Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Campuchia - không chỉ có Angkor


PNCN - Lâu nay, du khách đến Campuchia chủ yếu để tham quan Angkor rồi về Phnom Penh tham quan hoàng cung, chùa Bạc (còn gọi là chùa Vàng, chùa Ngọc Bích), Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Diệt chủng Tung Sleng, chùa Bà Pênh (Wat Phnom)… hoặc đi tỉnh Sihanouk (trước đây gọi là Sihanouk Ville) tắm biển. Ít ai biết rằng, Campuchia còn có nhiều kỳ quan vĩ đại khác.
Đền đài Sambor Peikuk
Qua khỏi Kampong Thom - tỉnh trung tâm của Campuchia có quốc lộ 64 đi Preah Vihear, rẽ trái là đi Siem Reap. Theo quốc lộ 64 (vừa được trải nhựa) chừng 5km, rẽ trái có đường đất đỏ, chạy tiếp 19km là đến Sambor Preikuk, kinh đô của người Khmer từ thế kỷ thứ VI - VIII. Đường rất xấu, chằng chịt ổ voi, ổ trâu, bụi tung mịt mù. Sambor Preikuk rộng khoảng 3.000 ha, nằm đan xen rừng rậm, loang lổ hố bom B52 - dấu tích chiến tranh phá hoại của Mỹ đầu những năm 1970. Thật ra cây cối chỉ mới mọc khi các đền đài bị bỏ hoang. Sambor Preikuk có 280 ngôi đền lớn nhỏ nhưng hiện giờ chỉ còn 64 đền thờ có thể tham quan. Quần thể được chia làm ba khu: Nam - Trung tâm - Bắc. Mỗi khu có hai tường thành bằng đá ong ngăn cách, được xây dựng từ cuối thế kỷ VI (đời vua Isaravarman). Đền gồm ba loại: hình chữ nhật thờ thần Brahma, hình bát giác thờ thần Vishnu và hình vuông thờ thần Shiva.
Khu Nam hiện còn tám đền lục giác giống nhau. Prasat Yeai Poeun (đền Bà Poeun) cao 18m. Phía trên có thần Brahma cưỡi voi, ở dưới hai bên là chim thần Garuda và hai con rồng Naga nối đuôi vào nhau. Các đền đều quay về hướng đông, biểu tượng cho sự sống. Hướng tây biểu tượng cho cái chết nên không có cửa hoặc đóng cửa. Hoa văn cổng chính thường là thần Vishnu ngồi trên Garuda, một bên là các cung nữ, phía dưới là các quân sư, các nhà chiêm tinh. Các đền ở khu Bắc thờ thần Shiva mà biểu tượng là Linga (thần Shiva) và Yoni (thần Uma, vợ thần Shiva). Tương truyền Linga được làm bằng vàng, Yoni bằng đá. Hiện các Linga đã bị đánh cắp, Yoni bị đặt mìn để tìm vàng bên dưới. Các bệ Yoni mới được đắp lại sau này từ các mảnh vỡ. Những di tích ở Sambor Preikuk có nhiều nét tương đồng với Mỹ Sơn về vật liệu xây dựng và một số họa tiết. Đi giữa rừng già lặng lẽ, cạnh những đền đài cô quạnh, đổ nát, trời chiều se sắt, gió mong manh, xào xạc lá, cứ như lạc vào thuở sơ khai, hư - thực với bao dâu bể.
“Dòng sông ngàn Linga”


Kpal Spean - dòng sông ngàn Linga
Kỳ quan này nằm trên đỉnh núi Kulen Kulen, ở độ cao 450m (dãy núi Kulen dài 40km, đỉnh cao nhất 487m), cách Siem Reap chừng 55km, gọi là  Kbal Spean. Kbal Spean, theo tiếng Khmer là “đầu cầu”, còn nghĩa bóng của nó là “đầu nguồn”, “cội nguồn”. Người châu Âu và du khách thì gọi đó là “dòng sông ngàn Linga” bởi có vô số Linga được tạc dưới lòng sông. Trên đoạn sông dài 4.200m, rộng bình quân 20m (tổng diện tích gần 100.000m2), trong vòng 100 năm, người Khmer đã đẽo và tạc dưới dòng sông Siem Reap (chạy về thị xã và ra Tonle Sap Lake: Biển Hồ) cơ man nào là các tượng thần  Hindu cho đến các tượng Phật, hoa lá, một số loài thú và vô số ngẫu tượng Linga và Yoni. Người Khmer xem Kbal Spean là dòng sông linh thiêng, ai cũng mong ước một lần trong đời đến đó để nguyện cầu và tắm suối.
Giá vé tham quan nơi này là 20 USD cho khách nước ngoài, mua ngay tại cổng. Đi Kbal Spean là đường độc đạo một chiều; lên trước 12g, xuống sau 12g và chỉ xe dưới 25 chỗ mới chạy được bởi đường hẹp, quanh co và hiểm trở. Đường đẹp như tranh vẽ, xuyên giữa rừng nguyên sinh, thi thoảng lại hiện ra những khối đá sa thạch - loại chất liệu được sử dụng để xây dựng quần thể Angkor - đủ hình thù ngộ nghĩnh, ẩn hiện như cố chọc ghẹo và hù dọa khách. Dọc đường lên núi, có thể dừng chân mua đặc sản của rừng theo mùa.
Campuchia như một đại dương kỳ bí về huyền thoại của các đền chùa. Nếu chỉ tới Angkor thì khó mà hiểu biết hết xứ sở lạ lùng này.
NGUYỄN VĂN MỸ

Không có nhận xét nào: