(Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Nhà thờ hồi giáo lớn và Bệnh viện Divrigi của Thổ Nhĩ Kỳ là Di sản văn hóa thế giới năm 1985.
Nhà thờ hồi giáo lớn và Bệnh viện Divrigi nằm ở miền Đông Anatalia, trong vùng núi Divrigi của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là quần thể kiến trúc thời Trung cổ được tù trưởng Ahmet Shah triều Mengucekid của Thổ Nhĩ Kỳ thành lập trong khoảng thời gian từ năm 1228 đến năm 1229.
Cả hai công trình kiến trúc này đều do kiến trúc sư tài ba Khuramshad Dahlat thiết kế và giám sát xây dựng. Trong giáo đường có một phòng nguyện lớn cũng là phòng nguyện duy nhất của giáo đường. Phòng nguyện gồm 5 hành lanh với mái vòm được xây dựng bằng một kỹ thuật tuyệt đỉnh. Kỹ thuật xây dựng này đến nay vẫn gây kinh ngạc cho giới kiến trúc sư hiện nay. Bên trên phòng nguyện có hai nóc nhà hình cầu to nhỏ khác nhau, một nóc đặt bên trên bể rửa tội và nóc còn lại hình chầu chính đặt trên hốc tường trang trí hướng về thánh địa Mecca. Ngọn tháp đặt trên nóc này là bộ phận kiến trúc hoàn thiện nhất của đại giáo đường. Mái vòm được thiết kế vô cùng ấn tượng và được tính toán chi tiết cụ thể để có thể lấy được ánh sáng tự nhiên nhưng vẫn che chắn, bảo vệ được nội thất bên trong trước khí hậu khắc nghiệt của vùng. Tổng thể bên ngoài nhà thờ hồi giáo có hình dáng như hình lục giác.
Tổng thể bên ngoài của công trình kiến trúc liền kề Nhà thờ hồi giáo lớn và Bệnh viện Divrigi |
Bệnh viện Divrigi nằm liền kề với nhà thờ hồi giáo lớn. Bệnh viện lại có kiến trúc lộng lẫy từ phần ngoại thất với tường bao quanh có 3 cổng trang trí tinh xảo. Các cánh cổng này được trang trí lộng lẫy theo mô típ hoa và hình học giống kiểu Acmeni và Grudia ngày nay.
Cũng giống như kỹ thuật xây dựng nhà thờ, kỹ thuật xây dựng bệnh viện vô cùng đặc biệt, thể hiện trình độ kỹ thuật cực cao của những người thợ hàng nghìn năm trước. Những bức tường không trang trí và những bức tường trang trí được thiết kế đan xen tạo nên một tổng thể hài hòa, đẹp mắt. Sự đa dạng của các họa tiết trang trí cũng khiến người ta phải khâm phục sức sáng tạo của những người thợ thủ công xưa. Hầu hết các hoa văn trang trí phần cột, mái hoặc tường là không trùng lặp mà có ý tưởng riêng biệt nhưng vẫn kết nối với nhau. Hình hoa lá và hình học là những hoa văn thuộc các lĩnh vực khác nhau cũng được tính toán để kết nối với nhau thật hoàn mỹ. Những chi tiết trang trí tại công trình kiến trúc này hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn và nó vẫn là đề tài nghiên cứu của chuyên gia nhiều ngành từ mỹ thuật đến hình học, từ hội họa đến điêu khắc….
Kiến trúc và thiết kế mái vòm vô cùng độc đáo, tinh xảo |
Có thể nói, Di sản này là niềm tự hào của người Thổ Nhĩ Kỳ bởi sự độc đáo trong kỹ thuật xây dựng cũng như sự đa dạng trong thiết kế và trang trí. Hiện nay, hai công trình liền kề này là một trong những điểm đến thăm quan khá quan trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà thờ hồi giáo lớn và Bệnh viện Divrigi của Thổ Nhĩ Kỳ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (i) và (iv)
Tiêu chí (i): Nhà thờ hồi giáo lớn và Bệnh viện Divrigi là một tài sản văn hóa quan trọng, một trong những thành tựu nghệ thuật độc đáo và là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp của kiến trúc Hồi giáo.
Tiêu chí (iv): Nhà thờ hồi giáo lớn và Bệnh viện Divrigi là một ví dụ nổi bật của nhà thờ hôi giáo Seljuk khu vực Tiểu Á. Nhà thờ được xây dựng không có sân với hàng cột và hành lang, một phòng nguyện lớn và phần mái vòm được thiết kế xây dựng bằng kỹ thuật vô cùng tinh xảo. Bên cạnh đó, công trình kiến trúc liền kề là bệnh viện lại cho thấy sự lỗng lẫy từ ngoại thất bên ngoài và sự tinh xảo đến từng chi tiết thể hiện rõ nét ở các chạm khắc, trang trí phần tường ngoài và ba cánh cổng.
Chạm khắc tinh xảo phia bên ngoài bệnh viện Divrigi , những họa tiết hoa lá và hình học được thiết kế đan xen vô cùng hài hòa, sinh động.. |
Lan Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét