Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Làm du lịch với hồ chứa nước

TT - Một hồ chứa nước mưa khổng lồ giáp biển có thể làm được gì? Người Singapore có câu trả lời rất rõ ràng: trữ nước ngọt, điều tiết lũ, giáo dục ý thức công dân và làm cả du lịch.
Hướng dẫn viên (bìa trái) giới thiệu với du khách cách vận hành của đập Marina - Ảnh: Thanh Liêm
Cho đến giờ người Singapore vẫn rất tự hào với khu đập nước Marina vì đây là khu hồ chứa nước dự trữ lớn nhất của đảo quốc này trong số 15 hồ hiện nay, đảm bảo cho phương châm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Theo người phát ngôn của Cơ quan Quản lý nguồn nước Singapore (PUB) trả lời Tuổi Trẻ: “Con đập là điển hình cho phương pháp quản lý nguồn nước toàn diện của PUB. Nó chính thức khánh thành vào ngày 31-10-2008 với tổng vốn đầu tư là 226 triệu đôla Singapore (khoảng 3.800 tỉ đồng)”.
Tầm nhìn 20 năm
Khi đất nước Singapore độc lập, chính quyền đối mặt nhiều thách thức về nước sinh hoạt. Nguồn nước không có (cho đến giờ Singapore vẫn phải nhập nước sạch từ Malaysia) và các con sông đầy rác bẩn. Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đó đã yêu cầu phải làm trong sạch các con sông, chuẩn bị cho các chiến lược lâu dài để đảm bảo tự cung tự cấp nguồn nước sạch.
Nơi thể hiện sáng tạo
Tính cách thể hiện tài năng sáng tạo qua các công trình công cộng luôn được người Singapore thể hiện mỗi lúc có thể. Chẳng hạn tại khu đập Marina, hệ thống tưới nước tự động trên nóc tòa nhà được kết nối với các cảm biến mưa. Các cảm biến này sẽ tắt hệ thống tưới mỗi khi có mưa. Các yếu tố thân thiện môi trường khác bao gồm bồn tiểu không cần nước xả và vòi nước tự động hoạt động theo cơ chế tiết kiệm nước.
Khu vực Solar Park (khu năng lượng mặt trời) là một trong những nơi có nhiều tấm panô thu năng lượng mặt trời nhất ở Singapore, giúp tạo ra khoảng 50% lượng điện sử dụng vào ban ngày để chiếu sáng và các hoạt động khác tại khu vực đập.
Đập nước Marina được quyết định xây dựng dựa trên tầm nhìn 20 năm của thủ tướng Lý khi đó là nhằm tạo ra một hồ chứa nước ngọt ngay cửa kênh Marina. Đập được xây dựng chắn ngang cửa con kênh Marina tạo thành hồ chứa nước Marina - hồ đầu tiên nằm trong khu vực nội ô.
Con đập này tạo ra một hồ chứa nước ngọt để gia tăng nguồn cấp nước của Singapore và đóng vai trò như van điều tiết thủy triều, ngăn ngập lụt ở những khu vực thấp hơn xung quanh, đồng thời còn là địa điểm tiến hành các hoạt động tuyên truyền về tầm quan trọng của nước cho người dân ngay ở khu vực trung tâm. Kết nối với hai hồ chứa nước mới xây khác, hồ chứa Marina giúp diện tích vùng giữ nước ngọt của Singapore tăng từ 1/2 lên 2/3 tổng diện tích đất cả nước.
Người phát ngôn của PUB giải thích: “Đập Marina được thiết kế theo các tiêu chuẩn xây dựng xanh với các điểm nhấn tiêu biểu như khu vườn trên cao (thực chất là mái vòm), các tấm pin mặt trời và hệ thống thu giữ nước mưa bảo đảm tính bền vững của môi trường cũng như nguồn nước”.
Thách thức lớn nhất khi xây dựng và vận hành con đập này là kiểm soát mực nước trong hồ chứa vì Singapore thường có nhiều trận mưa lớn trong năm. Để kiểm soát hiệu quả mực nước, PUB sử dụng kết hợp hệ thống các cổng đập và máy bơm để điều tiết nước theo thủy triều.
Nhưng cho đến nay sau thời gian vận hành, đập Marina đã chứng minh là ví dụ điển hình của việc sử dụng tài nguyên nước bền vững ở khu vực đô thị. PUB cho thấy một giải pháp toàn diện về sử dụng nguồn nước ở đô thị hoàn toàn có thể giải quyết được nhiều mục tiêu cùng lúc: nguồn cung nước, kiểm soát lũ lụt và cải thiện môi trường sống để bảo đảm chất lượng cuộc sống tốt hơn. “Điều này rất quan trọng vì khi các thành phố tiếp tục phình ra và tỉ lệ đô thị hóa đang gia tăng thì cần thiết phải có các giải pháp hiệu quả để giữ nguồn nước cho nhiều thế hệ mai sau” - người phát ngôn của PUB giải thích với Tuổi Trẻ.
Gắn cộng đồng vào mục tiêu quốc gia
Điều gây ấn tượng nhất với chúng tôi khi vào thăm đập Marina chính là việc tổ chức phối hợp cực kỳ thông minh để đạt được ba mục tiêu đồng thời là kiểm soát lũ lụt, cấp nước và là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng.
Các con số đã nói lên tất cả. Kể từ khi mở cửa, đập Marina đã trở thành trung tâm của nhiều hoạt động trong nước lẫn quốc tế với hơn 5,9 triệu lượt khách tham quan. Họ tổ chức được các sự kiện thu hút một lúc đến 10.000 người và nhiều người nổi tiếng thế giới đã ghé qua đây.
Một điển hình cho giải pháp thông minh và có tính phát triển bền vững chính là khu vườn xanh rì cỏ trên cao có kích cỡ bằng bốn sân vận động bóng đá. “Khu vườn” này lại chính là mái nhà giữ vai trò cách nhiệt tự nhiên cho tòa nhà thuộc khu phức hợp đập Marina bên dưới. Không chỉ làm mát mắt với màu xanh cỏ cây, nó còn giúp giảm năng lượng phải dùng cho khu nhà bên dưới.
Những nhà thiết kế còn tính toán rằng với tầm cao giúp cái nhìn bao quát thành phố đảo, khu vườn phủ đầy cỏ này là không gian lý tưởng cho các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt cắm trại... Ở tòa nhà bên dưới, các tấm kính hai lớp của tòa nhà được dùng giảm nhiệt, từ đó hạn chế mức tiêu hao năng lượng của hệ thống điều hòa.
Hồ nước ngọt cũng được khai thác cho các hoạt động giải trí theo như phương châm ba chữ R mà cơ quan PUB đặt ra là “Recharge (lưu trữ nước), Regulate (điều tiết lũ lụt) và Relax (trở thành điểm vui chơi giải trí)”. Trên hồ này, du khách tham quan được phép bơi thuyền, chèo thuyền kayak và chơi thuyền buồm. Các hướng dẫn viên ở đây luôn nhiệt tình hướng dẫn cho du khách.
Nhưng điều khiến chúng tôi mắt tròn mắt dẹt là khu vực triển lãm với chủ đề nước giúp công chúng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của môi trường và nguồn nước đối với Singapore thông qua các trò chơi, các đồ vật trưng bày và những màn hình sử dụng công nghệ cao. Bước qua đủ sáu gallery trưng bày bố trí một cách thông minh, mỗi người luôn có thay đổi ít nhiều về cách mình đang sử dụng nước hằng ngày.
Đó cũng chính là mong muốn của những người quản lý ở một đất nước đang còn phải lệ thuộc (dù ngày càng giảm) vào nguồn nước nhập từ bên ngoài. Cả trăm chương trình liên quan đến việc lưu trữ, bảo quản nguồn nước vẫn đang được tiếp tục tiến hành ở Singapore. Họ không bao giờ ngừng nghỉ với mong ước phát triển bền vững đích thực.

THANH LIÊM - VIỆT TOÀN

Không có nhận xét nào: