Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Cuộc sống quanh đường ống dẫn nước ở Mumbai


Cảnh nghèo nàn, đói kém cũng như giàu có và sung túc luôn đồng hành cùng nhau từng giờ, từng phút.


Đối với người dân khu ổ chuột, đường ống dẫn nước khổng lồ kia không chỉ mang nước sinh hoạt hàng ngày đến cho họ mà nó còn là nơi trẻ con vui đùa, là con đường bê tông hóa, là “điểm tựa” vững chắc cho những mái lều tạm tránh mưa, tránh nắng của họ. Nếu chẳng may những đường ống nước này bị di dời, “thiên đường mặt đất” của người dân và lũ trẻ nơi đây sẽ biến mất, không những thế những túp lều tạm, những khu nhà ổ chuột cũng theo đó mà ra đi. Cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo lại tiếp diễn như vòng quay liên tục không ngừng của cuộc sống.
Những ống dẫn nước mà người dân nơi đây hay gọi là “đường” đều đã cũ và bị ăn mòn bởi cách đây 100 năm, thực dân Anh đã cho xây dựng và lắp đặt hệ thống đường ống nước này, nhưng đó là thời dân cư chưa bùng nổ như hiện nay. Các đường ống nước này với tổng diện tích bao phủ là 2.400 km (đường kính từ 61 cm đến 2,7 m) như những con trăn khổng lồ uốn khúc đến các vùng nông thôn, ngoại ô và đến các khu nhà ổ chuột của toàn thành phố Mumbai và còn đến cả những nơi phồn thịnh, xa hoa nhất của Mumbai.
Hầu hết người dân ở Mumbai, thành phố đông dân nhất Ấn Độ, không được cung cấp nguồn nước sạch theo đúng nghĩa của nó. Ngay cả khi mùa mưa đến, lượng mưa lớn đủ cung cấp nước đến các hồ chứa thì chính quyền nơi đây vẫn rất “chi li” trong việc cấp nước sạch và đủ cho người dân. Vấn đề nằm trong sự tắc trách của chính quyền khi họ không chịu tu sửa lại hệ thống ống nước đã rò rỉ, bởi thế, trung bình mỗi ngày người dân Mumbai chỉ có 6 giờ để lấy nước.
Câu chuyện lại khác với những người giàu có hơn, mỗi khi vòi nước được mở, một hệ thống xe container chuyên tải nước sẽ được họ sử dụng nhằm tích càng nhiều nước càng tốt. Mà nếu cần, họ cũng có thể mua nước tư nhân từ một công ty nước tư nhân ở Mumbai. Đối với những tầng lớp dân cư trung lưu, việc “tải” nước cũng rất khó khăn, họ phải “điều động” các thùng chứa đến và “canh” đến giờ xả nước thì mới kiếm đủ nước cho việc sinh hoạt cho một ngày.
Trớ trêu thay, việc nhận đủ nước cho sinh hoạt hàng ngày của người dân sống trong các khu nhà tạm ổ chuột lại vô cùng khó khăn. Họ không có đồ chứa đủ nước, không có đủ tiền bạc để mua lại nước sạch. Đối với họ, nước là một chất lỏng duy trì sự sống vô cùng xa xỉ và khan hiếm. Trong một cuộc khảo sát thực hiện năm 2003, dân cư khu ổ chuột và vỉa hè ở Mumbai phải chi những 10 đến 13% thu nhập hàng tháng của họ để có nước dùng.
Một nghiên cứu khác cho hay, 35% dân cư trên độ tuổi trưởng thành và 69% trẻ em sống ở khu vực này đã phải thất nghiệp và thất học để dành thời gian cho việc lấy nước hàng ngày. 80% trong số họ bị buộc phải lấy và chứa nước trong các thùng, xô về nhà, và cuộc hành trình lấy nước ấy kéo dài trong 3 giờ. Như vậy, trong 6 giờ xả nước, những người dân nghèo này chỉ có tối đa 2 lần được xách nước về nhà trong những cái thùng, xô bé tí.
Chính điều này đã “khuyến khích” dân cư khu ổ chuột “làm liều”. Họ trực tiếp lấy nước thông qua các lỗ khoan đường kính từ 15 cm đến 30 cm trên “thân” của các đường ống dẫn nước. Điều này không những làm ảnh hưởng xấu đến việc cấp nước cho toàn thành phố mà còn gây ra những rủi ro về an ninh và sức khỏe cho những người trực tiếp sử dụng nó.
Theo một báo cáo, có khoảng 35.000 “nhà” tạm bợ mọc lên bất hợp pháp dọc theo chiều dài của đường ống dẫn nước tại thành phố Mumbai. Chính phủ nước này cho hay, việc “đột nhập” bất hợp pháp thông qua việc khoan các lỗ trên ống dẫn nước để lấy nước chứa những nguy cơ to lớn, chúng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước của hàng triệu người tiêu dùng và khả năng nước sẽ tràn ra, gây ngập lụt là điều không tránh khỏi.
Một kỹ sư của BMC – công ty nước Mumbai trực thuộc trung ương, cảnh báo, chỉ cần một lỗ trên đường ống dẫn nước chính có đường kính 20 cm bị vỡ thôi (các lớp lót bên trong ống nước này rất mỏng), thì áp lực của 250 tấn nước sẽ làm vỡ tất cả, nước có thể dâng cao lên đến khoảng 500m, và tác động của nó sẽ như một “cơn sóng thần nhỏ” gây nguy hiểm trực tiếp đến người dân khu ổ chuột và một cơ sở cảnh sát xây cũng được xây dựng gần đó, thậm chí là sự an toàn của toàn thành phố cũng bị đe dọa. Trên thực tế, “kịch bản” vụ nổ này đã xảy ra một vài lần, trong một khu nhà ổ chuột, nước đã ngập quá đầu gối trong hơn 10 giờ tại 50 túp lều khi một trong các đường ống bị vỡ.
Việc “hack” nước thủ công này của người dân khu ổ chuột chưa phải là tồi tệ nhất. Còn có những “tên trộm nước” đầu cơ rất “hệ thống”. Rất nhiều loại xe tải thùng chứa được điều động đến để lấy nước bất hợp pháp trong 6 giờ xả, sau đó chúng được bán với giá cắt cổ. Chính quyền địa phương hứa sẽ ngăn chặn các xe tải chở nước bất hợp pháp này. Tuy nhiên, cho đến nay, những tên đầu cơ kia vẫn chỉ bị phạt với mức phạt ít ỏi.
Chính quyền thành phố Mumbai đang có gắng di dời các khu nhà ổ chuột dọc theo hệ thống đường ống dẫn nước, tăng chi phí để sửa chữa và thay thế các đường ống đã bị hư hại và việc đảm bảo nguồn nước không bị thiếu và không bị mất vệ sinh thông qua việc ngăn chặn các hành động ăn trộm nước nghiêm ngặt hơn (như việc lắp đặt đồng hồ công-tơ-mét nước) nhằm đảm bảo tính công bằng cho công dân thành phố.
Không ai biết chính xác thì khi nào chính phủ sẽ thực hiện những dự kiến trên. Có điều, việc này sẽ sớm phải hoàn thành vì Mumbai đang phấn đấu để trở thành đô thị lớn thứ hai thế giới với 27 triệu dân vào năm 2015. Nếu hàng chục triệu dân kia không đủ nước để sinh hoạt hàng ngày cộng với sự nguy hại tính mạng mà các đường ống dẫn nước cũ kỹ gây nên thì con số “27 triệu dân” kia chỉ có trong mơ mà thôi.
DonkeyẢnhEnvironment

Không có nhận xét nào: