TTCT - Tất tả hết nhảy xe buýt, tàu lửa đến đón xe quá giang... tôi từ Trung Á sang Tân Cương, lội ngược lên phía bắc Trung Hoa, vội vàng sang Mông Cổ vì sợ những cơn gió thu muộn khô lạnh sẽ làm khô úa thảo nguyên xanh mơ, sợ giá băng sẽ làm chùn chân kẻ lãng du lười nhác...
Lũ gia súc thong dong nơi những mục trường còn xanh cỏ |
Dù đã nhuốm chút vàng phai giữa mênh mang xanh, thảo nguyên Mông Cổ vẫn trong trẻo đẹp đến lạ lùng.
Ngỡ ngàng vẻ đẹp cổ kính
Dừng bước ở thủ đô Ulaanbaatar (còn gọi là Ulan Bator) nhỏ nhắn, tôi ngất ngây với thiền viện Gandan rạng rỡ, rồi đi tiếp sang cố đô Kharkhorin chiêm ngưỡng Erdene Zuu xưa cổ, thiền viện Phật giáo đầu tiên trên đất nước của Đại Hãn. Tôi ngỡ ngàng khi chiêm bái Gandan, cứ ngỡ mình vừa về lại vùng đất của các chư thiên.
Thiền viện lớn nhất thủ đô với kiến trúc Tây Tạng này được xây dựng lần đầu năm 1809, qua nhiều lần trùng tu vẫn còn giữ được vài ngôi đền nguyên thủy đã hơn 200 năm tuổi, đẹp rạng ngời trong sắc thu xanh thảo nguyên.
Đến cố đô Kharkhorin của những Đại Hãn, tôi mới hết ngạc nhiên về kiến trúc Tây Tạng của Gandan. Vì thiền viện cổ xưa nhất Mông Cổ, “già” hơn Gandan hơn hai thế kỷ tuổi tác, Erdene Zuu, xây dựng từ năm 1586 cũng mang những kiến trúc chùa chiền Tây Tạng không thể lẫn vào đâu.
Ngày xưa đó, vó ngựa trường chinh của những Đại Hãn đã đến, đã chinh phục Thổ Phồn (Tây Tạng ngày trước), nhưng ngược lại Phật giáo Tây Tạng cũng đã chinh phục trái tim của những chiến binh, để những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được các vị Đại Hãn cho xây dựng giữa kinh thành Kharkhorin hoa lệ ngày nào.
Giờ, giữa mênh mông hoang vắng, Erdene Zuu có phần hoang phế hơn Gandan lộng lẫy, nhưng chính nét phiêu bạc hoang sơ giữa gió bụi thảo nguyên lại tôn lên nét riêng thâm trầm cổ kính của những đền chùa đã gần nửa thiên niên kỷ tuổi tác này.
Ngôi chùa Gandan mang dáng dấp Tây Tạng, giữa thu xanh Ulaanbaatar - Ảnh: Trần Thái Hoãn
|
Xem thiên nhiên vẽ tranh
Tôi rời Ulaanbaatar, gió lạnh đã về, có đôi lúc thoáng đỏng đảnh xám xịt mây, nhưng ngày vẫn nhiều nắng vàng ngọt, bầu trời vẫn thăm thẳm xanh. Con đường thoáng chốc bỏ xa phố thị đi vào thảo nguyên.
Hơn một tuần ở Mông Cổ, lần đầu tiên trên con đường nắng rực vàng lên miền bắc, tôi mới thật sự “thấy” những gì của thảo nguyên, được xem trong phim ảnh và trong tưởng tượng trước đây. Ngỡ ngàng, chỉ có thể thốt lên như vậy. Bầu trời mùa thu Mông Cổ trong vắt, xanh ngời ngợi.
Nhiều đồng cỏ đã vàng hừng hực trong nắng gió, đó đây vẫn còn những đồng cỏ xanh ngắt chen giữa, thiên nhiên đang phối màu. Rồi những rừng thông xanh mướt, mượt mà rải rác trên đường dài thăm thẳm, điểm tô cho đồng cỏ, núi đồi thêm duyên. Thấp thoáng đó đây, những túp lều du mục trăng trắng, tròn xinh như tô vẽ thêm, sợ thảo nguyên chưa đủ đẹp.
Và đây, cảnh tượng mà tôi vẫn mong, vẫn đợi từ những ngày tròn xoe mắt xem phim ảnh, sách báo... Những đàn gia súc, mà tôi nghĩ rằng đã rời bỏ thảo nguyên để về miền ấm áp, vẫn thong dong từng đàn, từng đàn thênh thang... Theo sau là những chú chó thảo nguyên nhặng xị phụ giúp các chàng mục đồng thúc giục những chú cừu tham ăn bỏ bạn, những cụ bò yak khệnh khạng bước chậm, tách đàn...
Rồi nữa, những chàng kỵ sĩ hiên ngang trên đàn ngựa phi nhanh giữa cát bụi mịt mờ, đuổi theo nhau trên đồng xanh, dưới trời xanh... Thảo nguyên Mông Cổ xinh đẹp, những bức tranh rực rỡ như trong mơ cứ dần qua...
Phút nghỉ ngơi của những chàng mục đồng trên thảo nguyên |
Khác với Việt Nam, thông, tùng ở đây cũng chuyển màu khi thu về - Ảnh: Trần Thái Hoãn
|
Đồng cỏ đã vàng nhưng lũ thông tùng ở miệt dưới này vẫn còn xanh biếc. |
Nghỉ chân giữa đồng cỏ cùng các chàng mục đồng, bên đàn bò yak đang đủng đỉnh gặm những đám cỏ chớm vàng nhưng vẫn còn mướt mát, chúng tôi chan hòa trao tay những ly vodka Chingis Khan nồng nàn cháy cổ, giúp chống chọi những cơn gió lạnh thảo nguyên và để cuộc chuyện trò thêm sôi nổi.
Đây là chuyến đi cuối cùng trong mùa của các bạn. Các bạn đang lùa gia súc từ miền bắc, từ những thảo nguyên đã nuôi nấng đàn gia súc cả mùa hè ấm áp vừa qua về gần với thôn làng, nơi có những chỗ ấm áp để che chở cho lũ thú non còn yếu ớt.
Họ hắt vodka lên trời, xuống đất để cầu mong thần mặt trời năm nay đừng quá giá lạnh như ba năm về trước (dù người Mông Cổ phần lớn theo đạo Phật, nhưng họ vẫn tôn thờ các vị thần khác trong trời đất và việc hắt rượu lên trời, xuống đất là để mời các thần linh nằm trong những tập tục đó).
Những ly Chingis Khan phóng khoáng cứ được chuyền cho nhau giữa những cái bắt tay, choàng vai thân thiện, giữa những lời hỏi thăm chuyện gia đình, quê hương, bạn bè, những lời hứa sẽ đến thăm nhà, thăm làng, thăm xóm... Những chia sẻ hỏi han về quê hương, gia đình... cứ tưởng như đang gặp những người bạn thân bao ngày xa cách.
Ngoái lại nhìn đàn gia súc và đám bụi đang mờ xa, thầm hẹn sẽ quay lại miền thảo nguyên trong trẻo, khoáng đạt và những người bạn chân chất nơi đây.
TRẦN THÁI HOÃN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét