Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Cuộc sống ở nơi phụ nữ 'làm chồng'

Vùng cao nguyên ở Tây Sumatra, Indonesia được coi là thánh địa của nữ giới khi ở đây, phụ nữ mới là người nắm mọi quyền lực trong tay.

Vùng cao nguyên Tây Sumatra, Indonesia là nhà của các nhóm bộ tộc Minangkabau - nơi mà chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại, phụ nữ mới là người cai trị, quyết định mọi thứ còn đàn ông chỉ là khách trong nhà vợ.
Theo truyền thuyết, giữa thế kỷ 12, vua Maharajo Dirajo, người thành lập vương quốc Koto Batu, qua đời và để lại 3 người con trai còn thơ dại và 3 người vợ trẻ. Người vợ đầu tiên, Puti Indo Jalito, đã dạy dỗ những đứa trẻ và cai quản vương quốc, tạo tiền đề cho một xã hội mẫu hệ như ngày nay ở Tây Sumatra.
Ở đây, người dân theo trường phái duy linh, thờ các yếu tố thiên nhiên, Ấn Độ giáo và Phật giáo. Pawang là những người dùng tinh thần để chữa bệnh cho người dân, có khả năng dự đoán tương lai và giao tiếp với thế giới tâm linh.
Theo phong tục bản địa, chú rể sẽ tới nhà cô dâu sinh sống cùng cả gia đình vợ. Nhà cô dâu sẽ chuẩn bị của hồi môn cho đôi trẻ, và món quà này sẽ dựa trên trình độ học vấn và nghề nghiệp của chú rể.
Trong đám cưới, mọi người sẽ chơi nhạc cụ có tên là gandang tambua (một loại trống). Các cô gái sẽ nhảy múa để chào đón chú rể về nhà mới.
Các thành viên của nhà gái sẽ mang đồ hồi môn để hỏi chồng cho con.
Trong gia đình, người phụ nữ có quyền quyết định mọi thứ. Họ kiểm soát đất đai, tài sản và phân giải mọi tranh chấp cũng như đóng vai trò chính trong việc bàn bạc các cuộc hôn nhân. Nam giới kiếm tiền để chăm sóc và nuôi nấng con cái. Họ thường ra ngoài làm việc để kiếm tiền và thỉnh thoảng mới về nhà. Tất nhiên, họ cũng không có tiếng nói trong nhà về các vấn đề nội bộ.
Theo truyền thuyết, đức vua của đế quốc Majapahit ở Java tuyên chiến với những người Minangkabau. Người đứng đầu vùng đất Sumatra đã đề nghị mỗi bên cử ra một con trâu để tranh đấu, thay cho chiến tranh thực sự. Trâu của người Minagkabau chiến thắng. Do đó, cái tên Minangkabau được tạo bởi từ Minang (chiến thắng) và kabau (trâu nước). Đây cũng là lý do mái nhà và đồ để đội đầu của phụ nữ có hình dạng như một cái sừng trâu.
Ảnh: BBC.
Anh Minh



“Tây Lương Nữ Quốc” ở Indonesia

(Em đẹp) - Ở vùng đất của dân tộc mẫu hệ Minangkabau trên đảo phía Tây Sumatra, thế giới dường như đảo lộn, chúng ta đối chiếu vào đó để có cái nhìn thấu đáo hơn về hôn nhân và bình đẳng giới.
Bước qua thất bại gia đình, tôi ra đi cầu mong chút khuây khỏa bình yên cho cõi lòng hóa hoang mạc. Và những gì đang chờ đợi tôi là một tiểu vương quốc “mẫu hệ” dị biệt với phần còn lại của thế giới như Wonderland trong câu chuyện xa xưa của nàng Alice. Tôi mong đợi tìm thấy gì ở nơi chốn kia, ngoài một câu hỏi cho nửa cuộc đời đã vỡ tan trong phiên tòa li dị?

Thế giới lộn ngược

Cuộc chia ly của tôi xảy ra chỉ vì một lý do muôn đời mà đa phần những người phụ nữ sinh ra trên mảnh đất này tin rằng sẽ thay đổi được người chồng của mình sau khi cưới: Gia trưởng. Tôi tự hỏi, có một nơi nào đó trên thế giới, mà phụ nữ sẽ có thể là kẻ nắm quyền và bước lên trên nam giới. Và liệu ở nơi đó, gia đình của họ có hạnh phúc như tôi đã từng khẩn cầu với Thượng Đế trong những đêm dài đầy phiền muộn?

Khát khao đi tìm câu trả lời đã đưa tôi đến với “Tây Lương Nữ Quốc” của Đông Nam Á - dân tộc mẫu hệ Minangkabau trên đảo phía Tây Sumatra của Indonesia. Trên cái mảnh đất ngỡ như một câu chuyện hư cấu trong Tây Du Ký này, Việt Nam bỗng nhiên xa vời và lạ lùng quá đỗi. Mọi thứ quy tắc đều được buông bỏ, tôi để bản thân mình trở thành một tờ giấy trắng khao khát được đổ đầy mực.


Một cặp đôi Minangkabau trong ngày cưới, dù là bộ tộc “Mẫu hệ”, nhưng những người phụ nữ ở đây vẫn rất tràn đầy nữ tính. 
 (Nguồn ảnh: Opusmang)

Tôi đã có cơ hội tham dự một buổi tìm hiểu của hai gia đình đang có ý định trở thành thông gia. Dù đã được báo trước bởi gia đình nhà gái, nhưng gương mặt của tôi không thể ngừng thể hiện sự ngạc nhiên tột độ. “Lộn ngược thế giới” là cách duy nhất để tôi có thể miêu tả về trải nghiệm của mình. Mọi điều tôi biết và được nuôi dạy tại Việt Nam đều trở nên vô nghĩa trong xã hội Minangkabau. 


Những người phụ nữ mảnh mai, xinh đẹp như thế này lại là trụ cột chính trong gia đình.
 (Nguồn ảnh: Opusmang)

Minangkabau là một tộc theo chế độ “Mẫu hệ” - có nghĩa là phụ nữ sẽ là người làm chủ gia đình và thừa kế tài sản, còn đàn ông đảm nhiệm vai trò truyền giống. Khi cưới xin, nhà gái sẽ là người chủ động chọn lựa và họ đặt mối quan tâm về vấn đề gia thế, dòng máu, trí thông minh, ngoại hình của chàng trai lên hàng đầu vì “Đứa con sẽ chịu di truyền từ bố về phẩm hạnh, thể chất, trí thông minh nên chúng tôi cần phải chọn một chàng trai tốt cho con gái mình để truyền giống.” - Devi, nữ chủ nhân của gia đình nhà gái giải thích. Tương tự, nhà trai sẽ mong muốn người phụ nữ cưới con trai mình có tài chính tốt, sở hữu nhiều ruộng lúa. Sự kết hợp của cả hai sẽ cho ra đời những đứa trẻ vượt trội để giúp thanh thế của gia tộc ngày càng vươn xa. Trong buổi nói chuyện, thay vì chú trọng đến việc đôi trẻ có thực sự yêu nhau hay không, họ chỉ tập trung bàn luận về tài chính của nhà gái và chất lượng của chú rể.


Trong buổi ra mắt hai bên, các gia đình chỉ tập trung bàn luận về tài chính của nhà gái và chất lượng của chú rể.
 (Nguồn ảnh: Opusmang)

Chàng trai không chỉ phải “tốt giống” mà khi về nhà gái, chàng ta còn phải đem theo của hồi môn, trở thành một phần trong gia đình nhà gái với những đứa con ra đời sẽ được mang họ mẹ. Chính vì vậy, gia đình nhà gái sẽ phải đứng ra lo chi phí kết hôn và gửi quà tặng (vàng, gạo, tiền...) như một cách đền bù đến nhà trai. Giá trị quà tặng càng cao thì càng chứng tỏ “chất lượng” của hạt giống. Trong cuộc hôn nhân này, gia đình của Devi phải chuẩn bị khá nhiều quà tặng vì chú rể không chỉ đến từ một gia đình tốt, mà còn là người thông minh, tháo vát và có một gương mặt đẹp, cơ thể cân đối.


Rumah Gadang, hay còn gọi là Nhà Chính của tộc người Minangkabau
 (Nguồn ảnh: Opusmang)

Vai trò lãnh đạo của người vợ không chỉ thể hiện trong sự chủ động lựa chọn chú rể mà còn cả sau khi đã chính thức kết hôn, người chồng cũng không có quyền sống tại nhà chính cùng vợ của mình - gọi là "Rumah Gadang" trong ngôn ngữ Minangkabau - mà chỉ có thể lưu lại trong phòng của vợ họ ở nhà chính với tư cách là khách. Buổi tối, những người đàn ông đã lập gia đình phải ngủ tại gian nhà phụ. Còn những chàng trai chưa cưới vợ sẽ ngủ và sống tại những nhà cầu nguyện Hồi Giáo. Rumah Gadang là một biểu tượng mang tính nữ quyền của phụ nữ ở đây, là chốn thiêng liêng được chia sẻ bởi những người phụ nữ trong gia tộc mà đàn ông không có quyền xâm phạm. 

Cán cân bình đẳng 

Sau khi cưới nhau và sinh con, những ông bố nơi này không chỉ là người nuôi dạy những đứa trẻ và tìm kiếm người chồng thích hợp cho con gái mà họ còn được mong đợi sẽ chu cấp một phần tài chính, sức lao động cho gia đình bên cạnh mẹ. Họ đảm nhiệm một vai trò không khác phụ nữ Việt Nam thời hiện đại là mấy: Đảm việc nước, giỏi việc nhà. Và phụ nữ Việt Nam có mấy ai tự nguyện mang gánh nặng “siêu nhân” đó trên vai ngoài việc bị xã hội lắp khung vào?

Khi tôi tò mò hỏi Devi liệu đàn ông ở đây có quyền để quyết định một việc gì đó quan trọng hay không, cô lắc đầu quả quyết - “Nghĩa vụ của họ là đóng góp, nhưng họ không có quyền tham gia vào quyết định, đó là việc của phụ nữ”. Tôi chợt nhận ra, gia đình đổ vỡ của tôi chính là một tấm gương thu nhỏ đảo ngược của cái xã hội này. Liệu những người đàn ông ở nơi này, họ có hạnh phúc không? Họ có bao giờ, mong được vùng lên và đối xử với phụ nữ theo cách mà họ đang bị đối xử?


Những phụ nữ Minangkabau xinh đẹp trong một lễ hội
 (Nguồn ảnh: Opusmang)

Tôi làm một phép thử nho nhỏ bằng cách lân la bắt chuyện cùng người đàn ông mới cưới của gia đình Devi - Hatta. Tôi kể cho anh về đất nước của tôi, về nguồn gốc tổ tiên xa xưa và về một xã hội tồn tại những người điều hoàn toàn ngược lại nơi này. Và rồi, tôi nhìn anh, dứt khoát hỏi: “Anh có muốn sống ở một nơi như vậy không?”. Trái với dự đoán của tôi, chàng trai có nụ cười hiền và cặp kính cận chỉ nhìn tôi cười rất nhẹ nhàng - “Tôi muốn sống ở một nơi mà chúng tôi có thể cùng nhau xây dựng gia đình, cho dù là nuôi dạy con cái hay kiếm tiền, cả hai đều muốn và thích làm việc đó. Đây là nơi phụ nữ nắm quyền, nhưng không có nghĩa tôi và vợ không thể làm được điều đó.”. 

Một người đàn ông sinh ra ở nơi xa xôi tận cùng Indonesia, chưa từng bao giờ bước chân ra thế giới ngoài kia, không hiểu nghĩa của từ “Nữ quyền” và “Internet” nhưng lại có thể khiến cho tôi nhớ điều mà mình đã quên mất từ rất lâu: Sự bình đẳng nhất thiết phải đến từ 2 phía. Chúng ta đã luôn tin rằng, đấu tranh cho bình đẳng giới tính là một sự lệch cân về phía phụ nữ, mà quên mất ngay cả người nam cũng có quyền được hưởng những điều đó. Chúng ta kêu gào đòi bình đẳng, nhưng chúng ta lại định nghĩa những nghĩa vụ sẻ chia lên giới tính đối nghịch như một chiếc thòng lọng thắt vào cổ họ hơn là một thứ quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng trong cuộc đời làm chồng, làm cha. Chăm sóc con cái, làm việc nhà, nấu ăn... tất cả những điều để xây dựng một gia đình không phải là nghĩa vụ, nó là quyền lợi, cũng giống như phụ nữ đấu tranh để được đi làm và đóng góp kinh tế gia đình cùng với chồng.


Nếu không hợp nhau, gia đình Minangkabau có thể ly dị
 (Nguồn ảnh: Opusmang)

Chuyện gì sẽ xảy ra cho một gia đình Minangkabau nếu họ cảm thấy không hợp nhau? “Chúng tôi sẽ ly dị.” - Lia, cô gái trẻ nhất trong gia đình giải thích với tôi đầy thản nhiên. Cô dừng tay giặt quần áo rồi nhìn tôi nói thật chậm rãi: “Theo luật Hồi giáo, chúng tôi được phép ly dị.”. Hồi giáo - tôn giáo mà trong suy nghĩ của tôi, người nam giữ vai trò độc tôn và phụ nữ chỉ sống lặng lẽ như những chiếc bóng. Bằng một cách kì diệu nào đó, Hồi giáo đã đến Minangkabau, tồn tại song song cùng với những hệ thống niềm tin, chuẩn mực của một xã hội mẫu hệ và trở thành tôn giáo chính của 90% dân số nơi này.

Và điều khiến cho mặc cảm của một kẻ thất bại trong hôn nhân như tôi tan biến là khi Lia tiết lộ: “Ở đây, ly dị khá phổ biến, người ta li dị vì không hạnh phúc và vì phụ nữ độc lập kinh tế. Một phần nguyên nhân nữa là vì đàn ông thường đi làm ăn phương xa để tìm kiếm sự giàu có và trọng vọng.” Một xã hội Hồi giáo, nơi phụ nữ có thể quyết định việc mình muốn hạnh phúc hay không thì tại sao, tôi, một người phụ nữ hiện đại  lại cần phải mang một gánh nặng mặc cảm đầy đau khổ chỉ vì một lần chọn sai trong đời? Tôi đã có quyền lựa chọn cho mình kết thúc thì cũng có quyền mở ra cho mình một khởi đầu mới. 

Ngày bắt chuyến xe cuối cùng để rời miền quê hẻo lánh, tôi cầm bàn tay của Lia, cô nắm trọn tay tôi, khẽ lắc nhẹ cổ tay, dặn tôi phải sống thật hạnh phúc. Tôi không nói tạm biệt, vì tôi biết Minangkabau vẫn ở đó, nằm yên ắng một góc trong tim tôi, tràn trề thứ nhựa sống mãnh liệt. Hãy đến Minangkabau và nghe những câu chuyện của họ, nếu bạn muốn lộn ngược thế giới của mình lại, như tôi đã từng.

Tống Trần

Vùng đất lạ nơi người đàn ông không có tiếng nói trong gia đình

(Dân trí) - Người Minangkabau sống ở Indonesia hiện vẫn duy trì cộng đồng mẫu hệ lớn nhất thế giới. Tại đây, người phụ nữ làm chủ cuộc sống trong gia đình, còn người đàn ông thường đi làm xa và hầu hết không có tiếng nói.

Được cai quản bởi những người phụ nữ bản địa đến từ vùng cao nguyên tây Sumatra Indonesia là nhóm dân tộc Minangkabau hiện vẫn duy trì xã hội mẫu hệ lớn nhất thế giới.
Theo truyền thuyết kể lại, vào giữa thế kỷ 12, Vua Maharajo Dirajo thành lập nên Vương quốc Koto Batu sau khi băng hà, để lại 3 người con của 3 người vợ. Hoàng hậu Puti Indo Jalito, người vợ đầu tiên, đảm nhiệm vai trò chăm sóc cả 3 đứa trẻ và vương quốc, là người đặt nền móng của một xã hội mẫu hệ sau này.
Trong cấu trúc xã hội phức tạp, mọi tài sản từ ruộng vườn, nhà cửa trở thành quyền thừa kế của người con gái. Mỗi gia đình người Minangkabau khi có phụ nữ mang thai đều được cầu chúc bé gái. Con gái trong gia đình sẽ là người thừa kế tài sản, lấy theo họ mẹ. Trong khi đó, người đàn ông được coi như khách trong nhà.
Đám cưới truyền thống của người Minangkabau
Đám cưới truyền thống của người Minangkabau
Khác với nền văn hóa Hồi giáo truyền thống, đàn ông người Minangkabau sẽ về “ở rể” tại nhà vợ và sống cùng gia đình bên vợ. Dựa theo trình độ học vấn và nghề nghiệp chú rể, gia đình cô dâu sẽ quyết định các món của hồi môn để chú rể mang theo.
Đám cưới của người Minangkabau không chỉ là nghi thức, còn là nghĩa vụ tôn giáo. Đám cưới được gọi là “nikah” thực hiện theo đúng nghi thức Hồi giáo. Chú rể sẽ được chào đón bằng âm thanh của tiếng trống và cồng chiêng. Sau đó, gia đình cô dâu sẽ mặc trang phục truyền thống, mang tiền, quà cưới tới tặng gia đình chú rể.
Những người đàn ông người Minangkabau
Những người đàn ông người Minangkabau
Cuộc sống hôn nhân mang lại những đặc quyền cho người phụ nữ Minangkabau. Họ đứng đầu gia đình, kiểm soát đất đai ruộng vườn, giải quyết mọi tranh chấp, bàn việc hôn sự và tiến hành các nghi thức. Ngược lại, người đàn ông có nhiệm vụ tạo ra nguồn thu nhập, trang trải các khoản phí và nuôi dạy con cái. Nhiều người rời quê hương đi làm xa. Khi về nhà, họ không có tiếng nói trong gia đình, không có quyền bàn luận mọi chuyện.
Chế độ mẫu hệ được dự báo tan rã từ lâu, nhưng cộng đồng người Minangkabau vẫn níu giữ những truyền thống của riêng mình và vượt qua những thách thức của thời gian.
Hoàng Hà
Theo BBC/WK

Không có nhận xét nào: