Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Iran – Quảng trường Naghsh-i Jahan (1979)

Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Quảng trường Naghsh-i Jahan, Esfahan của Iran là Di sản văn hóa năm 1979.
Quảng trường Naghsh-i Jahan. Iran
Quảng trường Naghsh-i Jahan còn có tên gọi phổ biến khác là quảng trường Imam nằm tại trung tâm thành phố Esfahan của Iran. Đây là một trong những quảng trường thành phố lớn nhất trên thế giới và lớn nhất tại khu vực Tây Á. Quảng trường này được bao quanh bởi các toà nhà lịch sử có từ thời kỳ Safavid như Nhà thờ Hồi giáo Shah; Cung điện Ali Qapu; Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotf Allah….
Thành phố Esfahan nằm cách Tehran 340km về phía nam, đây là thành phố lớn thứ 3 tại Iran sau Tehran và Mashhad. Thành phố có dân số khoảng gần 2 triệu người là vùng đô thị đông dân thứ nhì tại Iran.
Người Ba Tư cổ có câu thành ngữ: Esfahan là một nửa thế gian (Esfahan nest-e jahan ast). Thăm thú cố đô này, du khách hầu hết thường đi bộ để có thời gian ngắm nhìn những công trình tuyệt đẹp ở đây. Không có du khách nào đến Esfahan mà lại bỏ qua quảng trường Naghsh-i Jahan, không phải vì đây là một di sản thế giới mà lý do quan trọng nhất là cảnh sắc tại đây quá đẹp. Quảng trường được khởi công từ năm 1602 dưới triều Shah Abbas đệ nhất. Thành Esfahan đã có từ hơn hai nghìn năm trước, nhưng lần đầu tiên trở thành kinh đô của đế chế Ba Tư là năm 1047 khi người Seljuk từ phía Thổ Nhĩ Kỳ đến chinh phục và lập đô, rồi tiếp tục duy trì là kinh đô trong hơn 180 năm sau đó. 
Quảng trường thành phố lớn thứ hai trên thế giới
Ngôi đền Jameh cổ xưa là ngôi đền hồi giáo lớn nhất xứ Ba Tư
Giáo đường Imam

Trải bao thăng trầm, thậm chí bị quân Mông Cổ xâm lược tàn phá, Esfahan một lần nữa lại trở thành kinh đô dưới triều Safavid, từ năm 1587, dưới triều vua Shah Abbas đệ nhất. Quảng trường hình mẫu của thế giới được xây trong thời này, dài 512 mét, rộng 163 mét, cho đến bây giờ, đây vẫn là quảng trường khép kín lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc. Trên quảng trường vẫn còn dấu tích cột cầu môn của sân chơi polo hơn bốn trăm năm trước. Cưỡi ngựa đánh gôn polo là môn thể thao có rất sớm và được dân Ba Tư cổ rất ưa thích.
Quần thể hình chữ nhật khép kín quanh quảng trường là bốn dãy caravanserai, vốn là khu nhà trọ thời xa xưa, khi những đoàn thương nhân sau một chặng dài trên sa mạc đến đây nghỉ lại, dỡ hàng khỏi lưng lạc đà gửi vào trong nhà kho, cho lạc đà ăn uống và bản thân thương nhân cũng tìm niềm vui trong những tiệm ăn, hút ống điếu qalyan hoặc có cả chất cồn xoa dịu cơn nhức mỏi. Ở chính giữa quảng trường có một hệ thống vòi phun nước, cũng có thể ngồi trên bãi cỏ hoặc ghế đá bên cạnh mà nhìn ngắm cuộc sống sinh động trước mắt.
Chỉ trên một quảng trường thôi, có thể thấy sự quần tụ của bốn quyền lực: cung Ali Qapu thực ra là một kiểu khải hoàn môn dẫn vào hoàng cung là biểu tượng của chính quyền. Giáo đường Sheikh Lotfollah tượng trưng cho thần quyền dòng Shia. Giáo đường Imam tượng trưng cho dân quyền bởi là nơi quy tụ đức tin và là nơi tụ hội của dân chúng. Thẳng hướng giáo đường Imam sang phía bên kia của quảng trường là baazar, khu chợ Ba Tư, biểu tượng của giới kinh doanh tài phiệt. Bốn quyền lực không chỉ quần tụ quanh một quảng trường mà còn hòa hợp cấu thành một hệ thống xã hội hưng thịnh dưới triều Safavid.
Giáo đường Imam nổi danh là một trong những giáo đường đẹp nhất trên thế giới. Ngay ở cổng vào, nghệ nhân xưa đã lưu ý người đời về tính chưa hoàn chỉnh và chưa hoàn hảo của con người trước Allah Chúa Trời: chân cổng bên phải người ta chủ ý không chạm khắc như phía bên trái, để lại một sự bất cân xứng cố tình. Truyền thuyết kể rằng vua Shah Abbas đã năm mươi hai tuổi khi khởi công giáo đường vào năm 1611 và ông không tưởng tượng được phải mất hai mươi lăm năm mới xây xong ngôi đền. Càng già ông càng trở nên thiếu kiên nhẫn và tâm tính bất thường. Ông đã giết chết hai người con trai và chọc mù mắt một người con trai khác. Nhưng kiến trúc sư Ali Akbar Esfahani dù sợ hãi trong lòng, vẫn thuyết phục được nhà vua bằng sự tự tin và kiến thức của mình. Và nhà vua đã thực sự hài lòng khi kiệt tác kiến trúc rốt cục đã hoàn tất.

Khải hoàn môn Ali Qapu là một công trình cao bốn mươi tám mét. Trên đỉnh là một phòng hòa nhạc, là nơi vua cùng hoàng gia ngồi thưởng thức chương trình do các nhạc công vũ công ca sĩ của triều đình biểu diễn. Từ trên cao ấy, chiếu thẳng sang bên kia quảng trường theo chiều ngang là giáo đường Sheik Lotfollah. Giáo đường này độc đáo bậc nhất ở xứ Ba Tư, bởi vì không xây những ngọn tháp trên cao, cũng không có sân trước lẫn sân trong. Kiến trúc một giáo đường điển hình bao giờ cũng phải có những ngọn tháp nhọn hình ống ở trên cao, đó là biểu tượng mời gọi tín đồ ngay từ xa khi họ bắt đầu trông thấy ngọn tháp trên nền trời. Giáo đường cũng phải có sân, đặc biệt là sân ở chính giữa quần thể, nơi tụ họp của tín đồ. Nhưng giáo đường này nhấn mạnh vào tính riêng tư, một ngôi đền Hồi giáo cho riêng hoàng gia, nên không cần đến hai yếu tố kiến trúc thông thường.
Đặc biệt và ấn tượng nhất phải kể đến Jameh - đền thờ Hồi giáo lớn nhất toàn xứ Ba Tư. Jameh là một quần thể tổng hòa của những đền thờ xây dựng qua nhiều thời kỳ và nhiều trường phái kiến trúc. Đền xây trên nền móng một ngôi đền Hỏa giáo từ hơn hai nghìn năm trước. Ngôi đền Hồi giáo đầu tiên do người Seljuk từ Thổ Nhĩ Kỳ đến xây vào thế kỷ XI. Được một thế kỷ thì đền bị cháy, phải xây dựng lại vào năm 1121. Trên những cổng vào cao vút, phần trang trí có chỗ theo kiểu hình học đặc trưng trường phái Seljuk, có chỗ hoa lá rườm rà kiểu Hồi giáo điển hình, lại có sảnh cầu nguyện mùa đông tuyền một màu trắng xây dưới thời hoàng đế Timur từ Samarkand đến. Chính điện có cả một rừng cột đá khổng lồ chống đỡ cho những vòm mái cao rộng.
Hiện nay, Quảng trường này cùng với những công trình kiến trúc nguy nga của nó vẫn liên tục đón hàng nghìn lượt khách thăm quan mỗi ngày.
NLH

Không có nhận xét nào: