Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Kiribati là nước duy nhất trải dài trên bốn bán cầu

Ảnh: Supplied

Kiribati (tên chính thức Cộng hòa Kiribati) là quốc đảo trải dài trên diện tích khoảng 811 km2, nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, thuộc châu Đại Dương. Theo World Atlas, đây là quốc gia duy nhất có lãnh thổ nằm trên cả bốn bán cầu của trái đất, trong khi châu Phi là lục địa duy nhất được biết đến với đặc điểm địa lý tương tự.
Từ "hemisphere" (bán cầu) có nguồn gốc từ hēmisphairion trong ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại, dùng để chỉ một nửa của một vật thể hình cầu. Cách sử dụng hiện đại của thuật ngữ "bán cầu" thường biểu thị sự phân chia thế giới làm hai, bằng cách sử dụng vĩ độ hoặc kinh độ.
Đường xích đạo là vĩ độ phân chia thế giới thành bán cầu Bắc và bán cầu Nam, trong khi đường kinh tuyến gốc (0 độ) phân chia thế giới thành bán cầu Đông và Tây. Tuy nhiên, hai bán cầu Đông và Tây thường được sử dụng trong bối cảnh chính trị, văn hóa hơn là địa lý.
Lãnh thổ các quốc gia thường nằm trong một bán cầu, trừ một số ngoại lệ như Mali, Algeria và Pháp nằm ở hai bán cầu.
Kiribati trải dài trên cả bốn bán cầu, là nước duy nhất nằm ở hai phía của đường kinh tuyến 180 độ (cùng đường kinh tuyến gốc chia Trái Đất thành bán cầu Đông và bán cầu Tây. Ảnh: Brilliant Maps
Kiribati là nước duy nhất trải dài trên cả bốn bán cầu. Ảnh: Brilliant Maps
Kiribati từng chịu sự thống trị của Vương quốc Anh và giành được độc lập năm 1979. Quốc gia này sử dụng tiền tệ là đồng đôla Kiribati, tuy nhiên đôla Australia cũng được chấp nhận. Do thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên, Kiribati được xem là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới. Cá là mặt hàng xuất khẩu chính của đất nước.
Kiribati bao gồm 33 đảo san hô và rạn san hô trải rộng trên ba nhóm đảo: Gilbert, Phoenix và Line, nhưng chỉ 21 đảo có người sinh sống.
Thủ đô Kiribati là Nam Tarawa. Dân số cả nước tính đến năm 2018 là khoảng 120.000.

Quốc kỳ Kiribati có hình chim cốc biển

Theo Britannica, quốc kỳ Kiribati được treo lên lần đầu vào ngày 12/7/1979, khi đất nước giành được độc lập từ Anh. Thiết kế của nó dựa trên huy hiệu được trao cho các nhóm đảo vào năm 1937.
Tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều dài của lá cờ là 1:2. Ba sóng xanh và ba sóng trắng ở nửa dưới đại diện cho Thái Bình Dương. Phía trên là nền màu đỏ in hình Mặt Trời màu vàng và một con chim cốc biển địa phương. Tất cả chi tiết trên cờ đều thể hiện đặc điểm nhận biết quốc đảo. 
Quốc kỳ Kiribati. Ảnh: Radio NZ
Quốc kỳ Kiribati. Ảnh: Radio NZ

 Cây dừa gắn liền với đời sống người dân Kiribati

Cảnh quan trên mỗi hòn đảo ở Kiribati đều có bóng dáng cây dừa. Do đặc điểm sinh thái của đảo san hô, đây là một trong số ít loài cây có thể phát triển trên mảnh đất cằn cỗi, ít dinh dưỡng. Britannica thông tin, cùng với các thực phẩm từ rạn san hô và đại dương, dừa là nguyên liệu chính trong bữa ăn của người dân.
Không chỉ quả dừa, nhựa dừa ngọt lành, giàu vitamin được lấy từ cuống hoa cũng được ưa chuộng, sử dụng như thức uống dành cho trẻ em hoặc để làm siro. Khi để lên men, nó trở thành đồ uống có cồn.
Những đứa trẻ địa phương đùa nghịch trên cây dừa ở đảo Abaiang, Kiribati. Ảnh: Tara Expeditions
Những đứa trẻ địa phương đùa nghịch trên cây dừa ở đảo Abaiang, Kiribati. Ảnh: Tara Expeditions
Một số cây trồng khác ở Kiribati bao gồm khoai môn đầm lầy khổng lồ, sa kê, cọ Pandanus và cây vả (sung) bản địa.
Theo trang Every Culture, dù hàng hóa nhập khẩu như gạo, bột mì, bơ, cá và thịt đóng hộp ngày càng phong phú, thực phẩm địa phương vẫn là thành phần chính trong bữa ăn. Không phát triển nông nghiệp, người dân sống dựa vào nghề đánh bắt cá. Hải sản như tôm hùm đất, sò tai tượng rất phổ biến, có thể được nướng, chiên hoặc hấp.

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức ở Kiribati

Ngôn ngữ chính thức ở Kiribati là tiếng Gilbert và tiếng Anh. Do từng là thuộc địa của thực dân Anh, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở Kiribati cho đến ngày nay. Theo World Atlas, hầu hết trường học xem tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy. Các sự kiện và nghi lễ chính thức được tổ chức trong nước thường dùng tiếng Anh cho mục đích giao tiếp. Hầu hết công dân trên đảo cũng trò chuyện với du khách nước ngoài bằng ngôn ngữ này.  
Người dân Kiribati. Ảnh: Philosophical Investigations
Người dân Kiribati. Ảnh: Philosophical Investigations
Trong khi hơn 80% dân số thông thạo tiếng Anh, tiếng Gilbert của người bản địa vẫn giữ được bản chất, không giống nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới bị thay thế hoặc pha trộn bởi tiếng Anh trong quá trình toàn cầu hóa. Gần 90% người dân hiểu và nói trôi chảy tiếng mẹ đẻ, sử dụng ở nhà hoặc các địa điểm công cộng. Tiếng Gilbert rất độc đáo nhờ tuân theo cấu trúc câu "động từ - tân ngữ - chủ ngữ". Fiji hay quần đảo Solomon cũng sử dụng ngôn ngữ này do tương tác với Kiribati. 

Tôn giáo chủ yếu ở Kiribati là Kito giáo

Ngày nay, đại đa số dân chúng (khoảng 96%) Kiribati được xác định là tín đồ Kito giáo, theo World Atlas. Trong đó, 55,6% tự coi mình là người Giáo hội Công giáo Roma (một nhánh của Kito giáo) và 33,5% theo Kiribati Uniting Church, giáo phái được thành lập vào năm 1968 ở Kiribati. 
Nhà thờ Công giáo ở Bikenibeu, Tarawa, Kiribati. Ảnh: Leue Photo
Nhà thờ Công giáo ở Bikenibeu, Tarawa, Kiribati. Ảnh: Leue Photo
Ngoài ra, Bahá'í giáo đã được truyền bá cho dân cư của đảo quốc vào năm 1916, hiện thu hút 2,3% tín đồ. Nó là tôn giáo phổ biến thứ hai ở Kiribati.
Thùy Linh - Tổng hợp

Không có nhận xét nào: