Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

3 món ăn không thể thiếu của người Indonesia

TTO - Trong bữa ăn của người Indonesia, từ vùng biển đảo đến núi non hay đồng bằng không thể nào thiếu ba món ăn kèm: món nước sốt chấm sambal, bánh phồng krupuk và món bánh làm bằng đậu nành và bột gạo qua dạng lên men tempeh.
Sambal
Sambal - món nước sốt luôn có trong bữa ăn của người Indonesia - Ảnh: H.L.Đ.H 
Nếu bữa ăn của người Việt không thể thiếu chén nước mắm thì bữa ăn người Indonesia không thể thiếu đĩa sambal. Sambal là món nước xốt chấm ăn kèm, có xuất xứ từ Indonesia và Malaysia, nhưng ngày nay lại được dùng phổ biến trong các bữa ăn của người dân Indonesia hơn. Người dân Indonesia thích ăn cay nên sambal là lựa chọn số 1 cho những bữa ăn của họ. Và “nhân vật chính” trong món này chính là ớt đỏ tươi.
Có 300 loại sambal khác nhau. Từ sambal cá nướng, cá chiên, cá khô cho đến cả sambal từ gà, bò. Nhưng phổ biến và dễ làm nhất là loại sambal java. Cách thức làm cũng không quá cầu kỳ. Ớt đỏ, tỏi, gừng, cà chua được chiên sơ, mắm tôm khô được đem hơ trên lửa cho mềm. Tán nhuyễn tất cả thành phần trên lại với nhau, nêm thêm chút muối, đường, nước cốt chanh là hoàn tất.
Vị mặn mà của mắm tôm, chua chua của chanh và cà, thơm nồng của tỏi, vị cay cay của ớt, gừng tất cả quyện lại thì không còn gì bằng. Chỉ cần chén nước mắm ngon tôi đã chén sạch tô cơm thì chỉ cần đĩa sambal như thế nồi cơm hai lon chắc cũng không còn.
Nhiều vùng món sambal làm cay đến rát lưỡi, nóng bừng cả cơ thể, làm người ăn như muốn bay lên khỏi mặt đất. Rachmad hớn hở bảo sambal phải cay xè như thế để không chỉ chống lại cái lạnh ban đêm mà cả cái rét từ bên trong cơ thể của những đợt sốt rét kinh người.
Đây không chỉ là món truyền thống đặc trưng cho nét văn hóa ẩm thực của Indonesia. Nó còn lưu giữ một điều thầm kín từ xưa là chỉ những người con gái lớn trong nhà mới được mẹ truyền lại cho cách làm sambal này. Tất nhiên không phải ai làm cũng ngon. Kiểu như nước mắm của mình không phải ai ướp cá, ủ và chiết đều ra mùi vị ngon như nhau, mà phải phụ thuộc vào hơi tay người ướp cá.
Tôi thì nghĩ sambal đơn giản hơn, bởi để làm nhuyễn sambal thì tay phải khỏe để nghiền nát mọi thứ. Vì thế mà những chị lớn tay khỏe thường được mẹ dạy làm món này hơn.
Bánh phồng krupuk
Bánh phồng krupuk - Ảnh: H.L.Đ.H
Đừng tưởng món này chỉ để “dụ” mấy em nhỏ. Ngay cả người lớn Indonesia cũng khoái bánh phồng krupuk cực kỳ. Ở Indonesia, krupuk khá da dạng. Bánh làm từ khoai, sắn cho đến cả tôm, cá, mực. Thậm chí còn có loại krupuk làm từ da bò, da gà phơi khô.
Vì món ăn phổ biến nên dễ dàng tìm bánh phồng krupuk ở bất kỳ đâu. Từ chợ, siêu thị lớn đến cả những quán tạp hóa nhỏ xíu. Từ loại đã được chiên sẵn cho đến hàng khô đóng gói.
Bánh phồng krupuk không trắng như bánh phồng tôm của mình. Nhưng cắn một miếng sẽ thấy bánh giòn rụm, vừa xốp vừa béo ngậy, vừa mằn mặn lại thơm mùi vị hải sản, cảm giác khác lạ không giống bánh phồng tôm. Béo bùi, mặn mà hấp dẫn. Do đó ăn bất kể món gì mà thiếu đi miếng krupuk cũng là một thiếu sót.
Tempeh
Tempeh - Ảnh: H.L.Đ.H
Là món bánh làm bằng đậu nành và bột gạo qua dạng lên men, xuất hiện ở đây từ những năm 1815. Rất phổ biến và nổi tiếng tại Indonesia, được bán trên thị trường dưới hình thức tươi hay đông lạnh. Những bánh này thường thường được chiên giòn và có màu xám đậm.
Quy trình làm tempeh được bắt đầu bằng việc sử dụng đậu nành, ngâm nước, sau đó đem luộc chín, cho lên men trong 24-36 giờ ở nhiệt độ khoảng 30°C. Để thành các bánh tempeh dài, mỗi khi ăn người ta cắt ra từng lát mỏng và chiên lên.
Có điều nhiều người sẽ e dè khi ăn món này chính là tình trạng mốc của những miếng tempeh. Thế nhưng với người dân ở đây, tempeh lên men mốc khi ăn sẽ ngon hơn vì đạt đủ độ chín. Mùi vị ăn sẽ béo, bùi và có chút vị khai khai đặc trưng.
Tempeh ngày nay cũng được biến đổi theo khẩu vị của người phương Tây như Tempeh Burgers, Tempeh với xà lách và cà chua sandwiches… Tempeh chứa 19% protein đậu nành, có nhiều chất xơ và ít chất béo hơn đậu hũ và sữa đậu nành. Vì thế mà món ăn này luôn được sử dụng hằng ngày.
Không phải là món ăn chính nhưng bữa cơm người Indonesia nếu thiếu đi chút cay cay của sambal, chút giòn giòn của krupuk, chút béo béo của tempeh thì thật nhạt nhẽo. Bởi trong béo có cay, trong mằn mặn có giòn giòn, tất cả quyện lại tạo thành một bữa ăn thơm - béo - bùi - cay - ngon thật khó tả.
HUỲNH LÊ ĐỨC HỢP

Không có nhận xét nào: