Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Algeria có diện tích lớn nhất châu Phi

Algeria nằm ở Bắc Phi, có chung biên giới với Tunisia ở phía đông bắc, Libya ở phía đông, Niger phía đông nam, Mali và Mauritanie phía tây nam, Morocco và Tây Sahara ở phía tây. Alger (hay Algiers) là thủ đô đồng thời là thành phố lớn nhất quốc gia.
Bản đồ lãnh thổ Algeria. Ảnh: Pinterest
Bản đồ lãnh thổ Algeria. Ảnh: Pinterest
Dân số hiện tại của Algeria là hơn 42,2 triệu (theo Worldometers), kém xa so với nước đông dân nhất châu Phi là Nigeria với khoảng 198 triệu. Tuy nhiên, theo World Atlas, Algeria là quốc gia rộng lớn nhất châu Phi và lớn thứ 10 thế giới, với hơn 2.380.000 km2.
Vùng lãnh thổ rộng lớn cùng vị trí địa lý đem lại cho Algeria nhiều tài nguyên thiên nhiên như dầu lửa, khí đốt, sắt, than, đồng, chì, kẽm; và nhiều dạng địa hình giúp thu hút khách du lịch.

Sa mạc chiếm hơn 85% diện tích Algeria

Phần lớn Algeria được bao phủ bởi Sahara - sa mạc lớn nhất thế giới. Theo Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam, 87% trong tổng số gần 2,4 triệu km2 diện tích Algeria là sa mạc. Còn theo World Atlas, con số này lên tới trên 90%.
Những chú lạc đà chở du khách trên sa mạc Sahara ở Algeria. Ảnh: Viral Creek Travel
Những chú lạc đà chở du khách trên sa mạc Sahara ở Algeria. Ảnh: Viral Creek Travel
Ngoài thủ đô Alger và các địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới như Timgad hay Tipasa, du khách đến Algeria không thể bỏ qua chuyến đi tới sa mạc Sahara với những địa điểm nổi tiếng như "Ốc đảo đỏ" Timimoun - nơi mọi thứ từ đất sét, cát đến các công trình xây dựng đều mang những gam màu đỏ; hay thung lũng Mzab - nơi có nhiều ngôi nhà cổ xưa được xây dựng như những giếng trời với lối kiến trúc độc đáo cùng một số thị trấn khác.
Theo Inspirock, để chuẩn bị cho cuộc hành trình trên sa mạc đầy cát, nắng nóng và không có cây cối trên sa mạc Sahara thuộc lãnh thổ Algeria, du khách cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn trùm đầu và đủ nước để hạ nhiệt. Trùm khăn cưỡi lạc đà hay đi xe jeep để ngắm nhìn những cồn cát, khung cảnh đẹp như tranh vẽ ở sa mạc Sahara trong lãnh thổ Algeria là trải nghiệm thú vị.

Cáo fennec được coi là loài vật biểu tượng của Algeria

Theo trang Algeria.com, cáo fennec (cáo tai to châu Phi, cáo sa mạc) là loài vật biểu tượng của Algeria. Biệt danh của đội tuyển bóng đá quốc gia Algeria được đặt theo tên loài cáo này - Les Fennecs.
Cáo fennec chạy trên sa mạc ở Algeria. Ảnh: Youtube
Cáo fennec chạy trên sa mạc ở Algeria. Ảnh: Youtube
Cáo fennec phân bố chủ yếu ở vùng sa mạc Sahara thuộc Bắc Phi. Điểm đặc biệt dễ nhận biết nhất ở loài này là đôi tai lớn bất thường có chức năng tản nhiệt để thích nghi với môi trường khắc nghiệt ở sa mạc. Ngoài ra, nó còn giúp cáo fennec dễ dàng phát hiện con mồi.
Ngoài đôi tai, cáo fennec còn có một số đặc điểm như khá nhỏ, chỉ dài từ 24 đến 41 cm, trọng lượng chưa tới 1,6 kg. Nó bộ lông màu kem, là động vật có cuộc sống về đêm, ban ngày thường ẩn nấp trong hang, hốc đá hay bụi cây bởi chim ăn thịt là mối đe dọa chính đến sự sống còn của chúng.

Quốc kỳ Algeria có cả hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao

Quốc kỳ Algeria gồm ba màu xanh lá cây, trắng và đỏ, trong đó nền cờ được chia thành hai phần bằng nhau, phần gần cán cờ có màu xanh, còn lại màu trắng. Ở ranh giới hai phần có hình biểu tượng mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao năm cánh màu đỏ.
Quốc kỳ Algeria. Ảnh: AA
Quốc kỳ Algeria. Ảnh: AA
Theo World Atlas, lá cờ này được thông qua vào ngày 3/7/1962, ngay trước ngày độc lập. Trăng lưỡi liềm, ngôi sao và màu xanh lá cây là biểu tượng cho đạo Hồi, tôn giáo quốc gia của Algeria (khoảng 90% dân số nước này theo đạo Hồi).
Một số tài liệu khác cho rằng màu xnah lá cây ở nền cờ tượng trưng cho hy vọng, màu trắng biểu thị cho sự thuần khiết và hòa bình, màu đỏ của trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho tinh thần cách mạng.

Vua Hàm Nghi từng bị Pháp đày tới Algeria

Vua Hàm Nghi, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, lên ngôi vào năm 1884, khi mới 13 tuổi. Là vua yêu nước, từng hai lần ra dụ Cần Vương động viên, hô hào nhân dân chiến đấu với giặc Pháp vì sự nghiệp giúp vua cứu nước, vua Hàm Nghi bất ngờ bị hầu cận phản bội, bắt và giao nộp cho quân Pháp vào năm 1888 rồi đưa vào Sài Gòn.
Ngày 13/12/1888, từ Sài Gòn, vua Hàm Nghi được đưa xuống chiếc tàu mang tên Biên Hòa vượt đại dương đi Bắc Phi. Tới ngày 13/1/1889, ông được đưa đến thủ đô Alger của Algeria, lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp. Khi ấy, vua mới 18 tuổi.
Đám cưới vua Hàm Nghi ở Algeria. Ảnh tư liệu
Đám cưới vua Hàm Nghi ở Algeria. Ảnh tư liệu
Theo sách Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn, trong thời gian bị lưu đày ở Algeria, Hàm Nghi (khi đó là cựu hoàng) được người dân quý trọng vì họ đánh giá cao tinh thần yêu nước của ông. Ở nơi đất khách quê người, cựu hoàng Hàm Nghi vẫn luôn mặc khăn đóng áo dài theo lối quốc phục của Việt nam. Tại đây, ông có một vài người bạn thân là nữ nhà văn hay con gái của viên đại tá Tư lệnh.
Ngày 4/11/1904, cựu hoàng lúc đó 33 tuổi, cưới bà Marcelle Aimée Léonie Laloe, con gái của chánh án tòa Thượng thẩm thủ đô Alger. Đám cưới của cựu hoàng là sự kiện được nhiều người quan tâm lúc bấy giờ. Ông cùng bà Laloe có ba người con là công chúa Như Mai, Như Lý và hoàng tử Minh Đức.
Vua Hàm Nghi qua đời vào ngày 4/1/1943 (một số tài liệu viết là 14/1/1944) ở biệt thự Gia Long, thủ đô Alger. Năm 1965, hài cốt của ông được con gái thứ hai là công chúa Như Lý dời qua Pháp, đặt tại nghĩa trang Thonac.

Dương Tâm - Tổng hợp

Không có nhận xét nào: