Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Những nước đón Tết cổ truyền giống Việt Nam



Sau Giáng sinh là đến Năm mới. Ngày 1/1 của một năm sẽ là Tết. Đấy là Tết của toàn cầu. Nước nào cũng có những lễ hội tưng bừng để chào đón sự kiện trọng đại như thế này. Người Việt Nam gọi ngắn gọn đó là Tết Dương. Tết Dương chỉ diễn ra trong một ngày. Rất ngắn, rất nhanh.
Thế nên người Việt Nam rất coi trọng ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đó là cái tết sum vầy, tết hội ngộ, Tết của tình thân, kéo dài những ba ngày tết bảy ngày xuân.
Các nước Châu Á gần Việt Nam cũng có Tết Nguyên đán, và cũng được xem là cái tết dân tộc, một cái tết đặc sắc tiêu biểu cho nền văn hoá Á Đông.
Ngày nay, cùng với người Việt, người Hàn Quốc, người Hoa và các dân tộc khác chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa như Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan, H'mông Trung Quốc cũng tổ chức Tết âm lịch và nghỉ lễ chính thức.
Tết ở Trung Quốc.
Cũng giống Việt Nam, Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình, quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên trong dịp năm mới và những lễ hội vui Tết Nguyên Đán của họ được kéo dài cho đến hết ngày 15/1 âm lịch.
Mừng năm mới theo tiếng Trung Quốc là "Guo Nian", trong đó Nian có nghĩa là năm. Tuy nhiên, theo truyền thuyết thì Nian là tên một con quái vật luôn xuất hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ để quấy phá dân lành, và một năm nọ người ta phát hiện con quái vật này rất sợ màu đỏ và tiếng ồn.
Kể từ đó cứ mỗi dịp năm hết Tết đến người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.
Seollal - Tết Hàn Quốc
Tết Seollah bắt đầu từ ngày 1.1 hằng năm theo âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày. Tết Seollah là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất đối với người dân xứ sở kim chi.
Cũng như Việt Nam, Tết Hàn bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 âm lịch. Người Hàn quan niệm sau một năm tất bật lo toan cuộc sống, Tết là thời điểm cần tĩnh lặng nhất để các thành viên trong gia đình xum họp bên nhau, thờ cúng tổ tiên, thưởng thức những món ăn truyền thống và cầu chúc một năm mới hạnh phúc, tài lộc. Tết Seollah thường là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp bên nhau để thắt chặt tình thân gia đình. Vào dịp này, nhất là những ngày cận Tết, những ai ở xa gia đình vội thu xếp công việc để trở về quê nhà thăm cha mẹ, anh chị, người thân.
Trong đêm cuối của năm cũ, mọi người dọn dẹp nhà cửa và thắp sáng nhà bằng những ánh đèn halogen đủ màu sắc. Buổi chiều hôm đó, người Hàn tắm bằng nước nóng và đốt cây tre để đuổi tà ma.
Nhiều người Hàn Quốc mặc hanbok nhiều màu sắc (Hanbok là trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Họ thường dùng món tteok (súp nấu bằng bánh gạo) trong buổi sáng này. Ăn xong tteok năm mới mới thật sự bắt đầu.
Người Hàn Quốc hớn hở chào đón Năm Mới (cả Âm lịch và Dương lịch) bằng cách đến thăm bãi biển phía Đông như tới các thành phố Gangneung và Donghae thuộc tỉnh Gangwon, nơi họ ngắm tia sáng đầu năm của mặt trời mọc vào ngày đầu tiên trong năm.
Còn có Sebae, nghi lễ tổ tiên không thể thiếu, là truyền thống chứng tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ và ông bà trong Năm Mới của Hàn Quốc. Con cái đến thăm cha mẹ và chúc họ một năm mới hạnh phúc bằng cách cúi chào thật cung kính.
Tsagaan Sar – Tết Mông Cổ
Cũng như Tết Nguyên đán của ta, Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ sẽ kéo dài từ ngày mồng 1 Tết âm lịch cho đến hết ngày mồng ba âm lịch. Tết Tsagaan Sar là một trong những dịp lễ rất quan trọng của người dân Mông Cổ.
Một ngày trước năm mới được gọi là Bituun, tức giống như ngày 30 tháng chạp của ta. Vào ngày Bituun, người dân Mông Cổ tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới. Vào tối Bituun, mọi thành viên trong gia đình đều tụ tập bên nhau để cùng tiễn đưa năm cũ và đón năm mới. Và cũng trong ngày Bituun này, người Mông Cổ cố gắng giải quyết rốt ráo mọi vấn đề và trả mọi khoản nợ nần. . Mọi người ăn thật no do họ tin rằng nếu còn đói, suốt năm mới sẽ bị đói. Vào ngày đầu năm mới, ai nấy dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới, nhóm lửa.
Tất cả nam giới lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Rồi người ta đi về hướng nào đó theo tử vi - được gọi là muruu gargakh (lễ xuất hành). Người ta tin rằng nếu xuất hành đúng hướng sẽ gặp may quanh năm. Mặt trời vừa ló dạng là những người trong gia đình chào hỏi nhau. Người lớn tuổi nhất ngồi ở hướng bắc và những thành viên trẻ đến chào ông (bà) trước khi chào hỏi lẫn nhau. Hết thảy mọi người chào hỏi lẫn nhau trừ vợ chồng.
Trong suốt những ngày đầu năm mới, người dân Mông Cổ thắp nến trên bàn thờ tổ tiên cả ngày đêm. Vào ngày này, mọi người rửa sạch cả thể xác lẫn tâm hồn và bắt đầu cuộc sống mới tươi mát.
Rồi mọi người ăn bánh bao hấp và uống Airag (sữa ngựa lên men), và tặng quà lẫn nhau. Họ sang nhà bên cạnh, bắt đầu thăm người lớn tuổi trước.
Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (dạng như bánh bao), thịt cừu, thịt bò… sagaan Sar là một lễ lớn nên người dân Mông Cổ thường chuẩn bị thực phẩm trong nhiều ngày. hững người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị lượng lớn bánh buuz và trữ chúng trong tủ lạnh để dành dùng trong nhiều ngày.

Ở Nhật Bản
Trước đây Nhật Bản cũng cử hành Tết âm lịch, nhưng từ năm Minh Trị thứ 6 (1873) họ đã chuyển sang dùng dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong âm lịch và dần dần chuyển đổi sang Tết Dương lịch như các nước Phương Tây. Tuy vâyj nhưng quan niệm trong năm mới của người Nhật cùng gần giống với Việt Nam. Thực tế là bắt đầu vui chơi từ lễ Giáng sinh (25/12) đến hết tuần lễ đầu tháng 1 hàng năm. Sang đầu năm mới, người Nhật ăn Tết theo Tây trong khuôn khổ phong tục lâu đời của"ngày Tết ta". Tất cả mọi việc đều ngừng nghỉ trong một tuần lễ. Họ mua sắm và trang trí nhà cửa bằng cây thông hoặc cây tre trước cửa nhằm ngăn trừ không cho tà ma đến nhà quấy nhiễu và để mong được mạnh khoẻ và sống lâu. Trước ngày 30, có bao nhiêu nợ nần phải thanh toán cho dứt điểm vì người Nhật sợ đầu năm mới để nợ sẽ xui xẻo cả năm.
Đêm cuối năm gọi là Omisaki phiên âm tiếng Hán là đại hối Nhật, có nghĩa là ngày tối tăm (như đêm 30 ở Việt Nam và Trung Quốc). Omisaki là một đêm rất long trọng, trang nghiêm để toàn thể gia đình quây quần ăn bữa cơm tất niên và cùng đón giao thừa. Đúng phút giao thừa, tất cả các chùa chiền, miếu mạo và trên các kênh truyền hình đều vang lên 108 tiếng chuông truyền đi khắp cả nước theo nghi lễphật giáo để xua đuổi tà ma, đón chào năm mới. Người dân Nhật xuất hành đầu năm bằng việc đi lễ chùa, rồi các gia đình tổ chức ăn uống, đàn hát, vui xuân, chúc tết họ hàng.
Có thể nói Trung Quốc, Mông Cổ, và Hàn Quốc hiện nay là những quóc gia có phong tục đón Tết Nguyên Đán gần giống với Việt Nam.
Ở các nước Láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia, Thái Lan ngày tết thường bắt đầu từ ngày 13-15/4 dương lịch hàng năm. Người Thái gọi là Tết Songkran, người Lào gọi là Tết Bungumay, người Campuchia gọi là Tết Choi ChơnămThmay.., Đấy là ngày Tết quan trọng ở các nước này, mọi người tham gia lễ hội té nước và chúc phúc lẫn nhau, cũng phong phú và được chờ đón như Tết nguyên đán ở Việt Nam vậy.
LVS
.

Không có nhận xét nào: