Cung điện Gió Mùa, hay cung điện Sajjan Garh theo tiếng địa phương là một khu nghỉ tráng lệ nằm trên đỉnh đồi ở thành phố Udaipur, Rajasthan, Ấn Độ, nhìn ra hồ Pichola. Cung điện nổi tiếng với khung cảnh hồ nước trong veo, những tòa nhà sừng sững, cầu kỳ và cảnh quan đồng quê quanh đó.
Cung điện được xây dựng từ thời Mewar (1874 – 1884), dưới vương triều của vua Mewar. Các kiến trúc sư dựng cung điện Gió Mùa với ý tưởng tạo nên một địa điểm để ngắm những đám mây bao phủ bầu trời khi gió mùa kéo đến Ấn Độ.
Cung điện được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng, nằm trên đỉnh Bansdara của ngọn đồi Aravalli, có độ cao 944 mét so với mặt nước biển, nhìn xuống hồ Pichola trong veo, phẳng lặng. Ngoài mục đích để làm đài ngắm mây, cung điện còn là một kiểu “resort” của các thành viên trong hoàng gia vào mùa săn bắn.
Mỗi ngọn tháp trong cung điện lại có một đài quan sát trên đỉnh. Cả cung điện bao quanh một sân lớn ở trung tâm, có cầu thang dẫn lối lên nhiều phòng và sảnh khác nhau. Mỗi cây cột lớn bằng đá cẩm thạch lại được chạm khắc cầu kỳ với các họa tiết hoa và lá, đặc trưng cho nền văn hóa Ấn Độ.
Về đêm, những người trông coi cung điện sẽ thắp đèn sáng tại các nhà nguyện, đài phun nước bên trong, tạo cho cung điện Gió Mùa một vẻ đẹp thần tiên lung linh huyền ảo.
Ngày nay, cung điện nằm trong khuôn viên của vườn quốc gia Ấn Độ, nơi sở hữu một hệ động thực vật vô cùng phong phú. Đến với khu cung điện, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một kiệt tác kiến trúc hoàng gia mà có thể tham gia vào các tour cưỡi voi, săn hổ trong rừng sâu hay đơn giản là tản bộ ngắm cảnh làng quê thanh bình quanh khu vực.
Cung điện Gió Mùa được cả thế giới biết đến sau khi trở thành phim trường cho bộ phim lừng danhOctopussy, một phần trong series phim của chàng điệp viên điển trai James Bond. Trong phim cung điện được coi là nơi ở của một hoàng tử Afghanistan và một cô gái có biệt danh bí ẩn: Octopussy (bạch tuộc nhỏ). Kiến trúc độc đáo, tỉ mỉ; là một trong những địa danh nổi tiếng trong phim. Tất cả đã khiến cung điện Gió Mùa trở thành một trong những điểm đến được yêu thích nhất của du khách khi tới đất nước Phật Giáo này.
(Theo Kiến trúc VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét