Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Nơi người dân nói không là có, muốn nhưng vẫn lắc đầu

Khi Julihana Valle trả tiền taxi ở thủ đô Tehran (Iran), người lái xe đã từ chối hai lần cùng nụ cười tươi tắn khiến nữ nhà báo không hiểu chuyện gì đang xảy ra.


"Số tiền 250.000 rial đó (180.000 đồng) chúng tôi đã thỏa thuận từ trước khi lên xe, nhưng lúc trả tiền thì người lái taxi lại không nhận và từ chối đến hai lần. Cuối cùng, tôi cũng đưa được tiền cho anh ấy và xuống xe nhưng trong đầu vẫn không hiểu điều kỳ lạ gì đang diễn ra", cây viết Julihana Valle của BBC, nhớ lại.
"Người lái xe chỉ đang thể hiện sự tôn trọng đối với khách thôi mà. Và anh ấy đang taaroof cậu đấy", Reza, bạn của Valle cười. "Tất nhiên là anh ấy mong đợi nhận được tiền của cậu chứ. Nếu lần sau có ai từ chối, cậu nên nhấn mạnh và trả họ nhiệt tình hơn nữa".
Vốn quá quen thuộc với việc ai đó thích là nói thích, không là không nên Valle khá bất ngờ với lời giải thích của người bạn khi cô tới Iran du lịch.
Video trên là một minh họa về văn hóa taaroof của người Iran. Người khách trẻ mời người đàn ông mặc áo đỏ bước vào phòng trước, vì ông lớn tuổi hơn. Nhưng người đàn ông này lại từ chối luôn miệng và để cậu khách trẻ vào trước.
Không chỉ Valle, rất nhiều du khách khi đến Iran đều bất ngờ trước văn hóa taaroof của người dân. Với người Iran, taaroof là cử chỉ thể hiện sự kính trọng, mến khách, thường mang ý nghĩa từ chối. Ví dụ như người bán hàng sẽ từ chối nhận tiền của khách có địa vị cao trong xã hội và người mua muốn mang món đồ đó đi phải kiên quyết trả tiền. Người bán sẽ từ chối nhiều lần trước khi chấp nhận.
noi-nguoi-dan-noi-khong-la-co-muon-nhung-van-lac-dau
Do truyền thống mến khách của người Ba Tư, du khách khi đến Iran được đối xử như hoàng tộc. Ảnh: BBC.
Quy tắc bất thành văn của taaroof chính là việc từ chối nhận cái gì đó 2 đến 3 lần. Do đó, nhiều người đã rất bất ngờ khi người dân nước này từ chối hoặc nói "không", nhưng thực chất, nó lại có nghĩa là "có". Cũng như vậy, khi bạn muốn tìm một thứ gì đó, thay vì nói "không có", người dân sẽ trả lời bạn rằng: "tôi ước gì nó có ở đây".
"Thông thường, tôi sẽ không taaroof với người thân trong gia đình mình. Nhưng với người khác, thì mọi thứ lại không như vậy. Ví dụ như được một người bạn mời đến nhà ăn tối, tôi sẽ từ chối khi họ ngỏ ý muốn lấy thêm đồ ăn, dù tôi có thể ăn thêm. Làm điều này đến lần thứ 3, tôi sẽ nhận phần thức ăn được lấy thêm. Đến cuối bữa ăn, tôi sẽ xin lỗi chủ nhà vì mời tôi ăn, đôi bàn tay của họ sẽ vất vả. Và họ nói rằng, đó là điều rất vinh hạnh. Đây chính là phong tục của chúng tôi", một người dân bản địa cho biết.
noi-nguoi-dan-noi-khong-la-co-muon-nhung-van-lac-dau-1
Trên ảnh là di tích Persepolis, một trong những địa điểm hút khách ở Iran. Ảnh:BBC.
Giáo sư nhân chủng học William O Beernan của đại học Minnesota, Mỹ cho biết, trong một xã hội phân chia giai cấp và coi trọng thứ bậc như Iran, hành vi taaroof này góp phần làm ổn định xã hội. "Khi cả hai làm điều này, họ đã đạt được sự bình đẳng".
"Trong văn hóa của chúng tôi, sẽ được coi là bất lịch sự nếu thể hiện bản thân hay đề cập đến mọi vấn đề một cách trực tiếp. Những lời nói tốt luôn rất quan trọng", nghệ sĩ Iran Fereshteh Najafi giải thích cho hành động "nói không là có này" của phần lớn người dân.
Bên cạnh sự thể hiện lịch sự một cách "hơi quá" theo nhận xét của nhiều du khách, thì người dân Iran cũng được đánh giá cao về sự nhiệt tình. Khi bạn hỏi đường, thay vì đứng đó chỉ trỏ, họ sẽ dẫn bạn đến tận nơi.

Anh Minh 

Không có nhận xét nào: