Kimono là trang phục truyền thống của người Nhật. Người Nhật có những quy tắc riêng khi mặc loại trang phục này. Đối với phái nữ, phụ nữ đã có gia đình và thiếu nữ còn độc thân thì mỗi đối tượng có những cách mặc kimono khác nhau.
Furisode là loại kimono thích hợp với các cô gái trẻ chưa có chồng. Thường thì họ mặc Furisode vào những dịp đặc biệt như Năm Mới hoặc trong ngày lễ Trưởng thành. Màu sắc tươi tắn, hoa văn trang trí đẹp mắt trên Furisode giúp tôn thêm vẻ trẻ trung, xinh xắn của người thiếu nữ. Ngoài ra, hai ống tay áo buông dài cũng là nét đặc trưng của Furisode. Ngày xưa, các cô gái dùng cách vẫy ống tay áo để bày tỏ tình yêu với ý trung nhân.
Furisode có hoa văn, màu sắc tươi tắn và hai ống tay áo buông dài
Phụ nữ đã có gia đình thì mặc kimono màu đen có tên gọi Tomesode. Họ thường chọn Tomesode khi tham dự lễ cưới của người thân. Màu đen là màu chủ đạo ở phần thân áo, riêng vạt áo bên dưới được trang trí hoa văn có màu sắc trang nhã. Một điểm nữa để nhận biết Tomesode là trên lưng và hai tay áo có in hình phù hiệu gia tộc của người mặc. Trong khi kimono của thiếu nữ chưa chồng có ống tay áo dài thì Tomesode có ống tay áo ngắn hơn nhiều.
Tomesode có màu đen là màu chủ đạo ở thân áo, vạt áo được trang trí hoa văn
Đến cuối thời Minh Trị, cùng với sự du nhập các kiểu đầm dạ hội của phương Tây, người Nhật cho ra đời nhiều loại kimono phù hợp với phụ nữ đã lập gia đình bên cạnh Tomesode đen truyền thống. Họ gọi đó là Homongi, thiếu nữ và phụ nữ có chồng đều có thể mặc Homongi trong các cuộc viếng thăm theo nghi thức hay các bữa tiệc.
Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa Homongi và Tomesode là họa tiết trang trí trên Homongi được thể hiện khắp mặt vải từ tay áo, thân áo đến vạt áo. Phổ biến nhất là hình hoa và các sự vật trong tự nhiên. Phụ nữ thường chọn Homongi khi tham dự tiệc trà, tiệc họp mặt bạn bè, người thân.
Họa tiết trang trí trên Homongi được thể hiện khắp mặt vải
từ tay áo, thân áo đến vạt áo
Đối với người Nhật, kimono không đơn thuần là trang phục mà qua đó nó nói lên thân phận, địa vị của người mặc và hoàn cảnh, sự kiện mà họ tham dự.
Khí hậu Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt, dựa vào sự thay đổi thời tiết mà người Nhật có các loại kimono khác nhau. Từ tháng Giêng đến tháng 5, khí hậu lạnh giá, kimono được dùng trong thời điểm này là loại có vải lót dày bên trong.
Từ tháng 6 đến tháng 9, thời tiết nóng, người Nhật thường mặc kimono không cần vải lót, có tên gọi Hitoe. Đặc biệt vào những ngày đỉnh điểm của mùa hè, nhiệt độ tăng cao, loại kimono được may bằng vải mỏng và mát được ưa chuộng nhất.
Yếu tố thời tiết không chỉ quyết định chất liệu vải dùng để may kimono mà còn ảnh hưởng đến màu sắc của trang phục. Kimono mùa hè thường có màu sắc dịu mát, phổ biến nhất là xanh nhạt.
Một chiếc áo kimono nhìn bề ngoài có vẻ phức tạp nhưng thật ra đó là sự kết hợp rất đơn giản giữa các mảnh vải với nhau. Có tổng cộng 8 mảnh vải và người thợ may tất cả chúng lại với nhau để tạo ra một chiếc kimono hoàn chỉnh. Phương pháp may kimono rất đặc thù, người thợ không sử dụng máy may mà chỉ dựa vào các thao tác mang tính thủ công. Khi may kimono, người thợ may trên đường thẳng, ngay cả ở những vị trí vuông góc, đường may cũng đựa trên đường thẳng. Vì vậy, trước khi may họ cần xác định vị trí của đường chỉ may bằng các nếp gấp dài và góc cạnh. Ngoài ra, người thợ rất chú ý đến việc thể hiện vẻ đẹp hài hòa của hoa văn trên từng mảnh vải khi phối hợp chúng lại. Một chiếc áo kimono hoàn chỉnh là cả 1 quá trình lao động thủ công của nhiều người. Kimono không đơn thuần là trang phục truyền thống mà đó là tác phẩm nghệ thuật.
Những phụ kiện đi kèm khi mặc kimono cũng phong phú không kém. Trước tiên là dây vải dùng để buộc eo. Sau khi mặc kimono bên ngoài áo lót, người Nhật dùng những dây vải này thắt chặt phần eo để cố định trang phục. Vì kimono không có nút áo nên dây vải buộc eo giữ vai trò như một chiếc nút vững chắc.
Đối với những người có hình thể ốm, chiếc khăn tắm sẽ được dùng để lót thêm bên trong áo kimono, tác dụng của nó là giúp người mặc nhìn có vẻ đầy đặn hơn. Khăn lót chỉ dùng trong vài trường hợp cá biệt, không phổ biến.
Miếng lót dùng cho thắt lưng obi của kimono có ưu điểm là giúp phần obi phía trước bụng người mặc kimono được phẳng phiu, không nhăn nhúm.
Thông thường, một chiếc obi có chiều rộng 30cm, dài 4,2 mét. Đó là một tấm vải lụa dài được trang trí hoa văn cầu kỳ, lộng lẫy. Obi là niềm tự hào của các nghệ nhân trong ngành may mặc truyền thống Nhật Bản.
Nếu nhìn thoáng qua, nhiều người lầm tưởng obi là sản phẩm thêu thủ công nhưng thực chất, nó là tấm vải dệt. Khi dệt, người thợ phải sử dụng đến 4.100 sợi chỉ dọc trên khung dệt còn chỉ ngang là loại chỉ nhiều màu sắc và chúng giữ vai trò quyết định làm nổi bật các họa tiết trên tấm obi. Kỹ năng của người thợ dệt là khéo léo pha trộn các màu của sợi chỉ để cho ra hoa văn theo yêu cầu.
Tạo ra chiếc obi là sự kỳ công, và khi buộc nó trên kimono cũng công phu không kém. Người Nhật có nhiều cách buộc obi. Có hơn 100 cách buộc obi khác nhau.
Đặc trưng của kiểu buộc Bunko musubi là nhìn giống như bươm bướm đang rủ cánh. Bunko musubi là một trong những cách buộc obi phức tạp, người mặc kimono không thể tự làm được.
Bunko musubi có hình dạng một chú bướm đang rũ cánh
Trong khi đó, kiểu buộc Tateyanoji musubi lại mang hình dáng của một chiếc nơ lớn. Kiểu buộc này thường đi kèm với furisode, một loại kimono dành cho các thiếu nữ. Thông thường, cách buộc obi của các cô gái trẻ rất cầu kỳ.
Kiểu obi mang hình một chiếc nơ lớn
Kiểu buộc có tên gọi Fukura suzume lại thích hợp với thiếu nữ chưa có gia đình. Kiểu buộc obi của người Nhật phản ánh sự vật trong tự nhiên, ví dụ như hoa bướm hay chim chóc.
Taiko musubi là kiểu buộc obi được ưa chuộng nhất, nó đơn giản, phù hợp với phụ nữ đứng tuổi và cả các cô gái trẻ. Ngoài việc không kén tuổi tác, kiểu buộc obi này cũng không kén chọn kimono, nó có thể được kết hợp với bất kỳ loại kimono nào.
Trước khi phổ biến rộng rãi trong xã hội, taiko musubi là kiểu buộc obi do một số kỹ nữ Geisha nghĩ ra vào thế kỷ 19. Hình dáng ban đầu của nó giống như một lá bài ichimai karuta. Sau đó, nó được cải tiến, phần đuôi dài của obi được cuộn lên gọn gàng. Lúc này, taiko musubi có dáng dấp của một chiếc trống.
Taiko musubi
Hiện nay, giới Maiko, tức những cô gái học việc để trở thành geisha, sử dụng kiểu buộc obi đặc thù Darari musubi. Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết kiểu buộc obi này qua 2 tấm lụa dài phía sau lưng các cô. Trong quá khứ, darari musubi là kiểu buộc obi thịnh hành của các cô con gái của giới thương nhân giàu có. Thắt lưng obi không đơn giản dùng để trang điểm cho chiếc áo kimono, mà qua đó, người ta ngầm hiểu chủ nhân của chúng thuộc thành phần nào trong xã hội.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét