Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Hành hương trên bán đảo Sinai

Nằm bên bờ biển Đỏ, Sinai luôn được coi là vùng đất “nóng” về nhiều nghĩa của đất nước Ai Cập. Dù có tình hình chính trị bất ổn, nơi đây vẫn là điểm đến thu hút nhiều người mộ đạo hoặc yêu thích lịch sử. Trong một lần dẫn đoàn đi hành hương ở bán đảo này, chúng tôi tưởng mình được đi ngược thời gian trở về những thế kỷ xưa.
.
Ốc đảo và núi thiêng
.
Có vị trí giao thoa giữa Bắc Phi, Tây Á và Địa Trung Hải, Sinai ngay từ thời cổ đại đã là ngã tư của nhiều nền văn minh. Lý do khiến nhiều du khách phương Tây tìm đến đây là vì bán đảo có mối quan hệ mật thiết với lịch sử phát triển Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo.
Theo kinh thánh, vào khoảng năm 1300 trước CN, dân tộc Do Thái sống lưu vong trên đất Ai Cập dưới sự bảo hộ của các Pharaon. Với sự siêng năng và thông minh, họ dần dần nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong xã hội.
Điều đó khiến cho Pharaon lo lắng và đến một ngày, vị vua Ai Cập hạ lệnh giết tất cả những đứa trẻ Do Thái để không còn hậu duệ nào có thể gây nguy hiểm. Tất cả trẻ sơ sinh đều bị dìm chết trên sông Nil, chỉ có một đứa trẻ sống sót là Mose.
Tu viện Saint Catherine dưới chân núi Sinai
Mose lớn lên và dẫn dắt dân tộc Do Thái chạy trốn khỏi sự kìm kẹp của người Ai Cập. Khi đến bờ biển Đỏ, ông đã làm phép khiến cho biển bị xẻ đôi, dọn đường cho người Do Thái băng qua để đến được Sinai.
Tại đỉnh núi Sinai, Mose nhận được mười điều răn từ Thượng Đế và kể từ đó, mười điều răn này trở thành các giá trị nhân sinh quan chính trong kinh thánh.
Saint Catherine trong nắng chiều
Theo truyền thuyết, tại xứ sở toàn sa mạc này, khi đã có quá nhiều người bị chết khát dọc đường, Mose lại phù phép và làm xuất hiện một hồ nước, sau này trở thành ốc đảo Wadi Feiran màu mỡ với rất nhiều cây cọ xung quanh.
Với một câu chuyện ly kỳ như vậy, ngay từ những thế kỷ IV-V sau CN đã có rất nhiều phái đoàn hành hương đi qua đây với mục đích sống lại những giây phút thần thánh được ghi khắc trong kinh thánh của họ.
Chính vì lý do này, dọc trục đường Sharm El Cheik – Wadi Feiran – núi Sinai có nhiều công trình kiến trúc cổ nằm rải rác, chủ yếu là tu viện nhỏ hoặc nhà thờ được xây lên bởi các phái đoàn hành hương.
Du khách xuống núi sau khi chinh phục đỉnh Sinai
Điểm đến tiếp theo của đoàn là thị trấn Saint Catherine với một di sản rất nổi tiếng là tu viện cổ cùng tên. Bên trong tu viện Saint Catherine vẫn còn khoảng 25 tu sĩ sinh sống nên mọi hoạt động tham quan du lịch phải tuân theo quy tắc của họ, có nghĩa là tu viện chỉ mở cửa vào buổi sáng, đến trưa là đóng cửa hoàn toàn.
Vì vậy mà chúng tôi phải tuân theo lịch trình như bất kỳ đoàn du lịch nào đến đây: Đến thị trấn vào buổi chiều, làm thủ tục nhận phòng để đi ngủ sớm, rạng sáng hôm sau trèo lên đỉnh núi Sinai ngắm mặt trời mọc rồi xuống núi ăn sáng và thăm tu viện Saint Catherine trước 12 giờ trưa.
Khung cảnh một thị trấn ven biển ở Sinai
Hôm sau ngay từ 3 giờ sáng, cả đoàn thức dậy và bắt đầu hành trình chinh phục độ cao 2.285m. Đường lên đỉnh núi không quá dốc nhưng với độ tuổi trung bình khá cao của nhóm, đoàn phải thuê dịch vụ lạc đà.
Vào lúc 5 giờ sáng, mọi người lên được đến đỉnh núi, vừa đủ thời gian để chiêm ngưỡng những tia nắng đầu ngày le lói phía xa rồi rọi lên những đỉnh núi nhọn xung quanh.
Tu viện cổ nhất thế giới
Xuống núi xong, chúng tôi đi thăm tu viện Saint Catherine. Tu viện có phong cách Byzantine này được xây dựng lên để làm nơi tưởng niệm nữ thánh tử đạo Catherine.
Kiến trúc được bảo vệ chắc chắn bởi hệ thống tường đá hoa cương cao khoảng 15 mét, sau bức tường là những khu vườn trồng rất nhiều cây bách. Trước đó cho đến thế kỷ XX, lối duy nhất vào tu viện là một cái cửa nhỏ cao 9 mét.
Ngày nay, Saint Catherine là một trong những tu viện cổ nhất thế giới với tuổi đời 15 thế kỷ, một di sản được giữ gìn ở trạng thái nguyên vẹn mà không tu viện nào trên thế giới sánh kịp. Saint Catherine cũng là nơi trình diễn một cách tự nhiên những công trình nghệ thuật vô giá từ thế kỷ thứ VI như đồ khảm Á Rập, các tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp và Nga.
Góc phía Tây của tu viện có nhiều bức tranh dầu được vẽ trên sáp, nhiều nơi được trang trí bằng đá cẩm thạch và những bức vẽ trên men. Bên trong khuôn viên, ngoài những khu vườn còn có nhiều công trình kiến trúc nhỏ đậm chất mỹ thuật.
Trong đó ấn tượng nhất là sảnh thư viện được cho là thư viện lâu đời nhất trong thế giới Thiên Chúa giáo và hiện tại đang sở hữu số lượng đầu sách lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau thư viện của tòa thánh Vatican.
Tu viện là một trong những bảo tàng nghệ thuật tranh ghép cùng các biểu tượng nghệ thuật lớn trên thế giới với 120 tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu có niên đại từ thế kỷ thứ V, VI mang phong cách nghệ thuật của các cuộc Thập Tự Chinh.
Một bức họa hơn ngàn năm tuổi trong tu viện Saint Catherine
Là chốn thiêng liêng của cộng đồng Thiên Chúa giáo nhưng trên thực tế, Saint Catherine thu hút cả tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo đến viếng thăm. Ngay cạnh tòa tháp chuông Thiên Chúa giáo là một tháp chuông Hồi giáo màu trắng muốt. Điều đó cho thấy tu viện là nơi giao lưu của cả ba tôn giáo, một ví dụ rõ nét cho văn hóa của bán đảo Sinai.
Đây là minh chứng cho dấu vết lịch sử của Hồi giáo trên bán đảo Sinai. Mặc dù bị bao vây bởi cả một thế giới Hồi giáo, tu viện được trao đặc quyền tự do tôn giáo, chỉ có điều bên trong khuôn viên cần có một nhà thờ Hồi giáo như để chứng tỏ sự thống trị của đạo Hồi trong khu vực.
Đoạn đường hẹp nhất của White Canyon
Rời tu viện, chúng tôi đi về phía Dahab, một thị trấn nằm ven biển. Đường đi ngang qua khu vực Ein Khudra, một ốc đảo được cho là đẹp nhất Sinai.
Ốc đảo này có phần khác so với ốc đảo Wadi El Feiran bởi tại đây cây cối mọc lên một cách tự nhiên dựa vào các nguồn nước ngầm chứ không phát triển theo kiểu canh tác nhân tạo như Wadi El Feiran.
Giao lưu với một hộ gia đình bộ tộc Muszeina chủ nhân của ốc đảo, cả đoàn được họ mời uống trà. Ly trà đen ngọt đến khé lưỡi. Chủ nhà giải thích rằng độ ngọt như vậy sẽ giúp người uống hạn chế sự mất nước do toát mồ hôi dưới cái nóng khủng khiếp của sa mạc.
Một bãi biển đẹp trên bán đảo
Sau một lúc “trà đạo” theo kiểu du mục, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá White Canyon (hẻm núi trắng). Cách đây hàng trăm triệu năm, hẻm núi này vốn là đáy một dòng sông.
Qua nhiều thế kỷ nước đại dương rút xuống khiến sông này cạn dần. Tất cả những gì còn lại là những bề mặt thành sông khô cằn, cộng thêm sự tác động của gió làm cho màu sắc của bề mặt thành màu trắng toát.
Chặng đường băng qua những hẻm vực hun hút của White Canyon để lại cho mọi người một ấn tượng khó phai mờ. Có những đoạn đường rất hẹp chỉ khoảng một mét, tại đó khi ngẩng đầu lên nhìn bầu trời sa mạc cao xanh vời vợi, người ta có cảm giác mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ.
Tháp chuông trong tu viện Saint Catherine
Trước khi đến Sinai, trong tâm trí của tôi bán đảo này chỉ hiện lên với những công trình tôn giáo đồ sộ mà lẻ loi giữa đất đá cằn cỗi, với những vị tu sĩ đội mũ len và trang phục chỉ toàn một màu đen. Chỉ khi đến đây rồi mới biết vùng đất thiêng của Ai Cập cũng có nhiều vẻ đẹp thiên nhiên khó tìm được ở đâu khác.
NGUYỄN VĂN THÁI/DNSGCT

Không có nhận xét nào: