Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Đến Nepal, đi bên... xác người cháy


ảnh minh họa
Ấn tượng bởi mùi cà ri, những ngôi đền cổ ngàn năm tuổi, ẩn chứa nhiều bí ẩn tâm linh, Nepal còn khiến du khách rợn người khi chúng tôi tận mắt chứng kiến tập tục đốt xác người quá cố bên dòng sông thiêng.
Đi bên xác người cháy
Khởi đầu ngày tham quan, chúng tôi đến thăm một ngôi đền cổ Hindu (Ấn Độ giáo) được xây cách đây hơn 1.000 năm. Nepal có 30 triệu dân và hơn 100 dân tộc khác nhau, đa số là người Bramin cùng chủng người Ấn Độ và 80% dân số theo đạo Hindu. Đạo Hindu thờ hơn 1 triệu vị thần khác nhau, trong đó có hai thần quan trọng nhất là thần Shiva - đấng tạo hóa và thần Vishnu - đấng bảo vệ muôn loài.
Đã theo đạo Hindu thì hầu hết ai cũng rất tin và sùng đạo, hàng ngày thờ cúng tại nhà và thường xuyên đến đền. Người Hindu tin rằng con người có kiếp luân hồi và khi sinh ra, mỗi người được sắp xếp vào một Caste (tạm dịch là đẳng cấp), khi đã ở đẳng cấp nào thì không có cơ hội được lên đẳng cấp khác, chỉ chờ kiếp sau tái sinh. Đẳng cấp của con người ở kiếp sau tùy thuộc vào những việc mà người đó làm trong kiếp này.
Bước vào cửa đền, men theo một con sông nhỏ cực kỳ ô nhiễm, đầy rác, quần áo cũ, gỗ củi cháy dở, nilon vứt đầy sông. Anh hướng dẫn du lịch tên Jagrit giới thiệu đó là dòng sông thiêng, tất cả các ngôi đền Hindu đều nằm cạnh một dòng sông, dù lớn hay nhỏ.
Ở Kathmandu có rất nhiều ngôi đền, nhưng đây là ngôi đền lớn nhất và cổ nhất. Tôi hỏi lại: “Đây là dòng sông thiêng ư?”. “Vâng”, anh hướng dẫn trả lời.
Nhìn từ xa, những đám khói ngùn ngụt bay khắp nơi, người rất đông xung quanh từng đám cháy, tỏa ra vài trăm mét, lẫn cả vào khu dân đông đúc cư bên cạnh.

Nhiều du khách đứng xem đốt xác người ven sông.

Từ cửa đền đã ngửi thấy mùi khen khét khó tả, tôi vội hỏi anh hướng dẫn: Cái gì thế? Hóa ra, đó là nghi lễ hỏa thiêu người chết! Ở đây chỉ thiêu người bằng củi và ở ngoài trời, lúc nào cũng có nghi lễ này tại đền, vì tất cả những người theo đạo Hindu sau khi chết 1 – 2 giờ là chuyển ngay đến đền và làm lễ hỏa táng trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Các nơi hỏa thiêu ở đầu này dành cho đẳng cấp Brahmane, Ksatriya, còn lại là dành cho đẳng cấp Vaishya và Sudra. Ở đây, lúc nào cũng có 4 – 6 đám hỏa thiêu như vậy.
Chân tay bủn rủn, tôi nói nhỏ: “Anh ơi về thôi, đến thăm điểm khác!”. Khánh, anh bạn nhà văn đồng hành với tôi, thản nhiên đáp: “Làm trang nam tử tại sao lại sợ những thứ này, cứ đi, chỉ là một nghi lễ văn hóa bản địa, có gì đâu!”.
Chúng tôi tiến sâu vào bên trong đền, đi thẳng tới nơi làm nghi lễ hỏa thiêu. Có đám đang cháy, có đám bắt đầu sắp củi và đặt xác người lên, có đám vừa cháy hết và bắt đầu dọn dẹp, vứt cả tro, xương và quần áo người chết cháy dở xuống dưới sông ngay bên cạnh. Phong tục nghi lễ phải đúng trình tự như vậy.
Xuôi dòng chảy nhỏ của con sông cạn nước, chúng tôi gặp hai người phụ nữ đang giặt quần áo và gội đầu bằng nước sông mà cách đó 10m người ta vừa vứt tro, xương cháy dở, quần áo người chết xuống. Dòng sông thực sự rất ô nhiễm! Một cảnh tượng quá sốc lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến!
Jagrit đưa chúng tôi đi sát những đám hỏa thiêu, giới thiệu với vẻ thản nhiên:
“Khi cha mẹ chết, tất cả con trai phải đưa đến ngôi đền ngay, con gái ở nhà, nếu không có con trai, thì con trai của người em hoặc anh phải đến làm nghi lễ. Tất cả không được mặc quần áo thường nhật, chỉ vận một mảnh lụa trắng mỏng khi làm nghi thức hỏa thiêu cho người quá cố.
Xong nghi lễ, con trai cả hoặc người đại diện phải về nhà, ngồi một mình trong phòng kín cầu nguyện cho người quá cố trong vòng 15 ngày, không giao tiếp với ai, mỗi ngày chỉ ăn một bát cơm trắng, uống một cốc nước trắng, nước dùng để uống và nấu cơm phải lấy từ con sông đã trải tro của người quá cố. Nếu trong 15 ngày này có người hỏi mà trả lời thì coi như đã phạm luật của thần linh và phải làm y như vậy 15 ngày tiếp theo”.
“Tôi không phải là người Bramin mà là một dân tộc thiểu số, nhưng tôi và gia đình theo đạo Hindu. Với chúng tôi, dòng sông đầy tro và rác này không phải là ô nhiễm mà rất thiêng liêng. Mỗi lần được tắm bằng nước sông thấy người nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn”, anh hướng dẫn nói thêm.
Làm lính đánh thuê
Sau khi ăn tối, anh bạn đến tận cổng khách sạn đón chúng tôi đến chơi nhà một cựu chiến binh tên là Subhash Khanal. Ngôi nhà đơn sơ bao quanh bởi ruộng lúa khô cằn, khu vườn trơ trụi mấy cây chuối và sả, phòng khách chỉ 5m2, ánh điện mờ mờ, xung quanh chất đầy ngô và gạo.
“Tôi 46 tuổi, làm lính đánh thuê ở Ấn Độ 24 năm, mới về hưu được 2 năm. Chúng tôi thường xuyên canh giữ và giao chiến ở khu vực Kashmir, nhưng may chẳng có vết thương nào cả”, anh cười tươi vẻ tự hào. Anh Khanal có 3 con, 2 trai 1 gái, vợ ở nhà làm nội trợ. Thằng lớn 20 tuổi đang ở nhà tận trên núi, cứ mỗi tuần về đó một lần để trông canh ruộng vườn.
Hình ảnh những đám khói thiêu xác trong đền Hindu, ngay gần đó hai người đàn bà tắm giặt trên dòng sông thiêng ô nhiễm, người bạn Nepal lính đánh thuê hùng hồn kể về thời quân ngũ, những người dân lam lũ từ Kahtmandu đến Lumbini cứ lờ mờ thoát ẩn thoát hiện trong đầu.
Tôi tò mò: Thế sao anh lại đi làm lính đánh thuê? Thu nhập của anh được bao nhiêu? “Trước kia trong quân ngũ, được khoảng 200 USD/tháng, giờ về hưu, chính phủ Ấn Độ trả 180 USD/tháng. Không đủ mấy miệng ăn nên tôi phải đi làm bảo vệ thêm”- anh hướng dẫn nói.
Chúng tôi rất ngạc nhiên, chỉ với mức lương 200 USD/tháng mà lại đi chiến đấu, chẳng vì tổ quốc, chẳng vì nghĩa vụ, mà vì miếng cơm manh áo đi bán mạng mình, mà vẫn không đủ nuôi gia đình, lạ thật !
Anh hướng dẫn giải thích thêm : “Ở Nepal, nguồn thu lớn nhất là từ xuất khẩu lao động và đi lính đánh thuê ở nước ngoài, sau đó đến ngành du lịch, thứ nữa là nông nghiệp. Chẳng có nhà máy sản xuất gì hết, phần lớn hàng hóa được nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc. Lính Nepal, nước nào cũng thích! Trước người Anh chiếm toàn bộ Ấn Độ rồi, muốn thu phục các nước xung quanh. Khi đánh chiếm Nepal, họ thấy lính Nepal thật dũng cảm, đạn bắn liên tiếp như mưa, họ vẫn mặc kệ.
Khi chỉ huy hô tiến lên, họ lập tức lao lên với vũ khí duy nhất là gươm và dao quắm. Vị tướng chỉ huy quân Anh thấy vậy dừng trận, tìm mọi cách thu phục Vương quốc Nepal bằng cách khác chứ không giết hại lính.
Sau này, lính Nepal được tuyển dụng đi các chiến trường cam go nhất của thực dân Anh, ngay cả chiến tranh thế giới thứ 2, trong đám quân Anh tử trận, có phần nhiều là lính Nepal. Từ đó, các nước rất thích tuyển dụng lính đánh thuê Nepal, lệnh tiến là tiến, lùi là lùi, dũng cảm vô song”.
{-TP-}

Ở nơi sống chết cận kề

Có những người háo hức đến Pashupatinath (Nepal) chờ chết, có những người lại háo hức vào đây xem người ta chết. Chắc đó là lý do để người ta gọi đây là nơi mà sự sống và cái chết được kéo lại gần nhau...

Những giàn thiêu đỏ lửa bên bờ sông - Ảnh: Va Li
Những giàn thiêu đỏ lửa bên bờ sông - Ảnh: Va Li 
Ở Nepal, người ta tin rằng, loài người khỏa thân đến với thế giới, vì vậy khi mất đi, họ cũng phải trần truồng đi ngược về thế giới.
Nơi người sống... chờ chết
Raj, một anh bạn người Nepal, chỉ cho tôi căn nhà phía xa xa nấp sau màu khói ảm đạm. Đó là nơi dành cho mọi người chờ chết. Cậu kể chuyện, những người theo đạo Hindu tin tưởng rằng, cái chết phải đến tự nhiên ở một thời điểm thích hợp. Cố gượng để sống lâu hay cố chết nhanh hơn bằng sự can thiệp của y học hoặc máy móc đều là điều cấm kỵ và người chết sẽ rất khó để được tái sinh sau này.
Thế nên họ không cố tìm cách để kéo dài sự sống. Họ cũng chẳng tìm cách để cái chết diễn ra nhanh hơn. Đó cũng là lý do khi một ai đó trong gia đình yếu đi và bác sĩ bảo không qua khỏi, họ sẽ tiến hành chuẩn bị một nơi cho người bệnh chờ chết.
Nếu ở nhà, người ta sẽ đưa người bệnh đến một căn phòng, nơi có gốc cây húng quế, có một chiếc giường trải bằng cỏ khô và sàn nhà được làm sạch nhưng có chứa một ít phân bò khô vì phân bò được xem là vật linh thiêng của người Hindu. Raj giải thích, nếu người bệnh ở một nơi như thế sẽ dễ dàng thở và thanh thản trước lúc ra đi. Còn tôi thì mơ hồ nghĩ, èo, phân bò hôi thế chắc người ta sẽ vì khó thở mà chết nhanh hơn.
 Những người đàn ông đi chân trần khiêng thi thể lên giàn hỏa thiêu 4
Thi hài đang được đưa lên giàn hoả thiêu - Ảnh: Va Li
“Nhưng thông thường, nhiều người muốn tìm đến để chết bên con sông thiêng vì như thế họ có thể sớm lên thiên đường” - Raj nhấn mạnh vậy. Đó là lý do, nhánh sông Bagmati nằm trong khu vực đền Pashupatinath được nhiều người tìm đến. Đó cũng là lý do, ở nơi căn nhà ảm đạm phía xa xa kia có rất nhiều căn phòng cho mọi người chờ chết.
Để cái chết diễn ra nhanh hơn, người bệnh cũng có thể nhịn ăn. Tuy nhiên, họ phải thông báo với con cháu để nhận được sự chấp thuận. Những người làm nhiệm vụ chăm sóc ở đây sẽ đọc kinh và niệm chú cho người bệnh mỗi ngày để giúp họ thanh thản. Người ta tin rằng, nếu những phút giây cuối cùng của người chết mà anh ta vẫn chưa trút bỏ được hận thù hoặc phiền muộn thì anh ta sẽ bị xuống địa ngục.
Tự tay đốt lửa tiễn biệt người quá cố
Tôi cùng Raj tiến lại gần một xác chết và giữ khoảng cách vừa đủ vì đối với gia đình người chết, việc có một người lạ ở quá gần thi thể nghĩa là không tôn trọng gia đình họ.
Người chết được đặt lên gờ của các bậc thang cạnh bờ sông, những người thân bắt đầu dùng sữa và nước tắm rửa cho thi thể sau đó phủ bằng tấm vải liệm màu vàng và trang trí bằng các loại hoa, trang sức. Một ít nước thánh, bơ và long não được cho vào miệng của người quá cố vì họ tin rằng như vậy người chết sẽ dễ lên thiên đàng. Sau đó họ buộc những cây tre lại với nhau bằng dây thừng, đặt xác chết đã được khâm liệm lên.
 Một thi thể đã được khâm liệm nhưng người thân vẫn chưa tụ họp về đầy đủ
Một thi thể đã được khâm liệm nhưng người thân vẫn chưa tụ họp về đầy đủ - Ảnh: Va Li
Những người đàn ông đi chân trần khiêng cái xác đến gần chiếc bục hỏa táng cạnh bờ sông Bagmati để bắt đầu thiêu xác. Một người phụ nữ khóc nấc lên từng cơn và có lúc như ngã quỵ. Tôi đoán đó chắc là vợ của người đàn ông đã chết. Bà ta nhanh chóng được dìu ra khu vực riêng không cho đi cùng đoàn người còn lại.
Với người Hindu, đàn bà không được phép tham dự lễ hỏa táng bởi họ thường yếu đuối, khóc lóc và nếu có tiếng khóc xảy ra trong lễ hỏa táng thì linh hồn người chết sẽ bị níu giữ không lên thiên đàng được.
Đến bục hỏa táng, tôi thấy người con trai cắt một nhúm tóc của anh ta, cầm ngọn lửa đi vòng quanh cơ thể người chết 3 vòng theo chiều kim đồng hồ. Cậu cũng giải thích, nếu người cha qua đời, con trai cả sẽ làm nhiệm vụ này. Nếu người mẹ qua đời, con trai út sẽ thực hiện. Nếu người chết không có con trai, thì chồng, anh trai hoặc thầy tế sẽ làm thay nhiệm vụ đó.
Sau khi đi đủ 3 vòng quanh thi thể người chết, người đàn ông, có lẽ là con trai của người quá cố, bắt đầu đốt ngọn lửa đầu tiên từ sợi dây thừng đặt ở miệng của người chết để bắt đầu hỏa táng. Với người Nepal, miệng là phần quan trọng nhất của cơ thể - nơi người ta nói điều thật, điều dối, điều trái, điều phải. Miệng cũng là nơi linh hồn của người chết đi ra nên ngọn lửa phải bắt đầu từ miệng.
Người con trai phải đứng canh giàn hỏa thiêu để châm củi nếu hết củi cho đến khi cơ thể người chết bị thiêu rụi hoàn toàn. Thông thường, phải mất khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ để thiêu rụi một thi thể. Phần tro cốt sau khi thiêu rụi được rải xuống sông Bagmati. Đó cũng là lúc người chết được hóa kiếp lên thiên đàng.
 Cảnh hỏa táng
Cảnh hỏa tang - Ảnh: Va Li
Raj giải thích cho tôi, cũng từ sau giây phút này, các thân nhân của người chết hoặc tất cả các con trai trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, chỉ được ăn một lần một ngày (hoặc ăn trưa hoặc ăn tối) và chỉ nấu ăn cho chính mình. Họ phải sống trong các phòng riêng biệt mà không được chạm vào bất cứ ai, không nói chuyện với bất cứ ai. Họ phải ngủ trên sàn nhà trong một chiếc giường cỏ khô.
Nghi lễ này kéo dài trong vòng 13 ngày. Điều quan trọng nhất là họ phải mặc quần áo màu trắng cho toàn bộ một năm trong suốt thời gian để tang. Nếu người chết là chồng, thì góa phụ cũng phải thực hiện nghi lễ này. Nếu người mẹ chết, tất cả con cái của họ phải kiêng uống sữa trong một năm, nếu người cha chết, họ phải ngừng nhấm nháp sữa đông. Họ cũng không thể đi thăm bất cứ ngôi đền hoặc ăn mừng, tham dự bất kỳ lễ hội nào trong vòng một năm.
Sau một năm, người con trai quay lại dòng sông, thực hiện một buổi lễ cúng để tỏ lòng kính trọng cuối cùng với người chết và mời người thân đến tham dự, ăn uống. Kể từ sau ngày này, họ có thể mặc áo màu khác nhau và cuộc sống đi vào như bình thường, tuy nhiên, người góa phụ phải mặc một chiếc váy màu trắng cho đến khi cô chết.
Cuộc sống ở đền thiêng
Trời đã sẩm tối nhưng ngọn lửa từ những giàn hỏa thiêu vẫn mải cháy ngùn ngụt. Thật lạ là không có mùi khét của thịt người. Nhưng như thế cũng chẳng có nghĩa rằng sẽ có một mùi dễ chịu ở đây.
Tôi đảo mắt nhìn toàn bộ khung cảnh ở khu đền thiêng. Phía trên, những đoàn người đang kéo nhau nhảy nhót, khiêu vũ, đốt đèn để dâng cho chúa và các thần Hindu khác. Phía dưới, bò, quạ, khỉ, chó í ới gọi nhau kiếm tìm một vài mẩu thức ăn ở dòng sông. Cạnh bờ, một hai người phụ nữ đang đứng múc dòng nước thiêng dội lên đầu để mong trừ bệnh tật.
 Những vị thánh nhân tóc dài, không tắm rửa, thân hình sơn vẽ chờ khách du lịch lại chụp hình để kiếm tiền
Những vị thánh nhân tóc dài, không tắm rửa, thân hình sơn vẽ chờ khách du lịch lại chụp hình
để kiếm tiền
Phía xa xa, một người đàn ông đang làm buổi lễ cúng nhân dịp tròn một năm của người quá cố. Phía gần gần một người phụ nữ đang rửa chén, giặt áo tiếp tục cuộc mưu sinh. Ở đầu này, một người đàn ông buồn thương liệng tro cốt cùng mớ trang sức xuống sông tiễn người quá cố. Ở đầu kia một chàng thanh niên trẻ dùng thỏi nam châm và sợi dây cước vui mừng khi vớt được những đồng tiền và trang sức từ đáy sông. Ở chỗ mái nhà cao cao, một vài tiếng kinh vọng ra của những người đau đớn chờ chết.
Và ở đây, những vị khách du lịch như tôi, vẫn còn nán lại, để xem, để tò mò, để phán xét, để ngẫm nghĩ chuyện đời. 
Nơi trở về thiên đàng
Ở Nepal, người ta tin rằng, loài người khỏa thân đến với thế giới, vì vậy khi mất đi, họ cũng phải trần truồng đi ngược về thế giới.
Đó là lý do khi một người chết đi, cơ thể họ được khỏa thân hoàn toàn và chỉ che phủ bởi một tấm vải có màu trắng, cam, vàng hoặc đỏ. Màu trắng là tượng trưng cho những gì thuần khiết.
Màu cam, vàng tượng trưng cho sự đau buồn. Màu đỏ là màu của hạnh phúc, thánh thiện. Tùy vào từng cái chết mà gia đình sẽ chọn một màu vải thích hợp cho người quá cố. Nhưng những tấm vải liệm bắt buộc phải được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, dệt từ vỏ cây, nhuộm bằng màu tự nhiên chứ không sử dụng hóa chất công nghiệp.
Người ta cũng tin rằng, cơ thể con người được tạo nên từ 5 yếu tố: lửa, nước, đất, không khí và bầu trời. Vì vậy khi chết đi, họ cũng phải trả lại cơ thể mình cho 5 yếu tố đó. Đó là lý do người ta chọn cách hỏa táng. Đốt cháy thi thể bằng lửa nghĩa là trả họ về với lửa. Ném tro cốt xuống sông nghĩa là trả họ về với nước. Tro cốt một phần chìm xuống đáy sông nghĩa là về với đất. Khói bay lên khi hỏa táng nghĩa là trả lại cơ thể về với bầu trời, không khí.
Theo phong tục của người Hindu, lễ hỏa táng diễn ra trong vòng 24 giờ sau khi chết kể cả người thân có về tụ họp đầy đủ hay không. Lý tưởng nhất là hỏa táng được thực hiện trong vòng 12 giờ sau khi chết, hoặc ít nhất là vào hôm sau trước lúc mặt trời lặn nếu cái chết xảy ra vào cuối buổi chiều. Hỏa táng càng sớm thì người chết càng được lên thiên đàng sớm hơn và dễ tái sinh hơn.
Va Li(từ Nepal)

Không có nhận xét nào: