Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Khám phá Toronto không mất tiền với dân "thổ địa"

TTO - Du khách có thể dễ dàng thực hiện những hành trình tham quan chất lượng mà không phải lo nghĩ đến khoản tiền phải chi khi muốn khám phá thành phố lớn nhất Canada, Toronto.
Thành phố Toronto - Ảnh: wordpress
Bất kỳ một khách phương xa nào cũng thích thú khi được các "thổ địa" là dân địa phương hướng dẫn tham quan thành phố của họ. Bởi với phương cách khám phá này, du khách sẽ đến được mọi ngóc ngách của thành phố cũng như dung nạp thêm những giai thoại thú vị ở nơi họ tham quan.
Và để thu hút nhiều du khách đến với Toronto, thành phố lớn nhất Canada và là thủ phủ tỉnh bang Ontario, cơ quan du lịch nơi đây đã áp dụng mạng lưới tình nguyện viên phục vụ du lịch không nhận thù lao tương tự như mô hình hoạt động của New York (Mỹ).
Theo đó, du khách đến với Toronto dễ dàng tiếp cận hành trình tham quan có hướng dẫn hoàn toàn miễn phí do các công dân thành phố Toronto phục vụ sau khi đăng ký qua địa chỉ mạng www.globalgreeternetwork.info. 
Khi đăng ký tham gia chương trình này, du khách có thể cùng lúc nêu yêu cầu đến các khu phố và các chủ đề quan tâm của mình.
Đội ngũ hướng dẫn viên không chuyên này là những cư dân sinh sống tại Toronto hàng chục năm. Họ biết rõ thành phố như lòng bàn tay. Có thể có người không có nhiều kiến thức lịch sử nhưng họ vẫn đủ "vốn liếng" để giới thiệu đến du khách các khu phố chuyên biệt, các điểm tham quan có giá trị văn hóa lịch sử làm nên thương hiệu của Toronto.
Một con phố về đêm ở Toronto - Ảnh: wordpress 
Thành phố Toronto luôn mời gọi du khách - Ảnh: wordpress
Theo Jamie Maxwell, một tình nguyện viên du lịch ở Toronto, các hành trình du lịch dạng này hoàn toàn miễn phí, ngay cả tiền thưởng cho hướng dẫn (tiền tip) cũng được loại bỏ.
Cho đến nay, Toronto là thành phố duy nhất ở Canada cung ứng cho du khách loại hình phục vụ miễn phí này. Nhưng nếu không nhờ đến chương trình tình nguyện viên miễn phí, bạn vẫn có thể tự trải nghiệm ở Toronto mà không mất tiền.
Đội ngũ hướng dẫn viên gồm 60 người từ 22-80 tuổi, làm việc dựa trên tinh thần tình nguyện tuyệt đối và phải trải qua phỏng vấn của cơ quan chuyên môn trong chính quyền trước khi được dẫn đoàn du lịch. 
Các tình nguyện viên được chọn phải là người yêu thích công việc hướng dẫn du khách tham quan và có nhiều vốn sống với các câu chuyện thú vị liên quan đến thành phố để chuyển tải đến du khách phương xa. 
Chẳng hạn tại khu Kensington, du khách vừa được hướng dẫn khám phá khu chợ đầy màu sắc này, vừa được nghe câu chuyện về cuộc đấu tranh của cư dân khu phố nhằm chống lại việc mở một cửa hàng Walmart tại đây, hay nguyên do màu sơn sặc sỡ của những căn nhà nơi đây...
* Dù các sô diễn văn hóa ở Toronto khá đắt, nhưng du khách vẫn có thể thưởng lãm nghệ thuật qua gần 80 buổi trình diễn miễn phí với loại hình nghệ thuật đa dạng của Nhà hát Opera quốc gia Canada thực hiện hàng tuần từ 12g - 17g30 tại nhà hát Richard Bradshaw, với các thể loại nhạc jazz, thính phòng đến ca vũ nhạc.
Màn trình diễn pháo hoa đặc sắc tại Nathan Philips Square ở Toronto - Ảnh: wordpress
Vườn thực vật Allan ở đường Horticultural, trung tâm Toronto, mở cửa suốt ngày trong tuần từ 10g - 17g và miễn phí vào cửa, là một điểm tham quan tuyệt vời trong thời tiết lạnh giá hay mưa bất chợt.
Khu vườn được kết hợp từ sáu căn nhà kính đầy ắp các loài thực vật từ khắp nơi trên thế giới. Đây là điểm hẹn lý tưởng của các đôi tình nhân...
Vườn thực vật Allan - Ảnh: wordpress
Chợ Kensington, một ngôi làng đẹp như tranh định giới trong bốn con đường College, Dundas, Spadina và Bellevue, là một trong những nét độc đáo của Toronto mà du khách không phải mất tiền thưởng lãm!
Phong cách nghệ thuật thoáng đạt và gần gũi xuất hiện trên các bức tường, hè phố của khu chợ. Ở Kensington, nghệ thuật đường phố với các quầy hàng gia vị, thịt cá, rau củ... như hòa nhập cùng nhau.
Chợ Kensington - Ảnh: pinterest
Một góc chợ Kensington - Ảnh: pin it
Nếu đam mê bảo tàng, từ 16g30 - 20g, bạn không cần mua vé tại các bảo tàng như Royal Ontario, bảo tàng văn hóa thế giới và lịch sử tự nhiên lớn thứ năm ở khu vực Bắc Mỹ với hơn 6 triệu hiện vật, Art Gallery of Ontario sở hữu các tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ thứ nhất, hoặc bảo tàng Bata, nơi trưng bày hơn 13.000 đôi giày trải qua 4.500 năm... 
Bảo tàng Royal Ontario - Ảnh: wiki
Bảo tàng Bata - Ảnh: wiki
Thông tin cho bạn:
- Khí hậu ở Toronto khá dễ chịu so với các thành phố khác của Canada. Vào tháng Giêng, nhiệt độ trung bình - 5oC và tháng 7 là 22oC.
- Luôn chuẩn bị áo đi mưa bởi những cơn mưa rào thường bất chợt xảy đến.
- Thời điểm tốt nhất để đến Toronto là mùa thu.
ĐAN THY (Theo La Presse)


Bảo tàng giày ở Toronto
Bạn sẽ được chiêm ngưỡng đủ mọi kiểu giày dép tại đây, kể cả những đôi đã từng được người nổi tiếng sử dụng.
Bata Shoe Museum (Bảo tàng giày) nằm ở trung tâm thành phố, ngay gần khuôn viên Đại học Toronto và được thành lập bởi Sonja Bata.
 
tumblr500-5174-1389860030.jpg
Viện bảo tàng hình chiếc hộp giày. Ảnh: Tumblr
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1939, khi bà Sonja chu du khắp thế giới cùng chồng là Thomas J.Bata vì công việc làm ăn. Bà thu thập các mẫu giày dép truyền thống ở mọi nơi mình đặt chân đến và tạo thành một bộ sưu tập. Năm 1979, gia đình Bata thành lập Bata Shoe Museum Foundation (Tổ chức bảo tàng giày Bata), là viện nghiên cứu quốc tế về giày dép, đồng thời là nơi lưu giữ bộ sưu tập. Viện bảo tàng hiện tại mở cửa từ 6/5/1995, có diện tích gần 12.000 mét vuông, được thiết kể bởi Raymond Moriyama.
Sau khi được chiêm ngưỡng bộ sưu tập giày khổng lồ của bà Sonja, kiến trúc sư Moriyama ngay lập tức muốn vẽ nên một tòa nhà miêu tả được cảm giác của ông. “Tôi bị ấn tượng mạnh bởi những dãy hộp chất cao khắp nơi. Giày được để trong hộp để chống nắng, chống bụi và tránh ẩm. Vai trò của chiếc hộp là hết sức quan trọng”. Với những suy nghĩ đó, Moriyama đã cho ra đời một viện bảo tàng hình chiếc hộp giày.
Bata Shoe Museum là nơi trưng bày bộ sưu tập giày dép lớn và đầy đủ nhất thế giới. Tòa nhà gồm 4 tầng, với 4 phòng triển lãm, hai phòng đa chức năng, một tiệm quà tặng và nhiều văn phòng khác.
Mỗi phòng triển lãm lại mang một chủ đề riêng, tạm dịch là: “Tất cả về giày”, “Giày của thổ dân Bắc Mỹ”, “Câu chuyện về việc đóng giày trên thế giới” và “Văn hóa giày thể thao”.
 
Ủng lông của thổ dân
Ủng lông của thổ dân. Ảnh: News.cn
Bộ sưu tập lưu giữ gần như toàn bộ các kiểu giày dép của mọi nền văn hóa trên thế giới từ cổ chí kim. Tổng cộng ít nhất 13.000 hiện vật đang được trưng bày, có hiện vật đã 4.500 tuổi. Một vài ví dụ tiêu biểu là: dép của người Ai Cập cổ đại, giày đi trên tuyết của người Nhật, Paduka bằng bạc của Ấn Độ, dép đính hạt của thổ dân Bắc Mỹ… Đặc biệt, các mẫu thiết kế giày trong thế kỷ 20 của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Elsa Schiaparelli, Salvatore Ferragamo, Vivienne Westwood… cũng có mặt trong bộ sưu tập.
Một phần hấp dẫn nữa của viện bảo tàng là khu vực triển lãm giày dép của những nhân vật tên tuổi, bao gồm: dép của Nữ hoàng Victoria, đôi giày ống màu bạc của ca sĩ Elton John, giày chạy của huyền thoại Elvis Presley, giày cao bồi của thành viên ban nhạc The Beatle – John Lennon, giày sọc vằn của danh họa Picasso…
13-JPG.jpg
Những đôi giày bó chân làm hoàn toàn bằng thủ công dành riêng cho phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến. Ảnh: News.cn
Bata Shoe Museum đồng thời là viện nghiên cứu giày dép có uy tín trên thế giới, chuyên tìm hiểu về vai trò của giày dép trong đời sống văn hóa xã hội của nhân loại. Nếu bạn yêu thích giày dép và các viện bảo tàng thì Bata Shoe Museum ở thành phố Toronto là một gợi ý thú vị dành cho chuyến du lịch của bạn.

bao-tang-giay-1-JPG.jpg
Một đôi xăng-đan cổ của người Ai Cập cổ đại. Ảnh: News.cn
giay-do-JPG.jpg
Đôi giày cao gót đỏ một thời thuộc về biểu tượng của nền điện ảnh thế giới Marilyn Monroe. Ảnh:News.cn
mo-hinh-giay-JPG.jpg
Một đôi giày rất thể thao được trang trí rất ngộ nghĩnh. Ảnh: News.cn
giay-su-JPG.jpg
Đôi giày bằng sứ của người Hà Lan được làm năm 1730. Ảnh: News.cn
giay-cua-vua-JPG.jpg
Đôi ủng của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh: News.cn
giay-dinh-JPG.jpg
Đôi giày chuyên dụng đi tuyết bằng kim loại có phần đế đặc biệt làm từ những lưỡi răng cưa lâu đời. Ảnh: News.cn
giay-bet-JPG.jpg
Những đôi giày đế bệt truyền thống của người Ấn Độ được thêu thủ công rất kiểu cách. Ảnh:News.cn
Kenzie - Ngọc Anh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: