Ngoài cây thông, tuyết và ông già Noel, các nước trên thế giới còn trang hoàng cho dịp lễ Giáng sinh của mình bằng những món đồ trang trí rất độc đáo, đậm nét văn hóa riêng.
Brazil: Đất nước rộng lớn nhất Nam Mỹ trong mùa Giáng sinh năm nay rất chuộng những màu sắc sặc sỡ. Thậm chí những chiếc xe buýt tại Sao Paulo cũng được làm nổi bật bằng đèn neon. Dòng chữ "Feliz Natal" hiện trên đầu xe trong tiếng Bồ Đào Nha mang nghĩa là "Giáng sinh vui vẻ". Ảnh: Cris Faga.
Colombia: Ở thành phố Cali, các gia đình có truyền thống thắp nến trong nhà và ngoài đường phố vào Ngàycủa những cây nến nhỏ (Día de las Velitas) để bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức mẹ Đồng trinh Mary. Tại các nghĩa trang, họ còn trang trí mộ của người thân với nến, hoa và đèn lồng lung linh. Ảnh: Public Domain.
Đan Mạch: Vườn Tivoli ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, là một địa điểm vui chơi rất được người dân Đan Mạch và du khách ưa chuộng. Giáng sinh nào, nơi đây cũng được trang hoàng rất lộng lẫy. Vì thế, công viên này nhanh chóng trở thành điểm đến phổ biến trong những ngày lễ. Ảnh: The Wanderblogger.
Ai Cập: Người theo đạo Thiên Chúa chỉ chiếm 10% tổng dân số của Ai Cập, nhưng điều đó không ngăn họ tận hưởng việc trang trí và ăn mừng ngày lễ Giáng sinh như người dân các nước khác trên thế giới. Trong ảnh là một quầy hàng bán đồ Giáng sinh thuộc quận Shubra, Cairo, nơi tập trung rất nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo. Ảnh: Mostafa Sabry.
Thụy Điển: Hàng nghìn ánh đèn đã được sử dụng để trang trí cho những chú nai trưng bày ở thủ đô Stockholm. Vào những ngày Giáng sinh, cả thủ đô của Thụy Điển sẽ sáng rực với hơn 30 con đường, trung tâm và khu mua sắm được trang trí bởi nai, ông già Noel và cây thông lung linh. Ảnh: Jonathan Nackstand.
Hy Lạp: Trong hình là một con tàu truyền thống được trang trí nhân dịp Giáng sinh đang đỗ tại vịnh Thermaic, thành phố Thessaloniki vào lúc hoàng hôn. Người dân Hy Lạp chuộng trang trí thuyền vào dịp Giáng sinh hơn là trang trí cây thông theo truyền thống. Ảnh: Sakis Mitrolidis.
Ấn Độ: Hình nộm ông già Noel chơi kèn Saxophone được bày bán ở một cửa hàng tại Navi Mumbai. Tín đồ Thiên Chúa giáo chỉ chiếm 2,3% dân số Ấn Độ, gần 28 triệu người. Ảnh: Bachchan Kumar.
Philippines: San Fernando là nơi sinh ra những chiếc đèn lồng Giáng sinh khổng lồ của người Philippines và là địa điểm tổ chức Lễ hội Đèn lồng khổng lồ (Ligligan Parul) hàng năm. Mỗi tác phẩm đèn này cao gần 6 m và được trang trí bởi hơn 5.000 chiếc đèn nhỏ. Ảnh: Estan Cabigas.
Nga: Trong hình là một quả châu trang trí bị đóng băng ở Quảng trường Manezhnaya, Moscow. Giáo hội Nga vẫn sử dụng lịch Julian, nên Giáng sinh của những người theo đạo Thiên Chúa ở Nga sẽ diễn ra vào ngày 7/1 hàng năm, thay vì vào ngày 24/12 như trên khắp thế giới. Ảnh: Valery Sharifulin.
Thành phố Vatican: Truyền thống trang trí Giáng sinh hàng năm của thành phố Vatican là một hang đá nằm cạnh cây thông khổng lồ trên Quảng trường Thánh Peter. Năm nay, hang đá được thiết kế bởi nghệ sĩ Manuel Grech, mang thông điệp thương tiếc những người di cư bị chìm tàu ở vùng biển Địa Trung Hải. Ảnh: Paul Haring/CNS.
Kenya: Đây là một ban nhạc ông già Noel được trưng bày tại thủ đô Nairobi, Kenya, châu Phi. Tại Kenya, nhà cửa và nhà thờ vào dịp Giáng sinh thường được trang trí với bong bóng, ruy băng, giấy và hoa lá đầy màu sắc. Ảnh: Simon Maina.
Mexico: Trong hình là những ngôi sao đầy màu sắc được bày bán tại một khu chợ ở Mexico. Các vật trang trí Giáng sinh phổ biến ở đây bao gồm cây trạng nguyên, tượng trang trí và vật dụng cho bàn ăn. Ảnh: David Gannon.
Anh: Vào dịp Giáng sinh, người Anh thường rất thích nhìn ngắm những món hàng được trưng bày tại cửa sổ của hệ thống bán lẻ Harrods. Cứ vào ngày lễ, đám đông sẽ lại kéo nhau đến cửa hàng để xem năm nay chủ đề trang trí là gì. Ảnh: Heather Berrisford.
Phi Đan
Theo CNN
Choáng với những kiểu đón Giáng sinh 'độc nhất vô nhị' trên thế giới
Không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp nơi và có những đất nước có cách đón dịp này "độc nhất vô nhị".
Thay vì tặng nhau những tấm thiệp màu đỏ như nhiều nước khác, mùa Giáng sinh người Nhật tặng nhau tấm thiệp chúc mừng màu trắng như những bông tuyết, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trong sạch.
Theo truyền thuyết ở các nước Áo, trong đêm Giáng sinh, ác quỷ Krampus sẽ bắt những trẻ em hư bỏ vào túi và đem về hang ổ của mình. Ngày nay, vào đêm Giáng sinh nhiều người thích thú với việc hóa trang thành ác quỷ Krampus và đi dọa những người yếu tim.
Tại Ấn Độ, chỉ khoảng 2,3 % dân số theo đạo Thiên chúa, nhưng bởi dân số hơn 1 tỉ người nên số người theo đạo lên tới 25 triệu. Cũng như mọi nơi khác trên thế giới, Giáng sinh là thời gian sum vầy và tặng quà nhưng chỉ có điều, người Ấn Độ không trang trí cây thông. Thay vào đó, họ trang trí cây chuối hoặc xoài. Người dân thậm chí còn sử dụng lá của những cây này để trang trí nhà của họ.
Trước Giáng sinh, người dân tại Catalonia (Tây Ban Nha) sẽ trang trí một khúc gỗ nhỏ như một nhân vật hoạt hình với chiếc mũ xinh xắn và miệng cười thật tươi. Khúc gỗ sinh động này xuất hiện trong mỗi gia đình vào khoảng hai tuần trước lễ Giáng sinh và được chăm sóc một cách đặc biệt với khẩu phần ăn hàng ngày, gồm bánh kẹo và hoa quả. Vào đêm Giáng sinh, các thành viên trong gia đình sẽ dùng chiếc gậy đánh vào nhân vật bằng gỗ này và cùng nhau ngân nga bài hát mừng Giáng sinh truyền thống.
Ngôi làng Bischofswiesen, Đức, người dân thường đeo mặt nạ quỷ và bó cỏ khô quanh người để đi khắp làng dọa hàng xóm vào đêm Giáng sinh.
Mặc quần đùi và đội một chiếc mũ đỏ của ông già Noel rồi chạy xuống biển nô đùa với những con sóng là cách đón Giáng sinh rất riêng của những người đàn ông ở Brighton, Anh.
Venezuela bắt đầu đón giáng sinh từ ngày 16/12 bằng một nghi lễ sáng sớm có tên Misa de Aguinaldo, mọi người đến dự bằng cách trượt patin. Các đường phố bị chặn cho tới 8h sáng để đảm bảo an toàn cho các tay trượt patin. Ngoài ra, trước khi đi ngủ đêm hôm trước, những đứa trẻ trong thị trấn còn buộc một sợi dây vào ngón chân cái rồi buộc đầu sợi dây vào cửa sổ. Những người đi lễ về ngang qua sẽ giật sợi dây để đánh thức bọn trẻ.
Người dân ở đất nước Phần Lan có tục lệ đi tắm hơi trước khi ông già Noel đến. Trong đêm Noel, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên bữa tối với các món ăn truyền thống gồm có thịt heo bỏ lò, khoai tây nghiền, cá hồi, cháo đặc và gà tây. “Joulupukki” - ông già Noel Phần Lan, luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính. Vào dịp này, hầu hết mọi người đều đến nhà thờ, sau đó đi thăm mộ những người thân trong gia đình, để tưởng nhớ những người đã khuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét