Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Cuộc chiến bảo tàng trên đảo Jeju

(Tin Nóng) Trên đảo Jeju, điểm đến du lịch của Hàn Quốc hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài vài năm gần đây, đang bùng nổ số lượng các nhà bảo tàng. Điều này khiến một số người tự hỏi, liệu thị trấn này có đủ chỗ cho tất cả ?


Phong cảnh thơ mộng trên đảo Jeju, thu hút 10 triệu lượt du khách mỗi năm - Ảnh: Du lịch Jeju

Hơn 100 bảo tàng trên đảo

Trên đảo Jeju đẹp như tranh vẽ, du khách có thể lang thang qua các vườn quýt đến ngọn núi lửa đang ngủ yên, xem phụ nữ ngụp lặn tìm trai sò, hoặc ghé qua bảo tàng Tình ái Thế giới,  một trong ba bảo tàng tình dục trên đảo Jeju, nếu muốn thỏa trí tưởng tượng. Du khách có thể ghé thăm 2 bảo tàng Sô-cô-la, 3 bảo tàng Gấu bông và 7 bảo tàng chuyên về “nghệ thuật đánh lừa mắt” (mọi người có thể chụp ảnh trong tư thế đang bị mắc kẹt giữa hàm một con cá mập hoặc đang nâng ly cùng 5 cô gái ăn mặc cực kỳ tươi mát…).
Hiện có hơn 100 bảo tàng trên một hòn đảo có kích thước bằng khoảng một nửa đảo Rhode (Hoa Kỳ) và hầu hết là vừa mở trong vài năm qua. Sự cạnh tranh mới gây nên những xích mích giữa các chủ sở hữu, họ cáo buộc nhau là đã bắt chước, vận hành các bảo tàng một cách khập khiễng và cắt giao dịch với công ty lữ hành để mang đến nhiều du khách Trung Quốc chi tiêu “xả láng”.
Gần đây, ông Lee Sung-hyung, chủ sở hữu bảo tàng Loveland, một trong những bảo tàng tình dục, với bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc trưng bày cảnh gợi tình, đã tố cáo bảo tàng Secret Garden thay đổi từ triển lãm nghệ thuật thủy tinh sang đề tài tình dục: “Khoảng 90%  triển lãm của họ đã có chủ đề tình dục. Chúng tôi nêu vấn đề và họ đã rút lại những vật trưng bày gây tranh cãi”.
Tuy nhiên chưa có lời bình luận nào từ người quản lý Secret Garden.

Gấu bông Barack Obama ở bảo tàng Gấu bông Joanne - Ảnh: WSJ
Jeju nằm ngoài khơi mũi phía nam Hàn Quốc, cách Trung Quốc 483 km và Nhật 177 km. Từ một địa điểm đặc sắc dành cho tuần trăng mật của người Hàn Quốc, Jeju trở thành điểm đến du lịch quan trọng, thu hút 10 triệu du khách trong năm 2013, so mức chưa đến 4 triệu khách cách đây một thập kỷ.
Hòn đảo với cư dân khoảng 600.000 người, là một trong số vài nơi trên thế giới cho phép du khách Trung Quốc đến thăm mà không cần visa, biến nơi đây ngày càng trở thành điểm đến nước ngoài mau chóng và rẻ tiền cho những du khách đại lục thích phiêu lưu mạo hiểm.
Để thu hút khách Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý tài trợ chi phí xây dựng bảo tàng và dành thuế ưu đãi cho các chủ sở hữu, nhưng điều này dẫn đến những cáo buộc rằng với chi phí thấp, các nhà phát triển đang sử dụng bảo tàng chỉ để thu tiền.
Ông Jung Sae-ho, trưởng phòng Lịch sử tự nhiên, thuộc bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Văn hoá dân gian cho biết: “Mọi người mở bảo tàng vì họ có thể thu được tiền với lãi suất rất thấp. Chính xác chỉ có 7 bảo tàng, tất cả còn lại chỉ để câu khách”.

Rộ bảo tàng ăn theo để hốt bạc

Với thị trấn du lịch, các bảo tàng sơ sài chẳng có gì mới. Chúng chiếm chỗ các gia đình trong những ngày mưa gió và dễ dàng thành trạm dừng chân cho các xe buýt du lịch. Theo cô Myeong Yeon Sook: “Một số người chỉ dùng tiền mua vật dụng trong một tháng để xây dựng bảo tàng”.
Trong năm 2011, cô đã dành 2,3 triệu đô-la cho bảo tàng World Seashell Museum, với thiết kế ngôi nhà trang trí bằng san hô, các tác phẩm nghệ thuật bằng vỏ sò mà cô đã thực hiện trong hơn 4 thập kỷ. Đây là một trong hai bảo tàng vỏ sò trên đảo Jeju.
Trước khi có cuộc bùng nổ về bảo tàng, hòn đảo này vốn nổi tiếng với bờ biển gồ ghề lởm chởm, người dân chỉ cưỡi ngựa và ăn thịt ngựa, một sự kế thừa từ thời Mông Cổ chiếm đóng cách đây 700 năm. Những phụ nữ già cả không ngại rét buốt ngụp lặn dưới nước tìm kiếm bào ngư và ốc xà cừ đắt giá.
Tất cả những gì bạn cần để lập một bảo tàng tại Jeju theo quy định của chính phủ là phải có hơn 100 hiện vật, cùng vài điều kiện khác như nơi lưu giữ và không gian cho văn phòng, hệ thống chống trộm và điều chỉnh nhiệt độ. Ông Songbin Han, thuộc bảo tàng Nghệ thuật châu Phi, cho rằng: “Dưới tên gọi ‘nhà bảo tàng’, họ sẽ đóng thuế ít hơn”.

Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi với mô phỏng nhà thờ Hồi giáo Djenné ở Mali, công trình bằng gạch bùn lớn nhất thế giới - Ảnh: WSJ
Gia đình ông mở cửa bảo tàng năm 2004, là một trong những bảo tàng lâu đời nhất trên đảo. Cha ông, một kiến trúc sư và nhà truyền giáo châu Phi, đã gầy dựng nên bộ sưu tập lớn nhất tại châu Á về nghệ thuật châu Phi. Công trình được xây dựng theo mô hình các nhà thờ Hồi giáo Djenné ở Mali, một kiến trúc bằng gạch bùn lớn nhất thế giới, với thay đổi nhỏ là gia đình ông Han thêm một đường cắt ngang gần đường viền mái trên lối vào. Ông nói thêm: “Trải qua 5 thế hệ, chúng tôi đã là tín hữu Kitô giáo”.
Du khách Trung Quốc dường như đặc biệt thích các bảo tàng Gấu bông tại Jeju. Tòa nhà bắt mắt nằm trong một góc hướng ra đại dương, Bảo tàng Joanne Bear đầy ắp những con gấu làm bằng tay của người sáng lập, bà Joanne Oh, mặc trang phục hoàng gia, vũ công ba-lê và những người nổi tiếng, có cả chú gấu Barack Obama làm bằng vải nỉ angora vàng, đứng trên bục diễn thuyết của tổng thống cho du khách Trung Quốc chụp hình.
Bà Oh nói không trả hoa hồng để có nhiều du khách, 95% trong số đó là người Trung Quốc và họ đến chỉ vì những con gấu. Tuy nhiên ông Jeon Seon-kwon, giám đốc bảo tàng thần thoại Hy Lạp, sẽ không thể là một trong những du khách trên. Theo ông: “Như thế làm sao có thể được gọi là một bảo tàng”.
Vậy tại sao có một bảo tàng Hy Lạp tại Hàn Quốc? Đứng trước 2 tượng nhân mã bảo vệ bảo tàng, ông Jeon trả lời: “Tôi cho rằng sẽ thú vị khi để các vị thần Hy Lạp và thần Jeju gặp nhau”. Ông hào hứng nói thêm: “Nơi đây cũng giống như Santorini”, một hòn đảo núi lửa nổi tiếng trong biển Aegean (Hy Lạp). Ông đã xây dựng một cối xay gió kiểu Hy Lạp, một nhà thờ nhỏ, hai tòa nhà tường phủ kim loại với sàn nhựa vinyl và điều hòa không khí.
Một người nhận vé trong chiếc áo choàng đen chào đón du khách đi qua những bức bích họa miêu tả các vị thần Hy Lạp và hình ảnh về Athens. Gian đại sảnh dành các vị thần có pho tượng thần Hercules, Zeus, Hera và thần cai quản địa ngục Hades đang bắt cóc nàng Persephone bằng đá cẩm thạch. Một số tượng ông Jeon mua tại Hy Lạp và số khác ở Trung Quốc. Ông cho biết: “Mua ở Trung Quốc rẻ hơn nhiều”.
Qua khỏi con ngựa thành Troy, bảo tàng biến thành nơi trưng bày bộ sưu tập những tranh ảo giác. Việc kinh doanh đã tăng gấp đôi năm ngoái, nhưng ông Jeon lo lắng về những lựa chọn của khách đến thăm Jeju.
Các bảo tàng sẽ bị xuống cấp với “những chủ đề kích thích”, ông Jeon nói khi đề cập đến các bảo tàng tình dục, gồm cả bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc, tranh 3D và video. Đáng lo ngại hơn, ông đã nghe nói sẽ có thêm một bảo tàng thần thoại khác được xây dựng.

Bảo tàng thần thoại Hy Lạp trên đảo Jeju (Hàn Quốc) - Ảnh: Wall Street Journal

Một bảo tàng chuyên về “nghệ thuật đánh lừa thị giác” - Ảnh: WSJ

Búp bê tình dục trong Bảo tàng Tình dục và sức khỏe - Ảnh: WSJ

Với người yêu thích công nghệ, đảo Jeju có bảo tàng Máy tính Nexon với các máy tính thời "hồi nẳm", như chiếc máy tính Apple I hiếm hoi với thùng máy (case) nguyên thủy bằng gỗ - Ảnh: WSJ

Mô hình thu nhỏ phong cảnh đảo Jeju - Ảnh: Du lịch Jeju
P.Ng.Dũng

Không có nhận xét nào: