Dòng nước trong veo màu ngọc bích được đổ từ trên núi cao cứ len lỏi qua những khối đá được điêu khắc hình ảnh về sự kính lễ của nhà vua đối với các vị thần.
Trong thời cổ đại, dòng nước chính là nữ thần Anahita bảo hộ cho người Ba Tư. Vào ngày giao thừa, các vị vua lên đỉnh núi cao đốt lửa để tế thần lửa Ahura Mazda trong sự giao hòa của trời và đất.
Ngọn núi Zagros linh thiêng – di sản văn hoá được công nhận bởi UNESCO.
Tôi men theo dòng suối chảy róc rách nằm dọc theo con đường nhựa nhỏ ở thành phố Kermanshah – Iran để đến ngôi đền Tagh e Bostan. Ở những khúc gập ghềnh, dòng nước đổ dồn tung bọt trắng xoá và tạo những âm thanh vui nhộn.
Ngọn núi linh thiêng
Với những người Ba Tư cổ, nước và lửa là hai yếu tố quan trọng trong cuộc sống bởi bao quanh quốc gia là sa mạc rộng lớn chỉ có cát vàng. Trong thời cổ đại, họ chỉ tâm linh và thờ hai vị thần duy nhất: nữ thần nước Anahita và thần lửa Ahura Mazda. Những người Ba Tư cổ thường chọn những ngọn núi có nguồn nước trong veo từ đỉnh đổ xuống mới tiến hành lập đền thờ bởi kính trọng sự trong trắng của nữ thần Anahita.
Tôi say mê ngắm nhìn những nét sống động và tuyệt đẹp được điêu khắc trên khối đá của ngọn núi. Theo những gì tôi tìm hiểu, không chỉ là nơi tôn thờ thần lửa và thần nước, các vị vua Ba Tư còn điêu khắc những cảnh sinh hoạt thường nhật tại ngọn núi này như dàn cung nữ chơi nhạc với cây đàn Chang truyền thống và những hình ảnh săn bắn của nhà vua. Một vài bức tranh đá đã nhạt nhoà nét điêu khắc theo vết lăn trầm của thời gian.
Những nét điêu khắc theo trường phái nghệ thuật Sassanid vào ngọn núi Zagros đã có hơn 1.700 tuổi đời nằm cạnh ngay trạm dừng chân của con đường tơ lụa huyền thoại ngày xưa. Các vị vua Ba Tư đều muốn đoàn người ngựa đi ngang qua hiểu biết thêm văn hoá tâm linh, cũng như những trang sử vàng chói lọi của các triều đại Ba Tư trên những vó ngựa kiêu hùng ở ba lục địa Á – Âu – Phi.
Bức tranh thứ nhất được điêu khắc bởi vua Adrashir II diễn tả thần nước và thần lửa là hai vị thần duy nhất trong văn hoá tâm linh của người Ba Tư. Hai tượng nằm trong hang động nhỏ là tượng của vua Shapur II và Shapur III. Hình ảnh vua Khosrau II trên vó ngựa kiêu hùng nằm trong hang động lớn kế bên. Phía trên tượng vua Khosrau II vẫn là thần lửa và thần nước. Bên trái hang động lớn là hình ảnh sinh hoạt trong ngày tết cổ truyền với ba màu cơ bản được sơn phết trên ba vị thần khác: màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, màu trắng tượng trưng giàu có và màu xanh tượng trưng cho may mắn.
Dòng suối trong veo đổ từ núi cao cứ len lỏi qua những khối đá như nữ thần Anahita âm thầm từng bảo hộ cho thành phố. Ngọn núi Zagros biến thiên sắc màu theo ánh sáng mặt trời làm những nét điêu khắc vô cùng sống động theo những thời khắc khác nhau. Một vài người địa phương chỉ cho tôi những bậc thang nằm ẩn phía sau ngôi đền. Vào ngày giao thừa, các vị vua theo các bậc thang lên đỉnh núi cao đốt lửa để tế thần lửa Ahura Mazda trong sự giao hoà của trời và đất.
Món Kebab - món ăn ưa thích của người Iran, đặc biệt với thịt cừu dê.
Ngày tết cổ truyền
Tôi ghé ngang quán nhỏ ven đường nằm đối diện với ngôi đền Tagh e Bostan gọi món thịt cừu kebab, một trong những món ăn yêu thích của người Iran. Tôi có chút ngạc nhiên khi nhìn mọi người nô nức chuẩn bị những đống củi to trước nhà của mình. Thì ra, hai ngày nữa là tết cổ truyền của người Iran.
Thú vị hơn tôi phát hiện ông chủ quán Afshin là một trong những người hiếm hoi ở Iran không theo Hồi giáo mà chỉ thờ thần nước và thần lửa theo tâm linh người Ba Tư cổ. Theo chân ông, tôi vào nhà và xem bàn thờ tổ tiên được ông chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền. Chỉ một bát nước với chiếc bình tạo lửa đặt đan xen giữa những hòn đá nhỏ xung quanh.
Nowruz là ngày tết cổ truyền của người Iran theo lịch cổ của người Ba Tư. Theo ngôn ngữ Ba Tư, “now” có nghĩa là “ngày” và “ruz” có nghĩa là “mới”. Nó thường rơi vào ngày 21.3 hàng năm. Từng là vùng đất của đế chế Ba Tư, nên không chỉ là ngày tết cổ truyền của người Iran, Nowruz còn trở thành ngày tết cổ truyền của các quốc gia Trung và Tây Á. Nowruz thường kéo dài đến 13 ngày.
Ngày Nowruz rơi vào ngày nào trong tháng sẽ được thông báo bằng một bài hát bởi một ca sĩ đường phố (Hajji Firuz), đó là một người đàn ông trong bộ trang phục đỏ và khuôn mặt bôi màu đen với chiếc trống to đeo trước bụng. Vào ngày thứ tư (Wednesday) cuối cùng trước ngày Nowruz, nhà nhà đều đốt lửa để chào năm mới. Mọi người đều nhảy ngang qua đống lửa nhằm xua đi nỗi sợ hãi và bệnh tật. Những đứa trẻ lại hóa trang thành những người cổ xưa, gõ cửa từng nhà hàng xóm xin bánh kẹo.
Tôi say sưa nghe ông Afshin kể chuyện về ngày tết cổ truyền mà quên mất món cừu kebab hấp dẫn đang đợi. Ông cũng chỉ cho tôi biết những chậu nhỏ lúa mì, lúa mạch hay đậu lăng được trồng quanh nhà là để chuẩn bị dĩa thức ăn truyền thống (Haft Sin) đặt trong nhà bếp trong ngày Nowruz.
Cũng giống như mọi người, ông thích gọi quốc gia mình là Ba Tư hơn Iran. Tiếng đàn Se – Ta trong tay lại vang và ông Afshin cao giọng hát. Tôi trôi dạt và miên man trong tiếng hát cao vút đó. Trong âm thanh đó không chỉ có những cánh hoa tulip dại (quốc hoa Iran) nở tràn ngập theo con đường tơ lụa khi mùa xuân về, nơi đó còn có tiếng nước reo và lửa cháy trong cái nắng gió của sa mạc…
SGTT
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận ngày 21/3 như ngày Norooz Quốc tế. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Unessco vào ngày 30/9/2009 cũng công nhận Norooz là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Norooz- Năm Mới Iran
- VOV
Norooz có nghĩa là ngày mới và cũng là ngày đầu tiên của Mùa xuân bắt đầu một năm mới theo lịch của người Ba Tư – được gọi là Hijri Shamsi. Norooz được coi là một trong những phong tục cổ và lâu đời nhất trên thế giới.
Norooz là một phong tục truyền thống có nguồn gốc từ nền văn hoá cổ Iran. Đã hơn 3000 năm qua, hàng năm cứ vào dịp Năm mới tất cả những người Iran cũng như hơn 300 triệu người trên toàn thế giới tổ chức Năm mới.
Bảy món bắt đầu bằng chữ "S" đặt trên bàn trong ngày Năm mới Norooz |
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận ngày 21/3 như ngày Norooz Quốc tế. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Unessco vào ngày 30/9/2009 cũng công nhận Norooz là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Norooz tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và lòng người. Chúng tôi tin rằng khi vạn vật đất trời thay đổi thì con người cũng thay đổi. Trước khi Năm mới đến, chúng tôi dọn dẹp nhà cửa và mua sắm quần áo mới. Nếu bạn có dịp đến Iran vào dịp Năm mới, chắc chắn bạn sẽ tận mắt thấy người Iran chuẩn bị đón Năm mới như thế nào.
Trong suốt những ngày đầu của Năm mới, gia đình và bạn bè gặp gỡ nhau và những người lớn tuổi hơn sẽ mừng tuổi cho những người nhỏ tuổi.
Bảy món bắt đầu bằng chữ “S” trong tiếng Ba Tư
Truyền thống chính của người Iran vào Norooz là sắp xếp bảy món bắt đầu bằng chữ S trong tiếng Ba Tư trên bàn được gọi là Haft Seen, những thứ này tượng trưng cho bảy Đấng tạo hoá và bảy vị thần bảo vệ con người. Chúng tượng trưng cho sự may mắn, sức khoẻ, sự dồi dào và trù phú về mặt của cải cho tất cả những gia đình khi Năm mới đến.
Vào khoảnh khắc mùa xuân đến, tất cả các gia đình quây quần bên bàn Haft Seen để tổ chức mừng Năm mới. Một số gia đình thì đón Năm mới tại các Thánh đường Islam giáo hay tại các khu lăng mộ của những vị Giáo chủ tôn giáo. Bảy món mà người Iran đặt trên bàn vào ngày Năm mới như sau:
1. Sabze: mầm xanh từ các hạt ngũ cốc, được trang trí bằng những dải ruy băng: tượng trưng cho sự phồn vinh và thịnh vượng trong Năm mới.
2. Sekeh : những xu bạc hay xu vàng, tượng trưng cho phú quý và giàu sang
3. Samanu: một loại bột từ mầm lúa mỳ, tượng trưng cho sự sung túc
4. Senjed: một loại hạt khô tượng trưng cho tình yêu
5. Seer: tỏi, tượng trưng cho sức khoẻ
6. Sumac: quả cây thù du, tượng trưng cho ngày mới
7. Seeb: táo, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức khoẻ.
Ngoài ra, người Iran còn đặt cuốn Kinh Koran, tượng trưng cho sự thờ phụng, gương là sự phản chiếu quá khứ, một bát cá vàng tượng trưng cho cuộc sống, đồ ngọt tượng trưng cho sự ngọt ngào, một bát nước trong đó có một quả táo đỏ và những quả trứng được sơn bằng những màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho sự dồi dào của bàn Haftseen.
Sizdah be Dar- “Ngày 13 ra cửa”
“Ngày 13 ra cửa” là một ngày thiên nhiên theo truyền thống của người Iran cổ đại, phong tục này có từ hàng ngàn năm trước và đánh dấu ngày cuối cùng của Lễ hội Năm mới. Trái với quan niệm của đại đa số, con số 13 không phải là con số không may mắn, nó chỉ đơn thuần là một ngày được chọn để ăn mừng sau Lễ hội Năm mới.
Vào ngày cuối cùng của Lễ hội, mọi người thường rời nhà và đi đến những khu vực như công viên, rừng cây nơi họ có thể hoà mình vào thiên nhiên.
Trong ngày cuối cùng này mọi người cùng nhau buộc những lá mạ được gieo từ các hạt ngũ cốc lại với nhau rồi thả chúng xuống dòng nước. Họ tin rằng nếu những mối buộc được mở ra thì may mắn sẽ đến và những điều ước sẽ thành hiện thực./.
PV
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét