Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Ái Nhĩ Lan kỳ bí


Quốc đảo mang tên ‘ngọc lục bảo’

Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Bài 1: Quốc đảo mang tên ‘ngọc lục bảo’
(PL)- Đây là nơi có trụ sở của hầu hết công ty công nghệ lớn nhất thế giới, là nơi sản xuất ra những dược phẩm hàng đầu châu Âu, sản sinh ra rất nhiều giải Nobel văn chương lẫn hòa bình. Hơn thế nữa, họ còn đóng luôn cái tàu huyền thoại của loài người: tàu Titanic…

Ireland, hay Ailen, hay Ái Nhĩ Lan đều là tên gọi chung của một đất nước kỳ bí phủ đầy màu xanh nên gọi là “emerald - ngọc lục bảo”. Họ có vỏn vẹn 4,5 triệu dân, tức là chưa bằng một nửa Sài Gòn.
Tiếng vó ngựa nửa đêm
Tôi nằm im trong một căn phòng nhỏ, nhỏ đến mức tưởng khó mà cựa người được của mô hình B&B - viết tắt của “bed and breakfast - giường ngủ và bữa sáng” - một mô hình kinh doanh đang rất phát đạt dành cho dân du lịch kết hợp công việc chỉ có nhu cầu một chỗ ngả lưng qua đêm, một nhà vệ sinh sạch, riêng tư và một bữa sáng đủ dinh dưỡng. Đó là con phố Stephen Green, một trong những con phố đắt tiền nhất ngay trung tâm của thủ đô Dublin.
Tôi cố gắng nhớ lại mình đã phải giải thích bao nhiêu lần với những người xung quanh về xứ sở mà mình đang hiện diện: “Ireland, đọc là Ai rờ len, không phải là Iceland - cái kia đọc là Ai xờ len. À, người xưa phiên âm là Ái Nhĩ Lan”. Đảo quốc phía tây của châu Âu gần kề nước Anh này vẫn còn là điều gì đó rất xa xôi với hầu hết người xung quanh, mà cũng kể cả chính tôi, nếu không phải một cơ duyên lạ lùng ném một đứa nông dân ở Hội An đến đây. Tất cả chỉ vì lời đồn: “Nền nông nghiệp organic sạch nhất thế giới. Từ đất sạch, cỏ sạch, bò sạch, người nuôi hạnh phúc và sản phẩm ngon nhất thế giới. Quan trọng hơn, triết lý nông nghiệp của Ireland là giá bán luôn cao gấp ba lần các sản phẩm khác trên thế giới”.
Tôi nằm im, mệt nhoài sau hai chuyến bay dài dằng dặc. Đang là giờ mùa hè nên Ireland đi sau Việt Nam sáu giờ đồng hồ. Phía nhà mình đã là bảy giờ sáng thì bên này đang còn trống điểm canh một. À, không có trống điểm canh, chỉ có tiếng vó ngựa chạy lọc cọc, lọc cọc trên đường pha thêm tiếng cười nói của nhóm thanh niên đi chơi khuya, không tan mất trong cái lạnh se se mà luẩn quẩn, thôi thúc bước ra phố để tìm xem vì sao một quốc gia có thu nhập đầu người hạng nhì thế giới lại vẫn có xe ngựa…
Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Bài 1: Quốc đảo mang tên ‘ngọc lục bảo’ - ảnh 1

Thư viện của Trường ĐH Trinity, một điểm tham quan độc đáo và là nơi truyền cảm hứng đọc sách cho người dân Ireland: 300 năm tuổi với 200.000 cuốn sách cổ. Ảnh: T.NGUYÊN
Truyền thuyết những lá cờ
Phố đêm chỉ còn những cửa hàng ăn nhanh, những cửa hàng tiện lợi và các quán bar là mở cửa. Đang mùa bóng đá nên cờ Ireland được treo ở mọi nơi. Thấy tôi đứng nhìn lá cờ, một anh bạn to đùng như con gấu vui vẻ bắt chuyện: “Cờ Ireland đấy, các chàng trai màu xanh của chúng ta mới vừa thắng Ý để vào vòng 1/8 ở Euro Cup đấy. Cùng chúc mừng nào…”. Sau này, hỏi thăm một ông giáo sư đại học mới hiểu rằng một trong những điểm mạnh nhất của người Ireland là sự thân thiện và không bao giờ có tình trạng phân biệt đối xử với người nước ngoài, dù là ở đâu đến. Bởi thế, khi cầm trên tay một ly bia đen truyền thống, cuộc trò chuyện trở nên rôm rả hơn hẳn. Anh kể: “Thấy lá cờ không: Màu xanh là dành cho cộng đồng người Ireland theo chủ nghĩa nông nghiệp xanh, bảo vệ hình ảnh hòn đảo màu “ngọc lục bảo” của mình. Màu cam là dành cho những người thân Anh quốc, thích những điều mới mẻ về công nghiệp. Hai bên hồi xưa căng với nhau lắm nhưng nhờ có nhóm người màu trắng dung hòa ở giữa nên mới hòa thuận với nhau trở lại, tạo thành lá cờ của Ireland”.
Vui chuyện, anh lại chỉ lá cờ bảy sắc cầu vồng đang treo ở quán bar đối diện: “Biết cây cờ đó không? Cờ của cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới LGBT đó. Ireland là nước theo Thiên Chúa giáo rất ngoan đạo, không ly hôn, không phá thai nên luôn có dân số trẻ nhất châu Âu. Vậy mà khi trưng cầu dân ý thì chúng tôi lại ủng hộ hôn nhân đồng giới đấy. Phe chủ trương ủng hộ còn có cả bà cựu tổng thống vì bà ấy có con đồng giới mà…”. Xong anh bạn xòe tay đếm từng món tài sản của xứ mình: Lao động trẻ, trường học xịn, nhiều công ty nước ngoài, nhà ai cũng có trang trại rộng, tự do kết hôn và bia thì rất ngon nên ai cũng hạnh phúc.
Hôm sau, vô tình đi ngang, chẳng thấy anh bạn vui tính này đâu nữa. 10 giờ đêm mà trời vẫn sáng trưng nên ngày có vẻ dài hơn, công việc có vẻ làm được nhiều hơn. Lối về khách sạn ngang qua công viên có bức tượng nhà văn nổi danh James Joyce đeo cái cà vạt của ĐH Trinity (đặt theo tên Ba ngôi Thiên Chúa). Đây là trường học nằm trong tốp tốt nhất của thế giới, trở thành niềm tự hào của người Ireland và mỗi đứa trẻ luôn được truyền cảm hứng bởi những hoạt động ngoại khóa của con nít trong không gian trường đại học này…
Xứ sở vô lo
Một trong những điều kỳ lạ nhất ở Ireland là có đến bốn mùa trong vòng mười phút: Trời có thể mưa bất cứ lúc nào nhưng rồi cũng có thể nắng ngay lập tức sau đó chỉ một phút, bất kể thời gian nào trong năm. Người ta lý giải rằng luồng khí nóng chạy từ vịnh Mexico xa xôi, vượt Đại Tây Dương đổ bộ vào châu Âu lục địa thì điểm đến đầu tiên là Ireland nên cứ mưa nắng thất thường như vậy. Bù lại cho việc này là tổng lượng mưa trong năm của Ireland nhiều hơn bất kỳ vùng đất nông nghiệp nào trên thế giới, lên đến hơn chín tháng trong năm. “Và những con bò của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ phải ăn cỏ khô vì lúc nào cũng có cỏ tươi để phục vụ chúng nó” - David, chàng trai bán thịt bò của Cơ quan xúc tiến thương mại Ireland, cho biết.
Thế nhưng bò không phải là nhóm duy nhất hưởng lợi từ việc mưa nắng thất thường này, nó cũng hình thành nên tâm tính của người Ireland: sự vô lo. Câu cửa miệng của mọi người là “kệ nó, lát nữa sẽ khác, không đoán trước được đâu”. Bởi vậy họ chẳng vui khi thấy nắng mà cũng chẳng buồn khi thấy mưa vì chỉ loáng một cái chớp mắt, mọi sự đều có thể thay đổi. Cứ vậy mà người dân xứ này ung dung tự tại trước mọi diễn biến của cuộc sống…
Tiến sĩ Harman Murtagh,  nhà Ireland học, cười: “Tôi hơn 66 tuổi rồi nên được miễn toàn bộ phí giao thông công cộng. Và có lẽ chính quyền cũng đã bao cấp cho đời sống người Ireland hơi nhiều chút nên đến tối ra phố, bạn sẽ thấy họ nhậu dữ lắm…”. Quả vậy, đường phố ngã về sáng của Dublin luôn dập dìu tài tử giai nhân, các quán bar thì chật kín người nhưng chẳng có ai say xỉn vì mỗi người đến mua một ly bia và… ôm ấp ly bia cả buổi tối để làm vật trang trí cho một hoạt động xã hội mà thôi…
Con ngựa… chảnh nhất thế giới
350.000 euro tức là bao nhiêu tiền Việt? À, hơn 8 tỉ đồng. Đó là số tiền mà chủ của một con ngựa cái phải trả nếu muốn thực hiện việc lai giống với con ngựa số một Ireland mà cũng là số một thế giới: Chàng Galileo.
Galileo là một trong những con ngựa hiếm hoi nhất có hẳn một trang tiểu sử trên Wikipedia. Ở đó, “vận động viên” đua ngựa đường dài cao 1,64 m này ghi dấu với hai lĩnh vực nổi bật: Sáu lần vô địch những giải đua ngựa danh giá nhất thế giới và nhiều lần “phối giống ăn tiền” với mức phí kỷ lục. Nhưng đúng là tiền nào của nấy, khi mà những đứa con được thừa hưởng bộ gen đua ngựa của Galileo cũng đã liên tục giành chức vô địch của các cuộc đua sau này khi bố của chúng… về hưu. Nhưng điểm chán nhất của chàng kỵ mã này là nó quá… bình thường về mặt hình dáng bên ngoài, nhìn chẳng khác các con ngựa cho phối giống “miễn phí” nào ngoài phố cả

 (PL)- Khi mà lần lượt các công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Apple, Google hay Facebook đều chọn Ireland làm trụ sở toàn vùng châu Âu thì thiên hạ nhào vô xỉa xói: “Trốn thuế thôi mà”. Người Ái Nhĩ Lan mỉm cười và chứng minh bằng sự thịnh vượng đáng hâm mộ của mình…


Diễm, trưởng nhóm khởi nghiệp mang tên “Giun quế” của ĐH Đà Nẵng, nhắn tin: “Tuần sau em cũng sang Ireland ở một tháng trong vườn ươm doanh nghiệp của Học viện CIT...”. Kèm theo đó là khá nhiều thắc mắc của cô quán quân cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên mang tênStartup Runway. Trong đó, ẩn sau trong nhiều nỗi lo lắng là sự hoài nghi: Vì sao Ireland thu hút được các công ty công nghệ lớn của thế giới đến “đóng đô”? 
Công thức “bánh mì kẹp thịt” Ireland và Hà Lan
Cứ gõ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào cụm từ “Ireland và thuế” sẽ ra một số lượng khổng lồ các tranh luận, báo cáo nghiên cứu, tổ chức chống đối… Trong đó, nổi bật và kinh điển nhất là công thức “bánh mì kẹp thịt” Ireland và Hà Lan. Nói nôm na, đó là phương thức mà nhiều doanh nghiệp có thể áp dụng để giảm bớt số thuế phải đóng nếu mở hai công ty ở Ireland, một công ty ở Hà Lan. Cái bánh mì kẹp gồm hai công ty Ireland và lát “thịt Hà Lan” ở giữa với hàng loạt hiệp ước chống đánh thuế hai lần, nguyên tắc không đánh thuế các doanh nghiệp hoạt động ở nước ngoài… và hàng loạt biện pháp nghiệp vụ phức tạp vô ngần mà chỉ có những tay chơi kiệt xuất ngành tài chính và pháp lý mới thực hiện nổi. Họ bán bản quyền sở hữu trí tuệ, thu phí sử dụng các sản phẩm, chia cổ phần rồi chuyển tiền lòng vòng chóng mặt muốn xỉu luôn.
Nhưng nói lòng vòng gì thì nói, thuế ở Ireland đúng là… thấp. Đóng đầy đủ thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng dừng ở mức 12,5% - chưa bằng một nửa nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã la làng về việc này, cho rằng như vậy là… cạnh tranh không lành mạnh khi thu hút đầu tư nước ngoài quá tốt!
Người Ireland không mấy quan tâm đến chuyện này. Vì họ biết một thực tế khác: Những doanh nghiệp hàng đầu thế giới này chọn Ireland để đặt trụ sở và tạo ra vô vàn những việc làm tốt nhất thế giới. “Nếu họ chỉ vì mớ tiền thuế thì chẳng cần mở công ty to đến vậy. Hãy xem số lượng nhân viên của Google, Facebook hay Apple đang làm việc ở Ireland rồi hãy kết luận rằng họ cần gì ở đất nước chúng tôi” - Brendan, một sinh viên kinh tế vô tình gặp ở quán bia, nói hết sức thoải mái. Tối đó, anh cẩn thận gửi đường dẫn các bài báo quốc tế minh chứng cho quan điểm của mình. “Với lại toàn ông to bà lớn hết mà, cả thế giới canh chừng mỗi chuyển động của họ, đâu phải muốn né thuế là né đâu…” - anh nói với theo… 
Mở email thấy Brendan cẩn thận ghi rõ tóm tắt nội dung các bài báo của Reuters, Washington Post hay AFP… để nói về chuyện các đại gia nhà giàu đều chạy qua Ireland “đòi người”. “Xứ Ailen chịu khó sản xuất em bé nhất trên toàn châu Âu nên tụi tao trẻ và giỏi, và làm được việc lắm!”. Anh chàng ký tên: “Người quen ở quán bia”.
Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Bài 2: Từ ‘hầm tránh thuế’ đến triết lý quán bia - ảnh 1
Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Bài 2: Từ ‘hầm tránh thuế’ đến triết lý quán bia - ảnh 2
Một góc của “Học viện Google” - một trong những tòa nhà đẹp nhất Dublin - Ireland. Ảnh: Tr.N
Văn hóa nhậu và nhậu… văn hóa
Nếu như đọc email của Brendan để hiểu về cách người Ireland đáp trả với những trêu chọc về thuế má thì câu chào “từ quán bia” làm giật mình khi nhớ lại tất cả dặn dò trước khi đến xứ sở này: Chưa đến quán bia kiểu Ái Nhĩ Lan thì là chưa đến xứ này. Ái chà chà, mấy hôm trước vội vàng quá, chỉ kịp thấy bia ngon, trời lạnh và mặt trời 10 giờ đêm vẫn sáng trưng, cần phải “chỉnh đốn” lại.
Và ngay lập tức chúng tôi bị... không cho vào quán bia vì hai lỗi: Không mặc quần dài và không mang giày. Cũng may khách sạn ở gần, có thể quay lại “chỉnh đốn”. Xong cũng hơi lo, không biết quán bia lừng danh với thương hiệu quốc gia Irish pub còn có thêm quy định kỳ quặc nào khác nữa không. Và Google mách nước: Quán bia được xem là một ngôi nhà mở của mọi người gặp gỡ nhau sau giờ làm việc. Qua nhiều năm, người Ái Nhĩ Lan tin rằng nếu không đến quán bia sẽ không nắm bắt được các mối quan hệ, tạo dựng các nền tảng học thức cao cũng như gắn kết với cộng đồng. Bởi lẽ đó, mỗi một Irish pub được đầu tư rất cẩn thận: Đa phần là làm bằng gỗ, ghế thì phải bọc da thật với những cái đinh tán thật to. Tường và trần nhà đều treo tranh cổ hoặc các bức vẽ vui nhộn. Ngôn ngữ cổ của Ireland gọi rượu whisky là “nước của sự sống” nhưng hầu như bây giờ vào quán bia đều là uống đủ loại bia tươi...
“Quán bia cuối phố chừng nào đóng cửa? - Có lẽ cuối tháng 9” - đó là một trong những câu trò chuyện hài hước để nói về khả năng mở cửa đến vô tận của các quán bia xứ này. Một ông già có thể vào quán, kêu một ly bia nhỏ và đọc hết tờ báo. Một giáo sư đại học mặc nguyên bộ vest trang trọng, ngồi khuất sau cầu thang để đọc sách. Một nhóm bạn thì vắt vẻo trên lan can tán dóc. Nhạc không quá lớn, người không quá ồn và ai cũng có đủ không gian riêng cho mình. Thỉnh thoảng ban nhạc đến hát, luôn bắt đầu bằng tiếng kèn buồn man mác như đoạn mở đầu bài nhạc của phim Titanic - chuyến tàu bi thương mà người Ireland đã tạo ra.
Một buổi chiều ở Học viện CIT, TP Cork, bắt gặp một tờ rơi thông báo buổi sinh hoạt về toán học hiện đại chuẩn bị diễn ra ở quán bia cổ nhất Ireland, thấy... mê liền. Truyền thuyết kể rằng đây là quán bia đã hơn 900 tuổi và được sách kỷ lục Guinness công nhận là cổ nhất thế giới. Nhưng mà anh bạn người Anh đi cùng thì nói nhỏ: Đừng tin, cái cuốn sách kỷ lục thế giới này cũng do ông chủ hiệu bia Guinness của Ireland tạo ra mà...
Hệ sinh thái nhà giàu 
Khái niệm được nhắc đến nhiều nhất hiện nay trên thế giới đang là “hệ sinh thái”. Hãy đào một cái ao, mưa xuống sẽ đầy nước. Rồi cá sẽ tự dưng ở đâu xuất hiện, kéo theo các loài rong, tảo và cua, ốc cũng tuần tự đến điểm danh. Con này tựa vào con kia mà sống, cây này nhờ có cây kia mà nên, tạo thành một vòng tròn khép kín.
Và Ireland, một cách nào đó đã thành công trong việc “đào cái ao” để những công ty giàu nhất thế giới đến, trụ lại. Mọi thứ còn lại sẽ tự tìm đến… 
Năm 2009, Facebook chọn Ireland làm đại bản doanh quốc tế của mình. Bắt đầu bằng một văn phòng nhỏ ở thủ đô Dublin và 30 nhân viên, đến nay họ đã có 1.000 nhân viên. Quan trọng hơn, Facebook giống như một thỏi nam châm, “hút” một lượng lớn các công ty công nghệ cao xúm lại, hình thành nên cộng đồng công nghệ Dublin.
Google vừa chi thêm 150 triệu euro (gần 4.000 tỉ đồng tiền Việt) cho việc xây dựng trung tâm dữ liệu mới ở Ireland. Hiện nay tập đoàn thông tin lớn nhất thế giới này đang sử dụng 3.000 lao động trực tiếp và khoảng 3.000 lao động gián tiếp cho mớ tài sản đã đầu tư trị giá 750 triệu euro của họ ở Ireland.
Còn Apple vẫn đang giữ kỷ lục về số nhân sự khi đang có 4.000 người thì tổng giám đốc toàn cầu chạy sang TP Cork thông báo tuyển thêm 1.000 lao động nữa cho chiến lược phát triển dài hạn tại Ireland

Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Bài 3: Con nuôi Việt Nam ở IrelandCon nuôi Việt Nam ở Ireland

Làm mọi cách để đứa con được học tiếng Việt, được thường xuyên trở về Việt Nam và được sống cùng một cộng đồng Việt Nam. Cách làm này khác rất nhiều so với hầu hết mô hình con nuôi thường gặp, khi mà chẳng mấy người muốn giữ gìn văn hóa bản xứ của đứa con nuôi kỹ càng đến vậy…
Một trong những nỗi niềm của người lữ khách xa quê là… thèm nước mắm và ớt tươi. Nên dù ẩm thực Ireland khá “ngầu” vì nguồn nguyên vật liệu dồi dào, cuối cùng chúng tôi cũng phải tìm đến nhà hàng Việt Nam. Ở đó có câu chuyện ít ai biết về “cơm có thịt” và… con nuôi Việt Nam.
Cơm có… nhiều thịt
Temple Bar là tên một khu phố cổ nằm bên cạnh dòng sông trung tâm của Dublin. Đây cũng là trung tâm giải trí lớn nhất thủ đô Ireland. Quán bar nối tiếp quán bar, cửa hàng đồ lưu niệm to đùng vật vã và bất cứ góc phố nào cũng có các ban nhạc đang biểu diễn. Và ngay khu vực sầm uất này, có một nhà hàng Việt đầu tiên được mở ra: Nhà hàng Phở Ta.
Bước vào Phở Ta, thấy rất đông khách châu Âu đang ngồi quanh những chiếc bàn cao, tiếng hát Lệ Quyên phát ra có phần cũ kỹ trong một không gian ngập mùi... nước mắm. Hít một hơi thật sâu thứ hương vị quê nhà này trong lồng ngực, chợt thấy tỉnh táo hẳn.
Quán đông. Phục vụ chủ lực là một cô gái trẻ, đang là sinh viên thạc sĩ ngành tài chính rất thân thiện với khách. Cô xoay vòng với những tô phở to đùng, những đĩa cơm cũng to đùng và những cái gỏi cuốn cũng to đùng. Rồi cô dọn bàn, thu lại những đồng tiền “tip”, lấy mấy đồng xu bỏ vào chiếc hộp trên quầy. Tò mò đến xem, thì ra đó là hộp quyên góp cho phong trào “Cơm có thịt tại Ireland”.
Lần theo thông tin ghi trên hộp thì bắt được chàng trai đang phụ trách chương trình. “Em tên là Thắng, Bùi Vĩnh Thắng, hiện đang theo học thạc sĩ tại Trường UCD Smurfit và là đại sứ của Cơm có thịt Ireland (CCTI). CCTI là một phần của mạng lưới CCT toàn cầu với hơn 22 nước trên toàn thế giới. CCTI được nhóm sinh viên du học lên ý tưởng và thành lập từ năm 2012 với mục tiêu là gây quỹ từ thiện của cộng đồng người Việt cũng như bạn bè quốc tế tại Ireland để giúp đỡ các trẻ em nghèo tại Việt Nam có được bữa cơm tới trường. Đứng đầu CCT các nước là một đại sứ CCT, có nhiệm kỳ một năm theo thời gian học của các bạn sinh viên ở Ireland”.
Thắng nói giọng Nghệ An, hơi béo và lúc nào cũng cười tít mắt. Facebook của anh chàng toàn bàn chuyện… làm gì để có thêm quỹ cho Cơm có thịt để gửi về Việt Nam cho các em nhỏ vùng cao. Thắng định giá một bữa cơm tử tế và có nhiều thịt, có đủ dinh dưỡng chỉ có 50 xu tiền euro và chọn thông điệp tiếng Anh là “Cơm không thì chưa đủ” (cho trẻ con phát triển). Những cái “làm gì” của Thắng thì cũng rất ghê, toàn mang màu sắc nổi loạn của tuổi trẻ: nhảy cầu quay, chụp ảnh phong cách kỳ quái… nhưng lần nào Thắng cũng… thắng cược và lại có thêm những bữa ăn gửi về quê.
Thắng rủ rê: “Cuối tuần đi một vòng hơn 20 cửa hàng của người Việt tại Ireland để thu hộp từ thiện không? Sau đó chúng ta có thể ghé thăm lớp dạy tiếng Việt cho con nuôi. À, hoạt động kiếm tiền tốt nhất của CCTI lại là đi dạy tiếng Việt, vì có đến 500 gia đình Ireland có con nuôi Việt Nam”.
Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Bài 3: Con nuôi Việt Nam ở Ireland - ảnh 1
Một cuộc gặp gỡ các con nuôi Việt Nam tại Dublin, Ireland. Ảnh tư liệu 
Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Bài 3: Con nuôi Việt Nam ở Ireland - ảnh 2
Mẹ con nhà Úna đi nhiều, đặc biệt là đi khắp Việt Nam, tới những vùng ít ai tới, ăn những món ăn ít người ăn và kể lại trên nhật ký hành trình được gần một nửa dân số Ireland theo dõi. Trong ảnh: Úna Minh và mẹ ở Sa Pa.
Con nuôi kiểu… khác
Hóa ra đảo quốc xa tít và nhỏ xíu mang tên Ái Nhĩ Lan lại là quốc gia đầu tiên ký kết với Việt Nam các hiệp định về con nuôi nhân đạo đầy đủ nhất. Trong những gia đình có con nuôi Việt Nam, có lẽ nổi tiếng nhất là mẹ con của Úna Minh - một người đi du lịch kể chuyện đang nằm trong danh sách đề cử “Blog du lịch số 1 Ireland 2016”. Úna là cô gái sinh năm 1991, đến Ireland khi mới ba tuổi và sống cùng người mẹ mới của mình là cô giáo thích đi dạy học thiện nguyện khắp nơi. Úna tốt nghiệp trường báo chí và lập một trang blog với cái tên rất ngầu: beforemymamdies.com (tạm dịch: trước khi mẹ tôi chết đi). Cô giải thích: “Văn hóa Việt Nam hay Ireland cũng đều tránh né những từ liên quan tới chết chóc. Nhưng tại sao phải tránh? Thường thì ai cũng tưởng mẹ tôi đang sắp chết, nhiều người gửi thư thăm hỏi động viên lắm. Nhưng mà không phải. Trang blog này là để kể tất cả những gì mà mẹ con chúng tôi đã cùng nhau trải nghiệm trong những chuyến du hành, trước khi chúng tôi chết đi. Tất cả chỉ vì một lý do quan trọng: Chúng ta chẳng thể biết bao giờ mình chết, nên hãy tận hưởng mỗi ngày được sống bên cạnh nhau thay vì ám ảnh bởi nỗi sợ hãi bị chia xa…”.
Mẹ con nhà Úna đi nhiều, đặc biệt là đi khắp Việt Nam, tới những vùng ít ai tới, ăn những món ăn ít người ăn và kể lại trên nhật ký hành trình được gần một nửa dân số Ireland theo dõi. Điều đặc biệt là Úna chưa bao giờ quên mình là người Việt Nam, dẫu tiếng Việt của cô không tốt như những em nhỏ sau này. Và mẹ cô cũng hay nhắc đến điều này một cách đầy tự hào về nguồn gốc của con gái mình…
Một chuyện khác cũng có phần tương tự là nữ nghệ sĩ Orla Ryan - một trong những giám tuyển hàng đầu của Ireland cũng có một cô con gái người Việt. Kể từ khi nhận nuôi con gái, Orla qua lại Việt Nam gần như mỗi năm để con mình không bị quên quê hương. Thông qua những chuyến đi này, Orla cũng mang nhiều tác phẩm mỹ thuật đương đại của Ireland sang Việt Nam trình diễn và tìm thấy nhiều nghệ sĩ, tác phẩm của Việt Nam để giới thiệu cùng bạn bè châu Âu… Cô bảo có một đứa con gái người Việt là điều rất tuyệt vời trong cuộc sống của mình…
Giọng nói quyến rũ nhất thế giới
Một khảo sát quốc tế của tổ chức OnePoll vừa công bố kết quả bình chọn của 5.000 phụ nữ đủ mọi quốc tịch về mức độ “sexy” của giọng nói. Theo đó thì giọng Ái Nhĩ Lan được cho là có sức quyến rũ mạnh mẽ nhất. “Phụ nữ yêu bằng tai” quả là đúng trong trường hợp này, khi mà hầu hết người tham gia khảo sát đều chia sẻ việc họ yêu thích một người, đồng ý đi ăn tối hay đi dạo phần nhiều là do giọng nói tác động.
Cuộc bình chọn hằng năm kể từ năm 2009 cho thấy sự quyến rũ của chất giọng Pháp ngày càng đi xuống. Danh sách top 10 theo thứ tự của năm 2016 là: Ireland, Ý, Scotland, Pháp, Úc, Anh, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Welsh và Mỹ nằm ở vị trí cuối.

Làm giàu xoàng xĩnh kiểu Ái Nhĩ Lan

Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Kỳ cuối: Làm giàu xoàng xĩnh kiểu Ái Nhĩ Lan
(PL)- Hầu như các dự án nổi bật trong khởi nghiệp của Ireland đều… xoàng xĩnh và thô mộc, không có những ý tưởng thay đổi thế giới, tạo ra doanh nghiệp tỉ đôla như ở Mỹ, Israel hay… Việt Nam.

“Có ai ở Ireland mà không phải là gốc gác nông dân đâu nên lúc nào chúng tôi cũng quan tâm đến nông nghiệp, đến những sản phẩm tạo nên sức mạnh của nền kinh tế Ireland là sữa và thịt. Tôi cho rằng được làm một người nông dân là rất đáng tự hào” - bà Cáit Moran, đại sứ Ireland tại Việt Nam, ngồi giữa một cánh đồng thơm ngát lúa non, kể câu chuyện về xứ sở kỳ bí của mình...
Từ triết lý nuôi bò...
Người ta gọi Ireland là “hòn đảo ngọc lục bảo” vì lúc nào cũng phủ một lớp cỏ xanh rì, kèm thêm những bụi cỏ ba lá (như lá me đất) đặc trưng của xứ này. Hưởng một thứ khí hậu đầy độ ẩm của Đại Tây Dương thổi vào nên mỗi năm Ireland có đến chín tháng cỏ tươi roi rói. Điều này làm cho lượng cỏ tươi mà các con bò Ireland được ăn luôn dài ngày nhất thế giới so với lượng cỏ khô. Kéo theo đó là chất lượng sữa, thịt cũng tươi mới hơn. Do đó, cứ tưởng nông nghiệp là một thứ tự nhiên ở Ireland như hít thở khí trời nhưng hóa ra không phải.
Bà Cáit Moran kể những năm 1950, đất nước này không chú trọng nông nghiệp. Vì thế toàn bộ thanh niên Ireland đi khắp nơi để tìm việc làm. “Lúc đó, thứ mà chúng tôi xuất khẩu nhiều nhất chính là nhân công lao động. Người trẻ đi khắp châu Âu, sang đến Mỹ để làm việc. Làng mạc, cánh đồng và nông thôn chỉ còn những người già cô đơn ngồi mòn mỏi ngóng trông...”. 
Rồi thì nhà nước cũng kịp nhận ra sự đáng sợ của việc bỏ bê nông nghiệp. Chính quyền tiến hành hàng loạt chính sách truyền thông cũng như hỗ trợ để từng bước gầy dựng lại nền nông nghiệp: Thành lập viện nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ, các trường đào tạo nông dân, các đơn vị tư vấn kinh doanh cho nông dân... “Có ba nơi trên thế giới này phụ thuộc vào thương mại thế giới là Singapore, Hong Kong và Ireland. Bởi vậy nếu nền kinh tế thế giới hắt hơi sổ mũi thì chúng tôi cũng chịu trận đầu tiên. Bởi vậy tạo ra một nền nông nghiệp nội địa chính là đảm bảo cho sự an tâm của cả nước” - một đại diện của Cơ quan lương thực Ireland giải thích về việc nhà nước đổ rất nhiều kinh phí cho nông nghiệp. “Tôi thấy có một điều tự hào hơn là nông nghiệp Ireland được cấu thành bởi các trang trại gia đình và luôn giữ ở quy mô nhỏ này. Chúng tôi không có những tập đoàn nông nghiệp khổng lồ vì nông nghiệp Ireland chỉ cần những hộ nông dân là đủ!” - bà đại sứ nói thêm.
Để minh chứng cho việc này, chúng tôi được ghé thăm gia đình ông bà Richard Fitzgerald ở Mitcheltown. Hai vợ chồng vừa tròn 50 tuổi này sở hữu một trang trại rộng 32 ha và 65 con bò sữa. Stuart Childs, chuyên gia tư vấn chính phủ đang làm việc tại nông trại này, cho biết: “Đây là quy mô phổ biến nhất của các trang trại ở Ireland. Nó đảm bảo việc đất và cỏ đầy đủ cho việc nuôi thả toàn bộ số bò, cũng như không quá đông bò để một hộ gia đình có thể hoàn tất các công tác chăm sóc và vắt sữa”. Chàng tiến sĩ mới ngoài 30 tuổi này được văn phòng Teagasc, Cơ quan Phát triển nông nghiệp và thực phẩm Ireland, trả một nửa kinh phí, nửa còn lại do gia đình nông dân chi trả nhằm đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng của sữa, của bò, của cỏ cũng như chuyện bảo quản, phân phối và tài chính của trang trại này. “Toàn bộ nền nông nghiệp Ireland chọn triết lý tập trung tối đa vào nông nghiệp tự nhiên để có chất lượng xanh nhất. Do đó hầu như năng suất chỉ bằng một nửa bình quân của thế giới. Nhưng bù lại, chúng tôi có thể bán được mức giá cao gấp ba vì sữa hay thịt của Ireland đều được định vị là số một thế giới” - Stuart cho biết.
Đứng trò chuyện với vợ chồng chủ nhà cùng với anh cố vấn, đàn bò tò mò nhích tới từ từ, bao vây cả nhóm. Vợ ông Richard đưa tay vuốt ve một con bò, nói: “Con này tên là Lili, quậy phá nhất đàn”.
Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Kỳ cuối: Làm giàu xoàng xĩnh kiểu Ái Nhĩ Lan - ảnh 1

 Ái Nhĩ Lan kỳ bí - Kỳ cuối: Làm giàu xoàng xĩnh kiểu Ái Nhĩ Lan - ảnh 2
Vợ chồng chủ trang trại Richard Fitzgerald và những con bò tò mò có gắn chip trên tai. Ảnh: T.NGUYÊN
... Đến nghệ thuật khởi nghiệp
Bà Orla Flynn, Phó Hiệu trưởng Học viện Kỹ thuật Cork (CIT), bay một chuyến bay dài từ TP lớn thứ nhì Ireland sang Đà Nẵng để chấm thi cuộc thi Khởi nghiệp Startup Runway của sinh viên miền Trung. Giải nhất là một tháng học tập tại trung tâm ươm tạo doanh nghiệp của CIT. Họp ban giám khảo trước giờ thi, bà nói: “Tôi chỉ hơi lo lắng là nếu đội thắng giải không nằm trong lĩnh vực mà đất nước chúng tôi có nhiều kinh nghiệm thì hơi tiếc...”. Đến khi ba cô gái của ĐH Đà Nẵng với dự án nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ con giun quế được giải nhất, mọi người thoáng chút lo lắng, không biết xứ Ireland xa xôi và giàu có kia thì con giun quế có phát triển được không. Bà Orla chẳng nói gì, chỉ đưa phiếu điểm của mình, cũng vẫn chọn những con giun quế là đội vô địch.
CIT có quá chừng các trường thành viên, kể cả trung tâm huấn luyện hải quân quốc gia cũng nằm trong CIT vì Cork từng là cảng biển lớn nhất khu vực. Nhưng điểm nhấn của CIT trong vài năm nay lại chính là trung tâm Rubicon, trung tâm nghiên cứu và khởi nghiệp. Cấu trúc của Rubicon được thể hiện một cách trực quan thông qua kiến trúc của hai tòa nhà: Một bên là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, bên còn lại là chỗ của những ai muốn khởi nghiệp. Ở giữa là một mảnh vườn xanh với nhiều ghế và khoảng không để cư dân của hai tòa nhà dễ dàng “va vào nhau” để có thể hợp tác.
Đang đi trong vườn thì gặp Frank Fleming, một chàng trai có dáng vẻ rất thể thao. Người dẫn đường ở Rubicon cười: “Không còn là chàng trai đâu, anh ấy 53 tuổi rồi. Là chủ của ứng dụng đánh cá tên là Marine đấy!”. Chà, như vậy thì Frank nhìn trẻ hơn tuổi nhiều. Hỏi chuyện mới hay anh có 30 năm làm nghề đánh cá chuyên nghiệp ở các vùng biển khác nhau trên Đại Tây Dương. Chỉ mới một năm gần đây, trong một dịp tình cờ, anh quyết định… khởi nghiệp. Mà cả đời có biết gì ngoài việc đánh cá nên công chuyện khởi nghiệp của Frank chính là thứ mà anh giỏi nhất. Đó là xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động dành cho người đánh cá: Có thể ghi nhận loại cá, trọng lượng, khu vực biển thay cho các sổ ghi nhận thông thường. Có thêm định vị không gian tạo ra mã vạch cho các loại cá nên sau đó có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm… “Tôi muốn các anh em đánh cá của tôi ở Ireland có thể làm việc hiệu quả hơn. Tôi cũng chưa tính đến việc mở rộng toàn cầu vì chỉ cần mọi người đánh cá ở đây sử dụng thì đã đủ việc cho đội ngũ công ty tôi làm liên tục rồi” - Frank chia sẻ.
Những đơn vị đã tương đối hoàn tất sản phẩm và có nhiều nhân sự như Marine thì sẽ được bố trí làm việc trong những không gian riêng. Còn những bạn trẻ thì sẽ ngồi chung với nhau để có thể tương tác về ý tưởng, hỗ trợ nhau những mảng mà người này rành hơn người kia. Căn phòng chung này cũng là nơi mà nhóm giun quế từ Việt Nam sang sẽ tham gia. Ở đó, đủ quốc tịch, đủ thành phần khởi nghiệp. Có bạn đang làm dự án phiên chợ nông sản, có bạn cung cấp giải pháp tìm việc cho người vô gia cư, có bạn lại làm kính thực tế ảo… Mọi người rủ xuống dưới nhà xem sản phẩm được bình chọn là độc đáo của ngày hôm nay. Người ấy là Donal Lynes, chàng trai đang học thạc sĩ ở CIT, con lớn trong một gia đình giàu có sở hữu đến 200 con bò sữa. Donal từ nhỏ gắn với công việc trong trang trại nên sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí thì quyết định đầu tư nghiên cứu một cái máy lên men cỏ khô cho bò ăn. Sau hơn một năm, với sự hỗ trợ của rất nhiều phòng nghiên cứu, đơn vị chế tạo máy…, Donal đã làm ra cái máy và đang đăng ký bảo hộ bản quyền. “Cái máy đầu tiên này sẽ là quà tặng cho cha mẹ tôi. Họ sẽ rất vui vì con trai mình đã tạo ra một cái máy kỳ lạ như thế này” - anh nói đầy tự hào. Các giảng viên của Rubicon và CIT cũng có vẻ rất tự hào về một cái máy thực dụng và hiệu quả đã được tạo ra.
Không có những ý tưởng tạo ra doanh nghiệp tỉ đôla như… Việt Nam
Chợt nhớ đến những câu chuyện khác nhau về khởi nghiệp ở Ái Nhĩ Lan đã từng được nghe, là chuyện một nhóm tạo ra công ty chuyên sản xuất dưa muối, một đội làm ra món rong biển sấy giòn, một công ty khác làm sơn tường chống bám bẩn… Hầu như các dự án nổi bật trong khởi nghiệp của Ireland đều… xoàng xĩnh và thô mộc, không có những ý tưởng thay đổi thế giới, tạo ra doanh nghiệp tỉ đôla như ở Mỹ, Israel hay… Việt Nam. Goerge Bulman, Giám đốc điều hành của Rubicon, nói: “Chúng tôi quan tâm đến một thế hệ các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, tạo ra nhiều việc làm và doanh số tốt. Những yếu tố mang tính đột phá thì cũng rất được khuyến khích nhưng yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của khởi nghiệp Ireland vẫn là tạo ra việc làm”.
Bởi cái cách nghĩ về khởi nghiệp kỳ lạ như vậy nên người ta mới… giàu, bởi mọi công sức được dành cho những gì thực tế nhất, tạo ra một đội ngũ nhiều doanh nghiệp bền vững nhất. Đó mới chính là sức mạnh của một nền kinh tế.
TRẦN NGUYÊN 

Không có nhận xét nào: