Nguyễn Huy
Gần thủ đô Phnom Penh (Campuchia) có một ngôi làng "lạ" mang tên Xóm Cải và rất đậm đặc chất Việt Nam. Hầu hết người dân đều sinh ra trên đất nước Chùa Tháp nhưng từ trẻ nhỏ đến người lớn đều nói tiếng Việt nhuần nhuyễn.
Theo chân một đoàn du khách hành hương, tôi đến Campuchia vào một ngày đầu hạ năm 2018. Vào ngày cuối cùng ở thủ đô Phnom Penh, người dẫn đoàn thông báo sẽ đưa chúng tôi đến một nơi rất “lạ”: Nhà thờ Đức mẹ Mê Kông nằm trong Xóm Cải.
Xóm Cải... nhưng không ai trồng cải
Trên đường đi đến Xóm Cải, chúng tôi đi ngang qua một cây cầu gắn liền với chuyện buồn cách đây vài năm. Trong một lễ hội, rất đông người tập trung trên chiếc cầu này. Sự cố chập điện khiến đám đông hoảng loạn gây ra tình trạng giẫm đạp làm hàng trăm người thiệt mạng. Chính phủ đã đập bỏ chiếc cầu tang tóc ấy và xây cây cầu mới kề sát bên. Xe chạy thêm một đoạn đường ngắn thì dừng lại tại một bến phà lớn. Toàn bộ hành khách xuống xe đi bộ xuống chiếc phà có thể chứa khoảng 10 chiếc xe hơi 7 chỗ, vài chiếc tuk tuk và hàng trăm hành khách.
Phà khởi hành rời bến để sang bên kia sông. Trong lúc phà đang chạy, tôi phóng tầm mắt nhìn ra khoảng không gian rộng bao la. Trong ước tính của mình, chiều rộng của hai bờ sông nơi này lớn hơn hai bờ sông của bến phà Vàm Cống tại Long Xuyên, An Giang. Phà chạy được một lúc lâu tôi thấy xa xa là những chiếc ghe nhỏ. Gần hơn chút nữa, hiện ra trong tầm mắt là những ngôi nhà sàn nằm liền kề nhau dọc bờ sông. Dù chỉ cách nhau một con sông mà bờ bên kia thì sầm uất và hiện đại đậm nét đô thị, còn bờ mới đến mộc mạc giống hệt một vùng quê tỉnh lẻ.
Chúng tôi đi bộ một đoạn trên con đường đầy bụi thì bắt gặp rất nhiều hàng quán vỉa hè bán thức ăn truyền thống Campuchia. Người dẫn đoàn ra hiệu rẽ bên trái vào một con hẻm nhỏ. Tôi quan sát hai bên đường thấy nhiều ngôi nhà sàn có nét kiến trúc rất giống những ngôi nhà sàn của miền Tây sông nước miệt An Giang quê tôi. Đi một đoạn nữa, tôi bắt gặp một đám trẻ tầm 9 -12 tuổi đang chạy nhảy nô đùa. Thật ngạc nhiên chúng nói với nhau bằng một ngôn ngữ, và chất giọng vô cùng quen thuộc. Đó là giọng nói của người miền Tây nam bộ của Việt Nam.
Tôi giật mình, đứng lại để lắng nghe xem mình có nhầm lẫn hay không. Đám trẻ tiếp tục nói với nhau bằng tiếng Việt. Tôi nhìn quanh quất bốn bề. Tôi từng nghe nhiều về các ngôi làng Việt Nam tại Campuchia, nhưng không thể ngờ rằng nét Việt Nam chốn này đậm đặc đến thế. Chúng tôi đi một đoạn nữa thì đến nhà thờ, trên cổng chính có một tấm biển ghi dòng chữ: Giáo xứ nữ vương Hòa Bình. Cả đoàn lần lượt vào nhà thờ, còn tôi vì chưa hết tò mò nên vẫn đứng bên ngoài nhìn quanh quất. Tôi bắt gặp một người đàn ông ngoài 60 tuổi đang ngồi trong quán nước gần cổng nhà thờ. Tôi tiến đến gần ông, chào làm quen.
Người đàn ông ngoài 60 bắt tay tôi một cách niềm nở và thân thiện. Ông giới thiệu tên thân mật là Chú Bảy, là người giúp cha xứ cai quản con chiên trong giáo xứ nữ vương Hòa Bình. Giọng nói của ông rặc miền Tây nam bộ Việt Nam. Theo Chú Bảy, ông sinh ra tại Xóm Cải còn cha mẹ ông từ Việt Nam di cư sang đây hồi năm nào chú chẳng rõ. Chú Bảy cho biết: “Người Việt sống tại Xóm Cải này từ khi nào tôi chẳng nhớ nổi. Vì sao có cái tên Xóm Cải thì tôi chẳng rõ nhưng từ khi tôi biết nhận thức, bà con nơi này sống bằng nghề buôn bán, làm thuê, hoặc chài cá chứ không ai làm nghề trồng cải”.
“Không biết vì lý do gì mà thế hệ ông bà và cha mẹ chúng tôi dù rất giỏi tiếng Campuchia nhưng họ đều giữ gìn tiếng Việt. Họ dạy chúng tôi nói tiếng Việt, và nhiều phong tục tập quán của Việt Nam như đám cưới, đám ma, giỗ chạp và nhiều hoạt động ngày tết. Cứ thế đời này truyền sang đời nọ. Dù có nhiều người chưa từng đặt chân về Việt Nam, họ nói tiếng Campuchia chuẩn thủ đô, nhưng nếp sống của họ chẳng khác nào người Việt tại quê nhà”, Chú Bảy nói.
Chuyện kể về Nhà thờ Đức mẹ Mê Kông
Nhiều tháng sau, tôi có dịp quay lại thủ đô Phnom Penh. Tôi tranh thủ quay lại ghé thăm Xóm Cải. Lúc tôi đến, trong xóm đang diễn ra một đám cưới. Cổng cưới đề tiếng Campuchia nhưng cách trang trí vừa có nét Campuchia vừa có nét Việt Nam. Tò mò, tôi xin vào xem đám cưới. Tôi lại gặp Chú Bảy trong bữa tiệc. Chú nói muốn xem kỹ nghi thức đám cưới thì hãy vào trong.
Hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là một nền vải đỏ, lót một phần tư là tấm vải trắng. Trên nền vải trắng ghi rõ dòng chữ Việt: Lễ vu quy phía trên và tên cô dâu chú rể phía dưới. Chú rể và cô dâu quỳ dưới sàn nhà còn người lớn ngồi trên ghế để phát quà và tiền cho tân nương và tân lang. Nghi thức đám cưới tại đây giống gần như 100% nghi thức đám cưới tại Việt Nam.
Rồi tôi theo chân Chú Bảy vào nhà thờ cầu nguyện bình an. Lúc này, tôi mới có thời gian đọc kỹ những dòng chữ ghi trên tường. Đó là câu chuyện kể về xuất xứ của nhà thờ Đức mẹ Mê Kông. Cách đây nhiều năm, một người đàn ông gốc Việt nằm mơ thấy có người báo mộng rằng dưới lòng sông Tonle Sap gần Xóm Cải có một bức tượng. Người trong mộng thúc giục người đàn ông hãy vớt bức tượng lên. Người đàn ông ấy đã thuê thợ lặn làm việc nhiều ngày. Cuối cùng thợ lặn vớt lên được hai bức tượng đức mẹ Maria bằng đồng. Ông tự nguyện hiến hai bức tượng đức mẹ cho người dân Xóm Cải. Người dân dựng hai bức tượng trong nhà thờ lá và đặt tên là Nhà thờ Đức mẹ Mê Kông.
Theo Chú Bảy, câu chuyện về giấc mộng ấy lan truyền rất nhanh. Nhiều người từ phương xa đến đây cầu nguyện xin Đức mẹ ban cho sức khỏe và an lành. Theo thời gian, danh tiếng Nhà thờ Đức mẹ Mê Kông ngày càng lan xa. Dưới sự trợ giúp của nhiều người, giáo dân Xóm Cải đã biến ngôi nhà thờ lá ngày xưa thành nhà thờ tường gạch trông khá vững chãi và tươm tất như ngày nay.
Cha xứ và các sơ trong nhà thờ đều từ Việt Nam sang. Bên cạnh việc dạy kinh thánh, những người hành tu còn dạy tiếng Việt cho trẻ nhỏ. Nhờ vậy, nhiều người không chỉ biết nói mà còn viết thành thạo tiếng Việt. Chính nhà thờ này, cùng với ý thức có sẵn trong mỗi người dân, đã góp phần lưu giữ nhiều giá trị và tâm hồn Việt.
Tôi rời Xóm Cải khi ánh nắng chiều nhạt dần. Nếu không có lá cờ của vương quốc Campuchia treo trên nóc phà, nếu không có những chiếc xe tuk tuk đặc thù Campuchia, nếu không nghe ngôn ngữ địa phương mà những hành khách xung quanh đang nói chuyện với nhau thì hẳn tôi sẽ nghĩ rằng mình đang đi trên chuyến phà ngang ở vùng miền Tây sông nước quê tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét