Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Tanzania sở hữu ngọn núi cao nhất châu Phi

Tanzania, tên đầy đủ là Cộng hòa Thống nhất Tanzania, là quốc gia nằm ở bờ biển phía đông châu Phi, giáp Kenya, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Zambia, Malawi, Mozambique và Ấn Độ Dương. Diện tích Tanzania là khoảng 947 nghìn km2. Dân số gần 54 triệu người. Thủ đô là Dodoma.
Bản đồ Tanzania. Ảnh: Geology
Bản đồ Tanzania. Ảnh: Geology
Tanzania sở hữu Kilimanjaro - ngọn núi cao nhất châu Phi và được mệnh danh là "nóc nhà" châu Phi. Đây đồng thời là một trong bảy ngọn núi cao nhất thế giới. Theo World Atlas, ngọn núi này cao 5.895 m so với mực nước biển.
Kilimanjiro thuộc công viên quốc gia núi Kilimanjaro – nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987. Nó được hình thành hàng triệu năm về trước, gồm ba miệng núi lửa là Kibo, Mawenzi và Shira. Các dư chấn gần nhất của ngọn núi này là cách đây khoảng 200 năm. 
Kilimanjiro là đỉnh núi được những người ưa khám phá, chinh phục yêu thích. Nhóm leo núi đầu tiên chinh phục ngọn núi này vào ngày 6/10/1989 đến từ Áo

Tanzania là sự hợp nhất của hai quốc gia

Tanzania được hình thành sau khi hai quốc gia Tanganyika và Zanzibar hợp nhất.
Theo Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào những năm 700 trước Công nguyên, vùng lãnh thổ Tanganyika bị thương nhân Arab xâm chiếm. Từ năm 1500 đến năm 1700, Bồ Đào Nha giành quyền kiểm soát ven biển của Tanganyika. Đến năm 1886, Tanganyika trở thành thuộc địa của Đức ở Đông Phi. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Tanganyika bị Anh tiếp tục cai trị nhưng do phong trào đấu tranh mạnh mẽ, ngày 9/12/1961, thực dân Anh buộc phải trao trả độc lập cho Tanganyika.
Còn Zanzibar bị người Arab chiếm từ thế kỷ 12 trở về trước. Đến thế kỷ 15, nước này cũng bị Bồ Đào Nha chiếm và biến thành một trạm trung chuyển hàng hóa. Thế kỷ 19, người Arab (Oman) hất chân thực dân Bồ Đào Nha và đặt ách thống trị ở đây. Năm 1861, Zanzibar bị rơi vào tay Đức và Italy suốt nửa thế kỷ. Đến năm 1890, nước này bị đặt dưới sự bảo trợ của đế quốc Anh. Cuối năm 1963, Anh buộc phải trao trả độc lập cho Zanzibar và đầu năm sau, Cộng hòa nhân dân Zanzibar được lập nên.
Ngày 26/4/1964, Cộng hòa Thống nhất Tanzania được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tanganyika (trên đất liền) và Zanzibar (quần đảo ngoài khơi). Zanzibar trở thành khu vực bán tự trị thuộc Tanzania, có chính phủ và quốc hội riêng.

Quốc kỳ Tanzania có đường chéo

Theo World Atlas, lá cờ Tanzania được thông qua vào năm 1964, sau khi Tanganyika và Zanzibar thống nhất thành Tanzania. Màu xanh lá cây và màu đen được lấy từ lá cờ Tanganyikan gốc. Màu xanh nước biển được lấy từ lá cờ Zanzibar.
Quốc kỳ Tanzania. Ảnh: Habarileo
Quốc kỳ Tanzania. Ảnh: Habarileo
Theo Britannica, các màu sắc trên cờ Tanzania được kết hợp theo đường chéo để tạo tính khác biệt. Trong đó, các sọc đen tượng trưng cho người dân Tanzania. Màu xanh lá cây tượng trưng cho đất - nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú. Màu vàng phản ánh nguồn khoáng sản giàu có. Còn màu xanh nước biển tượng trưng cho biển Ấn Độ Dương, nơi Tanzania tiếp giáp.

Hươu cao cổ là biểu tượng của Tanzania

Hươu cao cổ là biểu tượng quốc gia của Tanzania và được luật pháp nước này bảo vệ. Những người làm hại hươu cao cổ có thể bị giam giữ.
Những chú hươu cao cổ ở Tanzania. Ảnh: Marie Claire
Những chú hươu cao cổ ở Tanzania. Ảnh: Marie Claire
Hươu cao cổ là động vật trên cạn cao nhất thế giới (cao tới 5-6m khi đứng). Chúng sinh sống rải rác khắp các đồng cỏ và rừng thưa ở châu Phi.
Hươu cao cổ có cổ dài, có thể tới hơn 2m. Nhờ đó, chúng có thể ăn lá non trên cành cây cao, nơi những động vật khác không thể với tới và có khả năng nhìn xa trông rộng, bao quát mọi thứ xung quanh. Người Tanzania luôn ghi nhớ đặc tính này để nhắc nhở bản thân nâng cao sự hiểu biết bằng cách nhìn cuộc sống từ mọi góc độ.
Bên cạnh đó, hình ảnh hươu cao cổ cũng nhắc người Tanzania vận dụng linh hoạt, hài hòa hai yếu tố thể chất và tinh thần, trang Tanzania Zalendo thông tin.

Hồ Victoria có một phần thuộc Tanzania

Hồ Victoria là hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi và lớn thứ hai thế giới với diện tích 69.000 km2. Hồ nằm trên lãnh thổ của ba quốc gia Uganda, Kenya và Tanzania. Trong đó, phần nằm ở Tanzania là nửa phía nam của hồ.
Những chú hà mã trong hồ Victoria ở Tanzania. Ảnh: Tanzania Safari Private Tour
Những chú hà mã trong hồ Victoria ở Tanzania. Ảnh: Tanzania Safari Private Tour
Nguồn nước cung cấp chủ yếu cho hồ Victoria là nước mưa. Độ sâu trung bình của hồ khoảng 40m. Hồ Victoria hỗ trợ cuộc sống cho khoảng 30 triệu dân, theo WWF. Đây là địa điểm du lịch thú vị khi đến Tanzania, giúp du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương ở các thị trấn Bukoba, Musoma, Mwanza ven hồ. Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể thăm nhiều khu bảo tồn hoang dã, ngắm nhìn nhiều loài động vật đặc trưng của châu Phi khi đến hồ Victoria.
Tuy nhiên, theo WWF, hồ Victoria đã và đang phải đối mặt với một số vấn đề môi trường như ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, phá hủy môi trường sống và xói mòn đất. Ước tính, các loài cá bản địa của hồ đã bị giảm 80% và hơn 70% diện tích rừng trong khu vực lưu vực hồ bị mất. Ngoài ra, chất lượng nước cũng giảm, hệ sinh thái ngày càng suy thoái.
Dương Tâm - Tổng hợp

Không có nhận xét nào: