Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

(THVL) Rừng trong cuộc sống người Nhật


Nhìn vào bản đồ nước Nhật chụp từ vũ trụ, chúng ta dễ dàng nhận thấy màu xanh của rừng che phủ gần như toàn bộ diện tích của đất nước này. Khí hậu ôn đới, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để rừng phát triển mạnh mẽ. Phân nửa diện tích rừng của quốc gia này là rừng tự nhiên.
Tính đa dạng của rừng thể hiện rõ qua sự phân bố trải dài từ Bắc xuống Nam. Tùy theo khí hậu và thổ nhưỡng ở mỗi vùng miền mà rừng có những đặc điểm của nó. Ví dụ, tại Hokkaido, cực Bắc Nhật Bản, nhiệt độ trong năm luôn thấp hơn những nơi khác nên rừng ở đây chủ yếu là rừng thông và các cây thuộc họ lá kim.
Xuôi về miền Trung thuộc vùng Tohoku, cảnh sắc của rừng thay đổi theo mùa, vào mùa thu, những cánh rừng phong chuẩn bị thay lá, màu của lá phong nhuộm đỏ một góc trời.
Xuống đến cực Nam, khí hậu nóng của vùng đất này là môi trường sống lý tưởng của những khu rừng cận nhiệt đới. Ở đây cũng có cả những cánh rừng đước ngập mặn trải dài mút tầm mắt.
Khi nói về rừng của Nhật Bản sẽ là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua những cánh rừng nguyên sinh tại Di sản Tự nhiên Thế giới Yakushima. Những cây tuyết tùng cổ thụ khổng lồ từ lâu đã trở thành nét đặc trưng của di sản này. Tuổi thọ của chúng lên đến hàng ngàn năm và số lượng thì vẫn chưa được thống kê đầy đủ.
Khu rừng Yakushima
Cây tuyết tùng Jomon là một trong số những cây tuyết tùng lâu năm nhất ở Yakushima. Chiều cao của nó là 25,3 mét, chu vi thân cây ước tính 16,4 mét, tuổi thọ của cây cổ thụ này được xác định trên 2 ngàn năm.
Những cây tuyết tùng cổ thụ không chỉ là niềm kiêu hãnh của Yakushima mà còn là biểu tượng cho những di sản tự nhiên hiếm có của Nhật Bản. Nhờ nằm ở địa hình hiểm trở mà rừng tuyết tùng Yakushima được bảo tồn nguyên vẹn trong nhiều thế kỷ qua và giờ đây chúng là một phần di sản chung của nhân loại.
Hệ sinh thái rừng tự nhiên Satoyama tọa lạc gần nơi cư trú của con người. Từ lâu, những cánh rừng dạng này đã góp phần nuôi sống con người. Người ta khai thác gỗ trong rừng một cách chừng mực để đốt than làm nhiên liệu nấu nướng và sưởi ấm.
Tùy từng mùa trong năm, rừng ban phát cho con người vô số sản vật giá trị, từ quả óc chó đến những loại nấm quý. Rừng tự nhiên Satoyama còn là nơi cung cấp nguồn nước trong lành cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân địa phương.
Lượng gỗ khổng lồ từ các cánh rừng nhân tạo là nguồn cung dồi dào cho các ngành công nghiệp trong nước. 
Rừng nhân tạo ở Nhật thường là rừng gỗ sồi hoặc rừng bách, được quy hoạch và trồng theo hàng lối rất trật tự. Rừng nhân tạo sinh trưởng nhanh, phần lớn gỗ khai thác được sử dụng cho ngành xây dựng.
Ngoài những cánh rừng nhân tạo bạt ngàn, ở Nhật còn có loại rừng nhân tạo khác khá đặc biệt. Chúng được trồng ở những vùng có gió lớn để bảo vệ nhà dân khỏi những trận cuồng phong. Gọi là rừng nhưng thật ra đó là loại vườn cây gỗ lớn Yashikirin mà người dân trồng xung quanh nhà để chắn gió cũng như tạo không gian mát mẻ cho tư gia của họ. Cây trồng ở Yashikirin thường là sam, cành được cắt tỉa gọn gàng, chỉ chừa lại những cành ở gần ngọn. Mục đích của việc làm này là tạo cảnh quang thoáng đãng cho ngôi nhà nhưng vẫn không làm mất tác dụng che mát của tán cây. Không những thế, tán cây còn có vai trò giống như chiếc dù bảo vệ ngôi nhà trước những đợt gió hung hãn.
Cây trong vườn Yashikirin cũng trở nên hữu dụng ngay cả khi chúng bị gãy hay chết. Người ta xẻ những cây này để lấy gỗ làm vách nhà hoặc đóng đồ nội thất.
Cho dù là rừng tự nhiên hay rừng nhân tạo thì mối quan hệ giữa chúng với cuộc sống của người dân xứ sở này không thể tách rời nhau trong nhiều thế kỷ qua.
Đầu thế kỷ XVII, giai đoạn đầu của thời Edo, Nhật Bản nằm dưới sự cai quản của chính quyền Mạc Phủ. Lúc bấy giờ, việc xây dựng lâu đài và đô thị thương mại phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Nhu cầu về gỗ xây dựng không ngừng gia tăng, chính quyền các địa phương đua nhau khai thác gỗ trong những cánh rừng tự nhiên lâu năm. Tình trạng khai thác rừng quá mức đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, núi đồi không còn rừng che phủ trở nên trơ trọi, lũ và lỡ đất xảy ra thường xuyên trên khắp cả nước.
Nhận thấy được điều đó, chính quyền Mạc phủ và các địa phương đưa ra qui định vừa khai thác gỗ vừa kết hợp trồng rừng. Chính sách này được thực hiện một cách rất nghiêm khắc. Nhờ vậy mà những cánh rừng dần được khôi phục, môi trường không bị ảnh hưởng và nguồn cung gỗ cũng ổn định.
Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XX, một lần nữa hệ sinh thái rừng của Nhật Bản lại bị tổn thương, đó là vào giai đoạn diễn ra Chiến tranh Thế giới Thứ 2. Cây rừng bị đốn hạ hàng loạt để lấy gỗ đốt than làm nhiên liệu phục vụ cho chiến tranh. Màu xanh của rừng cũng theo đó mà biến mất khỏi các sườn núi.
Khi cuộc chiến đi qua, hòa bình lập lại trên đất nước hoa anh đào, bắt đầu từ năm 1952, Nhật hoàng phát động ngày lễ trồng cây gây rừng trên toàn quốc. Ngày lễ này hiện đã trở thành sự kiện quốc gia thường niên. Cuộc vận động được người dân hưởng ứng tích cực, kết quả là những cánh rừng xanh tốt lại xuất hiện và trải rộng khắp cả nước.
Sau chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển kinh tế bùng nổ, nhu cầu gỗ phục vụ cho công nghiệp và xây dựng trong nước tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu này, một mặt, chính phủ tăng cường chính sách trồng rừng trên diện rộng bên cạnh việc khai thác gỗ có quy hoạch. Mặt khác, họ đẩy mạnh nhập khẩu gỗ, đỉnh điểm là vào những năm 1960. Lượng gỗ nhập khẩu giá rẻ này đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nhiều hecta rừng, vốn được xem là tài sản của quốc gia.
Cuối thập niên 1970, ngành lâm nghiệp của Nhật Bản đối mặt với một khó khăn mới. Những vụ sạt lở lớn trên sườn núi do lũ lụt khiến hàng loạt vạt rừng bị phá hủy. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở những cánh rừng mới do con người trồng. Nguyên nhân được cho là điều kiện thổ nhưỡng khiến rễ cây không thể bám sâu trong lòng đất. Cho đến nay, rừng ở một vài địa phương vẫn còn gặp vấn đề này.
Nằm giữa những tòa nhà cao tầng và các khu thương mại sầm uất ở thủ đô Tokyo là một khu rừng có diện tích 700.000 mét vuông. Tọa lạc ngay trung tâm của khu rừng là ngôi đền Thần Đạo nổi tiếng Meiji Jingu thờ Nhật hoàng Minh Trị. Số lượng cây trong rừng ước tính khoảng 170.000, dáng vẻ của khu rừng này chẳng khác gì một khu rừng tự nhiên lâu năm. Nhưng thật ra, đây là kết quả của một dự án trồng rừng do con người thực hiện cách nay gần 1 thế kỷ. Dự án mang tầm cỡ quốc gia và được lên kế hoạch rất chi tiết, cây rừng được trồng theo sự tính toán tỉ mỉ để chúng có thể tự phát triển như một khu rừng tự nhiên.
Đền thần đạo Meiji Jingu nằm giữa một khu rừng nhân tạo ở Tokyo
Đền Meiji Jingu là ngôi đền linh thiêng, mỗi năm, trong mùa lễ hội từ tháng Giêng đến tháng 3, nơi đây đón tiếp khoảng 3 triệu lượt khách viếng đền. Meiji Jingu được đánh giá là một trong những ngôi đền có lượng khách hành hương đông nhất của Nhật Bản.
Đền Meiji Jingu được Nhật hoàng Minh Trị đề xuất xây dựng vào năm 1912. Kế hoạch trồng một khu rừng khổng lồ bao bọc lấy ngôi đền cũng được thông qua sau đó. Việc này xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng của người Nhật. Ở Nhật, đền thờ Thần Đạo luôn nằm trong rừng vì người dân cho rằng các vị thần cư ngụ trên ngọn cây, trong hòn đá…
Năm 1915, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp của Nhật Bản, trong đó có ông Seiroku Honda, đã hoàn tất bản kế hoạch chi tiết cho dự án trồng rừng quanh đền Meiji Jingu. Theo kế hoạch, khu rừng này sẽ phát triển theo 4 giai đoạn dựa vào sự sinh trưởng của những loại cây trồng khác nhau.
Rừng gồm 3 tầng với 3 loại cây, tầng thứ nhất là cây bản xứ có tốc độ tăng trưởng nhanh, chẳng hạn như cây thông; tầng thứ 2 là cây bách, tuyết tùng và tầng thứ 3 là cây lá rộng, xanh tươi quanh năm như sồi, long não. Giai đoạn 1 diễn ra trong 50 năm đầu, trong đó cây thông đóng vai trò chủ đạo, 50 năm tiếp theo là giai đoạn 2, lúc này thông phát triển chậm lại, nhường chỗ cho bách và tuyết tùng lớn lên. Giai đoạn 3 diễn ra vào khoảng 100 năm sau, khi đó, cây lá rộng sẽ phát triển rộng khắp. 150 năm kể từ khi dự án được triển khai cũng là giai đoạn cuối cùng, thông dần biến mất, lúc bấy giờ cây lá rộng đã phát triển hoàn hảo và sinh sôi giống như 1 khu rừng tự nhiên .
Dự án trồng rừng gần như huy động sức mạnh của toàn dân Nhật bản, có tổng cộng 110.000 lượt thanh niên tình nguyện tham gia trồng rừng và xây dựng đền. Hơn 100.000 cây do dân chúng cả nước đóng góp được đưa về Tokyo và trồng trong khu rừng nhân tạo này.
Năm 1920, việc xây dựng đền thờ Meiji Jingu và trồng rừng xung quanh đền hoàn tất. Hiện nay, sau gần 100 năm được trồng, khu rừng đang bước vào giai đoạn phát triển thứ 3. Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch. 
Ngoài ý nghĩa tôn giáo, mục đích ban đầu của dự án trồng rừng Meiji Jingu là giúp bảo vệ đền thờ trước sự tác động của sự không khí ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp. Trong nhiều năm qua, khu rừng đã phát huy tốt vai trò đó, giờ đây, nó được ví như lá phổi xanh khổng lồ của thủ đô Tokyo.
Lịch sử phát triển rừng của Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm, có lúc người Nhật tàn phá rừng để phục vụ cho lợi ích kinh tế nhưng may mắn là họ đã sớm nhận ra sai lầm và nhanh chóng sửa sai để ngày nay, màu xanh của rừng vẫn là màu chủ đạo tại quốc gia châu Á này.
Thanh Tâm


Không có nhận xét nào: