Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Thành phố cổ Palmyra (1980)

(Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Thành phố cổ Palmyra của Syria là Di sản văn hóa thế giới năm 1980.
Thành phố cổ Palmyra tại Syria
Nằm cách thủ đô Damascus 215 km về phía đông bắc, Palmyra từng là một thành phố hội tụ nhiều nền văn minh và đến nay nơi này vẫn được coi là một trong những cái nôi văn hóa của thế giới cổ đại.
Thành phố từng là điểm dừng chân trong suốt một thời gian dài của các đoàn thương nhân trên đường đi qua sa mạc Syria. Palmyra dần khẳng định tầm quan trọng của mình trong vai trò một thành phố nằm trên tuyến đường thương mại nối Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc với Đế chế La Mã. Theo các nhà sử học, thành phố này từng có tên là Tadmor, Tadmur hoặc Tudmur.
.
Palmyra từng là thành phố hội tụ nhiều nền văn minh và cho đến nay vẫn được coi là cái nôi văn hóa của thế giới cổ đại.
Vào khoảng thế kỷ thứ nhất, Palmyra là thành phố giàu có và thịnh vượng nổi tiếng trong toàn khu vực, là tuyến đường liên kết các đoàn lữ hành Ba Tư với các cảng của Địa Trung Hải thuộc Syria – La Mã và Phoenicia. Giai đoạn sau của thời kỳ thịnh vượng, dân Aramaean và dân cư Ả rập của Palmyra buôn bán với cả Parthia ở phía đông và với La Mã ở phía tây.
Khi vương quốc Seleukos nắm quyền kiểm soát Syria năm 323 trước công nguyên, thành phố đã trở thành độc lập. Sự thịnh vượng của thành phố vẫn còn dấu tích cho đến ngày nay với những công trình kiến trúc ấn tượng.
Kiến trúc của thành phố cổ Palmyra là sự kết hợp kỹ thuật Hy Lạp - La Mã với truyền thống địa phương cùng những ảnh hưởng văn hóa của Đế quốc Ba Tư. Mặc dù hầu hết các công trình kiến trúc đó đã không còn nguyên vẹn sau hàng nghìn năm, trải qua bao cuộc chiến tranh và khí hậu khắc nghiệt của sa mạc nhưng những dấu tích còn lại cũng đủ để có thể hình dung là một thành phố, giàu có, thịnh vượng và trang nhã xưa kia. 
Những cột đá cao vô cùng hoành tráng, ấn tượng cùng với những công trình kiến trúc trải qua hàng nghìn với khí hậu khắc nghiệt song vẫn giữ được vẻ tráng lệ...

Ấn tượng và dễ thấy nhất là những dãy cột cao ngất ngưởng nằm trên một con đường dài 1.100 m. Những dãy cột hùng vĩ này có niên đại hơn 2.000 năm tuổi, được Unesco mô tả là một “ví dụ tuyệt vời về một khu phức hợp đô thị cổ”. Bên cạnh đó, không thể không kể đến các ngôi đền Baal và Bel – những công trình kiến trúc tuyệt tác được xây dựng bằng tài hoa của những con người từ hàng nghìn năm trước khi mà kỹ thuật xây dựng còn vô cùng thô sơ. Căn cứ quân sự La Mã Diocletian cùng khung vòm uy nghi ở lối vào con đường chính của thành phố cổ cũng khiến bất kỳ ai từng nhìn thấy đều phải trầm trồ.
Không chỉ có vậy, thành phố cổ Palmyra đặc biệt nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc và tượng vô cùng độc đáo, cùng nhiều công trình vô giá khác. Chính vì lý do này nên Palmyra được người Syria ưu ái đặt cho tên gọi “Hòn ngọc sa mạc”. “Nó khiến thành Rome phải ngượng ngùng. Khi bạn đến gần, nó mọc lên khỏi sa mạc như một phép lạ trong chuyện cổ tích”, nhà khảo cổ Stephennie Mulder, giáo sư nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ)từng nói với tờ Los Angeles Times về thành phố cổ này với những mỹ từ như vậy. Trong một cuộc trò chuyện với CNN, nhà nghiên cứu lịch sử kiêm tiểu thuyết gia Anh - Tom Holland nhận định Palmyra có “một sự kết hợp phi thường giữa những ảnh hưởng cổ điển và dấu ấn Ba Tư xen lẫn với tính chất Ả Rập. Không chỉ liên quan đến lịch sử Trung Đông, chúng còn là khởi nguồn của văn hóa và văn minh toàn cầu”.
Sở hữu những giá trị vô giá như vậy nhưng di sản văn hóa này đã và đang gặp phải những mối đe dọa lớn kể từ khi Chính phủ Syria để mất kiểm soát với di sản này và nó bị rơi vào tay của quân nổi dậy. Năm 2013, Unesco buộc phải đưa di sản văn hóa thế giới này vào danh sách những di sản có nguy cơ bị đe dọa nhằm tìm sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng thế giới trong việc bảo vệ di sản.
Mặc dù vậy, đầu tháng 9 vừa qua, cả thế giới đã sững sờ khi ba mộ tháp đẹp nhất dại Palmyra được xây dựng sau công nguyên đã bị nhóm Nhà nước Hồi giáo tự sưng IS phá hủy. Ba mộ tháp này gồm Jamblique - được xây năm 83 sau công nguyên; Elhbel - xây năm 103 sau công nguyên và Kithot - xây năm 44 sau công nguyên.Ông Maamoun Abdul Karim - quan chức phụ trách cổ vật của Syria, cho AFP biết đây là những mộ tháp "đẹp nhất và được bảo tồn tốt nhất" của thành phố cổ. Cả ba đã bị IS dùng bom đánh sập. Trước đó, nhóm này đã cho nổ tung hai ngôi đền cổ Bel và Baal Shamin, hành động bị Unesco lên án là tội ác chiến tranh.
Năm 2013, Unesco đã phải đưa di sản văn hóa thế giới này vào danh sách những di sản bị đe dọa khi Chính phủ Syria để mất quyền kiểm soát di sản và nơi này trờ thành điểm tập kết, tàn phá của quân nổi dậy..

(Ảnh nguồn internet)
NLH

Không có nhận xét nào: