(Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Khu vực khảo cổ Um er-Rasas tại Jordan là Di sản văn hóa thế giới năm 2004.
Khu vực khảo cổ Um er-Rasas nằm ở phía đông nam Madaba trên các thảo nguyên khô hạn. Đây là một khu vực có giá trị khảo cổ đặc biệt quan trọng bới nó là nơi lưu giữ những tàn tích của triều đại Umayyad một thời phát triển rực rỡ.
Khu vực này bắt đầu được dựng lên từ một doanh trại quân đội thời kỳ La Mã. Ban đầu nơi này chỉ là một căn cứ sau đó dần dần phát triển thành một khu dân cư rồi thành một thành phố đông đúc. Các nhà khoa học, lịch sử cho rằng nó được hình thành và phát triển vào khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 3 tới thế kỷ thứ 9.
Trong đống tàn tích tại khu vực khảo cổ Um er-Rasas, các nhà khảo cổ đã tìm thấy vết tích của 16 nhà thờ, hai tòa tháp có hình vuông, pháo đài và một số công trình công cộng như bể chứa nước, đường phố và các công trình nhà ở….
Những cột đá, sàn, cột trụ còn sót lại cho đến nay tại khu vực khảo cổ Um er-Rasas.. |
Đáng chú ý nhất trong số những kiến trúc được phát hiện là nhà thờ Saint Stephen. Mặc dù chỉ còn lại rất ít nhưng cũng đủ để chứng minh đây từng là một công trình kiến trúc đặc biệt, có giá trị mỹ thuật và lịch sử cao và là ví dụ tiêu biểu về kiến trúc thời kỳ hồi giáo sớm được kết hợp với phong cách kiến trúc La Mã và Byzantine.
Bên cạnh đó, hai tòa tháp vuông cũng là những công trình kiển trúc đặc biệt, nó còn đặc biệt hơn bởi đây là hai công trình kiến trúc còn sót lại tương đối nguyên vẹn. Theo các nhà lịch sử thì hai tòa tháp trước đây được sử dụng như một nơi để các tu sĩ khổ hạnh sống và cầu nguyện. Những tu sĩ khổ hạnh sẽ lên trên tầng cao nhất của tháp và sống tại đây, họ không ra bên ngoài cũng không có sự tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài mà chỉ ở trong tòa tháp để cầu nguyện. Hai tòa tháp vì thế không chỉ mang ý nghĩa là những minh chứng tiêu biểu về kiến trúc mà còn là minh chứng sống động về sự tu hành của các tu sĩ xưa.
Tháp vuông là công trình kiến trúc còn lại tương đối nguyên vẹn nhất tại khu vực khảo cổ |
Xung quanh khu vực Um er-Rasas này các nhà khảo cổ còn tìm thấy rải rác các khu vực trước đây được dùng để canh tác nông nghiệp. Mặc dù môi trường khô cằn và khí hậu khắc nghiệt, cư dân xưa vẫn tìm được biện pháp để trồng trọt, canh tác trên nền đất cần cỗi. Để có thể thực hiện việc canh tác trồng trọt này, cư dân xưa đã đào các kênh dẫn nước và các bể chứa nước để đưa nước lên các thửa ruộng bậc thang vì vậy dù thời tiết rất khô hạn nhưng nhờ lượng nước luôn được dự trữ nên vẫn có thể canh tác.
Một giá trị xuất sắc nữa về sự phát triển văn hóa nghệ thuật tại khu vực đó là phần tường và sàn có tranh vẽ tường và khảm tường được tìm thấy trong các tàn tích nhà thờ đặc biệt là nhà thờ Saint Stephen. Nội dung của các bức tranh này chủ yếu miêu tả các loài chim, động vật, ngư dân và cảnh săn bắn. ..Qua các cổ vật và di tích này, các nhà khoa học cũng tìm thấy những chứng cứ xác thực về sự phát triển của Kito giáo vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8 cùng với Hồi giáo tại khu vực.
Khu vực khảo cổ Um er-Rasas (Kastrom Mefa’a) được tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (i),(iv),(vi)
Tiêu chí (i): Khu vực khảo cổ Um er-Rasas (Kastrom Mefa’a) gồm những công trình kiến trúc có thể coi là kiệt tác nghệ thuật và sức sáng tạo của con người trong khoảng thời gian từ kỷ thứ 3 tới thế kỷ thứ 9.
Tiêu chí (iv): Khu vực khảo cổ Um er-Rasas với công trình tháp cao – nơi các tu sĩ sống khổ hạnh là minh chứng điển hình cho một dòng tu tại khu vực.
Tiêu chí (vi): Khu vực khảo cổ Um er-Rasas với hơn chục nhà thờ, tu viện cho thấy sự phát triển của đạo Kito giáo tại đây. Cũng như sự đa dạng tôn giáo khi Kito giáo có thể cùng phát triển song hành với đạo Hồi.
phần khảm sàn với những hình vẽ trang trí khảm tinh xảo như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ |
(Ảnh internet)
NLH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét