hàng hóa. Còn đi ra ngoại ô không xa trung tâm thành phố lắm, những dãy nhà ổ chuột mọc lên như nấm dọc đường tàu. Chúng tạm bợ và nhếch nhác đến nỗi chỉ cần một cơn gió mạnh cũng đủ thổi bay tất cả. Đám trẻ con hồn nhiên vui đùa trên những đống rác khổng lồ không ai thèm dọn dẹp và mùi khai bốc lên nồng nặc. Có đến chứng kiến hai mặt đối lập ở thành phố này, tôi có cảm giác câu chuyện cổ tích thời hiện đại như trong bộ phim “Slumdog Millionnaire chỉ là... fantasy mà thôi”.  Trong khi đó, những mặt tối và chênh lệch giàu nghèo dễ dẫn đến những tệ nạn xã hội như trong cuốn tiểu thuyết “The White Tiger” mà A.Adiga miêu tả hay nạn hiếp dâm tập thể rộ lên ở Ấn Độ trên báo chí gần đây.
Một câu chuyện cổ tích đổi đời cho hàng trăm triệu người nghèo ở Ấn, cho dù quốc gia này đang trở thành một cường quốc ở châu Á có vẻ như còn xa lắm...

Text: Lê Hồng Lâm
Photo: Phương Huỳnh

Ấn Độ - "Jaisalmer xứ mơ" .

18 tiếng đồng hồ ngồi trên chuyến tàu không hề dễ chịu cuối cùng cũng đã đưa chúng tôi đến vùng đất tận cùng của Tây Bắc Ấn, giáp biên giới với Pakistan và chứng kiến một “Incredible India” thực sự. Jaisalmer - “Thành phố vàng” nổi bật với pháo đài kì vĩ tồn tại từ thế kỷ 12 với màu vàng cát của sa mạc. Đó như là một vùng đất của những giấc mơ huyền bí trong những câu chuyện cổ tích Ngàn lẻ một đêm…
 
1. 
Có lẽ tôi nên kể một chút những trải nghiệm trên các chuyến tàu ở Ấn. Với 1,3 tỷ dân, phương tiện đi lại chủ yếu từ vùng này đến vùng khác của người dân Ấn là những chuyến tàu. Hệ thống tàu lửa ở Ấn thuộc vào loại bận rộn nhất thế giới, thử tưởng tượng một ga tàu như Varanasi mỗi ngày có đến 230 chuyến tàu ghé qua vài phút để trả và đón khách. Và cũng chưa ở đâu trên thế giới này, vé tàu rẻ như ở Ấn. Một chuyến tàu từ Delhi đi Jasaimer, mất 18 giờ đồng hồ chỉ tốn khoảng hơn 200.000 đồng cho vé nằm hạng thường. David, anh bạn người Anh đi cùng lại chọn loại vé rẻ, cùng khoang với những người dân Ấn thay vì khoang “hạng sang” dành cho dân du lịch nước ngoài, có lẽ anh muốn “thâm nhập” sâu hơn vào đời sống của những người dân Ấn trên những chuyến tàu. Tất nhiên, cùng với cái giá vé “rẻ giật mình” đó, chúng tôi cũng phải chịu không ít phiền toái. Đầu tiên là những cuộc sấn sổ làm quen của những anh chàng Hindu ồn ào, hết hỏi tên tuổi, đến từ nước nào lại nhiệt tình dạy nói tiếng Hindu (cho người mới bắt đầu) và cười ha hả khi chúng tôi phát âm sai. Tiếp đến là mang cơm đùm cơm nắm nặng mùi cà ri ra mời ăn và chỉ dừng lại khi tôi cố để cho một miếng vào miệng rồi nhắm mắt nuốt. Nhóm bạn đồng hành thân thiện vui tính xuống ga dọc đường và đón một nhóm khách mời. Lần này là những cái nhìn chòng chọc vẻ soi mói không giấu giếm… 
Từ Golden Fort nhìn qua một ô cửa, bên dưới là những ngôi nhà của cư dân thành phố Jaisalmer 
Sau một đêm lắc lư trên tàu với cái lạnh thấu xương của những ngày cuối Đông đầu Xuân, chúng tôi mở cửa sổ để đón ánh nắng ấm áp đầu ngày. Càng đi về phía Tây Bắc, sự khác biệt càng rõ hơn, đặc biệt là những cơn gió của sa mạc kéo theo bụi cát và những bụi cỏ lớn chết khô hoặc những ngôi làng dân cư thưa thớt. Cảm giác như đang đi trên một đất nước khác chứ không phải một Ấn Độ của những đám đông cuồng đạo chen chúc như Varanasi hay cái ngột thở của hai mặt đối lập giàu nghèo như ở Delhi. Dấu hiệu để nhận biết chúng tôi đang ở trên đất nước Ấn Độ là lâu lâu, dọc đường tàu tiến về sa mạc, những cư dân hồn nhiên ngồi chồm hổm khoe mông sau những bụi cây thưa để thực hiện công việc… bài tiết buổi sáng. Nghe nói vào những lúc không có tàu chạy qua, họ còn ngồi hẳn trên đường tàu để làm công việc đó. Will Durant nói người Ấn Độ coi nhà ga như ngôi làng của họ, còn đường tàu thì như nhà của họ - vế sau là tôi thêm vào!
Golden Fort nhìn điểm cao nhất xuống thành phố Jaisalmer và nhìn từ sân thượng của khách sạn lên
Jaisalmer là thành phố cuối cùng của bang Rajasthan nằm trên sa mạc Thar rộng lớn ở phía Tây Bắc Ấn Độ. Thành phố này còn nổi tiếng với tên gọi “Golden City” để phân biệt với 3 thành phố khác của bang Rajasthan là “Pink City”- Jaipur, thủ phủ của bang; “White City” - Udaipur và “Blue City” - Jodhpur. Mỗi thành phố có một màu sắc chủ đạo, chủ yếu dựa vào các công trình kiến trúc hay các di sản nổi bật của thành phố. Và đúng như tên gọi, khi đặt chân xuống ga tàu ở Jaisalmer, chúng tôi đã nhận thấy một màu vàng của đá sa thạch phủ khắp thành phố, từ những di sản, công trình kiến trúc của lịch sử đến những ngôi nhà của người dân…
Hai góc nhìn ở hai thời điểm khác nhau trong ngày đem đến những màu sắc khác biệt
Là một đất nước của những tôn giáo đa thần lại trải qua một lịch sử nhiều biến động với những cuộc chiến tôn giáo giữa đạo Hindu và đạo Hồi nên Ấn Độ có một hệ thống di sản rất đặc biệt và trải rộng khắp đất nước. Tôn giáo nào cũng tranh giành sức ảnh hưởng nên di sản để lại đều rất đẹp và kì vĩ. Đạo Hindu nổi tiếng với những Temples (ngôi đền), đạo Phật với những Pagoda (Chùa) trong khi Hồi giáo lại gây ấn tượng với những Mosques (Thánh đường) rộng lớn... Đạo Hồi còn để lại nhiều di sản kiến trúc lớn cho Ấn Độ, trong đó phải kể đến các Mauloseum hay Tomb (Lăng mộ) mà Taj Mahal là di sản nổi tiếng nhất và các Fort (pháo đài), những thành trì kiên cố vững chắc để bảo vệ thành phố khi có chiến tranh. Nếu Fort ở Arga và Delhi nổi bật với màu đỏ thì ở Jaisalmer, đúng như tên gọi của nó - Golden Fort gây ấn tượng mạnh mẽ với một pháo đài kỳ vĩ nằm ở trung tâm thành phố, nổi bật với màu vàng cát sa mạc. Pháo đài này được xây dựng từ năm 1156 dưới thời cai trị của vua Jaisal Rawal và đến nay vẫn được coi là một trong những pháo đài lớn nhất thế giới. Trong suốt lịch sử tồn tại gần 900 năm, Golden Fort đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với những trận đánh lớn nhưng đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Sở dĩ Golden Fort được xây dựng kiên cố và kỳ vĩ như vậy vì Jaisalmer nằm ở một vị trí đặc biệt về địa lý, từng là cửa ngõ giao thương của các thương gia Ấn Độ với bên ngoài, đặc biệt là các nước Trung Đông, Ai Cập hay châu Phi…
Bên trong Golden Fort
Khách sạn chúng tôi ở cách Golden Fort ở một khoảng cách rất gần. Tầm ngắm đẹp nhất là ở sân thượng, nơi có thể nhìn toàn cảnh pháo đài. Ở những thời điểm khác nhau trong ngày, dù vẫn với màu vàng chủ đạo, nhưng màu sắc của Golden Fort cũng thay đổi theo ánh nắng mặt trời chiếu vào: có khi là màu vàng rực rỡ của ánh bình minh; màu vàng nâu xám xịt khi mây đen kéo đến rồi khi mây tan và trong ánh hoàng hôn là màu vàng mật. Đi len lỏi qua những con đường hẹp để tiến vào bên trong, càng thấy được sự kì vĩ của nó với những bức tường thành cao đến 76m, có đến 99 tháp canh, 4 cổng thành đồ sộ  và 3 lớp thành bảo vệ. Những chạm trổ tinh xảo trên nền đá sa thạch càng cho thấy sự tài hoa và kỳ công của người xưa...
Đi một vòng trong bảo tàng, lắng nghe lịch sử gần 900 năm đầy biến động của pháo đài qua tai nghe của chiếc audio và khi đứng ở điểm cao nhất của pháo đài này, cảm xúc của tôi như vỡ òa khi nhìn thấy cả thành phố Jaisalmer như nằm gọn trong tầm mắt với những ngôi nhà kiên cố kiểu sa mạc và một màu vàng đồng nhất. Khác với những di sản ở Ấn và nhiều nơi trên thế giới chỉ để khách du lịch chiêm ngưỡng, Golden Fort là một di sản “sống”, là nơi sinh sống và kinh doanh của những cư dân thành phố. Bên trong pháo đài có các cửa hàng nhỏ bày bán những đồ thủ công mỹ nghệ, gấm vóc, thảm thêu tuyệt đẹp, hay các món đồ lưu niệm xinh xắn. Du khách vừa có thể dạo bước len lỏi trong pháo đài, vừa có thể chọn một quán cà phê có tầm nhìn đẹp để ngắm toàn thành phố nhờ vị trí đắc địa của Golden Fort…
2.
Nhưng ở Jaisalmer không chỉ có Golden Fort tráng lệ như xứ sở cổ tích của Ngàn lẻ một đêm mà còn nổi tiếng với những chuyến hành trình vào sa mạc Thar trên lưng lạc đà. Đó là những trải nghiệm đặc biệt khiến tôi phải gọi chuyến hành trình này là “best exotic trip of my life” (Chuyến du lịch kỳ thú nhất trong đời).
Khám phá sa mạc Thar trên lưng lạc đà là một trải nghiệm kỳ thú ở Jaisalmer
Tôi cũng đã từng cưỡi lạc đà trên sa mạc ở Dubai, nhưng đó là kiểu… cưỡi lạc đà xem hoa, đúng 5 phút đã bị đuổi xuống để dành chỗ cho một hàng dài du khách háo hức đứng chờ. Còn ở sa mạc Thar thì chẳng có ai tranh giành hay chờ đợi cả, mỗi người một lạc đà cho chuyến hành trình 2 ngày 1 đêm. Sa mạc Thar ở Jaisalmer cũng khác hẳn sa mạc ở Dubai, nói đúng ra, nó là một kiểu bán sa mạc, tức là không chỉ là những đụn cát mênh mông mà vẫn có cây cối mọc, những bản làng của người dân sinh sống. Dọc đường thi thoảng có những đàn nai phóng vun vút; những đàn dê, cừu thong thả gặm cỏ; những chú công xòe cánh để thu hút bạn tình, những giống cây hoặc hoa dại mọc trên cát có hình thù rất bắt mắt…

Hóa ra cưỡi lạc đà không sung sướng như tôi tưởng, sau lúc đầu phấn khích vì trải nghiệm đặc biệt này, cả ba chúng tôi đều đau mông ê ẩm do kiểu đi lắc lư của lạc đà. Đến trưa, Kan, anh hướng dẫn viên người Hồi, mới 31 tuổi mà trông như 51, dáng người khắc khổ cho dừng lạc đà ở một dune cát giữa sa mạc mênh mông và không một bóng người. Kan làm việc cho công ty du lịch, một kiểu hướng dẫn viên đa năng, vừa huấn luyện lạc đà kiêm luôn đầu bếp. Kan bắt chúng tôi đi nhặt củi khô để nhóm lửa, còn anh thì chuẩn bị nấu nướng. Buổi trưa có món Chai, một thứ đồ uống phổ biến khắp Ấn Độ, súp rau cà ri và nhào bột làm bánh nướng. Chúng tôi ăn như những kẻ du mục chính hiệu. Trong vị súp mặn đắng thi thoảng lẫn vào vài hạt cát, nhưng có lẽ trải nghiệm thú vị khiến cả ba đứa ăn rất ngon miệng. Ăn xong thì ngả lưng trên sa mạc, ngủ một giấc giữa tiếng chim huyên náo vì phát hiện có khách lạ.
Buổi tối trên sa mạc
Buổi chiều, Kan đưa chúng tôi quay về một dune để hạ trại. Buổi tối có thêm một cặp du khách người Úc và 2 người bạn đồng nghiệp của Kan. Khi ánh mặt trời đỏ ối rồi khuất dần, bóng đêm bao trùm khắp sa mạc với những cơn gió lạnh buốt. Chúng tôi được đưa đến một ngôi làng gần đó của dân bản địa để thưởng thức một show diễn kiểu truyền thống dân gian của người Rajasthan rồi mới quay về ăn tối. Thực đơn buổi tối cũng không khác buổi trưa là mấy, chỉ khác là ăn bên ánh lửa bập bùng của đống lửa giữa sa mạc. 10h tối, sau một chương trình giải trí tổng hợp, không còn gì để làm nữa, cả bọn kéo nhau đi ngủ. Đôi tình nhân người Úc được ngủ trong lều, còn ba chúng tôi thì ngủ ngay giữa trời, với một lớp đệm bên dưới và… 5 lớp chăn đắp lên người, không thể nào cựa quậy nổi. Trăng non đầu tháng và những vì sao lấp lánh đầy trời tỏa một thứ ánh sáng ma mị như ở một xứ sở huyễn hoặc nào đó. 

Ánh nắng buổi sáng tràn ngập các dune cát và tiếng chim chóc hót tưng bừng đánh thức chúng tôi dậy. Ở mỗi thời khắc, sa mạc lại mang đến một cảm giác khác. Với tôi, ngắm sa mạc lúc hoàng hôn, giữa ánh trăng non, những vì sao giữa đêm và ánh mặt trời lúc bình minh là những trải nghiệm khó quên nhất giữa sa mạc Thar.

Sau bữa sáng được nhóm tour guide chuẩn bị chu đáo, chúng tôi leo lên lưng lạc đà đi tiếp một chặng đường sa mạc rồi lên xe Zeep để trở về Jaisalmer.

Chuyến du hành trên đất Ấn sắp kết thúc.
Ngôi nhà của một người dân bản địa ở sa mạc
3. 
Đêm cuối ở Ấn, sắp kết thúc chuyến hành trình nửa tháng không thể nào quên. Hai chuyến trekking, một đi bộ 16 giờ trong hai ngày lên dãy Himalaya ở Nepal, một cưỡi lạc đà vào sa mạc Thar. Cuốc bộ hàng chục cây số ở Varanasi, chứng kiến nỗi thống khổ của dân cuồng đạo. Đến Agra ngắm đền Taj Mahal, một biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, trải qua gần 5 thế kỷ mà vẫn đẹp tuyệt vời. Hai mặt của Delhi, một New Delhi hiện đại văn minh, một Old Delhi của những dãy nhà ổ chuột dọc đường tàu với những căn nhà tạm còn tệ hơn cả chuồng bò, rác rến ngập tràn, mùi khai nồng nặc. Và không thể quên là 3 ngày tuyệt vời ở Jaisalmer, ngạc nhiên với một Ấn Độ thật khác biệt với Golden Fort đẹp kì vĩ. Nhớ nhất là lúc ngồi cà phê trên sân thượng ngắm pháo đài gần một thiên niên kỷ hay đêm ngủ giữa sa mạc ngàn sao...  
Điệu múa truyền thống của Rajasthan trong một show diễn
Trong chuyến bay dài trở về, tôi lật giở cuốn Lonely Planet Ấn Độ, thấy còn hàng chục điểm kì thú muốn đi, phía Đông Bắc là đất Phật gần dãy Himalaya, Buhtan, Tibet; miền Trung có những ngôi đền nổi tiếng, nơi khai sinh Kama Sutra; miền Tây Nam có Mumbai với Bollywood phù phiếm; tận cùng phía Nam nơi giao nhau của ba vùng biển vịnh Begal, Ấn Độ Dương và biển Ả Rập, có vùng Pondycherry quê hương của chàng Pi trước khi gặp kiếp nạn trên đại dương... Tôi đã phải lòng xứ này, hứa với lòng sẽ quay lại một dịp nào đó để đi hết những vùng đất tuyệt vời trên đất Ấn...
Hai ông cháu trước một ngôi nhà của người dân vùng sa mạc
Một cô bé Hindu trên chuyến tàu
 Text: Le Hong Lam
Photo: Phuong Huynh

Không có nhận xét nào: